Nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường đại học có được rút hồ sơ? Rút hồ sơ tại trường đại học có phải bồi thường gì không? Thủ tục rút hồ sơ tại trường đại học? Quy định về việc rút hồ sơ đã nộp cho trường đại học, cao đẳng?
Mục lục bài viết
1. Có thể xin rút bằng cấp 3 đã nộp cho trường đại học không?
Tóm tắt câu hỏi:
Thưa a chị! Em đang học năm 3 tại trường đại học sư phạm Thái Nguyên. Do kinh tế gia đình và hoàn cảnh e không thể đi học được nữa. Em muốn rút hồ sơ bằng cấp 3 để đi xin việc làm. Nhưng nhà trường yêu cầu phải nộp 3 năm học phí mà số tiền không nhỏ. Nay e cũng không vay mượn được số tiền lớn vậy và cũng không đi xin việc ở khu công nghiệp nào vì họ yêu cầu phải có bằng cấp 3. Nay e có thể làm cách nào để rút được bằng cấp 3 không ạ?
Luật sư tư vấn:
Về vấn đề là làm thế nào để bạn có thể rút hồ sơ tại trường thì hiện nay, theo Quy chế đào tạo Đại học của Bộ giáo dục và đào tạo có quy định về thủ tục chuyển trường. Theo đó, bạn muốn rút hồ sơ thì sẽ tuân theo các quy định tại quy chế này.
Tại Điểm a, khoản 3 Điều 9 Quy chế đào tạo Đại học có quy định:
“Sinh viên xin chuyển trường phải làm hồ sơ xin chuyển trường theo quy định của nhà trường”.
Điều 9 Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy (Ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BGDĐT ngày 26 tháng 6 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) cũng có quy định:
“1. Sinh viên được xét chuyển trường nếu có các điều kiện sau đây:
a) Trong thời gian học tập, nếu gia đình chuyển nơi cư trú hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cần thiết phải chuyển đến trường gần nơi cư trú của gia đình để thuận lợi trong học tập;
b) Xin chuyển đến trường có ngành đào tạo trùng hoặc thuộc cùng nhóm ngành với ngành đào tạo mà sinh viên đang học;
c) Được sự đồng ý của Hiệu trưởng trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.
2. Sinh viên không được phép chuyển trường trong các trường hợp sau:
a) Sinh viên đã dự thi tuyển sinh nhưng không trúng tuyển hoặc có điểm thi thấp hơn điểm xét tuyển của trường xin chuyển đến trong trường hợp chung đề thi tuyển sinh;
b) Sinh viên có hộ khẩu thường trú nằm ngoài vùng tuyển của trường xin chuyển đến;
c) Sinh viên năm thứ nhất và năm cuối khóa;
d) Sinh viên đang chịu mức kỷ luật từ cảnh cáo trở lên.
3. Thủ tục chuyển trường:
a) Sinh viên xin chuyển trường phải làm hồ sơ xin chuyển trường theo quy định của nhà trường;
b) Hiệu trưởng trường có sinh viên xin chuyển đến quyết định tiếp nhận hoặc không tiếp nhận, quyết định việc học tiếp tục của sinh viên như: năm học và số học phần mà sinh viên chuyển đến trường phải học bổ sung, trên cơ sở so sánh chương trình ở trường xin chuyển đi và trường xin chuyển đến.”
Như vậy, nếu bạn muốn rút hồ sơ thì bạn sẽ phải đáp ứng đủ các điểu kiện để được chuyển trường và thực hiện theo quy định của nhà trường. Thủ tục chuyển trường phải được thực hiện theo trình tự:
– Viết đơn xin rút hồ sơ, có ý kiến xác nhận của Ban chủ nhiệm Khoa;
– Nộp lại thẻ sinh viên và giấy báo nhập học;
– Nộp phiếu thanh toán xác nhận bạn không nợ gì ở trường;
– Sau đó, bạn đợi quyết định của nhà trường và thực hiện việc rút hồ sơ tại phòng công tác sinh viên.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là thủ tục chung để bạn có thể tham khảo. Ngoài ra, bạn còn phải tuân theo các quy định của nhà trường (nếu có).
Ngoài ra, bạn cần tiến hành liên hệ với nhà trường, cụ thể các phòng: Phòng đào tạo, phòng công tác sinh viên, khoa quản lý v.v.. để làm thủ tục. Pháp luật không quy định về vấn đề bồi thường học phí.
2. Quy định thủ tục rút hồ sơ tại trường cao đẳng:
Tóm tắt câu hỏi:
Em hiện sang năm thứ 2 hệ cao đẳng. Nhưng do điều kiện gia đình nên em muốn nghỉ học và muốn học nghề sơ cấp để đi làm. Nhưng nhà trường lại không cho em rút học bạ và hồ sơ. Nhà trường nói học bạ phải để 3 năm mới được rút. Theo luật sư như vậy có đúng không? Em cám ơn.
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Điều 9 Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy ban hành kèm theo Quyết định 25/2006/QĐ-BGDĐT quy định về chuyển trường.
Thông thường, bạn cần phải thực hiện các thủ tục sau:
– Viết đơn xin rút hồ sơ, có ý kiến xác nhận của Ban chủ nhiệm Khoa;
– Nộp lại thẻ sinh viên và giấy báo nhập học;
– Nộp phiếu thanh toán xác nhận bạn không nợ nghĩa vụ tài chính ở trường;
– Sau đó, bạn nhận quyết định của nhà trường và thực hiện việc rút hồ sơ tại phòng công tác sinh viên.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là thủ tục chung để bạn có thể tham khảo. Ngoài ra, bạn còn phải tuân theo các quy định của nhà trường (nếu có). Như vậy, nếu bạn muốn rút hồ sơ thì bạn sẽ phải thực hiện theo thủ tục quy định của trường nhưng khi đã có quyết định thôi học tại trường bạn được phép rút hồ sơ và nhà trường không còn quyền giữ hồ sơ của bạn, hiện nay không có quy định về việc rút hồ sơ từ năm bao nhiêu của hệ cao đẳng?
3. Nộp hồ sơ trúng tuyển vào trường đại học có được rút hồ sơ?
Tóm tắt câu hỏi:
Xin chào luật sư em ở Thái Nguyên, em gái em sáng nay mới nộp hồ sơ bản gốc vào trường cao đẳng công nghiệp Hà Nội cộng với số tiền học phí 4 triệu. do điều kiện gia đình khó khăn, khi chi phí đi lại, thuê trọ và học phí quá cao mà em chưa xem xét kỹ đã nộp hồ sơ vào trường. Cùng ngày chiều hôm đó em gái em đã đi rút hồ sơ nhưng nhà trường không cho rút hồ sơ. Mà không cho biết lí do cụ thể chỉ nói là quy định của nhà trường là không được rút hồ sơ. Em không biết phải làm thế nào cả? Luật sư có thể tư vấn giúp em được không ạ!
Luật sư tư vấn:
Căn cứ Mục 3 Công văn 525/BGDĐT-KTKDCLGD quy định về việc tuyển sinh đại học, cao đẳng như sau:
– Các trường ĐH, CĐ, nhất là các trường khối năng khiếu, nghệ thuật chủ động xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy; tổ chức tuyển sinh theo các quy định tại đề án tự chủ tuyển sinh.
– Đối với các trường sử dụng kết quả Kì thi THPTQG để xét tuyển:
Về cơ bản giữ ổn định như năm 2015.
Có một số điều chỉnh theo hướng tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển (ĐKXT) và xét tuyển. Cụ thể:
+ Thí sinh sử dụng mã số ghi trong Giấy chứng nhận kết quả thi của mình để ĐKXT trong các đợt xét tuyển;
+ Thí sinh ĐKXT qua bưu điện và trực tuyến (online);
+ Trong mỗi đợt xét tuyển, thí sinh không được thay đổi nguyện vọng ĐKXT;
+ Các trường căn cứ ngưỡng đảm bảo chất lượng do Bộ GDĐT quy định để xác định và công bố công khai ngưỡng ĐKXT vào ngành/nhóm ngành của trường; tổ chức xét tuyển và công bố kết quả trúng tuyển cho thí sinh;
+ Các đợt xét tuyển:
Đợt xét tuyển đầu tiên: Thời gian ĐKXT và xét tuyển là 12 ngày; mỗi thí sinh được ĐKXT vào tối đa 02 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo;
Các đợt xét tuyển kế tiếp: Thời gian ĐKXT và xét tuyển mỗi đợt là 10 ngày; mỗi thí sinh ĐKXT mỗi đợt vào tối đa 03 trường, mỗi trường tối đa 02 ngành đào tạo.
Trong quá trình triển khai cần chú trọng: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thi và tuyển sinh; tăng cường truyền thông, cung cấp thông tin đầy đủ về thi và tuyển sinh; chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức thi và tuyển sinh đảm bảo đúng quy chế.
Theo
Như thế, trong trường hợp của bạn, khi bạn nộp hồ sơ bản gốc vào trường thì đồng nghĩa với việc bạn đã chọn trường đó để học. Bạn không thể rút hồ sơ ra được nữa.
4. Rút hồ sơ tại trường đại học có phải hoàn trả học bổng không?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi hiện đang học ở một trường đại học dân lập, học phí là 3000 USD/năm. Trong quá trình học tại trường, tôi đã được hưởng hai năm 100% học bổng là 6000 USD. Hiện tại, tôi thấy trường ban hành quá nhiều chính sách áp đặt lên sinh viên nên tôi muốn rời trường thì trường yêu cầu tôi hoàn trả học bổng trong hai năm qua trong khi trường không có một quy định nào về vấn đề này. Tôi không đồng ý thì trường không cho tôi lấy hồ sơ gốc. Vậy tôi phải làm thế nào để rút hồ sơ tại trường và không phải hoàn trả lại khoản tiền học bổng kia? Xin cảm ơn Luật sư!
Luật sư tư vấn:
Vấn đề thứ nhất là làm thế nào để bạn có thể rút hồ sơ tại trường.
Hiện nay, theo quy chế đào tạo Đại học của Bộ giáo dục và đào tạo có quy định về thủ tục chuyển trường. Theo đó, bạn muốn rút hồ sơ thì sẽ tuân theo các quy định tại quy chế này.
Tại Điểm a, khoản 3 Điều 9 Quy chế đào tạo Đại học có quy định: “Sinh viên xin chuyển trường phải làm hồ sơ xin chuyển trường theo quy định của nhà trường”.
Như vậy, nếu bạn muốn rút hồ sơ thì bạn sẽ phải thực hiện theo quy định của trường. Thông thường, bạn cần phải thực hiện các thủ tục sau:
- Viết đơn xin rút hồ sơ, có ý kiến xác nhận của Ban chủ nhiệm Khoa;
- Nộp lại thẻ sinh viên và giấy báo nhập học;
- Nộp phiếu thanh toán xác nhận bạn không nợ gì ở trường;
- Sau đó, bạn đợi quyết định của nhà trường và thực hiện việc rút hồ sơ tại phòng công tác sinh viên.
Tuy nhiên, trên đây chỉ là thủ tục chung để bạn có thể tham khảo. Ngoài ra, bạn còn phải tuân theo các quy định của nhà trường (nếu có).
Vấn đề thứ hai là làm thế nào để bạn không phải hoàn trả khoản tiền học bổng kia.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chỉ quy định việc bồi hoàn học bổng đối với trường hợp “người học chương trình giáo dục cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ được hưởng học bổng và quy chế đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc do nước ngoài tài trợ theo Hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam mà không chấp hành sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi tốt nghiệp” (Điều 1 Nghị định số 143/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013).
Mặt khác, do trường bạn không có quy định nào về vấn đề hoàn trả học bổng khi rời trường, nên không có căn cứ nào để trường bạn yêu cầu bạn phải hoàn trả lại số tiền học bổng 6000USD trong hai năm qua của bạn.
Vì vậy, bạn sẽ không phải hoàn trả học bổng cho trường trong trường hợp bạn rút hồ sơ.