Quyết định 13/2003/HĐTP-KT về vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng hợp tác liên doanh trồng rừng làm nguyên liệu giấy
QUYẾT ĐỊNH 13/2003/HĐTP-KT NGÀY 25/12/2003 VỀ VỤ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG HỢP TÁC LIÊN DOANH TRỒNG RỪNG
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Tại phiên toà ngày 25-12-2003, xét xử tái thẩm vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng hợp tác liên doanh trồng rừng làm nguyên liệu giấy giữa:
Nguyên đơn: Công ty cổ phần giao thông thuỷ lợi Thế Kỷ, có trụ sở tại số 222/18 Lý Thái Tổ, phường 1, quận 3, thành phố Hồ Chí Minh,
Bị đơn: Công ty Liên doanh cắt dăm mảnh gỗ xuất khẩu (nay là Công ty TNHH SANRIMJOHAP VINA), có trụ sở tại số 20 – C5 Chu Văn An, phường 26, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN THẤY
Công ty cổ phần giao thông thuỷ lợi Thế Kỷ (sau đây viết tắt là Công ty Thế Kỷ) và Công ty liên doanh cắt dăm mảnh gỗ xuất khẩu VIKOWOCHIMEX (sau đây viết tắt là Công ty VIKO) ký hợp đồng hợp tác liên doanh trồng rừng làm nguyên liệu giấy số 14/VK- 98 ngày 08-04-1998 với nội dung:
Hai bên cùng nhau hợp tác trồng 250 ha rừng Tràm bông vàng để làm nguyên liệu giấy trong năm 1998 tại huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước (địa bàn đất rừng do Lâm Trường Minh Đức quản lý); thời hạn hợp tác là 20 năm, chia làm 03 chu kỳ khai thác; bên Công ty Thế Kỷ góp 10% của tổng vốn đầu tư và quyền sử dụng đất trong suốt thời gian hợp tác. Công ty VIKO góp 90% của tổng vốn đầu tư; Công ty Thế Kỷ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, quản lý toàn bộ các công đoạn kỹ thuật từ khâu khai hoang, gieo trồng, chăm sóc cho đến khi thu hoạch; Công ty VIKO chịu trách nhiệm chuyển vốn theo đúng tiến độ công việc thực hiện trồng và chăm sóc rừng hàng năm theo lịch chuyển tiền hai bên đã thoả thuận. Mọi vướng mắc giữa hai bên sẽ được giải quyết bằng hoà giải, nếu không hoà giải được sẽ giải quyết theo pháp luật Việt Nam. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty VIKO chỉ chuyển cho Công ty Thế Kỷ được 489.834.000 đồng.
Sau nhiều lần tự thương lượng giải quyết không đạt kết quả, ngày 19-07-1999, Công ty Thế Kỷ có đơn khởi kiện tại Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh chuyển đơn khởi kiện của Công ty Thế Kỷ cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai; Ngày 28-09-1999 Công ty Thế Kỷ khởi kiện lại tại Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai.
Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 08/KTST ngày 20-07-2000, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định:
– Bác yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Công ty Thế Kỷ;
– Bác yêu cầu đòi chia lợi nhuận của Công ty VIKO;
– Ghi nhận sự thoả thuận tự nguyện chấm dứt hợp đồng của hai bên;
– Công ty Thế Kỷ phải trả Công ty VIKO 691.944.000 đồng – Số tiền do Công ty VIKO đã đầu tư;
– Công ty Thế Kỷ được toàn quyền sở hữu số cây đã trồng và sử dụng diện tích đất đã khai hoang…
Sau khi có Bản án sơ thẩm, cả hai bên đương sự đều có đơn kháng cáo.
Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 10/KTPT ngày 14-05-2000, Toà phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định: Huỷ án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm lại.
Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 04/KTST ngày 27-06-2002, Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã quyết định:
– Chấp nhận sự thoả thuận chấm dứt hợp đồng của hai bên;
– Buộc Công ty VIKO phải thanh toán cho Công ty Thế Kỷ 315.736.798 đồng, bao gồm tiền gốc 202.166.000 đồng và tiền lãi là 113.570.798 đồng;
– Buộc Công ty Thế Kỷ phải thanh toán cho Công ty VIKO 76.765.320 đồng (tiền định giá rừng đã trồng bên Công ty VIKO được hưởng);
– Đối trừ Công ty VIKO phải thanh toán trả Công ty Thế Kỷ số tiền là 238.971.478 đồng…
Sau khi có Bản án sơ thẩm, cả hai đương sự đều có đơn kháng cáo.
Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 45/KTPT ngày 14-10-2002, Toà Phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:
– Bác yêu cầu kháng cáo của Công ty VIKO, chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của Công ty Thế Kỷ, sửa một phần quyết định của Bản án sơ thẩm;
– Chấp nhận sự thoả thuận của các bên đương sự về việc chấm dứt hợp đồng hợp tác đầu tư trồng rừng làm nguyên liệu giấy số 14/VK 98 ngày 08-04-1998;
– Buộc Công ty VIKO phải thanh toán cho Công ty Thế Kỷ 475.736.798 đồng (bao gồm tiền gốc 202.166.000 đồng và lãi là 113.570.798 đồng, tiền phạt vi phạm hợp đồng 160.000.000 đồng);
– Buộc Công ty Thế Kỷ phải thanh toán cho Công ty VIKO 76.765.320 đồng.
Thanh toán bù trừ cho nhau, Công ty VIKO (nay là Công ty trách nhiệm hữu hạn SANRIMJOHAP VINA) phải thanh toán trả Công ty Thế Kỷ số tiền là 398.971.478 đồng.
Sau khi có Bản án kinh tế phúc thẩm nêu trên, Công ty VIKO có nhiều đơn khiếu nại đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm với nội dung Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã: Vi phạm nghiêm trọng tố tụng; phán quyết của các bản án dựa trên kết quả điều tra chưa đầy đủ; việc tính lãi suất không chính xác, không theo quy định của pháp luật.
Ngày 03-07-2003 Toà Kinh tế-TANDTC đã có Công văn số 52/2003/KT trả lời khiếu nại của Công ty VIKO.
Sau khi nhận được Công văn trả lời của Toà Kinh tế TANDTC, ngày 30-07-2003, Công ty VIKO có đơn khiếu nại đề nghị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với Bản án số 45/KTPT ngày 14-10-2002 của Toà Phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh, với lý do phát hiện được diện tích đất 56,3h/250ha Công ty Thế Kỷ ký với Công ty VIKO để trồng cây Tràm bông vàng theo hợp đồng kinh tế số 14/VK- 98 ngày 08-04-1998 là không có trên thực tế.
Ngày 10-10-2003 Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định kháng nghị số 06/ KN- AKT đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xử huỷ Bản án kinh tế sơ thẩm số 04/KTST ngày 27-06-2002 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Nai và Bản án kinh tế phúc thẩm số 45/KTPT ngày 14-10-2002 của Toà Phúc thẩm TANDTC tại thành phố Hồ Chí Minh với nhận định:
“Theo như Báo cáo và đề nghị số 839/SNN- TRr ngày 23-12-2002 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước và Công văn số 73/UB- KSX ngày 21-01-2002 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước về phúc đáp kiến nghị của Công ty VIKO thì:
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Hợp đồng số 4/96/HĐGK ký ngày 08-07-1996, Công ty Thế Kỷ nhận khoán của Lâm Trường Bình Long (cũ) 500 ha đất để trồng cây gây rừng nhưng Công ty Thế Kỷ phải giao lại cho Lâm trường 5% diện tích bằng 25ha cây cao su năm thứ 8. Diện tích còn lại 475 ha Công ty Thế Kỷ được hưởng toàn bộ sản phẩm sau khi làm nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Tại biên bản kiểm tra hiện trạng ngày 10-04-1997 của Lâm trường Minh Đức (Bình Long cũ) thì Công ty Thế Kỷ đã trồng được 281,3 ha đất đã nhận khoán. Như vậy, diện tích của Công ty Thế Kỷ nhận khoán nhưng chưa trồng rừng ở thời điểm này chỉ còn 193,7ha.
Ngày 08-04-1998, Công ty Thế Kỷ ký hợp đồng hợp tác đầu tư trồng rừng với Công ty VIKO trên diện tích 250ha. Việc ký hợp đồng liên doanh trồng rừng trên 250ha đất giữa Công ty Thế Kỷ với Công ty VIKO là không thực tế vì quỹ đất nhận khoán của Công ty Thế Kỷ chỉ còn 193,7ha. Như vậy số diện tích đất 56,3ha là không có trên thực tế (đất khống)”.
XÉT THẤY
Công văn số 839/SNN-TRr ngày 23-12-2002 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước được ban hành sau khi Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh mở phiên toà xét xử phúc thẩm ngày 14-10-2002. Nhưng Công văn này không phải là tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án mà đương sự không thể biết được khi giải quyết vụ án; vì số liệu mà Công văn dựa vào là tài liệu kiểm tra của Lâm trường Minh Đức lập ngày 10-04-1997, tức là trước khi hai bên ký hợp đồng gần một năm. Mặt khác, sau khi ký hợp đồng liên doanh ngày 08-04-1998 thì ngày 10-04-1998 Công ty Thế Kỷ đã có tờ trình gửi Lâm trường Minh Đức xin chuyển đổi 253 ha rừng trồng Keo (theo tờ trình 05-06-1997) để trồng cây Tràm bông vàng có giá trị kinh tế cao hơn. Tờ trình này được Giám đốc Lâm trường Minh Đức là ông Vũ Đức Năng phê duyệt đồng ý. Khi Công ty Thế Kỷ có Công văn gửi Lâm trường Minh Đức thông báo về việc liên doanh trồng cây Tràm bông vàng với Công ty VIKO, đồng thời yêu cầu Lâm trường cử cán bộ xuống giám sát, thì cùng ngày 10-04-1998 giám đốc Lâm Trường đã có giấy cử ông “Nguyễn Đức Quảng vào công tác tại công trường trồng rừng của Công ty Thế Kỷ suốt thời gian khai hoang trồng rừng”. Như vậy, số liệu nêu tại biên bản kiểm tra ngày 10-04-1997 của Lâm trường Minh Đức mà Công văn 839 ngày 23-12-2002 của Sở nông nghiệp phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước dựa vào là không chính xác vì không phản ảnh thực tế diện tích trồng rừng ở thời điểm ký hợp đồng cụ thể, diện tích trồng rừng ở thời điểm này của Công ty Thế Kỷ là trên 250ha. Do đó, không có việc Công ty Thế Kỷ nhận đất khống (56,3 ha) như kháng nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã nêu. Mặt khác theo mục 06 của thông báo số 105/TBUB ngày 01-06-1998 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã nêu rõ: “Yêu cầu Lâm trường Minh Đức và Công ty Thế Kỷ cho máy ủi hoạt động khai hoang trên điện tích đã khai hoang 435 ha, xây dựng phương án sản xuất, trình Sở nông nghiệp phát triển nông thông xét duyệt”. Như vậy thông báo ngày 01-06-1998 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước vào thời điểm Công ty Thế Kỷ tiến hành cày ủi để thực hiện hợp đồng với Công ty VIKO là có căn cứ.
Trong quá trình giải quyết vụ án, Toà án cấp sơ thẩm và Toà án cấp phúc thẩm đã xem xét các tài liệu có liên quan đến diện tích trồng rừng của Công ty Thế Kỷ. Tại biên bản ngày 12-09-1998 đại diện hai bên đã tiến hành kiểm tra tại hiện trường và xác nhận:
– Cày ủi khu vực chính 225 ha;
– Cày ủi khu vực phụ 25 ha;
– Cây giống là 800 nghìn cây;
– Đã trồng 30 ha phát triển tốt;
– Lán trại hiện trạng còn 2 nhà sức chứa 80 người (mới tháo dỡ 1 lán trại, có xem kho thu gom lại Tole và cây cột tháo dỡ)…
– VIKO xác nhận mới đưa được 260.000.000 đồng tháng 5-1998. Nay có khó khăn tài chính, đang cùng nhau bàn biện pháp cấp bách khắc phục;
Tại biên bản đối chiếu công nợ lập ngày 21-04-1999 giữa đại diện hợp pháp của Công ty Thế Kỷ và Công ty VIKO đã xác nhận kết quả thực hiện hợp đồng số 14/VK- 98 như sau: “Ủi hoang 250ha, trong đó khu I là 225ha, khu II là 25ha; trồng 115,8ha; hai bên thống nhất tính đến ngày 31-12-1998 VIKO còn nợ Công ty Thế Kỷ 352.166.000 đồng là thiệt hại đã bỏ ra nhưng chưa trồng được rừng”. Vào các thời gian sau đó cũng như tại phiên toà sơ thẩm ngày 27-6-2002 và phiên toà phúc thẩm ngày 14-10-2002, đại diện theo pháp luật và đại diện theo uỷ quyền của Công ty VIKO cũng đều xác nhận: Công ty Thế Kỷ đã cày ủi 250ha, thừa nhận biên bản đối chiếu công nợ ngày 21-04-1999 đã ký giữa hai Công ty.
Với những nhận định đã nêu trên, và các tài liệu có trong hồ sơ cho thấy căn cứ để Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị tái thẩm là không thỏa đáng. Việc Công ty Thế Kỷ cày ủi 250ha đã được các cấp Toà án làm rõ trong quá trình giải quyết vụ án và có đủ cơ sở pháp lý. Vì vậy không có căn cứ chấp nhận kháng nghị số 06 /KN- AKT ngày 10-10-2003 của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với Bản án Kinh tế phúc thẩm số 45/KTPT ngày 14-10-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Bởi các lẽ trên và căn cứ khoản 1 Điều 86 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao,
QUYẾT ĐỊNH
Giữ nguyên Bản án kinh tế phúc thẩm số 45/KTPT ngày 14-10-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Lý do giữ nguyên Bản án kinh tế phúc thẩm:
– Công văn số 839/SNN-TRr ngày 23/12/2002 của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn không phải là tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án mà đương sự không thể biết được khi giải quyết vụ án.
– Thông báo ngày 01-06-1998 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước vào thời điểm Công ty Thế Kỳ tiến hành cày ủi để thực hiện hợp đồng với Công ty VIKO là có căn cứ.