Nhiều nguyên nhân có thể khiến tóc rụng nhiều, ngoài lý do tóc rụng khi có tuổi thì rụng tóc cũng có thể báo hiệu cơ thể đang thiếu chất dinh dưỡng hoặc mắc bệnh lý. Cùng Luật Dương gia tìm hiểu rụng tóc có sẹo là gì và cách ngăn ngừa rụng tóc có sẹo
Mục lục bài viết
1. Thế nào là rụng tóc có sẹo?
Rụng tóc có sẹo là biểu hiện của rụng tóc kèm theo là sự phá hủy hoặc mất đi của nang tóc. Khi bệnh ở giai đoạn cấp tính, ngoài biểu hiện rụng tóc, người bệnh còn xuất hiện các biểu hiện khác như sẩn đỏ, mảng đỏ, sẩn nang lông, nút sừng nang lông, hoặc mụn mủ ở đầu, chân tóc. Nếu rụng tóc có sẹo ở trường hợp nặng hơn và không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới bị viêm sâu. Tuy nhiên sẽ không xuất hiện biểu hiện ở giai đoạn cấp tính mà đôi khi biểu hiện lại giống như rụng tóc không sẹo như: Tóc rụng nhanh, để lại một hoặc nhiều rát có hình tròn hoặc oval ở da đầu.
2. Nguyên nhân gây ra rụng tóc sẹo:
Nguyên nhân gây rụng tóc có sẹo có thể là do bệnh: Lupus ban đỏ dạng đĩa, Lichen phẳng ở nang lông, Dày sừng nang lông, viêm nang lông, viêm nang tóc hoại tử, viêm da loét mủ hoặc nấm. Cũng có một số hội chứng hiếm gặp như chứng giả rụng tóc cổ điển hay rụng tóc do rối loạn cấu trúc tóc di truyền…. Những nguyên nhân gây ra rụng tóc sẹo phổ biến nhất là do Lupus, Lichen phẳng nang lông, giả rụng tóc cổ điển và rối loạn cấu trúc tóc.
2.1. Rụng tóc sẹo do lupus ban đỏ dạng đĩa:
Lupus ban đỏ có 2 loại: lupus ban đỏ dạng đĩa và lupus ban đỏ hệ thống. Lupus ban đỏ dạng đĩa gây tổn thương trên da và ảnh hưởng tới sự phát triển của tóc. Lupus ban đỏ dạng đĩa có thể khởi phát do yếu tố di truyền, ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời và rối loạn miễn dịch.
Người bị bệnh Lupus thường từ 20 đến 40 tuổi và nữ giới sẽ mắc phải nhiều hơn. Biểu hiện của bệnh là có một hay nhiều mảng da bị viêm đỏ, màu sắc khác biệt so với vùng da không bị bệnh, có vảy, có thể kèm theo tình trạng giãn mao mạch. Bệnh gây nên tình trạng sẹo teo trên da, tổn thương nang lông, nếu xuất hiện trên vùng da đầu sẽ dẫn tới rụng tóc.
2.2. Rụng tóc do Lichen phẳng nang lông:
Bệnh có các biểu hiện đặc trưng là có các nốt sần phẳng, màu đỏ tím và gây ngứa. Bệnh thường gặp ở độ tuổi 40 đến 60 tuổi và tỉ lệ nam nữ mắc phải khá tương đương nhau.
Nguyên nhân bệnh vẫn chưa được xác định rõ. Tuy nhiên các yếu tố di truyền, căng thẳng, trầm cảm hoặc ảnh hưởng của các bệnh lý khác được cho là có liên quan tới tình trạng này. Khi bệnh xuất hiện ở trên da đầu, biểu hiện thường là dày sừng quanh nang tóc, đỏ da, có thể bỏng rát, ngứa và nhạy cảm ở vùng da đầu.Những tổn thương này trước và sau khi lành có thể gây nên sẹo teo da gây nên rụng tóc vĩnh viễn.
2.3. Rụng tóc giả thể mảng của Brocq:
Kiểu rụng tóc sẹo này thường gặp ở phụ nữ ở độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi. Biểu hiện là những mảng rụng tóc với đường viền nham nhở, xuất hiện nhiều nhất ở khu vực đỉnh đầu.
Nó khá tương tự với rụng tóc thể mảng – một loại rụng tóc do ảnh hưởng của cơ chế tự miễn của cơ thể. Da đầu thường bị rụng tóc loang lổ, không có hiện tượng bệnh lý gì kèm theo, chỉ đơn thuần rụng tóc. Tuy nhiên khác với rụng tóc thể mảng thông thường, bệnh này thường xuất hiện đột ngột, gây nên sẹo và phá hủy nang tóc. Sau khi rụng tóc, vùng da đầu này không thể mọc lại tóc được nữa.
2.4. Rụng tóc sẹo do viêm:
Viêm nang tóc ở dạng mủ hình thành do vi khuẩn có thể gây ra viêm, mủ và vảy. Tình trạng tái đi tái lại nhiều lần có thể gây ra các vết sẹo trên da đầu. Nấm da đầu nghiêm trọng có thể gây ra lớp vảy dày kèm theo nhiều tầng mủ trên da đầu. Nấm da đầu thường dai dẳng và khó điều trị dứt điểm. Sau quá trình điều trị, có thể dẫn tới rụng tóc vĩnh viễn do sẹo.
Một số người thường bị mụn trứng cá ở vùng gáy và lan lên khu vực phía trên da đầu. Những mụn trứng cá này có thể tiến triển thành sẹo lồi, phá hỏng các nang tóc và không thể hồi phục trở lại.
2.5. Nguyên nhân khác:
Một số rối loạn cấu trúc tóc từ thời thơ ấu có thể gây ra rụng tóc sẹo. Quá trình chăm sóc tóc sử dụng nhiệt và hóa chất nhiều có thể gây ra những tổn thương không thể phục hồi trên da đầu. Bỏng da, nhọt hay khối u là những tác nhân gây nên sẹo ở da đầu. Tất cả những nguyên nhân này đều có thể gây nên chứng rụng tóc sẹo.
3. Cách ngăn ngừa chứng rụng tóc sẹo:
Chúng ta phải phòng ngừa những yếu tố gây nên chứng rụng tóc sẹo. Xuất phát từ nguyên nhân gây ra tình trạng rụng tóc này thì cần phải điều trị hoặc hạn chế các triệu chứng của bệnh.
Những bệnh tự miễn không thể điều trị hoàn toàn thì nên sử dụng thuốc để hạn chế triệu chứng của chúng, ngăn bệnh tiến triển nặng thêm. Những bệnh viêm nhiễm thì nên tránh xa các nguồn lây bệnh và chữa trị sớm khi bệnh mới xuất hiện. Ngoài ra giữ cho cơ thể luôn khỏe mạnh, tinh thần lạc quan cũng là cách ngăn ngừa các bệnh gây ra chứng rụng tóc sẹo này.
Trường hợp rụng tóc có sẹo, người bệnh nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám, tìm ra nguyên nhân gây rụng tóc, có phương pháp điều trị phù hợp, giảm thiểu nguy cơ rụng tóc vĩnh viễn. Để hỗ trợ khắc phục tình trạng rụng tóc, kích thích tóc mọc chắc khỏe và ngăn ngừa tóc rụng thêm, ngoài sử dụng các loại thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, bạn cần thay đổi lối sống, quan tâm chăm sóc tóc đúng cách như:
– Tránh giật, kéo tóc.
– Hạn chế thay đổi kiểu tóc bằng các loại hóa chất công nghiệp.
– Bảo vệ da đầu trước ánh nắng mặt trời, gió bụi, không khí ô nhiễm.
– Tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin B, H, C, acid béo omega-3, sắt, protein, kẽm… vào bữa ăn hàng ngày để cải thiện sức khỏe mái tóc.
– Bỏ thuốc lá.
– Hạn chế sử dụng rượu bia.
– Ngủ đủ giấc.
– Sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và làm việc hợp lý để tránh căng thẳng/stress.
– Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên.
Bên cạnh đó, nên chủ động bổ sung các dưỡng chất có khả năng tác động vào tế bào mầm tóc nằm sâu trong nang tóc (yếu tố quyết định sự sống của mái tóc) thúc đẩy và nuôi dưỡng các tế bào này khỏe mạnh, từ đó bạn sẽ thấy tóc giảm rụng, mọc dày, chắc khỏe trở lại. Đây cũng chính là xu hướng mới trong việc cải thiện rụng tóc, hói đầu, kích thích mọc tóc an toàn, hiệu quả được các chuyên gia khuyến nghị.
4. Cách điều trị rụng tóc sẹo:
4.1. Điều trị bằng thuốc:
Sử dụng thuốc bôi lên da đầu, chẳng hạn như Minoxidil hoặc Rogaine®. 2 loại thuốc này thường dùng ở liệu trình đầu tiên cho tình trạng tóc mỏng. Ngoài ra, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc uống theo toa Finasteride hoặc Propecia® (dùng cho nam giới mắc chứng hói đầu).
4.2. Sử dụng các phương pháp thiên nhiên:
Trị rụng tóc bằng vỏ bưởi: tinh dầu từ vỏ bưởi kích thích mọc, nuôi dưỡng từng nang tóc, giúp tóc dài, đẹp và chắc khỏe tự nhiên. Bằng cách cắt nhỏ vỏ bưởi cho vào nồi nước đun sôi, để nguội rồi dùng nước đó gội đầu.
Bên cạnh đó, có thể chữa rụng tóc bằng dầu dừa: đây là thành phần thường có trong dầu gội hoặc dầu xả. Với đặc tính giữ ẩm, dầu dừa giúp tóc suôn mượt, ngăn rối, ngừa gãy rụng.
Sử dụng nha đam để cải thiện tình trạng rụng tóc: nha đam chứa vitamin A, C và E. Cả 3 loại vitamin này đều góp phần vào quá trình tái tạo tế bào, thúc đẩy sự phát triển và giúp tóc bóng mượt. Vitamin B12 và acid folic có trong nha đam cũng giúp tóc giảm gãy rụng, làm dịu da đầu ngứa, điều trị viêm da tiết bã (gàu).
4.3. Dùng các phương pháp cấy tóc, laser:
Trong quá trình cấy tóc, bác sĩ sẽ loại bỏ tóc ở vùng có tóc dày. Sau đó, sẽ cấy những sợi tóc đó vào nơi thưa hoặc ít tóc.
Ngoài ra, liệu pháp laser mức độ thấp (hay liệu pháp ánh sáng đỏ, liệu pháp laser lạnh) được sử dụng để điều trị rụng tóc, bằng cách chiếu photon vào các mô da đầu. Những photon này được hấp thụ bởi các tế bào nhằm kích thích tóc phát triển. Liệu pháp laser đang dần được chấp nhận rộng rãi vì tính an toàn, ít xâm lấn hơn so với cấy tóc.
4.4. Sử dụng sản phẩm hỗ trợ trị rụng tóc và kích thích mọc tóc:
Sử dụng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để hỗ trợ trị rụng tóc, bằng cách lấy máu và tách huyết tương. Sau đó, bác sĩ sẽ tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào da đầu. Điều trị bằng PRP giúp làm chậm quá trình rụng và khuyến khích mọc tóc mới. Ngoài ra, có thể kể đến các phương pháp trị rụng tóc như: lăn kim PRP, tiêm HA.
Để ngừa tình trạng rụng tóc, người bệnh nên lưu ý những điều sau:
– Chế độ ăn uống lành mạnh, bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.
– Hạn chế căng thẳng, stress, giữ tâm trạng thoải mái, vui tươi.
– Kiểm tra, tầm soát các bệnh tuyến giáp hoặc bệnh tự miễn khác.
– Tránh buộc tóc quá chặt.
– Trong khi thực hiện hóa trị, hãy thử đội mũ làm mát.