Chuyện người con gái Nam Xương là tác phẩm rất thường xuyên xuất hiện trong đề thi vào lớp 10 trung học phổ thông. Bài viết sau đây đã tổng hợp ngắn gọn những thông tin về tác giả, nét đặc sắc về nội dung nghệ thuật của tác phẩm. Mời các em cùng tham khảo để củng cố, ôn tập kiến thức.
Mục lục bài viết
1. Sơ đồ tư duy Chuyện người con gái Nam Xương dễ hiểu:
2. Sơ đồ tư duy phân tích nhân vật Vũ Nương:
Mẫu 1:
Mẫu 2:
Chuyện người con gái Nam Xương đã khắc họa thành công vẻ đẹp truyền thống và số phận oan nghiệt của người phụ nữ đương thời. Điều này được thể hiện qua nghệ thuật dựng truyện và xây dựng hình tượng nhân vật Vũ Nương. Vũ Nương là một người con gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kì phong kiến: “tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”. Trương Sinh vì cảm mến cái dung hạnh ấy nên đã xin mẹ trăm lạng vàng để cưới về làm vợ. Nhà văn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp đức hạnh của nàng, bằng việc đặt Vũ Nương vào rất nhiều hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ xung quanh như với chồng, với mẹ chồng và với đứa con trai Đản, từ đó góp phần bộc lộ trọn vẹn tính cách, phẩm hạnh của nàng.
3. Phân tích vẻ đẹp nhân vật Vũ Nương:
Nguyễn Dữ là một nhà văn nổi bật của nền văn học trung đại Việt Nam ở thế kỉ thứ 16. “Truyền kì mạn lục” là tập truyện có một vị trí đặc biệt, được đánh giá là “thiên cổ kì bút” trong đó “Chuyện người con gái Nam Xương” là truyện thứ 16, trong tổng số 20 truyện của “Truyền kì mạn lục”. Qua nhân vật Vũ Nương, nhà văn đã thể hiện niềm thương cảm đối với số phận của người phụ nữ Việt Nam dưới chế độ phong kiến hà khắc, đồng thời khẳng định vẻ đẹp truyền thống của họ. Vũ Nương là một người con gái đẹp người, đẹp nết, đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ thời kì phong kiến. Trương Sinh vì cảm mến nàng nên đã xin mẹ trăm lạng vàng để cưới về làm vợ. Nhà văn tập trung làm nổi bật vẻ đẹp đức hạnh của Vũ Nương bằng việc đặt Vũ Nương vào rất nhiều hoàn cảnh, tình huống và các mối quan hệ xung quanh như với chồng, với mẹ chồng và với đứa con trai Đản.
Đầu tiên là Vũ Nương trong mối quan hệ với chồng Trương Sinh. Nàng là một người vợ nhất mực thủy chung, yêu thương chồng. Lúc mới lấy nhau, nàng hiểu tính chồng có thói đa nghi quá mức nên Vũ Nương đã cư xử khéo léo, đúng mực, nhường nhịn và giữ đúng khuôn phép, không bao giờ để xảy ra cãi vã trong gia đình. Điều này cho thấy Vũ Nương là người phụ nữ hiểu chồng, biết mình và rất đức hạnh. Khi người chồng chuẩn bị đi lính, Vũ Nương rót chén rượu đầy và dặn dò Trương Sinh bằng những lời nói đầy nghĩa tình, thắm thiết. Không mong vinh hiển, chỉ cần chồng về cùng hai chữ “bình yên”. Khi chồng đi, Vũ Nương nhớ thương chồng da diết. Khi thấy “bướm lượn đầy vườn, mây che kín núi” nàng lại cảm thấy nhớ thương chồng nơi biên ải xa xôi. Tiết hạnh của nàng còn được khẳng định khi nàng bị chồng nghi oan: “cách biệt ba năm, giữ trọn một tiết. Tô son điểm phấn từng đã nguôi lòng, ngõ liễu tường hoa chưa hề bén gót…”. Khi Trương Sinh đi lính trở về, một mực khăng khăng cho rằng nàng thất tiết, Vũ Nương đã ra sức phân trần để cho chồng hiểu, nói lên thân phận của mình, nhắc tới tình nghĩa phu thê và khẳng định một lòng nhất mực thủy chung, son sắt với chồng. Điều này cho thấy nàng thực sự rất trân trọng hạnh phúc gia đình mà mình đang có và càng làm nổi bật lên niềm khao khát hướng tới hạnh phúc gia đình ấm êm của người phụ nữ Vũ Nương.
Tiếp đến là Vũ Nương trong mối quan hệ với mẹ chồng và con trai Đản. Nàng là một người con hiếu thảo, một người mẹ tâm lý, yêu thương con. Khi chồng đi lính, ở nhà nàng một mình sinh con, nuôi dạy con, vừa làm mẹ lại vừa làm cha. Sợ con mình thiếu thốn tình cảm của cha nên đêm đêm Vũ Nương mượn bóng mình, chỉ vào tường mà bảo là cha Đản. Thay chồng làm tròn bổn phận, trách nhiệm của một người con: chăm sóc, thuốc thang, lễ bái thần Phật, hết lòng chăm sóc mẹ chồng. Khi mẹ chồng mất, nàng tổ chức ma chay tế lễ chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình vậy. Mẹ chồng đã viện cả trời xanh để chứng minh cho lòng hiếu thảo của cô con dâu: “Xanh kia quyết chẳng phụ con cũng như con đã chẳng phụ mẹ”. Điều đó đã cho thấy nhân cách, công lao to lớn của Vũ Nương đối với gia đình chồng.
Một người phụ nữ đẹp người, đẹp nết đảm đang, hiếu thảo, thủy chung và hết lòng vun vén, trân trọng hạnh phúc gia đình như thế, đáng ra phải được hưởng hạnh phúc trọn vẹn nhưng thật éo le nàng lại phải chịu một cuộc sống gia đình bất hạnh và phải chết trong đau đớn, xót xa. Đó là khi Trương Sinh sau ba năm đi lính trở về, bé Đản không chịu nhận cha, nghe lời nói của con “Trước đây, thường có một người đàn ông, đêm nào cũng đến, mẹ Đản đi cũng đi, mẹ Đản ngồi cũng ngồi, nhưng chẳng bao giờ bế Đản cả”, Trương Sinh nhất nhất cho rằng vợ đã thất tiết. Mặc dù Vũ Nương đã tìm cách để giải thích lại thêm họ hàng, làng xóm bênh vực và biện bạch cho nàng nhưng mối nghi ngờ vợ của Trương Sinh ngày càng sâu, không có gì gỡ ra được. Cuối cùng nàng đã gieo mình xuống dòng nước Hoàng Giang lạnh lẽo để bảo toàn danh dự, nhân phẩm trong một nỗi đau tuyệt vọng cùng cực.
Nét đặc sắc của “Chuyện người con gái Nam Xương” còn được thể hiện ở chỗ Nguyễn Dữ đã khéo léo dẫn dắt câu chuyện trên cơ sở cốt truyện có sẵn, ông đã sắp xếp, tô đậm, thêm bớt làm cho câu chuyện trở nên sinh động, mang tính kịch và tăng cường tính bi kịch. Điều này được thể hiện qua chi tiết chiếc bóng và lời nói của bé Đản. Từ đó, tạo nên sự thắt nút và mở nút của câu chuyện, làm câu chuyện trở nên hấp dẫn, tình tiết lôi cuốn, chặt chẽ. Đầu tiên là “thắt nút” câu chuyện: chỉ một câu nói ngây thơ của một đứa trẻ lên ba nói với cha mà đã phá vỡ tất cả hết tất cả mọi sự bình yên gia đình. Trong cơn nóng giận, thói nghi kị đã đẩy cuộc đời của người phụ nữ đến cái chết thương tâm, thấm đẫm nước mắt. Bất ngờ, câu chuyện lại được “gỡ nút” bằng một câu nói trẻ thơ non dại. Khi thấy cái bóng của Trương Sinh in trên vách, bé Đản nói: “Cha Đản lại đến kia kìa!” thì oan khuất lại được sáng tỏ. Vũ Nương vô tội nhưng nhận ra đã quá muộn.
Kết thúc truyện, Vũ Nương hiện về thấp thoáng trên chiếc kiệu hoa giữa dòng sông, võng lọng, cờ kiệu rực rỡ đầy sông, nàng nói lời đa tạ Linh Phi và tạ từ Trương Sinh rồi biến mất. Đây là những chi tiết, hình ảnh thể hiện sự sáng tạo của Nguyễn Dữ về mặt kết cấu truyện bằng việc sử dụng yếu tố kì ảo, hoang đường, góp phần tăng thêm giá trị hiện thực và ý nghĩa nhân văn của tác phẩm, làm nên đặc trưng của thể loại truyền kì. Nếu như trong truyện kể dân gian, sau khi Vũ Nương chết, Trương Sinh tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm của mình thì cũng là lúc truyện cổ tích khép lại, điều đó đã để lại niềm xót xa đau đớn cho người đọc về thân phận bất hạnh oan khiên của người phụ nữ tiết hạnh, thì trong “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, ông đã sáng tạo thêm phần đuôi của truyện, góp phần làm lên những giá trị và tư tưởng mới của truyện. Nguyễn Dữ đã hiện thực được ước mơ của con người về sự bất tử, sự chiến thắng của cái thiện, cái đẹp, thể hiện nỗi khát khao hạnh phúc trong một cuộc sống công bằng, hạnh phúc cho những con người lương thiện, đặc biệt là người phụ nữ phong kiến.
“Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ là một tác phẩm độc đáo, tác phẩm đã rất thành công khi xây dựng tình tiết, kết cấu; xây dựng nhân vật; sự kết hợp giữa yếu tố hiện thực và yếu tố kì ảo. Thông qua cuộc đời và số phận bất hạnh của Vũ Nương, tác giả đã phản ánh số phận bi thương của người phụ nữ phong kiến, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của họ. Đồng thời, thể hiện thái độ phê phán đối với xã hội phong kiến đã gây ra biết bao khổ đau cho người phụ nữ.