Quyết định hình phạt đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong một số trường hợp đặc biệt: Quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, trong trường hợp phạm nhiều tội, trong trường hợp đồng phạm, miễn hình phạt.
Mục lục bài viết
- 1 1. Quyết định hình phạt đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:
- 2 2. Quyết định hình phạt đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp phạm nhiều tội:
- 3 3. Quyết định hình phạt đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp đồng phạm:
- 4 4. Miễn hình phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
1. Quyết định hình phạt đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng:
Theo Điều 54 BLHS năm 2015, QĐHP dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng gồm 02 trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, Theo khoản 1 Điều 54,
sản dưới mức thấp nhất của khung hình phạt khi người đó có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ và đó phải là tình tiết giảm nhẹ TNHS tại khoản 1 Điều 51 BLHS chứ không phải là tình tiết giảm nhẹ TNHS tại khoản 2 Điều 51. Khi thỏa mãn điều kiện trên thì bị cáo có thể không phải chịu mức hình phạt tại khung mà bị cáo phạm tội mà được chuyển sang khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Điều này đồng nghĩa với việc không thể áp dụng khung liền kề nặng hơn của điều luật, cũng không thể nhảy bước, không thể áp dụng khung hình phạt liền kề của khung kế tiếp. Chẳng hạn, bị cáo bị tuyên phạm tội theo khoản 2 Điều 174 BLHS năm 2015 (khung hình phạt từ 02 năm đến 07 năm tù).
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo “thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải”, đồng thời bị cáo cũng đã tự nguyện nộp cho cơ quan thi hành án số tiền chiếm đoạt tài sản nhằm khắc phục hậu quả, bố bị cáo là người có công với cách mạng như vậy bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ TNHS tương ứng với điểm s (người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải), b (người phạm tội tự nguyện khắc phục hậu quả) khoản 1 Điều 51 BLHS một tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại khoản 2 Điều 51 BLHS (bố là người có công). Do đó, Hội đồng xét xử có thể áp dụng khoản 1 Điều 54 BLHS để tuyên hình phạt cho bị cáo sang mức hình phạt thuộc khoản 1 Điều 174 BLHS (phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm).
Trường hợp thứ hai, theo khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 quy định trường hợp chuyển khung hình phạt khác nhẹ hơn đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đáng kể. Tuy nhiên, khác với trường hợp 1 nêu trên, trường hợp thứ hai này Tòa án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng không bắt buộc phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Đối tượng người giúp sức phạm tội lần đầu trong vụ án đồng phạm có mức độ gây thiệt hại cho xã hội đã ít hơn nhiều so với vai trò chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, thực hành, thêm vào đó sự giúp sức này đóng góp không đáng kể, tức mức độ gây nguy hiểm cho xã hội đã ít lại càng ít.
Đây là quy định mới được bổ sung tại khoản 2 Điều 54 BLHS năm 2015 nhằm khắc phục tình trạng “vượt rào” để đảm bảo nguyên tắc công bằng khi QĐHP của Tòa án đối với người phạm tội lần đầu là người giúp sức, có vai trò không đáng kể trong vụ án đồng phạm, nhưng bị truy tố và xét xử ở khung hình phạt nặng cùng với các đồng phạm khác. Khi áp dụng quy định này, cần lưu ý đó là người bị kết án phải đảm bảo nguyên tắc bắt buộc là có từ 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS. Do đó khi QĐHP thì Tòa án không nhất thiết phải áp dụng mức hình phạt ở khung hình phạt liền kề nhẹ hơn mà có thể áp dụng khung hình phạt nhẹ hơn khác của điều luật được áp dụng.
Chẳng hạn, A lợi dụng ông X đang có nhu cầu vay vốn nên sẽ giả làm cán bộ ngân hàng để ông X đưa tiền nhờ làm thủ tục vay. Tuy nhiên, để ông X hoàn toàn tin tưởng nên sau khi gặp ông X, A đã nhờ B làm một thẻ nhân viên ngân hàng và gọi cuộc điện thoại nhờ làm thủ tục vay tiền khi A đang nói chuyện với ông X làm cho ông X hoàn toàn tin tưởng A nên đã đưa cho A 550 triệu đồng nhờ làm thủ tục. Trong trường hợp này, B là đồng phạm với vai trò người giúp sức A thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tương ứng với khoản 3 Điều 174 BLHS năm 2015 với khung hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm. Do thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện bồi thường cho ông X 150 triệu đồng tương ứng với các tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm b, s khoản 1 Điều 51 BLHS nên B được áp dụng khoản 2 Điều 54 BLHS tuyên phạt B 18 tháng tù (mức hình phạt áp dụng thuộc khoản 1 Điều 174 BLHS chứ không phải thuộc khung hình phạt liền kề nhẹ hơn).
Tuy nhiên, trường hợp người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thuộc một trong hai trường hợp nêu trên những khung hình phạt bị áp dụng lại là khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015 – tức thuộc trường hợp phạm tội ở khung hình phạt nhẹ nhất thì theo khoản 3 Điều 54 “Tòa án có thể QĐHP dưới mức thấp nhất của khung hình phạt hoặc chuyển sang một hình phạt khác thuộc loại nhẹ hơn. Lý do của việc giảm nhẹ phải được ghi rõ trong bản án”. Tức là trong trường hợp đó, khoản 1 Điều 174 quy định hình phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm thì người phạm tội có thể được tuyên dưới từ 03 tháng đến dưới 06 tháng tù hoặc chuyển sang loại hình phạt khác nhẹ hơn cải tạo không giam giữ hoặc nhẹ hơn hình phạt tù (hình phạt cảnh cáo, hình phạt tiền).
2. Quyết định hình phạt đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp phạm nhiều tội:
QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp phạm nhiều tội là trường hợp khi xét xử, Tòa án kết án bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và một hoặc nhiều tội phạm khác. Khi QĐHP trong trường hợp này, Tòa án phải QĐHP đối với từng tội, sau đó phải QĐHP chung đối với các tội đó, để buộc bị cáo chấp hành. Tuy nhiên, do hình phạt trong hệ thống hình phạt được quy định tại Điều 32 BLHS có nhiều loại và khi QĐHP đối với từng tội, Tòa án không thể chọn một loại hình phạt chung cho tất cả các tội mà có thể phải áp dụng loại hình phạt khác nhau đối với từng tội. Thực tiễn xét xử cho thấy, một người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể bị xét xử cùng với Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 BLHS năm 2015. Vậy khi QĐHP đối với các bị cáo bị xét xử cùng một Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội khác, Tòa án phải QĐHP đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội khác, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 55 BLHS năm 2015. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, đối với hình phạt chính
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 BLHS, thì hình phạt chính bao gồm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Riêng Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì hình phạt chính có thể được áp dụng bao gồm cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, tù chung thân còn các tội khác được xét xử cùng có thể có các hình phạt khác hoặc cùng loại. Do đó, việc tổng hợp phải theo nguyên tắc sau:
Một là, nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung, hình phạt chung không được vượt quá 03 năm. Ví dụ: Nguyễn Văn T bị phạt hai năm cải tạo không giam giữ về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015 và bị phạt 03 năm cải tạo không giam giữ về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan tổ chức theo Điều 341 BLHS năm 2015. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp này là 04 năm cải tạo không giam giữ, nhưng vì mức tối đa của hình phạt cải tạo không giam giữ là 03 năm, nên Tòa án chỉ buộc Nguyễn Văn T phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 03 năm cải tạo không giam giữ.
Hai là, nếu các hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không không được vượt quá 30 năm. Ví dụ: Nguyễn Huy K bị phạt 20 năm tù về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 và 15 năm tù về tội “cướp tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 171 Bộ luật Hình sự. Tổng hợp hình phạt trong trường hợp này là 35 năm tù, nhưng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 55 BLHS thì hình phạt tù đối với người phạm nhiều tội tối đa là 30 năm, nên Tòa án chỉ buộc Nguyễn Huy K chấp hành hình phạt tù chung cho cả hai tội là 30 năm tù.
Ba là, nếu các hình phạt đã tuyên vừa là hình phạt cải tạo không giam giữ, vừa là hình phạt tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỉ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung như trường hợp hình phạt đã tuyên cùng là tù có thời hạn. Ví dụ: Nguyễn Văn T bị phạt 02 năm tù về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 174 BLHS năm 2015 và bị phạt 03 năm cải tạo không giam giữ về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ tổ chức theo Điều 341 BLHS năm 2015. Tòa án chuyển đổi 03 năm cải tạo không giam giữ thành 01 năm tù và cộng với 03 năm tù, buộc Nguyễn Văn T phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là 04 năm tù.
Bốn là, nếu hình phạt nặng nhất trong số hình phạt đã tuyên là tù chung thân, thì hình phạt chung là tù chung thân. Ví dụ: Mai Văn H bị phạt tù chung thân về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015, 7 năm tù về tội cướp giật tài sản theo khoản 2 Điều 171 BLHS năm 2015. Tổng hình phạt phạt, Tòa án buộc Mai Văn H phải chấp hành hình phạt chung cho cả 02 tội là tù chung thân.
Năm là, nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình, thì hình phạt chung là tử hình. Ví dụ: Nguyễn Thị M bị phạt tử hình vì tội “giết người” theo khoản 1 Điều 123, 05 năm tù về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 174 BLHS năm 2015, thì khi tổng hợp hình phạt, Tòa án buộc Nguyễn Thị M phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai tội là tử hình.
Sáu là, nếu các hình phạt đã tuyên, trong đó có hình phạt tiền, thì Tòa án không được tổng hợp hình phạt tiền với các hình phạt khác, các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung. Ví dụ: Chu Đức H bị phạt 20.000.000 đồng về Tội quảng cáo gian dối theo khoản 1 Điều 197; 05 năm tù về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 174 BLHS năm 2015 và 150.000.000 đồng về Tội buôn bán hàng giả theo khoản 1 Điều 192 BLHS. Khi tổng hợp hình phạt, Tòa án cộng 20.000.000 đồng với 150.000.000 đồng thành 170.000.000 đồng và buộc Chu Đức H phải chấp hành hình phạt chung cho cả ba tội là 05 năm tù và 150.000.000 đồng.
Bảy là, nếu các hình phạt đã tuyên, trong đó có hình phạt trục xuất, thì Tòa án không được tổng hợp hình phạt trục xuất với các hình phạt khác.
Ví dụ: Kim Yong Suk là người mang quốc tịch Hàn Quốc bị phạt trục xuất về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới theo khoản 1 Điều 189 BLHS và 50.000.000 đồng về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 174 BLHS, Tòa án buộc Kim Yong Suk phải chấp hành chung cho cả hai tội là trục xuất và 50.000.000 đồng.
Hai là, đối với hình phạt bổ sung
Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 BLHS thì hình phạt bổ sung bao gồm: cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính và trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính. Cũng như hình phạt chính, có loại hình phạt bổ sung có thể tổng hợp thành hình phạt chung được nhưng cũng có loại hình phạt bổ sung không thể tổng hợp với nhau được. Do đó việc tổng hợp hình phạt bổ sung cũng phải tuân theo những nguyên tắc sau:
Một là, nếu các hình phạt bổ sung đã tuyên là cùng loại, thì khi tổng hợp, Tòa án cộng các hình phạt đó lại, hình phạt chung không được vượt quá giới hạn mà BLHS quy định đối với loại hình phạt đó. Ví dụ: Trần Thị H bị phạt 02 năm tù và 03 năm quản chế sau khi chấp hành xong hình phạt tù về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo khoản 1, 5 Điều 255 BLHS; 06 tháng tù và 03 năm quản chế sau khi chấp hành xong hình phạt tù về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1,5 Điều 174 BLHS. Nếu cộng hai hình phạt bổ sung với nhau thì hình phạt chung phải là 06 năm quản chế, nhưng Tòa án chỉ buộc Trần Thị H phải chấp hành hình phạt bổ sung chung là 05 năm quản chế, vì hình phạt quản chế có mức tối đa theo quy định của BLHS là 05 năm.
Hai là, nếu hình phạt bổ sung đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên. Ví dụ: Mai Thị C bị phạt 02 năm tù và phạt cấm kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù theo quy định tại khoản 1, 5 Điều 255 BLHS về Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy, phạt 06 tháng tù và phạt 50.000.000 đồng theo quy định tại khoản 1, 5 Điều 174 BLHS về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp hình phạt bổ sung Tòa án buộc Mai Thị C phải chấp hành tất cả các hình phạt bổ sung đã tuyên đối với bị cáo là cấm kinh doanh nhà hàng, khách sạn trong thời hạn 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù và 50.000.000 đồng.
3. Quyết định hình phạt đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp đồng phạm:
QĐHP đối với Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong trường hợp đồng phạm vừa tuân thủ các quy định chung về QĐHP vừa phải tuân theo quy định cho trường hợp phạm tội này theo Điều 58 BLHS năm 2015. Theo đó cần lưu ý:
Thứ nhất, đối với đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì QĐHP được thực hiện trong phạm vi khung chế tài điều luật ấy quy định. Các quy định khác của BLHS đối với tội phạm chung cũng được áp dụng chung cho những người đồng phạm.
Thứ hai, trong trường hợp đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm chung phải thống nhất với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của từng người đồng phạm.
Tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm chung được xác định trên cơ sở các tình tiết thuộc mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm chung. Tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của từng người đồng phạm được xác định trên cơ sở hành vi đã thực hiện của họ.
Thứ ba, đặc điểm nhân thân của người đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì đặc điểm nhân thân của đồng phạm nào thì xem xét khi QĐHP cho người đồng phạm đó, không thể lấy đặc điểm nhân thân của người đồng phạm nào đó để áp đặt cho tất cả những người đồng phạm (như không thể lấy tình tiết phạm tội lần đầu của người thực hiện hành vi để xem xét khi QĐHP cho tất cả các người đồng phạm).
Thứ tư, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó. Đó là những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội như tái phạm nguy hiểm, là người chưa thành niên phạm tội… hoặc là những tình tiết khác liên quan đến cá nhân từng người đồng phạm như phạm tội với động cơ đê hèn hay phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra..
Thứ năm, khi QĐHP đối với những người đồng phạm phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tòa án phải xem xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia của từng người đồng phạm vì tính chất của đồng phạm có ảnh hưởng đến tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm chung còn tính chất và mức độ tham gia của mỗi người đồng phạm là yếu tố ảnh hưởng đến tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi của mỗi người đồng phạm. Tính chất tham gia được quyết định bởi vai trò của người đồng phạm, tác động của họ đến hoạt động chung của vụ đồng phạm. Thông thường, người tổ chức và người xúi giục có vai trò nguy hiểm hơn cả hoặc có trường hợp người thực hành cũng bị coi là có vai trò nguy hiểm nếu đã có những hoạt động đắc lực.
4. Miễn hình phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản:
Miễn hình phạt là việc Tòa án không buộc người phạm tội phải chịu biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là hình phạt về tội mà người đó đã thực hiện. Về lý luận, hình phạt là hậu quả pháp lý của tội phạm, luôn gắn liền với tội phạm. Do đó, với hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm thì việc áp dụng biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước là điều không tránh khỏi. Nhưng trong thực tế, có những trường hợp phạm tội, nếu Tòa án áp dụng hình phạt đối với họ sẽ không đạt mục đích của hình phạt và như vậy việc áp dụng hình phạt đối với những trường hợp này là không cần thiết. Điều 59 BLHS năm 2015 quy định: “ Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nếu thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 54 của Bộ luật này mà đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”. Theo quy định này, người phạm tội có thể được miễn hình phạt khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau:
+ Điều kiện thứ nhất, người phạm tội có từ 02 tình tiết giảm nhẹ TNHS được quy định tại khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 trở lên (bắt buộc phải là các tình tiết thuộc khoản 1 mà không phải là tình tiết giảm nhẹ tại khoản 2 Điều 51).
+ Điều kiện thứ hai, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đáng được khoan hồng đặc biệt. Quy định này tuy mang tính định tính, nhưng có thể được hiểu là trước khi Toà án QĐHP đối với người phạm tội thì phải xem xét đến tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm; các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng TNHS; mức độ hậu quả xảy ra; nhân thân người phạm tội, xem xét người phạm tội có đáng được khoan hồng đặc biệt hay không.
+ Điều kiện thứ ba, người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có thể được miễn hình phạt nhưng chưa đến mức miễn TNHS. Có thể hiểu, bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có đầy đủ các điều kiện để miễn hình phạt, nhưng các tình tiết của vụ án chưa thoả mãn các điều kiện để có thể miễn TNHS theo quy định tại Điều 29 BLHS năm 2015. Việc người phạm tội được miễn hình phạt thì không làm phát sinh các hậu quả pháp lý của việc thực hiện TNHS; không có án tích hay nói cách khác là người được miễn hình phạt đương nhiên được xóa án tích ngay sau khi tuyên án.