Quyết định hình phạt đối với tội mua bán người là việc Tòa án sau khi xác định được bị cáo phạm tội mua bán người đã lựa chọn hình phạt phù hợp, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ TNHS.
Mục lục bài viết
1. Quyết định hình phạt đối với tội mua bán người là gì:
Quyết định hình phạt là một trong những giai đoạn rất quan trọng, một trong những nội dung của quá trình áp dụng pháp luật hình sự do thẩm phán và hội thẩm nhân dân tiến hành đối với người thực hiện tội phạm theo một trình tự nhất định. Hiện nay ở Việt Nam, khái niệm về quyết định hình phạt chưa có quy định cụ thể trong văn bản nào. Một số các nhà nghiên cứu khoa học Luật hình sự cho rằng: Quyết định hình phạt là việc Tòa án lựa chọn loại hình phạt cụ thể với mức độ cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng cho người phạm tội.
Tuy nhiên, một số tác giả khác cho rằng cần hiểu quyết định hình phạt theo nghĩa rộng hơn, nghĩa là quyết định hình phạt bao gồm các hoạt động: Xác định người phạm tội có được miễn trách nhiệm hình sự hay miễn hình phạt hay không, xác định khung hình phạt, xác định loại và mức hình phạt cụ thể trong phạm vi khung hình phạt hoặc dưới khung đó.
Quyết định hình phạt là hoạt động thực tiễn của Tòa án (Hội đồng xét xử) được thực hiện sau khi đã xác định được tội danh để định ra biện pháp xử lý tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị cáo đã thực hiện. Nội dung của hoạt động quyết định hình phạt có thể là miễn trách nhiệm hình sự hoặc có thể là miễn hình phạt (trường hợp này, hoạt động quyết định hình phạt chấm dứt tại đây) hoặc nếu Tòa án quyết định áp dụng hình phạt thì hoạt động quyết định hình phát là việc xác định hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định đối với bị cáo.
Như vậy, có thể đưa ra khái niệm quyết định hình phạt đối với tội mua bán người như sau: Quyết định hình phạt đối với tội mua bán người là việc Tòa án sau lựa chọn hình phạt phù hợp (bao gồm hình phạt chính và có thể cả hình phạt bổ sung) sau khi đã xác định được bị cáo phạm tội mua bán người nhằm đưa ra biện pháp xử lý tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi bị cáo đã thực hiện, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo các quy định của BLHS.
2. Đặc điểm của việc quyết định hình phạt đối với tội mua bán người:
Từ khái niệm trên, có thể rút ra những đặc điểm của việc quyết định hình phạt đối với tội mua bán người như sau:
Thứ nhất, chủ thể quyết định hình phạt đối với tội mua bán người là Tòa án mà cụ thể là Hội đồng xét xử.
Thứ hai, việc quyết định hình phạt đối với tội mua bán người do Tòa án thực hiện trên cơ sở quy định của BLHS. Nội dung của quyết định hình phạt có thể là miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc là việc Tòa án lựa chọn hình phạt cụ thể. Quyết định hình phạt chỉ áp dụng đối với cá nhân người có hành vi phạm tội.
Thứ ba, khi quyết định hình phạt đối với tội mua bán người, Tòa án phải tuân thủ các quy định chung về quyết định hình phạt, nguyên tắc quyết định hình phạt và cụ thể là những quy định về khung, loại và mức hình phạt khác nhau được quy định tại Điều 150 Bộ luật Hình sự.
3. Các nguyên tắc quyết định hình phạt đối với tội mua bán người:
Các nguyên tắc quyết định hình phạt đối với tội mua bán người là những tư tưởng chủ đạo, cơ bản trong quá trình xây dựng và áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự để Tòa án căn cứ vào đó quyết định hình phạt một cách công bằng, hợp lý, đúng pháp luật, bảo đảm mục đích của hình phạt đối với người phạm tội mua bán người.
Nguyên tắc pháp chế: Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong Luật Hình sự Việt Nam được thể hiện ở việc xét xử hình sự phải đúng người, đúng tội. Nguyên tắc pháp chế thể hiện khi quyết định hình phạt đối với tội mua bán người là ở chỗ hình phạt mà Tòa án áp dụng đối với người phạm tội phải phù hợp với các quy định của pháp luật. Nội dung của nguyên tắc thể hiện:
Một là, Tòa án cần áp dụng đúng hình phạt đối với những người thực hiện hành vi phạm tội được quy định trong BLHS. Điều 2 của BLHS năm 2015 quy định như sau: “Chỉ người nào phạm một tội đã được BLHS quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự”.
Hai là, cơ sở của quyết định hình phạt đúng, hợp lý và công bằng là việc định tội danh chính xác.
Ba là, việc quyết định hình phạt do Tòa án là cơ quan có thẩm quyền nhân danh Nhà nước thực hiện.
Bốn là, khi quyết định hình phạt, Tòa án phải tuân theo trình tự và các điều kiện áp dụng các loại hình phạt được quy định trong BLHS, tuân theo các chế tài của điều luật hoặc khoản của điều luật quy định đối với tội mà người phạm tội đã thực hiện. Mức hình phạt mà Tòa án lựa chọn phải nằm trong phạm quy định của pháp luật. Tòa án không được áp dụng hình phạt vượt mức cao nhất của khung hình phạt mà điều luật quy định.
Năm là, khi đưa ra một hình phạt đối với mỗi người phạm tội phải có căn cứ lập luận thuyết phục và lý do. Một đòi hỏi nữa của nguyên tắc pháp chế là tính hợp lý của quyết định hình phạt, nó thể hiện ở chỗ trong nhiều phương án giải quyết khác nhau mà luật cho phép, Tòa án cần lựa chọn một loại và mức hình phạt phù hợp với bị cáo, vừa phải đúng pháp luật, vừa phải phù hợp với các nguyên tắc khác[53].
Nguyên tắc công bằng: Thừa nhận nguyên tắc trong thực tế, đó là: Không thể áp dụng những hình phạt giống nhau một các máy móc đối với những người phạm tội giống nhau. Để kết án một cách công minh, để người bị kết án phải chịu hình phạt một cách thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi của mình, thông qua đặc điểm về nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng TNHS, lỗi, động cơ, mục đích phạm tội, các tình tiết khác có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt vv..., pháp luật dành cho Tòa án một khả năng rộng lớn, sự “tùy nghi” lựa chọn các biện pháp tác động cụ thể đối với người phạm tội.
Nguyên tắc cá thể hóa TNHS: Nguyên tắc cá thể hóa trách nhiệm hình sự là đòi hỏi các cơ quan xét xử phải xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm đối với xã hội của tội phạm nhân thân người phạm lội, các tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ để áp dụng hợp lí và có chọn lọc những biện pháp cưỡng chế hình sự và tố tụng hình sự đối với người phạm tội. Đối với trường hợp vụ án đồng phạm mua bán người thì điều kiện để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này không đương nhiên dùng để áp dụng cho bị cáo khác. Tình tiết về nhân thân của người đồng phạm nào thì áp dụng đối với chính người đó. Các tình tiết loại trừ TNHS của riêng người đồng phạm nào thì áp dụng riêng đối với người đó.
Nguyên tắc nhân đạo: Xuất phát từ truyền thống quý báu của dân tộc là tinh thần nhân đạo. Khi xem xét hành vi của người phạm tội mua bán người, Nhà nước chú ý đến nhiều khía cạnh như độ tuổi, sức khỏe, tình trạng bản thân khi phạm tội để quyết định mức hình phạt phù hợp. Nguyên tắc này được thể hiện ở quy định về nguyên tắc xử lý, về mục đích hình phạt, về hệ thống hình phạt, về việc quyết định hình phạt, miễn và giảm hình phạt, miễn TNHS.
Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa thể hiện rõ nét ở mục đích áp dụng hình phạt là cải tạo, giáo dục người phạm tội để họ nhận ra lỗi sai từ đó thay đổi nhận thức và tư duy sống có ích cho xã hội. Nguyên tắc nhân đạo cũng thể hiện nguyên tắc xử lý người chưa thành niên phạm tội. Từ hình và tù chung thân không áp dụng với người chưa thành niên phạm tội. Khi xử phạt tù có thời hạn, người chưa thành niên được hưởng mức án nhẹ hơn mức án với người thành niên phạm tội tương ứng.
Nguyên tắc nhân đạo trong quyết định hình phạt thể hiện, khi quyết định hình phạt Tòa án phải cân nhắc hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, của xã hội và của người phạm tội. Sự thiên lệch hay ý kiến tiêu cực đối với bất kỳ một lợi ích nào đều dẫn đến bất công và không nhân đạo.