Vấn đề quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm đã từng được quy định khá sớm trong lịch sử pháp luật hình sự của nước ta. Bộ luật hình sự chưa có điều luật riêng biệt đề cập đến quyết định hình phạt trong trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm nên đây cũng là điểm cần lưu ý.
Trong luật hình An Nam thi hành ở Bắc Kỳ, quyết định hình phạt đối với tái phạm được quy định tại Điều 44: “Phàm người nào đã chịu hình trọng tội hay là khinh tội, sau khi đã mãn hạn rồi, trong năm năm mà lại phạm tội cũng như thế, thì phải chiếu theo cái hạn mãn lệ trong luật đã định mà xử, hay là có thể gia lên gấp hai.
Phàm người nào đã phạm tội vi cảnh mà trong mười hai tháng lại phạm tội vi cảnh, thì cũng cho là tái phạm”.
Trong Luật hình giải nghĩa thi hành ở Nam Kỳ, quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm được quy định chi tiết, cụ thể tại Điều 56: “Người nào trước bị phạt hình cực khổ, hay là nhục nhã, rồi sau tái phạm mà tội ấy phải bị phạt phế quyền dân, thì bị phạt đày ra khỏi xứ.
Nếu tội sau phải bị phạt đuổi ra khỏi xứ, thì sẽ phạt cầm cố, nếu tội sau phải bị phạt biệt giam, thì phải khổ sai hữu hạn.
Nếu tội sau phải bị phạt cầm cố, thì sẽ phạt nó đúng số cao trong tội ấy lại cùng đặng gia bội lên bằng hai.
Nếu tội tái phạm sau phải phạt khổ sai hữu hạn, thì sẽ phạt nó đúng số cao trong tội ấy; và cũng đặng gia bội lên bằng hai.
Nếu tội tái phạm sau phải đày quốc sự, thì sẽ phạt nó chung thân khổ sai.
Kẻ nào đã bị chung thân khổ sai, rồi sau tái phạm tội cũng phải chung thân khổ sai, thì phải phạt xử tử”.
Quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm cũng đã được quy định cụ thể tại Điều 57 Bộ hình luật Việt Nam xuất bản năm 1962 tại Sài Gòn: “Thuộc về đại hình, người nào hiện bị can cứu về một tội đại hình, mà trước ngày phạm tội ấy đã bị án xử một tội danh về đại hình, sẽ theo luật cho là tái phạm, mà phải xử gia đảng.
Những người bị tội đại hình theo luật cho là tái phạm, thời sẽ nghĩ xử tội danh như sau này:
1) Nếu đáng xử tội khổ sai chung thân, thời sẽ xử tử hình;
2) Nếu đáng xử tội phát lưu, thời sẽ xử tội khổ sai chung thân hoặc tử hình;
3) Nếu đáng xử tội khổ sai có kỳ hạn, thời sẽ xử đến tội nặng hơn hết về hạng tội ấy, nếu tội nặng hơn hết ấy trước đã xử rồi, thời sẽ xử tội khổ sai chung thân;
4) Nếu đáng xử tội câu cấm, thời sẽ xử tội khổ sai mà niên hạn gấp đôi tội câu cấm ấy, nhưng không được vượt quá cái hạn về tội khổ sai có kỳ hạn;
5) Nếu đáng xử tội tỷ trí, thời sẽ xử tội câu cấm mà kỳ hạn gấp đôi tội tỷ trí ấy.
Thể lệ trên này như vậy, nhưng gặp những khoản đặc biệt mà luật đã định rõ, thời người tái phạm vẫn được giảm bớt tội”.
Đối với các trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm, thời kỳ trước khi
Đối với những tội nghiêm trọng chỉ cần tái phạm một lần là đã coi là tái phạm nguy hiểm. Đối với những tội ít nghiêm trọng hơn, tái phạm hai, ba lần trở lên mới coi là tái phạm nguy hiểm”.
Về đường lối xét xử: “Các Toà án đều coi tái phạm, nhất là tái phạm nguy hiểm là một tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên nếu bản án về tội trước đã quá lâu và trong một thời gian tương đối dài người bị kết án đã sống một cuộc đời lương thiện, thì không nên coi là tái phạm để tăng nặng khi lượng hình”.
Trong Bộ luật hình sự năm 1985,
Quyết định hình phạt đối với tái phạm, tái phạm nguy hiểm được quy định ở các quy phạm Phần chung Bộ luật hình sự năm 2015 như: Điều 3 – Nguyên tắc xử lý; Điều 50 – Căn cứ quyết định hình phạt; Điều 52 – Các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hoặc được quy định cụ thể ở các quy định về tội phạm (tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với nhiều tội). Đường lối xử lý chung trong pháp luật hình sự nước ta là tăng nặng trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với những kẻ tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Cơ sở của việc tăng nặng này là dựa vào những đặc điểm về nhân thân người phạm tội, biểu hiện mức độ, tính chất nguy hiểm cho xã hội nghiêm trọng của người tái phạm. Nhưng như vậy, không có nghĩa cơ sở xác định trách nhiệm hình sự đối với hành vi phạm tội tái phạm là những dấu hiệu của chủ thể thực hiện hành vi đó.
Luật hình sự Việt Nam hoàn toàn bác bỏ lý thuyết “thói quen phạm tội” của luật hình sự tư sản. Điều 2 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”. Điều đó có nghĩa, chỉ khi nào một hành vi cấu thành tội phạm thực tế đã xảy ra, lúc đó mới có thể nói đến trách nhiệm hình sự và hình phạt. Bên cạnh đó, cần phải nhận thức rằng, mức độ và tính chất nguy hiểm cho xã hội của nhân thân kẻ phạm tội cũng được thể hiện một cách khách quan ngay trong hành vi phạm tội. Nhưng mối quan hệ giữa nhân thân người phạm tội và hành vi phạm tội không phải là đơn giản mà ngược lại rất phức tạp. Để xác định chính xác tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của kẻ phạm tội cần phải nghiên cứu quá khứ của người đó, nguyên nhân, động cơ phạm tội và những tình tiết khác thuộc về nhân thân kẻ phạm tội. Trên cơ sở tổng kết tất cả những tình tiết này, mới có thể xác định đúng đắn mối quan hệ giữa hành vi phạm tội với nhân thân kẻ phạm tội và khả năng giáo dục, cải tạo để từ đó có thể tiến hành cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt.
Việc căn cứ vào những đặc điểm thuộc về nhân thân kẻ phạm tội để cụ thể hóa mức trách nhiệm hình sự hoàn toàn không mâu thuẫn với nguyên tắc mọi người bình đẳng trước pháp luật. Thực tiễn công tác xét xử ở nước ta đã khẳng định, việc xem xét đặc điểm nhân thân người phạm tội là rất cần thiết, vì Tòa án xét xử một vụ án cụ thể, cũng là xét xử những con người cụ thể. Hình phạt chỉ có thể được coi là công bằng, hợp lý, cũng như chỉ phát huy đầy đủ tác dụng khi nó tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của nhân thân người phạm tội. Như vậy, cơ sở để tăng trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm là đặc điểm nhân thân người phạm tội. Vấn đề được đặt ra là đặc điểm nhân thân kẻ phạm tội phản ánh tính chất nguy hiểm cho xã hội của người đó như thế nào?
Theo chúng tôi, nhiệm vụ của luật hình sự Việt Nam là bảo vệ các quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa, trong khi đó đặc điểm nhân thân kẻ phạm tội phản ánh tính chất nguy hiểm cho xã hội của người đó là ở chỗ, nó làm phát sinh khả năng xâm hại đến các quan hệ này. Đối với trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm, rõ ràng, tuy cùng xâm hại đến quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, nhưng hậu quả đối với xã hội do kẻ tái phạm, tái phạm nguy hiểm gây ra nặng nề hơn so với người phạm tội lần đầu. Nếu đối với những người phạm tội lần đầu, có thể hy vọng vào khả năng tiếp thu, giáo dục, cải tạo của họ sau khi áp dụng trách nhiệm hình sự và hình phạt, còn đối với những kẻ tái phạm, nhất là tái phạm nguy hiểm, hy vọng vào khả năng giáo dục, cải tạo của họ giảm đi và khả năng tiếp tục phạm tội ở họ tăng lên. Vì vậy, đối với những kẻ tái phạm, tái phạm nguy hiểm, phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn mới đủ sức giáo dục, cải tạo họ, cũng như mới tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội và nhân thân họ. Việc luật hình sự Việt Nam quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của hầu hết các tội phạm là cách giải quyết đúng đắn vấn đề cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với kẻ tái phạm, tái phạm nguy hiểm nhằm đảm bảo tác dụng giáo dục, cải tạo và phòng ngừa của trách nhiệm hình sự cũng như hình phạt.
Tuy nhiên, những quy định của pháp luật hình sự đối với những kẻ tái phạm, tái phạm nguy hiểm chỉ mới dừng ở mức độ giới hạn khung hình phạt để Tòa án thực hiện cá thể hóa hình phạt đối với từng trường hợp cụ thể. Như vậy, hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tái phạm chẳng những phụ thuộc vào các quy định của pháp luật hình sự mà còn phụ thuộc rất nhiều vào công tác xét xử của Tòa án.
Đối với những trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm việc tăng nặng hình phạt là cần thiết, nhưng chỉ có thể ở giới hạn nhất định, vì hình phạt không phải là công cụ chủ yếu và toàn năng để phòng, chống tội phạm. Mặt khác, hình phạt, một khi được áp dụng nhiều lần đối với một người phạm tội, có thể gây ra phản ứng thích nghi về mặt tâm lý. Do đó, song song với việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc, cần thiết phải kết hợp đồng bộ với những biện pháp mang tính xã hội và những biện pháp giáo dục, cải tạo, phòng ngừa riêng đối với những kẻ tái phạm.
Thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử vấn đề quyết định hình phạt đối với tái phạm, tái phạm nguy hiểm cho thấy, vướng mắc chủ yếu của các Tòa án chính là vấn đề xác định tái phạm hay tái phạm nguy hiểm.
Ví dụ: bị cáo Nguyễn Văn T đã bị các Tòa án xét xử nhiều lần, cụ thể như sau:
Lần thứ nhất, ngày 9-11-1992, T bị Tòa án nhân dân quận HK, thành phố HN xử phạt 6 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản của công dân, bị cáo chấp hành án xong ngày 8-5-1993-
Lần thứ hai, ngày 23-5-1995, T lại bị Tòa án nhân dân quận ĐĐ, thành phố HN xử phạt 15 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản của công dân, bị cáo chấp hành án xong ngày 22-8-1996.
Lần thứ ba, ngày 15-11-1996, T bị Tòa án nhân dân thành phố HN xử phạt 30 tháng tù giam về tội trộm cắp tài sản của công dân. Bị cáo chịu tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là tái phạm nguy hiểm theo điểm b khoản 2 Điều 40 Bộ luật hình sự năm 1985. Bị cáo chấp hành án xong ngày 14-5-1999.
Lần thứ tư, ngày 13-4-2000, T thực hiện hành vi trộm cắp tài sản của công dân (giá trị tài sản mà bị cáo chiếm đoạt là 815.000 đồng).
Vấn đề đặt ra ở đây là khi xét xử hành vi thứ tư, thì Tòa án áp dụng tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt hay chỉ áp dụng tái phạm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Có hai quan điểm về vấn đề này:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, khi bị xét xử hành vi phạm tội trộm cắp tài sản của công dân lần thứ tư ngày 13-4-2000, bị cáo T phải chịu tình tiết tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt theo điểm d khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1985.
Quan điểm thứ hai cho rằng, áp dụng Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21-12-1999, thì khi xét xử bị cáo lần thứ tư này chỉ cần áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ nhất, bởi lẽ lần thứ hai phạm tội, bị cáo T đã bị Tòa án nhân dân áp dụng tình tiết tăng nặng là tái phạm, do đó lần thứ ba phạm tội, bị cáo đã bị Tòa án nhân dân thành phố HN áp dụng tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là tái phạm nguy hiểm theo điểm d khoản 2 Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1985 là đúng. Như vậy, bị cáo đã tái phạm nguy hiểm (lần thứ ba) chưa được xóa án tích lại tiếp tục phạm tội lần thứ tư, thì khi xét xử lần thứ tư, Tòa án cần áp dụng tình tiết tăng nặng định khung hình phạt là tái phạm nguy hiểm.
Nghiên cứu những quy định của luật hình sự một số nước trên thế giới về việc quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm cho thấy vấn đề này đã được các nhà làm luật các nước đề cập khá cụ thể.
Theo Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga, tái phạm (trong đó bao gồm cả tái phạm nguy hiểm và tái phạm đặc biệt nguy hiểm) bị coi là tình tiết tăng nặng hình phạt được quy định tại điểm a khoản 1 Điều 64 và việc quyết định hình phạt trong trường hợp tái phạm được quy định tại Điều 69:
“1- Khi quyết định hình phạt trong trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm và tái phạm đặc biệt nguy hiểm phải cân nhắc số lần, tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm trước đây, hoàn cảnh làm hạn chế tác dụng giáo dục cải tạo của hình phạt đã áp dụng, cũng như tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội mới phạm.
2- Thời hạn hình phạt đối với trường hợp tái phạm không thể thấp hơn 1/2 thời hạn hình phạt tối đa được điều luật quy định đối với tội đã phạm; đối với trường hợp tái phạm nguy hiểm, không thấp hơn 2/3; còn đối với trường hợp tái phạm đặc biệt nguy hiểm, không thấp hơn 3/4 thời hạn hình phạt tối đa đối với tội đã phạm.
3- Khi có những tình tiết đặc biệt được quy định tại Điều 65 Bộ luật này, thì việc quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm hoặc tái phạm đặc biệt nguy hiểm không bị giới hạn bởi các thời hạn hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều này”).
Trong Bộ luật hình sự của Vương quốc Bỉ, việc quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm phụ thuộc vào loại hình phạt mà người đó bị áp dụng. Trường hợp phạm trọng tội với hình phạt tù (reclusion) được quy định tại Điều 54: “Người nào đã bị kết án với hình phạt đại hình mà còn phạm trọng tội với hình phạt tù (reclusion) sẽ phải chịu hình phạt lao động khổ sai từ mười năm đến mười lăm năm.
Nếu trọng tội có hình phạt từ mười năm đến mười lăm năm lao động khổ sai, người phạm tội có thể bị kết án với hình phạt lao động khổ sai từ mười lăm năm đến hai mươi năm”
Trường hợp phạm trọng tội với hình phạt tù có thời hạn (détention) được quy định tại Điều 55: “Người nào đã bị kết án với hình phạt đại hình mà còn phạm trọng tội với hình phạt tù có thời hạn (détention) từ năm năm đến mười năm, thì có thể sẽ bị kết án với hình phạt tù có thời hạn (détention) từ mười năm đến mười lăm năm.
Nếu phạm trọng tội có hình phạt tù từ mười năm đến mười lăm năm, người phạm tội có thể bị kết án với hình phạt tù có thời hạn (détention) đặc biệt.
Trường hợp phạm khinh tội được quy định tại Điều 56: “Người nào sau khi kết án với hình phạt đại hình mà còn phạm khinh tội, thì có thể sẽ bị kết án với mức hình phạt gấp hai lần mức cao nhất của hình phạt được luật quy định đối với khinh tội đó.
Hình phạt tương tự có thể được tuyên đối với trường hợp bản án kết tội trước tuyên hình phạt tù (emprisonnement) một năm hoặc ít hơn, nếu như người bị kết án phạm khinh tội mới trong thời hạn năm năm kể từ khi chấp hành xong hình phạt trước”.
Luật hình sự của Nhật Bản, không sử dụng thuật ngữ “tái phạm” mà sử dụng thuật ngữ “kết án nhiều lần” và phân loại kết án nhiều lần thành hai loại, đó là trường hợp kết án lần thứ hai và trường hợp kết án lần thứ ba trở lên.
Hình phạt đối với trường hợp bị kết án lần thứ hai được quy định tại Điều 57: “Mức tối đa của hình phạt đối với trường hợp kết án lần thứ hai là gấp đôi mức tối đa của hình phạt tù có lao động bắt buộc được quy định đối với tội phạm đó”.
Trường hợp kết án lần thứ ba trở lên được quy định tại Điều 59: “Các quy định liên quan đến trường hợp kết án lần thứ hai được áp dụng đối với người bị kết án lần thứ ba trở lên”.
Trong Bộ luật hình sự của Vương quốc Thụy Điển, việc quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm được quy định tại Điều 3 Chương 26 – hình phạt tù như sau: “Người nào bị phạt ít nhất hai năm tù và bản án đã có hiệu lực pháp luật mà phạm tội mới với hình phạt tù trên sáu năm, thì bị kết tội tái phạm và bị phạt tù trong thời hạn vượt quá thời hạn tối đa áp dụng cho tội đó bốn năm (thời hạn tối đa + bốn năm) hoặc trong trường hợp người đó phạm nhiều tội mới, thì mức phạt tối đa được áp dụng theo quy định tại Điều 2-
Việc tăng thời hạn phạt tù nói ở đoạn một không áp dụng đối với người phạm tội dưới 21 tuổi.
Một bản án nước ngoài có cùng hiệu lực như một bản án Thụy Điển”.
Như vậy, so sánh các quy định về quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong luật hình sự của một số nước trên thế giới với quy định về quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm trong luật hình sự của nước ta, có thể rút ra nhận xét: việc quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm ở các nước được giải quyết theo hướng định lượng rất cụ thể, trong khi đó việc quyết định hình phạt đối với trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm ở nước ta trên cơ sở định tính, nghĩa là tái phạm nguy hiểm được coi là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của nhiều tội phạm, còn tái phạm bị coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Theo chúng tôi, xu hướng tiến bộ của kỹ thuật lập pháp là phải định lượng rất thể các trường hợp cần áp dụng vì nó tạo điều kiện cho việc nhận thức và thống nhất áp dụng pháp luật.
Quyết định hình phạt là một giai đoạn rất quan trọng trong hoạt động xét xử của Tòa án, bởi lẽ ở giai đoạn này, Tòa án nhân danh Nhà nước chính thức xác nhận về mặt pháp lý một người bị coi là có tội và tuyên hình phạt đối với người ấy. Đối với nhiều tội phạm, việc quyết định hình phạt của Tòa án càng có ý nghĩa quan trọng, điều đó biểu thị sự lên án và sự xử lý nghiêm khắc của Nhà nước đối với những trường hợp như phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và tái phạm, tái phạm nguy hiểm. Quyết định hình phạt đối với nhiều tội phạm đúng, công bằng, hợp lý là tiền đề, là điều kiện cho việc đạt được mục đích của hình phạt.
Nhiều tội phạm là một vấn đề phức tạp, có nhiều vướng mắc về mặt lý luận và thực tiễn, cho nên việc quyết định hình phạt đối nhiều tội phạm cũng là vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau. Lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam cho thấy, Nhà nước ta đã hết sức quan tâm tới đường lối xử lý đối với từng hình thức biểu hiện của nhiều tội phạm. Các quy định của pháp luật hình sự về quyết định hình phạt đối với các trường hợp phạm tội nhiều lần, phạm nhiều tội và tái phạm, tái phạm nguy hiểm đã được ban hành ngay từ sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh phòng, chống đối với trường hợp nhiều tội phạm.
Trong Bộ luật hình sự năm 1985, lần đầu tiên quyết định hình phạt đối với phạm nhiều tội đã được quy định tại Điều 41; khái niệm tái phạm, tái phạm nguy hiểm được quy định tại Điều 40; phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại khoản 1 Điều 39 và phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm còn là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt của nhiều điều luật. Đến Bộ luật hình sự năm 1999 và khẳng định lại tại Bộ luật hình sự 2015 các quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội và khái niệm tái phạm, tái phạm nguy hiểm đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng khắc phục được những bất cập, vướng mắc mà thực tiễn xét xử đối với nhiều tội phạm đã đặt ra; phạm tội nhiều lần và tái phạm, tái phạm nguy hiểm vẫn được coi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đây cũng là phản ứng cần thiết của Nhà nước ta trước tình hình nhiều tội phạm đang có xu hướng gia tăng, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân, lợi ích hợp pháp của các tổ chức và xã hội, cản trở sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.