Quyết định hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp: dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, phạm nhiều tội, chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt,...
Mục lục bài viết
- 1 1. Quyết định hình phạt tù có thời hạn dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:
- 2 2. Quyết định hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp phạm nhiều tội:
- 3 3. Quyết định hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt:
- 4 4. Quyết định hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp đồng phạm:
- 5 5. Quyết định hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội:
- 6 6. Quyết định hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án:
1. Quyết định hình phạt tù có thời hạn dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:
Một trong những chức năng quan trọng nhất của luật hình sự là chống và phòng ngừa tội phạm. Người thực hiện hành vi phạm tội phải chịu hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của mình. Tuy nhiên, trong quá trình QĐHP ngoài vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật thì cũng cần xem xét những tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ để cân nhắc khi QĐHP tù đối với bị cáo và để đảm bảo nguyên tắc nhân đạo.
QĐHP tù có thời hạn dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng hay nói cách khác là nhẹ hơn quy định của BLHS là việc
Bởi vậy, để tăng khả năng lựa chọn của
Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật khi người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật này.
Với quy định trên, điều kiện để Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn đã được xác định là ít nhất phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS trở lên. Bởi vậy, mặc dù khoản 2 Điều 51 BLHS có quy định: “Khi QĐHP, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ”, tuy nhiên, nếu không có từ hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS thì dù Tòa án có viện dẫn nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, cũng không thể QĐHP dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định hoặc chuyển sang loại hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn.
Theo quy định của Điều 54 BLHS, Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Quy định này nhằm tránh một khuynh hướng xấu có thể xảy ra là lạm dụng pháp luật và những động cơ tác nhân mà quyết định mức hình phạt quá nhẹ. Ví dụ, áp dụng khung hình phạt tăng nặng đối với người phạm tội ở khoản 4 (khung hình phạt nặng nhất) nhưng khi QĐHP lại dưới mức thấp nhất của khoản 3, thậm chí dưới cả khoản 2 … .
Nói chung, việc xây dựng các khung hình phạt đối với từng tội phạm theo một trật tự từ nhẹ đến nặng. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp trật tự này lại ngược lại, nghĩa là từ nặng đến nhẹ. Ví dụ phần lớn các tội xâm phạm an ninh quốc gia (các tội ở các Điều từ 108 đến 122 BLHS), tội giết người (Điều 123 BLHS) là được sắp xếp theo trật tự từ nặng đến nhẹ. Nếu các khung hình phạt đối với tội phạm được sắp xếp theo trật tự từ nhẹ đến nặng trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn khung hình phạt liền trước khung hình phạt áp dụng. Còn nếu các khung hình phạt đối với tội phạm được sắp xếp theo trật tự từ nhẹ đến nặng thì khung hình phạt liền kề nhẹ hơn là khung hình phạt liền sau khung hình phạt áp dụng đối với người phạm tội.
2. Quyết định hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp phạm nhiều tội:
Theo quy định tại Điều 55 BLHS hiện hành:
Khi xét xử cùng 01 lần một người phạm nhiều tội, Toà án QĐHP đối với từng tội và tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1. Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình; …
QĐHP trong trường hợp này là trường hợp phạm nhiều tội, ngoài hình phạt bổ sung thì hình phạt chính đối với các tội trong trường hợp này cùng là hình phạt tù có thời hạn hoặc có tội là hình phạt tù, có tội là hình phạt cải tạo không giam giữ.
Thực tiễn xét xử thường gặp những vụ án bị cáo phạm nhiều tội, tuy nhiên tùy trường hợp cụ thể Tòa án có thể xử người phạm tội về nhiều tội hoặc có thể chỉ xử về một tội chủ yếu và coi những hành vi phạm tội khác chỉ là những tình tiết tăng nặng, cụ thể là:
Khi người phạm tội có nhiều hành vi, mỗi hành vi cấu thành một tội và nhằm những mục đích khác nhau, không có quan hệ hữu cơ với nhau, thì cần phải xử về nhiều tội.
Khi người phạm tội có nhiều hành vi, mỗi hành vi tuy có cấu thành một tội phạm khác nhau, nhưng có quan hệ với nhau và cùng nhằm một mục đích phạm tội thì cần xử về nhiều tội nếu các hành vi phạm tội đó đều nghiêm trọng ngang nhau.
Nếu trong những hành vi phạm tội đó có hành vi ít nghiêm trọng thì có thể chỉ xử về một tội nghiêm trọng và coi những hành vi khác là tình tiết tăng nặng.
Trường hợp người phạm tội chỉ có một hành vi, nhưng hành vi này lại cấu thành nhiều tội khác nhau thì tùy từng vụ án cụ thể mà xét xử về nhiều tội hoặc chỉ xét xử về một tội.
Trong trường hợp xử bị cáo về nhiều tội, sau khi phân tích, kết luận về từng tội, Tòa án QĐHP đối với từng tội, sau đó QĐHP chung cho các tội.
3. Quyết định hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt:
Chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là hai trường hợp đặc biệt, khác với trường hợp phạm tội hoàn thành ở mặt khách quan là hậu quả của tội phạm chưa xảy ra nên việc QĐHP cho bị cáo phải nhẹ hơn so với trường hợp tội phạm hoàn thành. Chế tài được áp dụng để xác định TNHS cho chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt tuy vẫn là chế tài quy định cho tội phạm cố ý (ở giai đoạn hoàn thành) nhưng bị giới hạn thấp hơn về hình phạt nặng nhất hoặc về mức cao nhất của khung hình phạt nặng nhất (mà vẫn giữ nguyên mức thấp nhất của khung hình phạt). Việc QĐHP tù có thời hạn đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt là trường hợp riêng và vẫn phải tuân theo nguyên tắc quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 57 BLHS đối với trường hợp hình phạt chính là tù giam. Theo đó:
Đối với trường hợp chuẩn bị phạm tội, hình phạt được quyết định trong phạm vi khung hình phạt được quy định trong các điều luật cụ thể. Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá hai mươi năm; Nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá 4 mức phạt tù mà điều luật quy định.
4. Quyết định hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp đồng phạm:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 BLHS năm 2015: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm ”. Pháp luật hình sự chia những người đồng phạm thành: Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.
5. Quyết định hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội:
Đây là một trường hợp đặc biệt, thể hiện ở chỗ hình phạt được quy định nhẹ hơn so với người đã thành niên phạm tội có các tình tiết khác tương đương và mức giảm nhẹ phụ thuộc vào mức tuổi của người phạm tội. Trên tinh thần Điều 91 BLHS hiện hành, việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, nếu có phải áp dụng hình phạt đối với họ cũng chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Khi áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội cần hạn chế áp dụng hình phạt tù. Khi QĐHP tù có thời hạn, Toà án cho người chưa thành niên phạm tội được hưởng mức nhẹ hơn mức án áp dụng đối với người đã thành niên phạm tội tương ứng và cần phải cân nhắc kỹ xem có nên áp dụng hình phạt tù đối với họ hay không. Chỉ áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên khi thấy không thể áp dụng được các loại hình phạt khác đối với họ.
Căn cứ vào quy định của BLHS để QĐHP đối với người chưa thành niên phạm tội là cơ sở, là tiền đề cho việc có áp dụng hay không áp dụng hình phạt, nếu áp dụng thì áp dụng loại hình phạt nào với mức hình phạt là bao nhiêu. Căn cứ vào các quy định của BLHS là căn cứ vào từng hành vi phạm tội cụ thể, của người phạm tội cụ thể đối chiếu với quy định của BLHS để áp dụng điều khoản nào cho phù hợp với hành vi phạm tội.
QĐHP tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội là trường hợp đặc biệt của QĐHP. Khi QĐHP thì Tòa án không được phép QĐHP quá một phần hai mức hình phạt mà điều luật quy định đối với người chưa thành niên phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, không quá ba phần tư mức hình phạt mà điều luật quy định đối với người phạm tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Đồng thời phải tuân thủ các nguyên tắc về xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội theo quy định tại Điều 91 BLHS.
Như vậy, quy tắc QĐHP đối với người chưa thành niên phạm tội và quy tắc QĐHP nhẹ hơn là khác nhau, độc lập nhau và có thể cùng vận dụng vào một vụ án cụ thể, khi QĐHP nếu bị cáo có đủ điều kiện luật định thì Tòa án áp dụng quy định về QĐHP nhẹ hơn trước và quyết định mức hình phạt cụ thể, sau đó dựa trên mức hình phạt đó thì Tòa án QĐHP đối với người chưa thành niên phạm tội.
6. Quyết định hình phạt tù có thời hạn trong trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án:
Thực tiễn xét xử cho thấy không phải trong tất cả các trường hợp phạm nhiều tội đều được phát hiện và đưa ra xét xử cùng một lần. Nếu tất cả các tội phạm đều được phát hiện và đưa ra xét xử cùng một lần thì QĐHP trong trường hợp này bao gồm QĐHP đối với từng tội và QĐHP chung đối với các tội theo quy định tại Điều 56 BLHS 2015. Nếu tất cả các tội phạm được xét xử ở các lần khác nhau thì việc tổng hợp hình phạt nói chung và hình phạt tù nói riêng ở nhiều bản án sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 56 BLHS 2015.
Về bản chất thì đây cũng là QĐHP trong trường hợp phạm nhiều tội nên việc QĐHP trong trường hợp này được thực hiện giống như QĐHP trong trường hợp phạm nhiều tội nhưng do khác nhau về thời điểm phạm tội và thời điểm xét xử nên việc người phạm tội phải chấp hành hình phạt trong trường hợp tổng hợp hình phạt của nhiều bản án có sự khác biệt. Điều 56 BLHS 2015 quy định việc tổng hợp hình phạt trong nhiều bản án bao gồm 3 trường hợp:
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này. Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại thực hiện hành vi phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 55 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tổng hợp hình phạt của các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.