Quyết định 774/QĐ-BYT ngày 11 tháng 03 năm 2013 Quyết định phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 - 2020.
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN BỆNH VIỆN VỆ TINH GIAI ĐOẠN 2013 – 2020
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh ngày 23 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng các Cục: Quản lý Khám, chữa bệnh, Khoa học công nghệ và Đào tạo, Công nghệ thông tin; Vụ trưởng các Vụ: Tổ chức cán bộ, Kế hoạch – Tài chính, Bảo hiểm y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc các bệnh viện tham gia Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020 và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
>>> Luật sư
ĐỀ ÁN
BỆNH VIỆN VỆ TINH GIAI ĐOẠN 2013-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 774 /QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2013, của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020)
Phần thứ nhất.
BỐI CẢNH XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong thời gian qua, ngành y tế nước ta nói chung, hệ thống khám bệnh, chữa bệnh nói riêng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các bệnh viện được đầu tư, phát triển hơn, nhiều kỹ thuật, công nghệ y học tiên tiến được áp dụng trong khám, chữa bệnh, khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế của người dân được cải thiện, góp phần cứu chữa được nhiều người mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo mà trước đây chưa cứu chữa được hoặc phải đi nước ngoài khám, chữa bệnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hệ thống khám, chữa bệnh của nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, bất cập, thách thức: Mô hình bệnh tật kép (bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm); nguồn lực đầu tư cho y tế tuy có tăng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; số giường bệnh/vạn dân thấp hơn so với các nước trong khu vực, năm 2011 đạt tỷ lệ 21,1 giường bệnh/vạn dân; nhân lực y tế cho lĩnh vực khám chữa bệnh còn thiếu so với định mức biên chế và nhu cầu thực tế; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 7,2 là tỷ lệ thấp so với nhiều nước trong khu vực; phân bố nhân lực y tế không đồng đều, cán bộ có tay nghề cao thường tập trung chủ yếu ở các thành thị, vùng kinh tế, xã hội phát triển, tình trạng thiếu nhân lực y tế phổ biến ở nhiều địa phương; nhiều kỹ thuật y học cao đã triển khai nhưng không đồng đều, chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn và ở các bệnh viện tuyến trung ương; ở tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa có chất lượng dịch vụ y tế thấp hơn hẳn so với vùng kinh tế phát triển, khả năng tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao của người dân hạn chế, dẫn đến sự mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe, người dân không tin tưởng chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tuyến dưới.
Việc vượt tuyến khám bệnh, chữa bệnh xảy ra khá phổ biến, nhiều người bệnh đến cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương để khám, chữa các bệnh mà đáng lẽ có thể được điều trị hiệu quả ngay ở tuyến tỉnh, tuyến huyện, gây quá tải tại các bệnh viện tuyến trên đặc biệt là các bệnh viện trung ương.
Để giải quyết những khó khăn, thách thức nêu trên, trong nhiều năm qua Bộ Y tế đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao năng lực y tế tuyến dưới thông qua việc đẩy mạnh hoạt động chỉ đạo tuyến, hướng dẫn hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên cán bộ theo Đề án 1816 của Bộ Y tế và các Đề án của Chính phủ. Nhiều bệnh viện tuyến tỉnh và hầu hết bệnh viện tuyến huyện đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị theo Đề án 225, Đề án 47, Đề án 930 của Chính phủ. Tuy nhiên, các bệnh viện này còn thiếu cán bộ chuyên môn có trình độ phù hợp để sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế đã được đầu tư.
Từ năm 2005 Bộ Y tế đã thí điểm triển khai Đề án bệnh viện vệ tinh về chuyên ngành ngoại khoa và nội khoa. Mục tiêu của Đề án là tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh cho một số đơn vị vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Hoạt động chủ yếu là đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị y tế, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa thông qua mạng Internet (Telemedicine). Kết quả của Đề án thí điểm là rất tốt, các bệnh viện vệ tinh của hai bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bạch Mai đã tiếp nhận được nhiều kỹ thuật, công nghệ y học, năng lực cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng cao, tỷ lệ chuyển người bệnh lên tuyến trên giảm.
Thực tiễn cho thấy, triển khai thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh là gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ của tuyến dưới, chuyển giao kỹ thuật từ bệnh viện tuyến trên về bệnh viện tuyến dưới, giúp bệnh viện tuyến dưới sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất đã được đầu tư.
Xuất phát từ cơ sở thực tiễn nêu trên, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện, Bộ Y tế xây dựng Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020.
MỘT SỐ KHÁI NIỆM
Một số từ ngữ trong Đề án này được hiểu như sau:
Bệnh viện hạt nhân: Là bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực, được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh để giúp bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Bệnh viện vệ tinh: Là viện tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện có một hoặc nhiều đơn vị vệ tinh.
Đơn vị vệ tinh: Là khoa (hoặc trung tâm) thuộc bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh viện tuyến huyện được bệnh viện hạt nhân lựa chọn đỡ đầu, hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình bệnh viện hạt nhân.
III. CĂN CỨ PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020.
Phần thứ hai.
MỤC TIÊU VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN
MỤC TIÊU CHUNG
Nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên; trước mắt tập trung ưu tiên 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
MỤC TIÊU CỤ THỂ
Hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh gồm một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về các chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (Telemedicine), đến năm 2015 đạt các chỉ tiêu cụ thể như sau:
a) Về đào tạo, 100% cán bộ, nhân viên y tế trong nhóm tiếp nhận kỹ thuật của bệnh viện vệ tinh được đào tạo về chuyên môn phù hợp;
b) 100% các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh thực hiện được việc đào tạo và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin;
c) Giảm tối thiểu 15% tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân so với trước khi thực hiện Đề án (năm 2012); 100% bệnh viện hạt nhân thực hiện việc chuyển bệnh nhân ở giai đoạn hồi phục về bệnh viện vệ tinh, giúp rút ngắn thời gian điều trị trung bình hợp lý tại bệnh viện hạt nhân.
d) Bảo đảm 100% các kỹ thuật mà bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao cho bệnh viện vệ tinh được bệnh viện vệ tinh tự thực hiện tốt và duy trì bền vững;
Các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị thiết bị y tế, phương tiện chuyển tuyến, công nghệ thông tin để bảo đảm việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật có hiệu quả cao và bền vững.
III. PHẠM VI ĐỀ ÁN
Phạm vi chuyên môn: Tập trung đầu tư vào 5 chuyên khoa có công suất sử dụng giường bệnh quá cao: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Thời gian và địa bàn triển khai:
a) Giai đoạn 2013-2015: Ưu tiên đầu tư 45 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân (09 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 05 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh).
b) Giai đoạn 2016 – 2020: Tiếp tục duy trì kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện, điều kiện kinh tế xã hội để mở rộng Đề án.
Phần thứ ba.
NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỀ ÁN
THÀNH LẬP MẠNG LƯỚI BỆNH VIỆN VỆ TINH
TIÊU CHÍ LỰA CHỌN BỆNH VIỆN VỆ TINH
Đại diện cho các vùng miền, có tầm ảnh hưởng với các bệnh viện lân cận.
Mật độ dân cư đông, giao thông thuận lợi.
Phù hợp quy hoạch phát triển mạng lưới chuyên khoa, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
Có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, năng lực chuyên môn, đủ khả năng phát triển thành vệ tinh theo yêu cầu chuyên môn của chuyên khoa được lựa chọn.
Có tỷ lệ chuyển tuyến lên bệnh viện hạt nhân cao.
Có sự cam kết và quyết tâm tham gia thực hiện đề án của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế và các bệnh viện dự kiến tham gia đề án.
Các điều kiện khác theo yêu cầu đặc thù của chuyên khoa vệ tinh.
MẠNG LƯỚI BỆNH VIỆN VỆ TINH THEO CHUYÊN KHOA
Chuyên khoa ung bướu
a) Bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa trung ương Huế;
b) Bệnh viện vệ tinh, gồm 20 bệnh viện:
– 06 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện K: Bệnh viện đa khoa các tỉnh: Hòa Bình, Bắc Ninh, Phú Thọ, Ninh Bình, Bệnh viện đa khoa Bãi Cháy – tỉnh Quảng Ninh và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An;
– 06 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Ung bướu Cần Thơ, Bệnh viện đa khoa các tỉnh: Khánh Hòa, Bình Định, Đồng Nai, Kiên Giang và Bệnh viện Quân y 175 thành phố Hồ Chí Minh;
– 05 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai: Bệnh viện đa khoa các tỉnh: Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Thanh Hóa và Hà Tĩnh;
– 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện đa khoa trung ương Huế: Bệnh viện đa khoa các tỉnh: Quảng Trị, Quảng Nam và Kon Tum.
Chuyên khoa ngoại – chấn thương
a) Bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh.
b) Bệnh viện vệ tinh, gồm 18 bệnh viện:
– 06 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Bệnh viện đa khoa các tỉnh: Thái Bình, Ninh Bình, Quảng Ninh, Hà Giang, Điện Biên và Bắc Giang;
– 06 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện đa khoa trung ương Huế: Bệnh viện đa khoa các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Kon Tum và Phú Yên;
– 02 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy: Bệnh viện đa khoa các tỉnh Đồng Nai và Tiền Giang;
– 04 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa, Kiên Giang, Đăk Lăk và Bệnh viện Quân y 175.
Chuyên khoa tim mạch
a) Bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện Bạch Mai (Viện Tim Mạch), Bệnh viện E (Trung tâm Tim mạch), Bệnh viện đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh.
b) Bệnh viện vệ tinh, gồm 17 bệnh viện:
– 05 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Bạch Mai (Viện Tim Mạch): Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn – thành phố Hà Nội, Bệnh viện đa khoa các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Ninh Bình và Phú Thọ;
– 04 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E (Trung tâm Tim mạch): Bệnh viện đa khoa các tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Bắc Giang và Bệnh viện Hữu nghị Việt Tiệp – Hải Phòng.
– 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế: Bệnh viện đa khoa các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam và Phú Yên;
– 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy: Bệnh viện đa khoa các tỉnh Khánh Hòa, Tiền Giang và Đa khoa Thống Nhất tỉnh Đồng Nai;
– 02 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP. Hồ Chí Minh: Bệnh viện đa khoa tỉnh Lâm Đồng và Trung tâm Y tế Liên doanh dầu khí Việt Nga.
Chuyên khoa sản
a) Bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.
b) Bệnh viện vệ tinh, gồm 9 bệnh viện:
– 07 Bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Phụ sản trung ương: Bệnh viện Sản Nhi các tỉnh Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, bệnh viện Phụ Sản các tỉnh: Nam Định, Hải Dương, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh và Bệnh viện đa khoa khu vực Bãi Cháy tỉnh Quảng Ninh;
– 02 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Từ Dũ – thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Phụ sản Tiền Giang và Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
Chuyên khoa nhi
a) Bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 – thành phố Hồ Chí Minh.
b) Bệnh viện vệ tinh, gồm 10 bệnh viện:
– 05 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương: Bệnh viện Nhi các tỉnh: Hải Dương, Thái Bình, Bệnh viện Sản Nhi các tỉnh: Ninh Bình, Bắc Giang và Vĩnh Phúc;
– 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 1: Bệnh viện đa khoa tỉnh Long An, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau và Bệnh viện Nhi Cần Thơ;
– 02 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh: Bệnh viện Nhi Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa tỉnh Ninh Thuận.
CÁC HOẠT ĐỘNG VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ
ĐÀO TẠO
Bệnh viện hạt nhân
a) Khảo sát, đánh giá năng lực, trình độ, nhu cầu đào tạo, cơ cấu tổ chức và nhân lực của bệnh viện vệ tinh theo chuyên khoa để lập kế hoạch đào tạo và tư vấn về việc hoàn thiện cơ cấu tổ chức phù hợp cho bệnh viện vệ tinh;
b) Nội dung đào tạo:
– Lĩnh vực chuyên môn thuộc chuyên khoa vệ tinh: Ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản và nhi;
– Lĩnh vực chuyên môn hỗ trợ: Gây mê hồi sức, cấp cứu hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, nội soi, hóa sinh, huyết học, vi sinh, giải phẫu bệnh – tế bào học và các lĩnh vực liên quan khác;
– Kỹ năng quản lý bệnh viện, lập kế hoạch, phương pháp giảng dạy…
c) Biên soạn và in ấn tài liệu:
– Xây dựng, chuẩn hóa chương trình, nội dung tài liệu đào tạo liên tục thuộc các lĩnh vực thực hiện trong Đề án ;
– Xây dựng, hoàn thiện và triển khai áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật chuyên môn thuộc các lĩnh vực thực hiện trong Đề án ;
– Bảo đảm các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, quy trình kỹ thuật chuyên môn, chương trình và các tài liệu đào tạo được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt trước khi tổ chức áp dụng đào tạo thống nhất trong hệ thống các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
d) Tiến hành tổ chức đào tạo về lý thuyết và thực hành tại bệnh viện vệ tinh và tại bệnh viện hạt nhân, với đối tượng đào tạo là: Bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế của bệnh viện vệ tinh sẽ tham gia tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
Bệnh viện vệ tinh
a) Có trách nhiệm cử đủ số lượng cán bộ, nhân viên y tế tham dự các khóa đào tạo do bệnh viện hạt nhân tổ chức để bảo đảm được việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật hiệu quả;
b) Hoàn thiện về cơ cấu tổ chức nhân lực theo tư vấn của bệnh viện hạt nhân;
c) Nếu cần thiết thì có chế độ ưu đãi phù hợp để động viên các cán bộ, nhân viên bệnh viện tham gia đào tạo, tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
CHUYỂN GIAO KỸ THUẬT
Bệnh viện hạt nhân
a) Xây dựng, hoàn thiện quy trình chuyển giao các gói kỹ thuật công nghệ theo quy định ;
b) Tổ chức chuyển giao các gói kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh. Sau khi chuyển giao kỹ thuật phải bảo đảm cho bệnh viện vệ tinh tự thực hiện được các kỹ thuật đã chuyển giao;
c) Thực hiện chuyển tuyến người bệnh ở giai đoạn hồi phục về điều trị tại bệnh viện vệ tinh;
d) Đánh giá hiệu quả chuyển giao, tiếp nhận các gói kỹ thuật giữa các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh.
Bệnh viện vệ tinh
a) Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân;
b) Phải tự thực hiện và bảo đảm duy trì bền vững các kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân;
c) Không chuyển lên tuyến trên các loại hình bệnh tật thuộc lĩnh vực kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao, trừ các trường hợp vượt quá khả năng.
III. ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Bệnh viện hạt nhân
a) Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng phần mềm tin học ứng dụng;
b) Trên cơ sở Đề án tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (Đề án Telemedicine) của Bộ Y tế, xây dựng và triển khai Dự án Telemedicine của bệnh viện để kết nối với các bệnh viện tham gia Đề án nhằm trao đổi thông tin (bao gồm cả thông tin chuyển tuyến), đào tạo, hội chẩn, tư vấn chuyên môn giữa các bệnh viện vệ tinh và bệnh viện hạt nhân, kết nối trong nước và nước ngoài;
c) Có trách nhiệm tổ chức đào tạo, hội chẩn, tư vấn chuyên môn với các bệnh viện vệ tinh thông qua Telemedicine theo đề nghị của bệnh viện vệ tinh.
Bệnh viện vệ tinh
a) Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng phần mềm tin học ứng dụng ;
b) Triển khai xây dựng Dự án Telemedicine của bệnh viện phù hợp với Đề án Telemedicine của Bộ Y tế, bảo đảm kết nối với bệnh viện hạt nhân và các bệnh viện vệ tinh khác ;
c) Đề xuất với bệnh viện hạt nhân về việc đào tạo, hội chẩn, tư vấn chuyên môn với các bệnh viện hạt nhân thông qua Telemedici
NÂNG CẤP CƠ SỞ HẠ TẦNG, TRANG THIẾT BỊ
Bệnh viện hạt nhân
a) Tổ chức khảo sát về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện chuyển tuyến tại các đơn vị vệ tinh để xác định yêu cầu về cơ sở vật chất, danh mục trang thiết bị cần bổ sung;
b) Tư vấn đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và cung ứng đủ trang thiết bị thiết yếu theo các chuyên khoa cho các bệnh viện vệ tinh để phục vụ việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật;
c) Bảo đảm có đủ trang thiết bị văn phòng, trang thiết bị giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đào tạo cho bệnh viện vệ tinh.
Bệnh viện vệ tinh
a) Phối hợp với bệnh viện hạt nhân thực hiện việc khảo sát về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện chuyển tuyến tại bệnh viện để xác định yêu cầu về cơ sở vật chất, danh mục trang thiết bị cần bổ sung phục vụ việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật;
b) Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và cung ứng đủ trang thiết bị cần thiết theo các chuyên kho
CỦNG CỐ, KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO TUYẾN
Các bệnh viện hạt nhân và các bệnh viện vệ tinh phải củng cố, kiện toàn đơn vị (trung tâm, phòng hoặc bộ phận) đào tạo, chỉ đạo tuyến của bệnh viện ;
Duy trì các hoạt động chỉ đạo tuyến, đào liên tục, hội thảo, hội nghị chuyên môn, nghiên cứu khoa học, thông tin hai chiều giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh, giữa các bệnh viện trong mạng lưới vệ tinh nhằm tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn ;
Lồng ghép có hiệu quả với các hoạt động nâng cao năng lực y tế tuyến dưới của các đề án khác (Đề án 1816, Đề án 47, Đề án 930…) để tăng cường hiệu quả của Đề án.
HOÀN THIỆN CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH
Xây dựng các quy định về tài chính thực hiện Đề án;
Xây dựng, hoàn thiện các quy định về phân tuyến kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, chuyển tuyến, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin (telemedicine);
Xây dựng chính sách thu hút cán bộ nhằm tăng cường nhân lực chuyên môn cho tuyến dưới.
VII. TRUYỀN THÔNG TƯ VẤN SỨC KHỎE
Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh chủ động cho mọi người dân, với phương châm “mọi người vì sức khỏe”. Chú trọng truyền thông, tư vấn về các biện pháp phòng ngừa các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm như các bệnh tim mạch, ung bướu, chấn thương ;
Tổ chức truyền thông về năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, thuyết phục người dân tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế.
VIII. QUẢN LÝ, GIÁM SÁT
Xây dựng tiêu chí, bộ công cụ giám sát, đánh giá để xác định sản phẩm, đầu ra của Đề án theo từng chuyên khoa;
Hàng năm kiểm tra, đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm, bổ sung điều chỉnh các hoạt động phù hợp và hoàn thiện, phát triển mô hình bệnh viện vệ tinh.
Phần thứ tư.
KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN GIAI ĐOẠN 2013-2015
Đối với bệnh viện hạt nhân
a) Kinh phí để mua sắm trang thiết bị y tế để phục vụ công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các bệnh viện vệ tinh;
b) Kinh phí chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh;
c) Kinh phí để triển khai các hoạt động khác nhằm bảo đảm thực hiện mục tiêu của Đề án;
Đối với bệnh viện vệ tinh
a) Kinh phí nâng cấp cơ sở hạ tầng, mua sắm các trang thiết bị theo mục tiêu tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật ở bệnh viện vệ tinh;
b) Kinh phí để chi cho cán bộ đào tạo tại các bệnh viện hạt nhân;
c) Kinh phí đào tạo, tập huấn và tiếp nhận các kỹ thuật được chuyển giao;
d) Kinh phí để triển khai các hoạt động khác tại bệnh viện vệ tinh để bảo đảm thực hiện mục tiêu của Đề án.
NGUỒN KINH PHÍ
Ngân sách nhà nước, nguồn ODA và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Đối với các dự án bệnh viện vệ tinh mà bệnh viện hạt nhân trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Y tế bảo đảm theo quy định của
Đối với các dự án bệnh viện vệ tinh mà bệnh viện hạt nhân trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh: Do ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương để thực hiện theo quy định tại Khoản 4 mục V Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020;
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác để các bệnh viện vệ tinh thực hiện Đề án theo quy định tại Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020.
Phần thứ năm.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
CÁC VỤ, CỤC THUỘC BỘ Y TẾ
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
a) Là đơn vị thường trực giúp Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo tổ chức thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh;
b) Làm đầu mối phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm thực hiện Đề án, báo cáo Bộ trưởng xem xét, phê duyệt và tổ chức thực hiện các hoạt động sau khi được phê duyệt theo chức năng nhiệm vụ được giao; tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện Đề án, định kỳ báo cáo 6 tháng, hàng năm và báo cáo đột xuất với Bộ trưởng Bộ Y tế để giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện hạt nhân xây dựng dự án của đơn vị;
d) Làm đầu mối tổng hợp và phối hợp Vụ Kế hoạch – Tài chính, Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo để tổ chức thẩm định dự án của các bệnh viện hạt nhân trực thuộc Bộ Y tế, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt;
e) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định chuyên môn, quy trình kỹ thuật liên quan đến các hoạt động của Đề án.
Vụ Bảo hiểm Y tế
Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các vụ, cục liên quan xây dựng các quy định về chi trả bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ y tế được tiếp nhận và thực hiện tại các bệnh viện vệ tinh, trình Lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt.
Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo
Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan xây dựng, thẩm định chương trình, tài liệu đào tạo liên tục, đào tạo chính quy liên quan đến Đề án.
Cục Công nghệ thông tin
Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh và các đơn vị liên quan chỉ đạo việc triển khai thực hiện các nội dung ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động Đề án.
Vụ Kế hoạch -Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổng hợp, bố trí kinh phí, hướng dẫn hoạt động tài chính của Đề án.
Vụ trang thiết bị và Công trình y tế
Chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề xuất việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện hạt nhân, bệnh viện vệ tinh để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật.
Vụ Tổ chức cán bộ
Nghiên cứu, đề xuất chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực cho y tế tuyến dưới.
Vụ Thông tin truyền thông và Thi đua khen thưởng
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện các nội dung truyền thông và thi đua khen thưởng của Đề án.
CÁC ĐƠN VỊ TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ
Bệnh viện hạt nhân trực thuộc Bộ Y tế
Căn cứ vào nội dung Đề án bệnh viện tinh giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế, các bệnh viện hạt nhân trực thuộc Bộ Y tế có trách nhiệm phối hợp với các bệnh viện vệ tinh xây dựng Đề án cụ thể của đơn vị, báo cáo Bộ Y tế xem xét phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả sau khi Đề án được phê duyệt.
Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe Trung ương, Báo Sức khỏe và Đời sống có trách nhiệm thực hiện các nội dung truyền thông của Đề án.
III. SỞ Y TẾ thành phố HỒ CHÍ MINH
Chỉ đạo, hướng dẫn các bệnh viện hạt nhân thuộc phạm vi quản lý của Sở Y tế, xây dựng Đề án cụ thể của đơn vị theo đúng nội dung Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 của Bộ Y tế;
Tổng hợp và tổ chức thẩm định Đề án của các bệnh viện hạt nhân trực thuộc Sở Y tế, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt; chỉ đạo các bệnh viện thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện có hiệu quả Đề án bệnh viện vệ tinh sau khi được phê duyệt;
III. CÁC SỞ Y TẾ CÓ BỆNH VIỆN VỆ TINH
Căn cứ Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020 của Bộ Y tế, phối hợp với bệnh viện hạt nhân xây dựng Đề án cụ thể của địa phương, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt, bảo đảm nguồn nhân lực và kinh phí đối ứng để thực hiện Đề án.
Chỉ đạo các bệnh viện vệ tinh thực hiện Đề án có hiệu quả cao.
CÁC BỆNH VIỆN VỆ TINH
Căn cứ Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020 của Bộ Y tế, chủ động đề xuất nhu cầu, xây dựng dự án của bệnh viện, báo cáo Sở Y tế và báo cáo bệnh viện hạt nhân để tổng hợp.
Duy trì và phát triển các kỹ thuật công nghệ đã được chuyển giao, bảo đảm kết quả bền vững của Đề án.
Thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Đề án bệnh viện vệ tinh.
Phần thứ sáu.
HIỆU QUẢ KINH TẾ – XÃ HỘI
Tình trạng quá tải bệnh viện gia tăng đã gây bức xúc cho người bệnh và là mối quan tâm của toàn xã hội, với nguyên nhân quan trọng là sự hạn chế về chất lượng dịch vụ khám bệnh chữa bệnh của tuyến dưới.
Đề án bệnh viện vệ tinh với mục tiêu “Nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên; trước mắt tập trung ưu tiên 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi” .
Thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh sẽ góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, củng cố lòng tin của người dân với bệnh viện vệ tinh, tăng tỷ lệ người bệnh tới khám, điều trị tại bệnh viện vệ tinh, giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân, tăng tỷ lệ chuyển tuyến phù hợp từ bệnh viện hạt nhân về bệnh viện vệ tinh, giảm quá tải tại bệnh viện hạt nhân ở tuyến trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân do Đảng và Nhà nước giao cho ngành Y tế./.