Quyết định 356/QĐ-BGDĐT phê duyệt dự án "Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025". Quyết định 356/QĐ-BGDĐT được ban hành ngày 03/02/2023 có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Mục lục bài viết
- 1 1. Tóm tắt nội dung Quyết định 356/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- 2 2. Thuộc tính văn bản Quyết định 356/QĐ-BGDĐT:
- 3 3. Quyết định 356/QĐ-BGDĐT có còn hiệu lực không?
- 4 4. Các văn bản có liên quan đến Quyết định 356/QĐ-BGDĐT:
- 5 5. Toàn văn nội dung Quyết định 356/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
1. Tóm tắt nội dung Quyết định 356/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
- Nội dung chính:
Công tác tuyên truyền, giáo dục:
+ Tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy, hệ thống pháp luật về phòng, chống ma túy cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và học sinh.
+ Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng.
Công tác tư vấn, hỗ trợ:
+ Thành lập các tổ tư vấn, hỗ trợ học sinh có nguy cơ sử dụng ma túy.
+ Phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh có nguy cơ sử dụng ma túy.
Công tác kiểm tra, giám sát:
+ Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động phòng, chống ma túy trong trường học.
+ Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống ma túy trong trường học.
- Điểm mới:
Mở rộng phạm vi áp dụng.
Nâng cao mục tiêu: không chỉ đặt mục tiêu giảm tỉ lệ học sinh sử dụng ma túy mà còn phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhà trường và học sinh về phòng chống ma túy.
Cụ thể hóa các biện pháp thực hiện.
Tăng cường công tác phối hợp giữa cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thực hiện dự án.
Khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.
- Tóm lại: Quyết định 356/QĐ-BGĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 03/02/2023, nhằm góp phần tăng cường công tác phòng, chống ma túy trong trường học, bảo vệ sức khỏe, sự an toàn cho học sinh, góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện.
2. Thuộc tính văn bản Quyết định 356/QĐ-BGDĐT:
Số hiệu: | 356/QĐ-BGDĐT |
Nơi ban hành: | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Ngày ban hành: | 03/02/2023 |
Người ký: | Ngô Thị Minh |
Loại văn bản: | Quyết định |
Ngày hiệu lực: | 03/02/2023 |
Tình trạng hiệu lực: | Còn hiệu lực |
3. Quyết định 356/QĐ-BGDĐT có còn hiệu lực không?
Quyết định 356/QĐ-BGDĐT được ban hành ngày 03/02/2023 có hiệu lực từ ngày 03/02/2023. Hiện văn bản vẫn đang có hiệu lực thi hành.
4. Các văn bản có liên quan đến Quyết định 356/QĐ-BGDĐT:
- Luật Phòng, chống ma túy 2021;
- Nghị định 86/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
- Nghị định 116/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống ma túy,
Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy; - Chương trình 03/CTrPH-BCA-BGDĐT năm 2024 phối hợp giữa giữa Bộ Công an với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2024-2030;
Công văn 1908/BVHTTDL-BCĐDS triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023 do Ban Chỉ đạo Dân số, AIDS và các vấn đề xã hội ban hành.
5. Toàn văn nội dung Quyết định 356/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 356/QĐ-BGDĐT | Hà Nội, ngày 03 tháng 02 năm 2023 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT DỰ ÁN “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỌC ĐẾN NĂM 2025”
BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Căn cứ Luật Phòng, chống ma túy ngày 30/03/2021;
Căn cứ Nghị định số 86/2022/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021- 2025;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
KT. BỘ TRƯỞNG Ngô Thị Minh |
DỰ ÁN
“TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG MA TÚY TRONG TRƯỜNG HỌC ĐẾN NĂM 2025”
(Ban hành kèm theo Quyết định số 356/QĐ-BGDĐT ngày 03 tháng 02 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)
I. SỰ CẦN THIẾT CỦA DỰ ÁN
1. Căn cứ pháp lý
a) Luật Phòng, chống ma túy ngày 30/3/2021;
b) Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 16/8/2019 của Bộ Chính trị về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy;
c) Nghị định số 105/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống ma túy;
d) Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ quy định một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, Luật Xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện;
đ) Quyết định số 1452/QĐ-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống ma túy giai đoạn 2021-2025.
2. Căn cứ thực tiễn
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, trên thực tế hiện có hàng trăm loại ma túy đang lưu hành trái phép. Ma túy đang ngày càng phổ biến bởi sự đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, sử dụng, nhiều em từ 13-14 tuổi đã bắt đầu sử dụng ma túy. Hình thức mua bán, tàng trữ ngày càng tinh vi khiến gia đình, giáo viên và bạn bè khó phát hiện. Nguy hiểm hơn cả là ma túy tổng hợp, ma túy đá bởi rất phổ biến mà tính độc hại rất cao. Đáng báo động, việc sử dụng ma túy tổng hợp và các chất gây rối loạn tâm thần tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật và các vụ án hình sự. Nhiều vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua, những đối tượng còn rất trẻ gây án trong trạng thái “ngáo đá”, mất kiểm soát tâm thần, gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Ngoài ra, chất gây nghiện này không chỉ làm hủy hoại sức khỏe, làm hao tốn tiền bạc của gia đình mà còn để lại nhiều hệ lụy cho giới trẻ. Người nghiện ma túy sẽ bị ảnh hưởng: chức năng thải độc giảm, dẫn đến tình trạng suy nhược toàn thân, suy giảm sức lao động; trường hợp sử dụng ma túy quá liều có thể bị đột tử.
Do vậy, bảo vệ thế hệ trẻ tránh xa hiểm họa ma túy là một trong những thông điệp được đưa ra trong kế hoạch của Chính phủ, của ngành Giáo dục về công tác phòng chống tác hại ma túy đối với học sinh, sinh viên (HSSV) nhiều năm nay. Đó chính là nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, nhân dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, người lao động và học sinh, sinh viên trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tệ nạn ma túy. Từ đó, mỗi cá nhân, tập thể kiên quyết phòng, chống và ngăn chặn không để xảy ra tệ nạn ma túy xâm nhập vào trường học.
Ngành Giáo dục có gần 23 triệu học sinh, sinh viên và trên 1 triệu cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, chiếm khoảng 1/4 dân số cả nước. Đây là lực lượng quan trọng đối với tương lai của quốc gia, dân tộc. Nhận thức rõ nhiệm vụ, trách nhiệm trong công tác phòng, chống ma túy trong các nhà trường, những năm qua Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như toàn ngành Giáo dục luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo quyết liệt với nhiều giải pháp cụ thể trong công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng, chống ma túy trong các nhà trường. Tuy nhiên, tệ nạn ma túy hiện nay diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, hình thức xâm nhập vào các trường học ngày càng đa dạng. Vì vậy, công tác phòng chống ma túy trong các nhà trường đòi hỏi phải được thực hiện một cách quyết liệt, mạnh mẽ, bài bản và cần phải được thực hiện một cách thống nhất về tổ chức chỉ đạo, đồng thời có các giải pháp đồng bộ, căn cơ, sáng tạo, phù hợp trong môi trường giáo dục. Việc tổ chức giáo dục tốt cho học sinh, sinh viên về phòng, chống ma túy cũng chính là xây dựng thế hệ trẻ khỏe mạnh cả về thể chất, tâm hồn, có bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý chí rèn luyện, học tập, lập thân, lập nghiệp; có kỹ năng sống, xây dựng môi trường học tập lành mạnh.
Từ thực trạng trên, để nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống ma túy (PCMT) trong trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Dự án “Tăng cường năng lực phòng, chống ma túy trong trường học đến năm 2025”.
II. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Phạm vi: Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao về kiến thức, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống ma túy cho người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động được thực hiện trong các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên; các Đại học, Học viện; các trường Đại học, Cao đẳng sư phạm (sau đây gọi chung là các nhà trường).
2. Đối tượng: Người học, nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên và người lao động của nhà trường (sau đây gọi chung là thành viên nhà trường).
III. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
a) Nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và trách nhiệm của thành viên nhà trường trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy đối với thế hệ trẻ ở trong và ngoài nhà trường;
b) Phối hợp huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị chung tay tham gia công tác PCMT nhằm tạo ra phong trào rộng khắp cả nước và xây dựng cơ chế tự phòng vệ cho toàn xã hội trước sự tấn công của tệ nạn ma túy;
c) Sử dụng đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ma túy tác động vào thế hệ trẻ và ngăn chặn ma túy xâm nhập học đường, đặc biệt là các trường học thuộc khu vực phức tạp về tệ nạn ma túy, góp phần làm giảm số người nghiện, sử dụng ma túy trong cả nước.
2. Mục tiêu cụ thể
a) 100% nhà trường xác định được thực trạng công tác PCMT trong nhà trường (ưu điểm, nhược điểm, nguyên nhân hạn chế, yếu kém); hiệu quả của việc tuyên truyền, giáo dục PCMT cho các thành viên nhà trường, từ đó đề xuất các biện pháp tiếp cận mới, tổng quát và hiệu quả hơn;
b) 100% nhà trường tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về PCMT với các hình thức, nội dung phù hợp với các nhà trường.
c) Ít nhất 90% cán bộ, giáo viên, giảng viên, nhân viên nhà trường được trang bị kiến thức và kỹ năng PCMT để có đủ năng lực thực hiện được việc tăng cường lồng ghép, tích hợp nội dung tuyên truyền, giáo dục PCMT trong giảng dạy chính khóa, hoạt động trải nghiệm và giải quyết các vướng mắc liên quan đến vấn đề ma túy cho học sinh, sinh viên khi cần;
d) 100% nhà trường thành lập Ban chỉ đạo PCMT thực hiện nhiệm vụ thường xuyên gắn với nhiệm vụ, hoạt động của nhà trường trong từng năm học; thiết lập được đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh, tư vấn, hỗ trợ và có giải đáp phù hợp, kịp thời giải quyết những vấn đề có liên quan đến công tác PCMT trong trường học.
IV. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Kiện toàn bộ máy chỉ đạo, tổ chức thực hiện
a) Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường kiện toàn Ban chỉ đạo PCMT;
b) Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao về PCMT trong trường học và phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ PCMT trong trường học.
2. Tổ chức nắm bắt thực trạng tệ nạn ma túy và công tác phòng, chống ma túy tại các nhà trường
a) Ngành Giáo dục chủ động phối hợp với ngành Công an, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, ngành Y tế và các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức điều tra, khảo sát, thống kê danh sách thành viên có liên quan đến tệ nạn ma túy để xử lý theo quy định của luật pháp. Nhà trường phối hợp với gia đình và địa phương tổ chức cai nghiện đối với các trường hợp thành viên nghiện ma túy;
b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan phát hiện sớm thành viên có nguy cơ liên quan đến ma túy để tư vấn, giúp đỡ kịp thời;
c) Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo, hội nghị tại các khu vực phức tạp về ma túy để đánh giá thực trạng tình hình công tác tổ chức phòng, chống ma túy của nhà trường;
d) Xây dựng cơ chế thống kê, báo cáo thường xuyên theo định kỳ và báo cáo đột xuất về công tác PCMT và biện pháp xử lý thành viên nhà trường liên quan đến tệ nạn ma túy.
3. Tổ chức truyền thông phòng, chống ma túy trong nhà trường
a) Các Sở Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCMT trong nhà trường cho HSSV, cụ thể như sau:
– Xây dựng kế hoạch truyền thông phòng, chống ma túy cho các thành viên trong nhà trường;
– Tổ chức tuyên truyền trên các website, cổng thông tin điện tử, các phương tiện thông tin đại chúng;
– Phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương, hàng năm tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về PCMT, nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho HSSV; định kỳ một năm 02 lần phối hợp tổ chức cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên thông tin chuyên đề về PCMT cho HSSV tại nhà trường;
– Tổ chức mít tinh, tọa đàm, giao lưu, nói chuyện chuyên đề, thi sáng tác các tác phẩm tuyên truyền về PCMT; lồng ghép tuyên truyền, giáo dục pháp luật về PCMT vào các hoạt động của nhà trường cho HSSV;
– Xây dựng tài liệu, học liệu (sách, phim tuyên truyền, …) đăng mạng cho các nhà trường tuyên truyền trong Tháng hành động PCMT hằng năm và hoạt động của Câu lạc bộ;
– Phối hợp với tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong công tác tuyên truyền, giáo dục PCMT cho học sinh, sinh viên.
– Hằng năm tổ chức cho HSSV ký cam kết nghiêm túc chấp hành pháp luật về không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng ma túy; tích cực tham gia các hoạt động, phong trào đấu tranh PCMT.
– Thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những thông tin, phản ánh của các thành viên nhằm tư vấn, hỗ trợ và giải đáp những vấn đề PCMT trong trường học;
b) Các nhà trường phát triển, bồi dưỡng đội ngũ hạt nhân tuyên truyền về giáo dục PCMT; các cơ sở giáo dục phổ thông phát triển mô hình Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma túy” và các cơ sở giáo dục đại học phát triển mô hình Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy” nhằm tăng cường đội ngũ tuyên truyền về các tác hại của ma túy, khó khăn khi cai nghiện ma túy, cách phát hiện và phòng tránh nghiện ma túy đến các thành viên trong nhà trường và gia đình người học. Trong đó, các nhà trường quan tâm hỗ trợ phương tiện, trang thiết bị, tài liệu tuyên truyền phục vụ hoạt động của Câu lạc bộ về PCMT.
4. Xây dựng, triển khai bộ tài liệu giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên
a) Rà soát, xây dựng bộ tài liệu giáo dục kỹ năng nhận biết, phòng chống ma túy phù hợp với đặc điểm tâm, sinh lý của học sinh, sinh viên của các cấp học;
b) Thiết kế các bài giảng điện tử về kỹ năng phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên các cấp;
c) Triển khai các bộ tài liệu kỹ năng nhận biết, phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên các cấp tại các địa phương trên toàn quốc.
5. Tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về phòng, chống ma túy
a) Đối với cơ sở giáo dục phổ thông: Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên cốt cán các nội dung về phòng, chống ma túy và hình thức tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khoá cho cán bộ thực hiện công tác phòng, chống ma túy, cán bộ Đoàn, Hội, Đội, Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma túy” trong nhà trường (tối thiểu 01 lần/năm);
b) Đối với các cơ sở giáo dục đại học: Tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho đội ngũ cốt cán, cán bộ Đoàn, Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy” (tối thiểu 01 lần/năm).
6. Tăng cường lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy trong các hoạt động giáo dục của các cấp học
a) Đối với cơ sở giáo dục phổ thông: Lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động giáo dục cho học sinh;
b) Đối với các cơ sở giáo dục đại học: Lồng ghép nội dung giáo dục phòng, chống ma túy vào Tuần sinh hoạt công dân đầu khóa học, năm học và các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên.
7. Tăng cường công tác phối hợp gia đình – nhà trường – xã hội
a) Xây dựng kế hoạch phối hợp giữa nhà trường, gia đình, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng chống tệ nạn ma túy cho học sinh, sinh viên;
b) Nắm bắt các thông tin của học sinh, sinh viên liên quan đến tệ nạn ma túy, để kịp thời giáo dục, nhắc nhở và xử lý theo quy định.
8. Tăng cường trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy
Trang bị cho Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”, Câu lạc bộ “Học sinh phòng, chống ma túy” của các cơ sở giáo dục ở các vùng kinh tế khó khăn và trọng điểm về PCMT thiết bị, công nghệ đầu cuối phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục PCMT.
9. Tăng cường công tác xã hội hóa cùng chung tay phòng, chống ma túy trong trường học
a) Triển khai xã hội hóa dưới nhiều hình thức sáng tạo, linh hoạt, phù hợp và thiết thực nhằm góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng phòng chống ma túy trong trường học;
b) Các nhà trường chủ động kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị phối hợp để hỗ trợ nguồn lực về con người, tài nguyên, kinh phí thực hiện nhiệm vụ xã hội hóa, bảo đảm nguồn huy động được thực hiện đúng mục đích, nhiệm vụ được giao; thực hiện lồng ghép vào các chương trình khác phù hợp với học sinh, sinh viên các cấp;
c) Xây dựng, tổ chức phát động chương trình “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” trên phạm vi toàn quốc nhằm huy động nguồn lực xã hội tham gia.
(Các hoạt động cụ thể thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và phân công thực hiện tại Phụ lục kèm theo).
V. KINH PHÍ
Kinh phí thực hiện Dự án bao gồm:
1. Ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm;
2. Nguồn thu hợp pháp của nhà trường;
3. Tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
4. Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
VI. THỜI GIAN THỰC HIỆN
Từ năm 2023 đến hết năm 2025.
VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo
a) Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Dự án; đôn đốc, đánh giá kết quả thực hiện Dự án; làm đầu mối tiếp nhận thông tin, tổng hợp, thực hiện chế độ báo cáo lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm;
b) Văn phòng phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên, các đơn vị thuộc Bộ, các cơ quan báo chí chủ động tổ chức tuyên truyền, giới thiệu các nội dung, tình hình triển khai, kết quả đạt được của Dự án;
c) Các Vụ Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục Thường xuyên, Giáo dục Đại học phối hợp với Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên rà soát tài liệu, lồng ghép, bổ sung nội dung PCMT vào trong chương trình giáo dục cho HSSV;
d) Vụ Kế hoạch – Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán kinh phí hằng năm thực hiện các hoạt động của Dự án này.
2. Các Sở Giáo dục và Đào tạo
a) Xây dựng kế hoạch triển khai Dự án trên địa bàn và trình UBND các tỉnh/thành phố phê duyệt kinh phí thực hiện;
b) Chỉ đạo các nhà trường triển khai các nội dung của Dự án phù hợp với đặc điểm tình hình cụ thể tại địa phương;
c) Chủ động phối hợp với
d) Hằng năm tổng hợp kết quả việc triển khai thực hiện Dự án của nhà trường trên địa bàn, báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Các cơ sở giáo dục đại học
a) Chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Chủ động phối hợp với cơ quan công an, lao động – thương binh và xã hội, các tổ chức đoàn thể của địa phương trong công tác tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa tệ nạn ma túy cho các thành viên trong nhà trường;
c) Hằng năm, tổng hợp kết quả việc triển khai thực hiện Dự án của nhà trường báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Đề nghị các bộ, ban, ngành liên quan
Bộ Công an, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, các Bộ/ngành, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Dự án này.
5. Đề nghị các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
a) Ban hành kế hoạch triển khai các nội dung của Dự án trên địa bàn;
b) Chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan của địa phương phối hợp với ngành Giáo dục trong việc triển khai thực hiện các nội dung của Dự án./.
(Phụ lục đính kèm file dưới đây)