Theo quy định của pháp luật, người lái xe không được chở người vượt quá số người theo quy định. Vậy số người được chở quá trên xe ô tô mà không bị xử phạt được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Số người được chở quá trên xe ô tô mà không bị xử phạt?
1.1. Quy định về chở số người trên xe ô tô:
Điều 68 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định vận tải hành khách bằng xe ô tô, Điều này quy định người vận tải, người lái xe khách phải chấp hành các quy định sau đây:
– Đón, trả hành khách đúng nơi quy định;
– Không chở hành khách trên mui, trong khoang chở hành lý hoặc để hành khách đu, bám bên ngoài xe;
– Không chở hàng nguy hiểm, hàng có mùi hôi thối hoặc động vật, hàng hóa khác mà có ảnh hưởng đến sức khỏe của hành khách;
– Không chở hành khách, hành lý, hàng hóa vượt quá trọng tải, số người theo quy định;
– Không để hàng hóa trong khoang chở hành khách; có biện pháp giữ gìn vệ sinh trong xe.
Như vậy, đối với vận tải hành khách bằng xe ô tô thì người vận tải, người lái xe khách không được chở hành khách vượt quá số người theo quy định.
1.2. Trường hợp vượt số người được chở quá trên xe ô tô mà không bị xử phạt?
Như đã phân tích ở mục trên, đối với vận tải hành khách bằng xe ô tô thì người vận tải, người lái xe khách không được chở hành khách vượt quá số người theo quy định. Nếu người vận tải, người lái xe chở hành khách vượt quá số người quy định thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 2 Điều 23
Tại khoản 4 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định mà được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng với những người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km mà thực hiện hành vi vi phạm: Chở quá từ 02 người trở lên ở trên xe đến 9 chỗ, chở quá từ 03 người trở lên ở trên xe 10 chỗ đến xe 15 chỗ, chở quá từ 04 người trở lên ở trên xe 16 chỗ đến xe 30 chỗ, chở quá từ 05 người trở lên ở trên xe trên 30 chỗ.
Như vậy, qua các quy định trên, có thể khẳng định rằng số người được chở quá trên xe ô tô mà không bị xử phạt, bao gồm:
– Xe ô tô đến 9 chỗ: số người được chở quá trên xe ô tô mà không bị xử phạt là 01 người.
– Xe ô tô 10 chỗ đến xe 15 chỗ: số người được chở quá trên xe ô tô mà không bị xử phạt là 02 người.
– Xe ô tô 16 chỗ đến xe 30 chỗ: số người được chở quá trên xe ô tô mà không bị xử phạt là 03 người.
– Xe trên 30 chỗ: số người được chở quá trên xe ô tô mà không bị xử phạt là 04 người.
2. Số tiền xử phạt khi chở quá số người trên xe ô tô:
Theo quy định của pháp luật đã nêu ở mục trên, số tiền xử phạt khi chở quá số người trên xe ô tô được quy định như sau:
– Đối với với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly lớn hơn 300 km: bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng trên mỗi người vượt quá quy định mà được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng:
+ Xe ô tô đến 9 chỗ: chở quá từ 02 người trở lên.
+ Xe ô tô 10 chỗ đến xe 15 chỗ: chở quá từ 03 người trở lên.
+ Xe ô tô 16 chỗ đến xe 30 chỗ: chở quá từ 04 người trở lên.
+ Xe trên 30 chỗ: chở quá từ 05 người trở lên.
– Đối với với người điều khiển xe ô tô chở hành khách chạy tuyến có cự ly nhỏ hơn hoặc bằng 300 km: phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng trên mỗi người vượt quá mà quy định được phép chở của phương tiện nhưng tổng mức phạt tiền tối đa không vượt quá 75.000.000 đồng:
+ Xe ô tô đến 9 chỗ: Chở quá từ 02 người trở lên.
+ Xe ô tô 10 chỗ đến xe 15 chỗ: chở quá từ 03 người trở lên.
+ Xe ô tô 16 chỗ đến xe 30 chỗ: chở quá từ 04 người trở lên.
+ Xe trên 30 chỗ: chở quá từ 05 người trở lên.
3. Hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chở quá trên xe ô tô:
Căn cứ khoản 8, 9 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chở quá trên xe ô tô như sau:
– Hình thức xử phạt bổ sung đối với hành vi chở quá trên xe ô tô:
+ Người điều khiển xe ô tô chở hành khách vượt trên 50% đến 100% số người được quy định được phép chở của phương tiện bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.
+ Người điều khiển xe ô tô chở hành khách vượt trên vượt trên 100% số người quy định được phép chở của phương tiện thì bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 tháng đến 05 tháng.
– Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi chở quá trên xe ô tô: buộc phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện.
4. Những người có thẩm quyền xử phạt khi chở quá số người trên xe ô tô:
– Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi chở quá số người trên xe ô tô trong phạm vi quản lý của địa phương mình. Cụ thể:
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi chở quá số người trên xe ô tô;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có quyền phạt tiền đến 37.500.000 đồng đối với hành vi chở quá số người trên xe ô tô;
+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phạt tiền đến 75.000.000 đồng đối với hành vi chở quá số người trên xe ô tô.
– Cảnh sát giao thông trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, bao gồm:
+ Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông;
+ Trưởng phòng Cảnh sát giao thông;
+ Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ – đường sắt;
+ Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ;
+ Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông.
– Thanh tra giao thông vận tải, người đã được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đường bộ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao, bao gồm:
+ Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đang thi hành công vụ;
+ Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải;
+ Thủ trưởng cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Sở Giao thông vận tải;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Cục Đường sắt Việt Nam;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của cơ quan quản lý đường bộ ở khu vực thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam;
+ Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành của Bộ Giao thông vận tải;
+ Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải;
+ Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Lưu ý rằng:
– Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định pháp luật
– Trong trường hợp chủ phương tiện vi phạm không có mặt tại nơi xảy ra vi phạm, thì người có thẩm quyền sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm để lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ phương tiện và tiến hành xử phạt theo đúng quy định của pháp luật, người điều khiển phương tiện sẽ phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;
– Nghị định 123/2021/NĐ-CP sửa đổi các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông;
– Luật Giao thông đường bộ 2008.