Cách thức quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội của một số nước phụ thuộc vào cách thức phân loại tội phạm, cao nhất là hai mươi năm tù. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội không phụ thuộc vào loại tội đã phạm, mà phụ thuộc vào loại hình phạt chính, loại hình phạt bổ sung và việc tổng hợp hình phạt tù có thời hạn có thể lên đến ba mươi năm tù.
Trước khi có
Từ năm 1964 trở về trước, việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội, các Tòa án thường áp dụng nguyên tắc: “Tội nặng thu hút tội nhẹ, tức là truy tố về nhiều tội nhưng chỉ cần tuyên một hình phạt duy nhất là hình phạt của tội nặng nhất, còn tội nhẹ thì coi như một trường hợp tăng tội”.
Tuy nhiên, thực tiễn xét xử thời gian đó cho thấy, việc quyết định hình phạt của Tòa án đối với trường hợp phạm nhiều tội chưa nhất quán, thậm chí còn trái ngược với nhau. Có Tòa án tuy đã phân tích, nhận định trong bản án là bị cáo phạm nhiều tội, nhưng không quyết định hình phạt cụ thể cho mỗi tội rồi quyết định hình phạt phải chấp hành mà chỉ quyết định hình phạt chung cho các tội được phân tích; có Tòa án quyết định hình phạt cụ thể cho mỗi tội rồi quyết định hình phạt chung buộc bị cáo phải chấp hành. Việc quyết định hình phạt phải chấp hành chung cho nhiều tội cũng thực hiện bằng nhiều cách khác nhau như thu hút hình phạt nhẹ vào hình phạt nặng hoặc cộng tất cả các hình phạt đã tuyên cho từng tội lại, hoặc cộng thêm vào hình phạt nặng nhất một phần của các hình phạt đã tuyên cho các tội khác; cá biệt có Tòa án đã quyết định hình phạt phải chấp hành nhẹ hơn hình phạt đã tuyên cho tội nặng nhất, trong số các tội mà bị cáo đã phạm.
Để khắc phục tình trạng trên, Báo cáo tổng kết năm 1964 của Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn: “Đối với trường hợp bị cáo phạm nhiều tội, khi xét xử nói chung trong những trường hợp thấy cần thiết và có thể, Tòa án nên phân tích và kết luận rõ đối với từng hành vi phạm tội và quyết định hình phạt cho từng hành vi rồi quyết định hình phạt chung bắt bị cáo phải chấp hành. Nhưng cũng cần chú ý rằng, đối với những trường hợp tuy bị cáo có nhiều hành vi nhưng mỗi hành vi cũng cấu thành một tội phạm hình sự, nhưng thấy việc xét xử về nhiều tội là không cần thiết, thì không máy móc phải xử phạt hết các tội và xử tổng hợp nhiều tội”.
Trên cơ sở hướng dẫn trên, hoạt động xét xử đối với phạm nhiều tội trong thời gian từ năm 1964 đến trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985 diễn ra như sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội, mỗi hành vi phạm tội lại nhằm một mục đích khác nhau, không có quan hệ hữu cơ với nhau (ví dụ: bị cáo thực hiện hành vi hiếp dâm và hành vi cướp của, mặc dù hai hành vi đó cùng diễn ra một lúc và đối với một người), thì định tội và quyết định hình phạt cho mỗi hành vi, rồi quyết định hình phạt chung cho bị cáo phải chấp hành.
Thứ hai, đối với trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi phạm tội, tuy mỗi hành vi cấu thành một tội phạm hình sự khác nhau, nhưng cuối cùng chỉ nhằm một mục đích phạm tội (ví dụ: để tuyên truyền tổ chức người khác trốn theo địch, bị cáo đã xuyên tạc, nói xấu chế độ, ca tụng kẻ địch; mục đích của y chỉ là rủ rê người khác trốn theo địch, nhưng thủ đoạn của y lại phạm một tội khác: tội tuyên truyền phản cách mạng), tùy từng vụ án cụ thể Tòa án có thể xử về nhiều tội, cũng có thể chỉ xử về một tội chính và coi các hành vi khác là các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt. Cụ thể:
– Nếu là những hành vi nghiêm trọng thì xử về nhiều tội.
– Nếu là những hành vi không nghiêm trọng, thì xử một tội chính và coi các hành vi khác là các tình tiết tăng nặng định khung hình phạt.
Thứ ba, trường hợp bị cáo chỉ thực hiện một hành vi phạm tội, nhưng hành vi này lại cấu thành hai tội phạm khác nhau (ví dụ: một nhân viên nhà nước trốn theo địch là đã phạm vào tội đào nhiệm và tội trốn theo địch), Tòa án tùy vào từng trường hợp cụ thể mà có thể xét xử về nhiều tội hoặc một tội nghiêm trọng nhất.
Việc quyết định hình phạt chung để bị cáo phải chấp hành cũng đã được các Tòa án vận dụng khác nhau. Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất về quyết định hình phạt đối với phạm nhiều tội, Báo cáo tổng kết công tác năm 1964 của Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn như sau:
“1- Chỉ bắt bị cáo chấp hành hình phạt đã tuyên cho tội nặng nhất, các hình phạt đã tuyên cho các tội khác được coi như thu hút vào hình phạt nặng nhất. Cách này được áp dụng cho mọi trường hợp, bên cạnh một hành vi là tội phạm nghiêm trọng, các hành vi khác chỉ là thủ đoạn, phương pháp để thực hiện hành vi đó hoặc bị cáo thực hiện một hành vi nhưng hành vi ấy lại phạm vào nhiều điều luật, nếu có tuyên hình phạt cho từng tội thì cũng chỉ nên bắt bị cáo chấp hành một hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên.
2- Cộng toàn bộ các hình phạt đã tuyên cho từng tội hoặc cộng vào hình phạt nặng nhất một phần các hình phạt đã tuyên, để thành hình phạt bắt bị cáo phải chấp hành, nhưng hình phạt này không được quá 20 năm tù. Cách này nói chung áp dụng trong trường hợp bị cáo thực hiện nhiều hành vi, mỗi hành vi nhằm thực hiện một mục đích khác nhau, không có quan hệ hữu cơ với nhau”)
Đối với một số vụ án cụ thể về các tội phản cách mạng, trong Báo cáo tổng kết công tác ngành Tòa án năm 1968, Tòa án nhân dân tối cao lại hướng dẫn: “Có thể quyết định ngay một hình phạt chung cho bị cáo, mà không cần tuyên hình phạt cho từng tội phạm rồi mới tổng hợp hình phạt lại”).
Như vậy, việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội trong thời gian này chưa thống nhất đối với các loại tội phạm khác nhau và không thống nhất trong phạm vi toàn quốc.
Ngoài ra, trong thời gian này thực tiễn xét xử đối với các trường hợp phạm nhiều tội đã bộc lộ những vướng mắc cần phải giải quyết về mặt lý luận. Đó là trường hợp kẻ phạm tội – thường là phần tử nguy hiểm như lưu manh chuyên nghiệp – phạm rất nhiều tội trong một thời gian dài; đối với mỗi tội, nếu tuyên từng hình phạt riêng biệt thì có thể xử phạt 10 năm, 20 năm và tổng số các hình phạt có thể lên tới 40 năm, 50 năm tù. Nhưng nếu xem xét toàn bộ hoạt động đó trong thời gian kéo dài, kết hợp với nhân thân của kẻ phạm tội rất xấu và yêu cầu phòng ngừa chung, thì lại thấy phải xử chung thân hoặc tử hình mới thỏa đáng.
Tin Các Tòa án đã giải quyết vướng mắc trên rất khác nhau. Có nơi đã tổng hợp thành hình phạt tù chung thân các hình phạt tù dài hạn như vậy. Có nơi quyết định ngay một hình phạt chung: tù chung thân hoặc tử hình mà không cần phải quyết định hình phạt đối với từng tội, rồi mới tổng hợp hình phạt nhưng với điều kiện là: “phải có một trong số các tội phạm của bị cáo thuộc loại tội phạm mà theo luật hiện hành có thể bị xử phạt tù chung thân hoặc tử hình”).
Trong những trường hợp như trên, phương hướng chung được nhiều Toà án tán thành là: “trong những trường hợp không thể tuyên một hình phạt chung và bị cáo phải chịu nhiều hình phạt tù dài hạn với tổng số lên tới 30 năm, 40 năm tù, nếu theo luật chỉ tuyên hình phạt tổng hợp là 20 năm tù (mức tối đa của hình phạt tù có thời hạn), thì rõ ràng là chưa thể hiện được yêu cầu trừng trị bọn phạm tội đặc biệt nguy hiểm. Nhưng nếu lại cho phép tuyên ngay hình phạt tử hình bằng cách không tuyên xử các hình phạt riêng biệt thì lại quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất các loại hình phạt (hình phạt tù dù có dài hạn đến đâu cũng nhẹ hơn nhiều so với hình phạt tử hình). Từ đó, có thể và cần thiết phải cho phép vượt 20 năm tù hoặc bằng cách nâng lên một tỷ lệ nhất định, hoặc cho phép chuyển thành tù chung thân trong những điều kiện chặt chẽ như bị xử nhiều hình phạt tù dài hạn mà tổng số vượt quá 30 năm, trong đó có một án 20 năm… và điều luật nặng nhất mà y thực hiện cũng cho phép xử tù chung thân”).
Quan điểm trên có nhiều điểm hợp lý, nhất là đã chỉ ra rằng: “cần thiết phải cho phép vượt 20 năm”. Rất đáng tiếc quan điểm này lại không được các nhà làm luật (Bộ luật hình sự năm 1985) lưu tâm đến.
Trong Bộ luật hình sự năm 1985, lần đầu tiên trong lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam, việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đã được quy định tại Điều 41: “Khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội. Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên”. Quy định: “khi xét xử cùng một lần người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó quyết định hình phạt chung cho các tội” đã khắc phục được nhược điểm thiếu nhất quán trong thực tiễn xét xử thời gian trước đó và đánh dấu sự trưởng thành về mặt kỹ thuật lập pháp hình sự của nước ta. Tuy nhiên, qua một thời gian thực hiện, Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985 đã bộc lộ bất cập ở quy định: “Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội nặng nhất đã phạm và trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên”, bởi lẽ quy định này đã hạn chế sự nghiêm khắc của pháp luật đối với những kẻ phạm nhiều tội, nhất là trong trường hợp các tội đã phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội không giống nhau.
Để khắc phục nhược điểm này, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 28-1-1989 đã sửa đổi quy định trên như sau: “Hình phạt chung không được vượt mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên”. Tuy nhiên, Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định cách thức tổng hợp hình phạt, do đó gây ra những vướng mắc cho Tòa án trong khi áp dụng pháp luật, nhất là trong những trường hợp phải tổng hợp các hình phạt khác loại.
Để khắc phục những vướng mắc nói trên, Điều 50
“Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
1- Đối với hình phạt chính:
a) Nếu các hình phạt chính đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá ba năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, ba mươi năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
b) Nếu các hình phạt chính đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ ba ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành một ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
d) Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình;
đ) Phạt tiền không tổng hợp với các loại hình phạt khác; các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
e) Trục xuất không tổng hợp với các loại hình phạt khác.
2- Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên”.
Theo quy định trên, khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, việc quyết định hình phạt (cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung) được tiến hành theo hai giai đoạn:
1) Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội;
2) Trên cơ sở các hình phạt đó, Tòa án quyết định hình phạt chung cho các tội đã phạm.
Cụ thể hoá quy định này tại Điều 55
a) Quyết định hình phạt chính đối với phạm nhiều tội
* Quyết định hình phạt đối với từng tội
Quyết định hình phạt đối với từng tội có nghĩa là trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách đầy đủ, khách quan và toàn diện các tình tiết của vụ án, nhân thân người phạm tội và các tình tiết khác, Tòa án quyết định hình phạt cụ thể đối với từng tội mà người phạm tội đã phạm phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm.
Việc quyết định hình phạt đối với từng tội có ý nghĩa rất quan trọng. Trước hết, quyết định đó tỏ rõ thái độ và sự lên án của Nhà nước đối với từng tội phạm, đồng thời thể hiện nguyên tắc xử lý được quy định tại Điều 3 Bộ luật hình sự năm 1999: “Mọi hành vi phạm tội phải được phát hiện kịp thời, xử lý nhanh chóng, công minh theo đúng pháp luật”. Mặt khác, việc quyết định hình phạt đối với từng tội tạo điều kiện thuận lợi cho Toà án cấp trên phát hiện những sai sót trong quá trình xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án của Toà án cấp dưới cũng như việc xét đặc xá cho người bị kết án. Ngoài ra, việc quyết định hình phạt đối với từng tội còn có liên quan đến các hậu quả pháp lý khác như coi bị cáo là tái phạm, tái phạm nguy hiểm, thời hiệu thi hành án….
Nghiên cứu quy định của luật hình sự một số nước như Liên bang Nga, Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Nhật Bản… cho thấy việc quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội được các nước này quy định rất khác nhau. Điều 70 Bộ luật hình sự của Liên bang Nga năm 1996 quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội như sau:
“1- Trong trường hợp phạm nhiều tội, hình phạt được quyết định đối với từng tội đã phạm”. Trong Bộ luật hình sự năm 1979 cũng như Bộ luật hình sự năm 1997 của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đã được quy định tại Điều 69: “Trước khi tuyên án đối với người phạm nhiều tội, trừ mức tử hình và tù chung thân, phải căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định thời hạn chấp hành hình phạt”. Như vậy, luật hình sự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa không quy định rõ, trước khi tổng hợp hình phạt, có quyết định hình phạt đối với từng tội phạm hay không? Giống như luật hình sự của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, luật hình sự của một số nước khác như Nhật Bản, Vương quốc Thụy Điển cũng không quy định việc quyết định hình phạt đối với từng tội phạm. Đây là điểm khác biệt so với luật hình sự của nước ta và của Liên bang Nga.
Theo luật hình sự của Việt Nam, khi quyết định hình phạt đối với từng tội, Tòa án phải căn cứ vào các điều luật quy định các tội phạm đó, cân nhắc tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 51, 52 Bộ luật hình sự năm 2015. Đó là những cơ sở tạo điều kiện cho việc cá thể hóa hình phạt đối với từng tội phạm. Trong những điều kiện, tình tiết tương tự, rõ ràng xét về mặt nhân thân, người phạm nhiều tội nguy hiểm hơn người phạm một tội, trường hợp phạm nhiều tội nguy hiểm hơn trường hợp phạm một tội. Do đó, khi quyết định hình phạt đối với tội phạm sau, Tòa án cần lưu ý rằng, trước đó bị cáo đã phạm tội, nói cách khác, bị cáo không phải phạm một tội mà phạm nhiều tội. Việc quyết định mức hình phạt cụ thể đối với từng tội tùy thuộc vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của từng tội trong những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Bởi vậy, khi quyết định hình phạt đối với từng tội có một điểm khác cần chú ý là không nhất thiết cứ tội nào có khung hình phạt cao hơn thì Tòa án quyết định mức hình phạt nặng hơn so với các tội phạm khác. Tóm lại, việc quyết định hình phạt đối với từng tội là tiền đề, là điều kiện bắt buộc để tiến hành bước sau: bước quyết định hình phạt chung cho các tội mà bị cáo đã phạm.
* Quyết định hình phạt chung cho các tội
Sau khi quyết định hình phạt đối với từng tội, Tòa án quyết định hình phạt chung cho các tội. Hình phạt chung cho các tội được quyết định trên cơ sở tổng hợp hình phạt đối với các tội. Những hình phạt đó có thể là hình phạt cùng loại (như cùng là hình phạt tù có thời hạn hoặc cùng là hình phạt tiền) nhưng cũng có thể là hình phạt khác loại (ví dụ: tội thứ nhất bị tuyên hình phạt tù có thời . hạn, tội thứ hai tuyên hình phạt tù chung thân). Theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1985, thì trong trường hợp các hình phạt đã tuyên là cùng loại, Tòa án sẽ quyết định hình phạt chung theo quy định của Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại, thì việc tổng hợp hình phạt lại được quy định tại Điều 43 Bộ luật hình sự năm 1985. Điều này là không hợp lý, vì nếu căn cứ vào tiêu đề của Điều 41 – Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, thì nội dung của điều luật phải bao hàm cả trường hợp các hình phạt đã tuyên là cùng loại cũng như trường hợp các hình phạt đã tuyên là khác loại. Mặt khác, đối với loại hình phạt tù có thời hạn, giới hạn mức cao nhất của hình phạt chung quy định trong Bộ luật hình sự năm 1985 là chưa hợp lý và chưa phù hợp với yêu cầu đấu tranh phòng, chống phạm nhiều tội. Bởi lẽ, theo quy định của Bộ luật hình sự năm 1985, khi Tòa án quyết định hình phạt chung trong trường hợp phạm nhiều tội có loại hình phạt tù có thời hạn, thì hình phạt chung không được vượt quá 20 năm – mức cao nhất của hình phạt tù có thời hạn. Do vậy, trong trường hợp người phạm nhiều tội mà trong số các tội đó có tội đã bị Tòa án tuyên 20 năm tù, các tội còn lại cũng là tù có thời hạn hoặc khi cộng các hình phạt đã được tuyên cho các tội phạm đã vượt quá 20 năm tù, thì người phạm tội cũng chỉ phải chấp hành hình phạt chung là 20 năm tù.
Nhằm khắc phục các nhược điểm trên, Bộ luật hình sự năm 2015 có những sửa đổi, bổ sung rất cơ bản như sau:
Thứ nhất, Điều 55 – Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội – đã được sửa lại trên cơ sở kết hợp nội dung của Điều 41 và Điều 43 Bộ luật hình sự năm 1985, Điều 50 Bộ luật hình sự năm 1999. Tăng mức tổng hợp hình phạt tù có thời hạn lên 30 năm. Điều này xuất phát từ nguyên tắc công bằng của luật hình sự, thể hiện chính sách hình sự nghiêm khắc đối với người phạm nhiều tội.
Thứ hai, điểm b khoản 1 Điều 55 quy định rõ tỉ lệ chuyển đổi từ thời gian cải tạo không giam giữ sang thời gian tù (cứ ba ngày cải tạo không giam giữ thành một ngày tù) để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tổng hợp hình phạt chung trong trường hợp hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.
Thứ ba, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 55 quy định rõ hình phạt bổ sung khác loại thì không được tổng hợp mà người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên.
Thứ tư, Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015 đã nêu ra quy định về cách thức tổng hợp hình phạt trong từng trường hợp cụ thể (các điểm a, b, c, d, đ, e của khoản 1 Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015).
Trong Bộ luật hình sự năm 2015, tuy không chỉ ra tên phương pháp tổng hợp, nhưng trên cơ sở lý luận luật hình sự, có thể nhận thấy hai phương pháp tổng hợp hình phạt đã được các nhà lập pháp sử dụng tại Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015, đó là phương pháp thu hút và phương pháp cộng các hình phạt. Đây có thể nói là một bước tiến đáng ghi nhận về mặt kỹ thuật lập pháp hình sự của nước ta, vì tại Điều 41 Bộ luật hình sự năm 1985, nhà lập pháp của nước ta chỉ nêu ra nguyên tắc chung của việc tổng hợp hình phạt: “hình phạt chung không được vượt quá mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên”, mà không nêu cụ thể trong trường hợp nào thì sử dụng phương pháp thu hút và trong trường hợp nào thì sử dụng phương pháp cộng hình phạt. Thời gian đó, việc lựa chọn, áp dụng phương pháp tổng hợp hình phạt nào là do Tòa án quyết định căn cứ vào từng vụ án cụ thể, vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của các tội phạm, vào các loại hình phạt đã được quyết định đối với từng tội, cũng như nhân thân các bị cáo…
Căn cứ vào thực tiễn xét xử, có thể thấy có hai phương pháp thường được các Tòa án áp dụng khi tổng hợp hình phạt:
Phương pháp thứ nhất: thu hút hình phạt. Đây là một trong những phương pháp tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội trên thế giới. Thực chất của phương pháp này là thu hút hình phạt nhẹ vào hình phạt nặng. Nói cách khác, khi áp dụng phương pháp này trong mọi trường hợp không được thu hút hình phạt nặng vào hình phạt nhẹ và lấy hình phạt đó làm hình phạt chung.
Trong thực tiễn xét xử cho thấy, phương pháp này thường được áp dụng khi các tội đã phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội rất khác nhau, thể hiện ở chỗ các mức hình phạt đã tuyên cho từng tội rất chênh lệch nhau; khi Tòa án quyết định cho từng tội các hình phạt khác loại; khi Tòa án tuyên hình phạt cao nhất đối với một trong các tội phạm là tử hình, tù chung thân hoặc tù hai mươi năm; khi có tổng hợp trừu tượng tức là khi có một hành vi phạm tội, nhưng hành vi đó cấu thành hai tội phạm độc lập trở lên.
Phương pháp thứ hai: phương pháp cộng các hình phạt (cộng toàn bộ hoặc một phần hình phạt). Thực tiễn cho thấy, thông thường Tòa án áp dụng phương pháp này để quyết định hình phạt chung khi tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm tương đương nhau hoặc các tội phạm đó không có quan hệ hữu cơ với nhau mà nhằm thực hiện những mục đích khác nhau. Có hai cách cộng các hình phạt: cộng toàn bộ và cộng một phần hình phạt, Việc chọn cách nào là tùy thuộc từng trường hợp phạm tội cụ thể. Nhưng trong mọi trường hợp, việc cộng các hình phạt phải bảo đảm ba yêu cầu cơ bản sau:
Một là, nếu các hình phạt đối với từng tội là các hình phạt khác loại, thì phải chuyển thành hình phạt cùng loại;
Hai là, hình phạt chung không được vượt quá mức cao nhất của loại hình phạt đã tuyên;
Ba là, hình phạt chung phải nằm trong phạm vi loại hình phạt đã tuyên.
Thực tiễn xét xử trước khi có Bộ luật hình sự năm 1999 cho thấy, có nhiều trường hợp một người phạm từ ba tội trở lên, việc quyết định hình phạt cũng được tiến hành theo cách thức nói trên, trong đó có thể áp dụng đồng thời cả hai phương pháp quyết định hình phạt. Vướng mắc lớn nhất đối với việc áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự năm 1985 về quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội là Bộ luật không quy định cụ thể về điều kiện áp dụng phương pháp thu hút và phương pháp cộng hình phạt, cách thức chuyển đổi hình phạt khác loại dẫn đến việc áp dụng của các Tòa án không thống nhất.
Khắc phục nhược điểm này, Điều 55 Bộ luật hình sự năm 2015 đã quy định cụ thể về cách thức cộng các hình phạt, cách thức chuyển đổi hình phạt khác loại (hình phạt tù và hình phạt cải tạo không giam giữ); cách thức thu hút hình phạt: nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân, thì hình phạt chung là tù chung thân, nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình. Bộ luật hình sự năm 2015 cũng đã quy định các trường hợp không tổng hợp với các loại hình phạt khác: đó là hình phạt tiền và hình phạt trục xuất.
Về phương pháp tổng hợp hình phạt, nghiên cứu luật hình sự của một số nước trên thế giới cho thấy, các nước đều áp dụng phương pháp thu hút hình phạt và phương pháp cộng hình phạt, nhưng cách thức áp dụng hai phương pháp này của từng nước có khác nhau. Điều 70 Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga đã quy định cụ thể về cách thức tổng hợp hình phạt như sau:
“2- Nếu các tội đã phạm chỉ là tội ít nghiêm trọng thì hình phạt chung được quyết định bằng cách thu hút hình phạt nhẹ vào hình phạt nặng hơn hoặc cộng một phần hoặc toàn bộ hình phạt. Hình phạt chung không được vượt quá mức cao nhất của hình phạt đối với tội nặng nhất đã phạm.
3- Nếu các tội đã phạm là tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì hình phạt chung được quyết định bằng cách cộng một phần hoặc toàn bộ hình phạt. Hình phạt chung là phạt tù có thời hạn không được vượt quá hai mươi năm.
4- Trong trường hợp phạm nhiều tội có thể quyết định hình phạt bổ sung cùng với hình phạt chính. Hình phạt bổ sung chung khi cộng một phần hoặc toàn bộ hình phạt không được vượt quá thời hạn tối đa hoặc mức tối đa của loại hình phạt đó do Phần chung Bộ luật này quy định.
5- Quy tắc quyết định hình phạt nói trên cũng được áp dụng đối với trường hợp sau khi tuyên án mới xác định được người bị kết án còn phạm một tội khác trước khi bị kết án về tội thứ nhất. Trong trường hợp này, thời hạn hình phạt chung được tính cả hình phạt đã chấp hành theo bản án trước của Tòa án”.
Cách xác định thời hạn hình phạt khi cộng hình phạt đối với quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội và trong trường hợp tổng hợp nhiều bản án cũng được quy định cụ thể tại Điều 72 Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga:
“1- Khi cộng một phần hoặc toàn bộ hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội và tổng hợp bản án, một ngày tù tương đương:
a) Một ngày phạt giam hoặc giữ ở đơn vị kỷ luật quân đội;
b) Hai ngày hạn chế tự do;
c) Ba ngày lao động cải tạo hoặc hạn chế phục vụ trong quân đội;
d) Tám giờ lao động bắt buộc”.
Trong Bộ luật hình sự của Nhật Bản, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại các Điều 46, 47, 48, 49. Việc thu hút hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 46: “Khi hình phạt tử hình được tuyên đối với một trong số các tội đã phạm thì không một hình phạt nào khác có thể được áp dụng trừ tịch thu tài sản.
Khi hình phạt tù chung thân, lao động bắt buộc được tuyên đối với một trong số các tội đã phạm, thì không một hình phạt nào khác có thể được áp dụng trừ phạt tiền, phạt tiền về tội hình sự nhỏ và tịch thu tài sản”.
Việc tăng nặng hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 47: “Trong trường hợp phạm nhiều tội, khi có hai hoặc nhiều tội bị phạt tù có thời hạn có (hoặc không có) lao động bắt buộc, thì mức tối đa của hình phạt chung là mức tối đa của hình phạt được quy định đối với tội nặng nhất trong số các tội đã phạm, tăng thêm 1/2, nhưng không được vượt tổng số mức tối đa của các hình phạt được quy định đối với các tội đã phạm”.
Việc tịch thu tài sản, đồ vật, phương tiện đối với trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 49: “Thậm chí, đối với tội nặng nhất trong số các tội đã phạm không quy định hình phạt tịch thu tài sản thì hình phạt đó có thể được áp dụng bổ sung cho hình phạt chính, khi đối với bất cứ tội nào trong số các tội đã phạm có quy định hình phạt này.
Hai hoặc nhiều hình phạt tịch thu tài sản được áp dụng đồng thời”.
Việc đại xá đối với trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 52: “Khi một người bị kết án về nhiều tội đã được khoan hồng theo quyết định đại xá đối với bất cứ tội nào trong số các tội bị kết án, thì hình phạt được quyết định lại đối với những tội không được đại xá”).
Trong Bộ luật hình sự của Vương quốc Thụy Điển, việc quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội được quy định tại Điều 2, Chương 26 hình phạt tù: “Phạt tù có thể là hình phạt chung cho nhiều tội nếu hình phạt này áp dụng được đối với bất kỳ tội nào trong số các tội đó.
Phạt tù có thể được tuyên cho một thời hạn dài hơn thời hạn cao nhất có thể áp dụng chung cho các tội, nhưng không được vượt quá tổng số các thời hạn tối đa áp dụng cho từng tội và không vượt quá:
1- Một năm nếu hình phạt cao nhất có thể áp dụng chung cho các tội là phạt tù từ bốn năm đến tám năm.
2- Bốn năm nếu hình phạt cao nhất có thể áp dụng là phạt tù từ tám năm trở lên”(2)
Bộ luật hình sự của Vương quốc Bỉ quy định quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội tại Chương VI, trong đó hình phạt chung phụ thuộc vào cách thức phân loại tội phạm. Tội phạm theo luật hình sự của nước này được phân làm ba loại: tội vi cảnh, khinh tội và trọng tội.
Trường hợp phạm nhiều tội vi cảnh được quy định tại Điều 58 của Bộ luật này như sau: “Người nào phạm nhiều tội vi cảnh, thì sẽ phải chịu hình phạt của từng tội mà người đó đã phạm”).
Trường hợp phạm nhiều tội vi cảnh và khinh tội được quy định tại Điều 59: Trong trường hợp phạm một hoặc nhiều khinh tội, một hoặc nhiều tội vi cảnh, tất cả các hình phạt tiền và hình phạt tù tiểu hình sẽ được áp dụng trong giới hạn được quy định ở trong các Điều 60, 61, 62:
Điều 60: “Trường hợp phạm nhiều khinh tội, các hình phạt được tổng hợp không được gấp hai lần mức cao nhất của loại hình phạt nặng nhất. Trong bất cứ trường hợp nào, hình phạt được tổng hợp không được vượt quá hai mươi năm từ”. Điều 61: “Trường hợp phạm một trọng tội với một hay nhiều khinh tội hoặc với một hay nhiều tội vi cảnh, thì chỉ tuyên hình phạt được áp dụng đối với trọng tội”. Điều 62: “Trong trường hợp phạm nhiều trọng tội, loại hình phạt nặng nhất sẽ được tuyên. Hình phạt được tuyên có thể vượt quá năm năm so với mức cao nhất của loại hình phạt đó, nếu nó là lao động cưỡng bức, tù có thời hạn (détention), tù (reclusion)”.
Đối với pháp luật hình sự của Mỹ quy định, trong trường hợp phạm nhiều tội thì mức hình phạt tù có thời hạn có thể lên đến hàng trăm năm.
Trong Bộ luật hình sự của Cộng hòa liên bang Đức, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội có sự khác nhau giữa trường hợp “Một hành vi cấu thành nhiều tội” và trường hợp “Nhiều hành vi cấu thành nhiều tội”, cụ thể là:
“a. Quyết định hình phạt trong trường hợp “Một hành vi cấu thành nhiều tội” được quy định tại Điều 52 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, Toà chỉ quyết định một hình phạt (chính) trong phạm vi khung hình phạt được quy định cho một tội trong số các tội đã phạm. Tội được chọn là tội có hình phạt nặng hơn. Tội có hình phạt nặng hơn là: tội có hình phạt nặng hơn (trong trường hợp các tội có các loại hình phạt khác nhau); tội có hình phạt với mức tối đa cao nhất (trong trường hợp các tội có cùng loại hình phạt khác nhau); tội có hình phạt phụ hoặc hình phạt phụ nặng hơn (trong trường hợp tiêu chí trên không giải quyết được); tội có hình phạt với mức tối thiểu cao nhất (trong trường hợp tiêu chí trên không giải quyết được). Hình phạt đã tuyên không được phép thấp hơn hình phạt thấp nhất của các tội khác cho phép. Hình phạt tiền kèm theo hình phạt tù được tuyên theo quy định của Điều 41 Bộ luật hình sự. Hình phạt tài sản được tuyên theo quy định của Điều 43 nếu một trong các tội đã phạm cho phép.
Quyết định hình phạt trong trường hợp “Nhiều hành vi cấu thành nhiều tội” được quy định tại Điều 53 và Điều 54 Bộ luật hình sự. Trong trường hợp này, Toà quyết định hình phạt cho từng tội, sau đó Toà án sẽ tổng hợp hình phạt như sau: nếu một hình phạt (chính) là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân; nếu các hình phạt (chính) được tổng hợp cùng loại thì hình phạt chung là hình phạt nặng nhất có cộng thêm một phần nhưng không được lớn hơn tổng các hình phạt và không được quá 15 năm đối với hình phạt tù và quá 720 ngày lương đối với hình phạt tiền; nếu các hình phạt (chính) là khác loại thì hình phạt chung là hình phạt thuộc loại nặng hơn có cộng thêm một phần nhưng không được lớn hơn tổng các hình phạt và không được quá 15 năm tù (mức quy đổi là 1 ngày lương 1 ngày tù). Việc cộng thêm như thế nào là quyền của Toà án, nhưng khi cộng thêm họ phải cân nhắc nhân thân người phạm tội cũng như các tội phạm cụ thể trong tổng thể thống nhất. Khi tổng hợp hình phạt tù với hình phạt tiền (là hình phạt chính) Toà án có thể quyết định hình phạt chung là phạt tiền và tổng hợp theo trường hợp nhiều hình phạt cùng loại (phạt tiền). Hình phạt tiền kèm theo hình phạt tù, hình phạt tài sản kèm theo hình phạt tù, hình phạt phụ, hậu quả phụ được quyết định như trong trường hợp tổng hợp hình phạt khi “một hành vi cấu thành nhiều tội”).
Trong Bộ luật hình sự năm 1979 cũng như Bộ luật hình sự năm 1997 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội đã được quy định tại Điều 69: “Trước khi tuyên án đối với người phạm nhiều tội, trừ mức tử hình và tù chung thân, phải căn cứ vào tình hình си thể để quyết định thời hạn chấp hành hình phạt. Thời hạn hình phạt thấp hơn thời hạn của hình phạt chung và cao hơn thời hạn của hình phạt nặng nhất trong các tội đã phạm, nhưng mức độ quản chế không vượt quá ba năm, cải tạo không giam giữ không vượt quá một năm, tù giam không vượt quá hai mươi năm”.
* Quyết định hình phạt bổ sung đối với phạm nhiều tội
Trong hệ thống hình phạt do luật hình sự quy định, ngoài các hình phạt chính, hình phạt bổ sung chiếm một vị trí rất quan trọng. Hình phạt bổ sung là hình phạt được áp dụng kèm theo hình phạt chính nhằm tăng cường hiệu quả của việc áp dụng hình phạt. Mục đích của hình phạt bổ sung cũng chính là mục đích của hình phạt nói chung. Ngoài mục đích của hình phạt nói chung, hình phạt bổ sung còn có mục đích riêng, đó là củng cố những kết quả cải tạo, giáo dục đã đạt được ở người phạm tội sau khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính. Việc áp dụng hình phạt bổ sung nhằm loại trừ các nguyên nhân và điều kiện làm nảy sinh hoặc thúc đẩy người đó phạm tội tiếp (ví dụ: hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý tài sản của Nhà nước đối với người phạm tội tham ô tài sản) hoặc loại trừ khả năng người đó tác động xấu đến người khác (quản chế, cấm cư trú đối với người phạm tội trong trường hợp tái phạm nguy hiểm, đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia…).
Là hình phạt bổ sung, nên các hình phạt này không được áp dụng độc lập đối với người phạm tội. Theo quy định tại khoản 3 Điều 32 Bộ luật hình sự năm 2015: “Đối với mỗi tội phạm, người phạm tội chỉ bị áp dụng một hình phạt chính và có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung”. Điều đó có nghĩa, không phải trong mọi trường hợp, người phạm tội đều bị áp dụng hình phạt bổ sung, đặc biệt, trong trường hợp người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, thì vấn đề hình phạt bổ sung không được đặt ra.
Khoản 2 Điều 32 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định 7 loại hình phạt bổ sung: a) cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; b) cấm cư trú; c) quản chế; d) tước một số quyền công dân; đ) tịch thu tài sản; e) phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính; g) trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.
Việc quyết định hình phạt bổ sung trong trường hợp phạm một tội không có vướng mắc gì lớn, nhưng quyết định hình phạt bổ sung trong trường hợp phạm nhiều tội lại rất phức tạp. Trong Bộ luật hình sự năm 1985, do chưa được quy định cụ thể về quyết định hình phạt bổ sung trong trường hợp phạm nhiều tội, nên xung quanh vấn đề phương pháp tổng hợp hình phạt bổ sung đối với trường hợp này còn có nhiều quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất cho rằng, không phải quyết định hình phạt bổ sung cho từng tội, vì giới hạn của các hình phạt này nói chung không rộng và cũng nhằm cho việc quyết định hình phạt được đơn giản.
Quan điểm thứ hai cho rằng khi Tòa án quyết định hình phạt chính đối với mỗi tội phạm, thì đồng thời Tòa án phải quyết định áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt bổ sung đối với tội phạm đó.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, bởi lẽ hình phạt bổ sung chỉ có thể được áp dụng kèm theo hình phạt chính và phải phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm cũng như các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và nhân thân của người phạm tội. Điều đó có nghĩa là cơ sở để Tòa án quyết định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội là: 1) những trường hợp phạm tội mà luật quy định hình phạt bổ sung là bắt buộc; 2) Tòa án thấy cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội. Vì vậy khi quyết định hình phạt chính đối với mỗi tội phạm, Tòa án quyết định hình phạt bổ sung đối với tội phạm đó, nếu điều đó được quy định trong luật hoặc Tòa án cho là cần thiết. Chỉ trên cơ sở quyết định hình phạt bổ sung như vậy, mới đánh giá hết mức độ nghiêm trọng của tội phạm và nhân thân người phạm tội, thể hiện rõ thái độ của Nhà nước đối với từng hành vi phạm tội.
Để khắc phục nhược điểm chưa quy định cụ thể về phương pháp tổng hợp hình phạt bổ sung trong trường hợp phạm nhiều tội của Bộ luật hình sự năm 1985, Bộ luật hình sự năm 2015 tại khoản 2 Điều 55 đã đưa ra phương pháp tổng hợp hình phạt bổ sung trong trường hợp phạm nhiều tội bằng quy định:
“Khi xét xử cùng một lần một người phạm nhiều tội, Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội, sau đó tổng hợp hình phạt theo quy định sau đây:
2- Đối với hình phạt bổ sung:
a) Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại, thì hình phạt chung được quyết định trong giới hạn do Bộ luật này quy định đối với loại hình phạt đó; riêng đối với hình phạt tiền thì các khoản tiền phạt được cộng lại thành hình phạt chung;
b) Nếu các hình phạt đã tuyên là khác loại, thì người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên”).
Như vậy, Bộ luật hình sự năm 2015 đã khắc phục được các nhược điểm của Bộ luật hình sự trước và đã tổng kết được về mặt lý luận vấn đề quyết định hình phạt đối với phạm nhiều tội, nhất là trường hợp quyết định hình phạt bổ sung đối với phạm nhiều tội. Cụ thể là:
– Nếu các hình phạt đã tuyên là cùng loại thì Toà án quyết định một hình phạt chung trong giới hạn do Bộ luật hình sự quy định đối với loại hình phạt đó. Điều đó có nghĩa là phạt tiền không thấp hơn một triệu đồng (Khoản 3, Điều 35 Bộ luật hình sự năm 2015), thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, cấm cư trú, quản chế không quá năm năm (các Điều 41, 42, 43 Bộ luật hình sự năm 2015)…
Đối với hình phạt bổ sung cùng loại, Toà án không phải cộng các hình phạt đã tuyên như đối với hình phạt chính. Do vậy, có thể thực hiện việc cộng toàn bộ, cộng một phần hoặc thu hút toàn bộ hình phạt nhẹ hơn vào hình phạt nặng hơn. Do đây là hình phạt chung cho phạm nhiều tội, cho nên mức phạt chung không được thấp hơn mức hình phạt cao nhất trong số hình phạt đã tuyên. Ví dụ: Một người bị quản chế về hai tội là 3 năm và 2 năm thì hình phạt chung là quản chế có thể là từ 3 đến 5 năm, chứ không được dưới 3 năm.
Riêng đối với phạt tiền thì việc tổng hợp được thực hiện bằng cách cộng toàn bộ các hình phạt tiền đã tuyên và không giới hạn bởi mức tối đa.
Nếu các hình phạt bổ sung đã tuyên là khác loại thì không thực hiện việc quyết định hình phạt chung. Trong trường hợp này, người bị kết án phải chấp hành tất cả các hình phạt đã tuyên. Các hình phạt nhìn chung được chấp hành đồng thời. Tuy nhiên, cũng có trường hợp việc chấp hành hình phạt này sẽ loại trừ việc chấp hành hình phạt khác. Ví dụ, việc người bị kết án chấp hành hình phạt trục xuất sẽ loại trừ việc chấp hành hình phạt cấm cư trú hay quản chế…
Nghiên cứu những quy định của luật hình sự một số nước trên thế giới về việc quyết định hình phạt bổ sung trong trường hợp phạm nhiều tội cho thấy nhiều nước như Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Bỉ không có quy định về quyết định hình phạt bổ sung đối với phạm nhiều tội; một số nước như Liên bang Nga cũng quy định giống Luật hình sự nước ta là nếu các hình phạt bổ sung khác loại thì phải chấp hành tất cả các hình phạt đó. Bộ luật hình sự năm 1996 của Liên bang Nga quy định về các loại hình phạt bổ sung tại Điều 46 và quyết định hình phạt bổ sung tại Điều 70:
“Điều 46. Hình phạt chính và hình phạt bổ sung
2- Phạt tiền, tước quyền giữ chức vụ nhất định hoặc tiến hành hoạt động nhất định được áp dụng vừa là hình phạt chính, vừa là hình phạt bổ sung;
3- Tước danh hiệu riêng, danh hiệu quân nhân hoặc danh hiệu vinh dự, hàm cấp các hình thức khen thưởng của Nhà nước, tịch thu tài sản được áp dụng chỉ là hình phạt bổ sung”
Điều 70. Quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội
1- Trong trường hợp phạm nhiều tội hình phạt được quyết định đối với từng tội đã phạm.
4- Trong trường hợp phạm nhiều tội có thể quyết định hình phạt bổ sung cùng với hình phạt chính. Hình phạt bổ sung chung khi cộng một phần hoặc toàn bộ hình phạt không được vượt quá thời hạn tối đa hoặc mức tối đa của loại hình phạt đó do phần chung Bộ luật này quy định”.
Trong Bộ luật hình sự năm 1979 cũng như Bộ luật hình sự năm 1997 của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, quyết định hình phạt bổ sung trong trường hợp phạm nhiều tội đã được quy định tại Điều 69 nhưng không cụ thể mà chỉ mang tính chất nguyên tắc: “Nếu áp dụng hình phạt bổ sung trong trường hợp phạm nhiều tội, thì chúng được áp dụng theo những quy định chung”.
Tóm lại, so sánh quy định của luật hình sự nước ta về quyết định hình phạt đối với trường hợp phạm nhiều tội với quy định của luật hình sự của các nước nói trên, có thể rút ra nhận xét cách thức quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội của một số nước phụ thuộc vào cách thức phân loại tội phạm, nói cách khác phụ thuộc vào loại tội phạm mà người phạm tội đã phạm và việc tổng hợp hình phạt tù có thời hạn cao nhất là hai mươi năm tù. Đây cũng là điểm khác cơ bản so với luật hình sự của nước ta, bởi lẽ trong Bộ luật hình sự năm 1999 cũng như trong Bộ luật hình sự năm 2015 của nước ta, quyết định hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội không phụ thuộc vào loại tội đã phạm, mà phụ thuộc vào loại hình phạt chính, loại hình phạt bổ sung và việc tổng hợp hình phạt tù có thời hạn có thể lên đến ba mươi năm tù.