Quyết định 05/2003/HĐTP-KT về vụ án tranh chấp hợp đồng cung cấp và thi công sơn bảo vệ thiết bị công trình thuỷ điện Yaly
QUYẾT ĐỊNH 05/2003/HĐTP-KT NGÀY 24/02/2003 VỀ VỤ ÁN TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG SƠN BẢO VỆ THIẾT BỊ THUỶ ĐIỆN
TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
Tại phiên toà ngày 24-02-2003, đã xét xử vụ án kinh tế về tranh chấp hợp đồng cung cấp và thi công sơn bảo vệ thiết bị công trình thuỷ điện Yaly giữa:
Nguyên đơn: Tổng Công ty Điện lực Việt Nam
Trụ sở tại: số 18 Trần Nguyên Hãn, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội
Bị đơn: Công ty TNHH PREZIOSO (Việt Nam)
Trụ sở tại: Khu công nghiệp Bình Chiểu, phường Bình Chiểu, Quận Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh.
NHẬN THẤY
Ngày 19-12-1997, Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly (bên A) và Công ty TNHH Prezioso Việt Nam (bên B) ký kết với nhau Hợp đồng kinh tế Giao nhận thầu cung cấp sơn và thi công sơn cho công trình thuỷ điện Yaly số 785 ĐVN/TĐIL- 2 và hai bản phụ lục số 1 và số 2. Ngày 14-01-1998, hai bên ký Phụ lục 3 (Điều chỉnh hợp đồng số 785 ĐVN/TĐIL- 2 ngày 19-12-1997). Ngày 04-07-1998, ký tiếp phụ lục 4 (Điều chỉnh hợp đồng số 785 ĐVN/TĐIL- 2 ngày 19-12-1997).
Ngày 06-01-1998 và ngày 20-05-1998, Ngân hàng BNP Việt Nam (chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) đã ký và gửi cho Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly giấy bảo lãnh thực hiện hợp đồng số 600237 với số tiền là 200.520 USD (10% giá trị hợp đồng) và giấy bảo lãnh tiền tạm ứng số 600203 với số tiền là 300.780 USD (15% giá trị hợp đồng) để bảo lãnh cho khoản tiền tạm ứng của bên A là 15% giá trị hợp đồng theo Điều 6.3 của hợp đồng. Các bảo lãnh này có hiệu lực đến hết ngày 06-01-1999.
Trong các ngày 21-01-1998, 22-05-1998 và 02-06-1998, bằng các uỷ nhiệm chi số 52/1, 38/5 và 6/6, Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly đã chuyển cho Prezioso số tiền tạm ứng tổng cộng là 5.081.949.580 đồng.
Ngày 31-08-1998, Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly và Công ty TNHH Prezioso Việt Nam ký với nhau hợp đồng số 634 để vận chuyển các thiết bị cần sơn theo quy định tại Điều 5 hợp đồng số 785 trên.
Thực hiện hợp đồng, từ ngày 06-01-1998 đến hết ngày 05-05-1999 bên B đã thi công được 27.221,98m2, trong đó có 24.075,6m2 đã nghiệm thu và 3.146,38m2 chưa nghiệm thu. Thực hiện hợp đồng vận chuyển số 634 ngày 31-08-1998, bên B đã vận chuyển được 5.024,423 tấn thiết bị. Bên A đã thanh toán 3.672,056 tấn, chưa thanh toán là 1.352,367 tấn, trị giá là 217.253.000 đồng.
Ngày 05-05-1999, bằng Công văn số 0101/99/PVN/CT Prezioso thông báo chấm dứt hoạt động tại xưởng sơn cùng mọi hoạt động khác tại công trường Yaly kể từ ngày 06-05-1999 và bắt đầu tháo dỡ xưởng, thu dọn tất cả vật tư, thiết bị kể từ ngày 17-05-1999.
Ngày 16-09-1999, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam khởi kiện vụ án ra Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai.
Tại Bản án kinh tế sơ thẩm số 01/KTST ngày 14-12-2000, Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai đã xử:
– Buộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền cho Công ty TNHH Prezioso Việt Nam khối lượng công việc đã hoàn thành chưa được thanh toán là 1.370.719.922,8 đồng và trả khoản tiền lãi do chậm thanh toán theo hợp đồng là: 41.856.065 đồng. Tổng cộng hai khoản là: 1.412.575.987,8 đồng.
– Bác yêu cầu của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đòi Công ty TNHH Prezioso Việt Nam bồi thường thiệt hại do tiến độ thi công chậm là 1.339.101.434 đồng.
– Buộc Công ty TNHH Prezioso Việt Nam phải hoàn lại tiền tạm ứng cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam là: 2.898.540.098 đồng, bồi thường thiệt hại do không tiếp tục thực hiện hợp đồng là 4.091.668.000 đồng và chịu khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng là 135.010.350 đồng. Tổng cộng ba khoản là 7.125.218.448 đồng.
– Tổng Công ty Điện lực Việt Nam được quyền khởi kiện Công ty TNHH Prezioso Việt Nam yêu cầu bồi thường thiệt hại tiếp đối với khối lượng thi công thực tế còn lại theo đúng quy định của pháp luật.
– Bác yêu cầu của Công ty TNHH Prezioso Việt Nam đòi Tổng Công ty Điện lực Việt Nam bồi thường thiệt hại do phải ngừng thi công, bị tổn thất về tài chính là 20.049.808.224 đồng.
– Tổng Công ty Điện lực Việt Nam có nghĩa vụ chuyển khoản tiền thuế giá trị gia tăng là 63.105.260 đồng cho Công ty TNHH Prezioso Việt Nam để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định.
– Căn cứ đoạn 3 khoản 1 Điều 41 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế xử: Tiếp tục kê biên tài sản của Công ty TNHH Prezioso Việt Nam hiện có trên công trường thuỷ điện Yaly để đảm bảo cho công tác thi hành án sau này.
– Căn cứ vào khoản 3 Điều 26 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế xử: Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và Công ty TNHH Prezioso Việt Nam, mỗi bên phải chịu chi phí phiên dịch là 800.000 đồng, nộp tiền tại Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai.
– Căn cứ Điều 29, khoản 3 Điều 30 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế xử:
+ Tổng Công ty Điện lực Việt Nam phải chịu tiền án phí kinh tế sơ thẩm là 56.751.677 đồng.
+ Công ty TNHH Prezioso Việt Nam phải chịu tiền án phí kinh tế sơ thẩm là 81.175.026 đồng.
Ngày 22-12-2000, Tổng Công ty Điện lực Việt Nam và Công ty TNHH Prezioso Việt Nam có đơn kháng cáo đề nghị xét xử lại toàn bộ vụ án.
Tại Bản án kinh tế phúc thẩm số 01/2002/KTPT ngày 13-04-2002, Toà Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã xử:
1/ Bác yêu cầu của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đòi Công ty TNHH Prezioso Việt Nam phải bồi thường thiệt hại do chậm tiến độ thi công và một phần bồi thường thiệt hại do không tiếp tục thực hiện hợp đồng với tổng số tiền là 7.116.222.900 đồng.
2/ Bác yêu cầu của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam khoản tiền phạt do bên B chậm thi công và một phần khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng với tổng số tiền 1.114.145.184 đồng.
3/ Bác yêu cầu của Công ty TNHH Prezioso Việt Nam đòi Tổng Công ty Điện lực Việt Nam khoản bồi thường là 20.049.808.224 đồng.
4/ Buộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam phải thanh toán tiền cho Công ty TNHH Prezioso Việt Nam khối lượng công việc đã hoàn thành nhưng chưa được thanh toán là 1.370.719.922,8 đồng và khoản tiền lãi do chậm thanh toán là 41.856.065 đồng. Tổng hai khoản là 1.412.575.987,8 đồng.
5/ Buộc Công ty TNHH Prezioso Việt Nam phải hoàn lại tiền tạm ứng cho Tổng Công ty Điện lực Việt Nam 2.898.540.098 đồng; bồi thường thiệt hại do ngừng thi công gây ra là 3.891.668.000 đồng; phạt do vi phạm hợp đồng là 225.017.250 đồng. Tổng ba khoản là 7.015.225.348 đồng.
6/ Tổng Công ty Điện lực Việt Nam có nghĩa vụ chuyển khoản tiền thuế giá trị gia tăng là 63.105.260 đồng cho Công ty TNHH Prezioso Việt Nam để Công ty thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với Nhà nước.
7/ Tổng Công ty Điện lực Việt Nam có quyền khởi kiện Công ty TNHH Prezioso Việt Nam đòi bồi thường tiếp đối với khối lượng mới thi công thực tế còn lại.
Tổng Công ty Điện lực Việt Nam phải chịu tiền án phí kinh tế sơ thẩm là 36.642.944 đồng.
Công ty TNHH Prezioso Việt Nam phải chịu tiền án phí kinh tế sơ thẩm là 54.065.033 đồng.
Ngày 20-06-2002, Prezioso có đơn số 87/02/PVN/ADM khiếu nại Bản án kinh tế phúc thẩm số 01/2002/KTPT ngày 13-04-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng.
Tại Quyết định kháng nghị số 13/KN- AKT ngày 28-10-2002, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng bản Hợp đồng số 785/ĐVN/TĐIL-2 ngày 19-12-1997 bị vô hiệu toàn bộ do Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly không phải là pháp nhân và người ký hợp đồng không đúng thẩm quyền, vi phạm tiết c khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế, đề nghị Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử giám đốc thẩm, căn cứ vào khoản 3 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, huỷ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm để giao về xét xử sơ thẩm lại theo hướng xử lý hợp đồng vô hiệu toàn bộ đối với hợp đồng kinh tế số 785 ĐVN/TĐIL-2 ngày 19-12-1997 và kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với người ký kết Hợp đồng số 785 ĐVN/TĐIL-2 bị vô hiệu toàn bộ gây thiệt hại lớn đến tài sản Nhà nước theo khoản 3 Điều 39 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế.
XÉT THẤY
1/ Kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cho rằng quyết định 365/ĐVN/TCCB-LĐ ngày 27-05-1995 của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam là quyết định thành lập ra ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly và do đó đã vi phạm quy định tại Điều 25 bản điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định số 14/CP ngày 27-01-1995 của Chính phủ. Vì vậy, Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly được thành lập không hợp pháp, không thể là một pháp nhân và do đó không thể là chủ thể của hợp đồng kinh tế. Nhận định trên là chưa chính xác, vì tiền thân của Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly là Ban Quản lý công trình nhà máy thuỷ điện Yaly đã được thành lập bằng Quyết định số 71/NL/TCCB- LĐ ngày 03-02-1989 của Bộ Năng lượng. Quyết định thành lập này đã quy định rõ “Ban Quản lý công trình nhà máy thuỷ điện Yaly có tư cách pháp nhân,…”. Quyết định số 365/ĐVN/TCCB- LĐ của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chỉ đổi tên pháp nhân và đưa nó về trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam mà thôi. Do quyết định số 365/ĐVN/TCCB- LĐ của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam không phải là quyết định thành lập nên Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly không thể là tổ chức được “thành lập chưa hợp pháp”. Do Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly chỉ là tên mới của pháp nhân Ban Quản lý công trình nhà máy thuỷ điện Yaly nên nó vẫn là một pháp nhân.
Theo quy định tại Điều 2, Điều 9 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế thì Pháp nhân là chủ thể của hợp đồng kinh tế, người đại diện hợp pháp của pháp nhân có thể uỷ quyền bằng văn bản cho người khác thay mình ký hợp đồng kinh tế. Hợp đồng kinh tế Giao nhận thầu cung cấp sơn và thi công sơn cho công trình thuỷ điện Yaly số 785 ĐVN/TĐIL- 2 và bốn bản phụ lục của nó có chủ thể là pháp nhân Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly và người đại diện ký kết là ông Trần Quý Hảo, phó chủ nhiệm điều hành dự án được đại diện hợp pháp của pháp nhân là ông Đỗ Đông Xuyên, chủ nhiệm điều hành dự án uỷ quyền bằng văn bản ký ngày 18-12-1997. Đối chiếu với quy định trên của pháp luật, bản hợp đồng kinh tế giao nhận thầu cung cấp sơn và thi công sơn cho công trình thuỷ điện Yaly số 785 ĐVN/TĐIL-2 và bốn bản phụ lục của nó là hoàn toàn hợp pháp, không có căn cứ để xác định bản hợp đồng này bị vô hiệu toàn bộ do vi phạm tiết c khoản 1 Điều 8 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế (người ký hợp đồng kinh tế không đúng thẩm quyền).
2/ Đối với các nội dung khác của vụ án:
Điều 5 của hợp đồng số 785 ĐVN/TĐIL- 2 có quy định:
Đối với các chi tiết lắp đặt sẵn: Khe van, tấm đệm, cửa van… đơn giá được tính theo đơn giá thi công ngoài hiện trường đã nêu trong hồ sơ mời thầu”. Tuy nhiên, tại phiên toà sơ thẩm, đại diện của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã xác nhận: “Công trình không có hồ sơ mời thầu vì vừa thiết kế vừa thi công” (BL.1336). Tại Công văn số 578 EVN/QLDAIALY-2 ngày 27-03-2000 của Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly (BL.325) cũng xác định: Hồ sơ mời thầu không có đơn giá thi công ngoài hiện trường.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Phụ lục 2. Kèm theo hợp đồng số 785 ĐVN/TĐIL-2 ngày 19-12-1997 (đặc tính kỹ thuật thi công) (BL. 24-27) có quy định rõ:
"I – Chuẩn bị nhà xưởng:
Bên B nghiên cứu thực hiện thi công như sau:
· Xử lý trong xưởng phun thổi rỉ (bằng hạt mài mòn) và sơn phủ
· Xử lý trên công trình (chỉ sơn phủ các đường hàn của ống)
II- Phương pháp xử lý kỹ thuật
2.1- Bên ngoài và bên trong của đường ống áp lực (lớn và nhỏ) và cấu kiện kim loại ngập trong nước (lưới chắn rác, cửa van xả lũ)
2.1.1. Công việc thực hiện tại xưởng (thổi rỉ và sơn)
Các ống: Việc làm sạch bề mặt và sơn tại xưởng sẽ được dừng 10 cm cách vị trí đầu ống cho việc lắp đặt và hàn nối tiếp theo tại hiện trường.
Các khe van và cửa van cung: Việc làm sạch bề mặt và sơn được tiến hành tại hiện trường xây lắp.
2.2- Thiết bị không ngập nước, cấu kiện thép (trong điều kiện môi trường công nghiệp bình thường)
2.2.1- Công việc thực hiện tại xưởng sơn.
2.3. Công việc thực hiện tại hiện trường cho mục 2.1 (chỉ dành riêng cho ống, khe van và cửa van cung)
2.4. Sơn trang trí
2.4.1- Công việc thực hiện tại xưởng".
Như vậy, theo thoả thuận trong hợp đồng thì công việc thi công sơn chủ yếu được thực hiện trong xưởng sơn, công việc sơn tại hiện trường rất ít, do vậy đơn giá thi công ghi trong phụ lục 4 của hợp đồng (BL.30-31) được tính chung cho cả hợp đồng mà không bóc tách riêng phần thi công ngoài hiện trường như quy định tại Điều 5 của hợp đồng.
Thực tế thi công trên công trường, có một phần khối lượng công việc đã không được đưa vào xưởng sơn trước khi mang ra lắp ráp tại hiện trường, mà được đưa thẳng ra hiện trường lắp ráp trước, rồi mới yêu cầu Prezioso đến sơn (BL. 64; 680; 684; 781; 856). Do việc sơn trong xưởng sơn và sơn ngoài hiện trường có giá thành khác nhau, ngay từ tháng 06-1998 Prezioso đã có văn bản gửi Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly đề nghị được thoả thuận đơn giá cho thi công ngoài hiện trường (BL. 50- 52; 690- 691) nhưng chưa được chấp thuận. Tại Công văn số AD 357/99 ngày 23-02-1999 (BL. 1185), Prezioso lại đề nghị duyệt phương án thi công đặc biệt cho một số thiết bị đã lắp đặt ngoài hiện trường để làm cơ sở thanh toán. Bằng các Công văn số 333 ĐVN/QLDAIALY ngày 26-02-1999 và số 577 ngày 23-03-1999 (BL. 713), Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly đã đồng ý với đề nghị của Prezioso trong thời gian ngắn nhất lập biện pháp thi công như đã nêu trong công văn để Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly xem xét, thoả thuận và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở cho việc thanh toán sau này.
Do không thể thoả thuận được với nhau về đơn giá thi công ngoài hiện trường nên Prezioso chỉ thực hiện những công việc theo hợp đồng và không thực hiện các công việc sơn ngoài hiện trường theo yêu cầu của Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly
Theo đại diện của bên A trình bày trước phiên toà sơ thẩm (BL. 1330, 1335) thì nguyên nhân chính dẫn đến bên B vi phạm hợp đồng là do không thoả thuận được đơn giá thi công ngoài hiện trường. Các bên đã có cuộc họp cuối cùng với nhau về vấn đề này tổ chức tại Hà Nội vào các ngày 12, 13, 14 và 15-04-1999 (BL. 1331) nhưng không thành. Ngày 22-04-1999, bằng Công văn số 919/ĐVN/QLDAIALY- 4 (BL. 693), Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly đã thông báo cho Prezioso ý kiến của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam là: Đối với các công việc ngoài hiện trường, Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly sẽ tự giải quyết (giao cho Công ty Lắp máy và xây dựng số 10 làm), còn Prezioso tiếp tục các công việc được đưa đến xưởng và các công việc ngoài hiện trường theo quy định trong hợp đồng. Ngày 26-04-1999 (BL.776) và ngày 05-05-1999, Prezioso có các văn bản số 090/99/PVN/CT và 0101/99/PVN/CT thông báo việc “… chấm dứt hoạt động tại xưởng phun thổi rỉ và sơn cùng mọi hoạt động khác tại công trường Yaly… kể từ ngày 06-05- 1999… sẽ bắt đầu việc thực hiện tháo dỡ xưởng và thu dọn tất cả vật tư, thiết bị kể từ ngày 17-05-1999" (BL. 72).
Tại Công văn số 2448/EVN/QLXD ngày 06-05-1999 ông Hoàng Trung Hải – Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam gửi cho Tổng giám đốc Prezioso khu vực Trung Đông và Châu Á (BL. 680- 681) cho rằng Prezioso không có thiện chí trong thương thảo về đơn giá thi công ngoài hiện trường xác nhận Tổng Công ty Điện lực Việt Nam đã đưa ra giá 440.000đ/m2 (kể cả vật liệu sơn), còn phía Prezioso đưa ra giá 385.200đ/m2 (chưa kể vật liệu sơn).
Theo Prezioso trình bày thì phía Prezioso đưa ra giá 461.317đ/m2 (bao gồm chi phí nhân công là 385.000đ/m2 và chi phí vật liệu là 5,492 USD/M2 = 76.317đ theo tỷ giá tháng 05-1999 là 13.896đ/USD) cho khối lượng công việc ước tính là 2.300m2 (BL. 698) nhưng không được Tổng Công ty Điện lực Việt Nam chấp nhận mà Tổng Công ty Điện lực Việt Nam lại giao công việc đó cho Công ty Lắp máy và xây dựng số 10 làm với giá 524.859đ/m2 (BL. 1069), đắt hơn giá của Prezioso đề xuất từ nhiều tháng trước là 63.542đ/m2.
Như vậy, có căn cứ để xác định: Có một phần khối lượng công việc đã không được đưa đến xưởng để sơn trước khi lắp đặt như thoả thuận trong hợp đồng mà lại được lắp đặt trước ngoài hiện trường rồi mới yêu cầu Prezioso đến sơn (sơn ngoài hiện trường có phương pháp, điều kiện thi công và giá thành khác với sơn trong xưởng). Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chưa điều tra, xác định việc vi phạm hợp đồng này (đưa công việc từ xưởng sơn ra ngoài hiện trường) lỗi thuộc về ai?
+ Có bao nhiêu diện tích cần sơn đã được bên A đưa vào xưởng, nhưng bên B không bảo đảm tiến độ sơn (lỗi của bên B), bắt buộc bên A phải lấy về để lắp đặt cho kịp tiến độ chung của công trường, rồi yêu cầu bên B đến thi công sơn ngoài hiện trường?
+ Có bao nhiêu diện tích cần sơn bên A không đưa vào xưởng theo thoả thuận trong hợp đồng, mà chủ động đưa ra lắp đặt trước ngoài hiện trường (lỗi của bên A), rồi mới yêu cầu bên B đến thi công sơn ngoài hiện trường?
Nghĩa vụ bồi thường và chịu phạt vi phạm hợp đồng của mỗi bên trong phần vi phạm hợp đồng này (đưa công việc từ xưởng sơn ra ngoài hiện trường) phải được xác định trên mức độ vi phạm hợp đồng của từng bên.
Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chỉ dựa vào cách tính thiệt hại tại văn bản số 2113EVN/QLDAIALY- 2 ngày 23-11-2000 của Ban Quản lý dự án nhà máy thuỷ điện Yaly (BL. 1069-1070) và các chứng từ thanh toán để buộc Công ty TNHH Prezioso phải bồi thường khoản chênh lệch giá thi công giữa giá thực tế thanh toán cho Công ty Lắp máy và xây dựng số 10 với giá trong hợp đồng số 785 ĐVN/TĐIL- 2 trên tổng số diện tích phải sơn còn lại của hợp đồng là không chính xác. Cần phải bóc tách số diện tích phải thi công ngoài hiện trường thuộc lỗi của bên A ra khỏi phần bồi thường chênh lệch giá này.
Toà án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa điều tra, xác định rõ: Đến ngày 06-05-1999, khối lượng công việc theo hợp đồng phải được sơn trong xưởng nhưng lại đem ra lắp ráp trước rồi yêu cầu Prezioso tới thi công ngoài hiện trường là bao nhiêu? Trong đó do lỗi của bên B là bao nhiêu? Do lỗi của bên A là bao nhiêu? Để xác định chính xác trách nhiệm của mỗi bên.
Bởi các lẽ trên và căn cứ khoản 3 Điều 80 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế,
QUYẾT ĐỊNH
Huỷ Bản án kinh tế số 01/KTST ngày 14-12-2000 của Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai và Bản án kinh tế phúc thẩm số 01/2002/KTPT ngày 13-04-2002 của Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng. Giao hồ sơ vụ án về Toà án nhân dân tỉnh Gia Lai để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.
Lý do huỷ Bản án sơ thẩm và phúc thẩm:
– Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chỉ dựa trên các văn bản và các chứng từ thanh toán để buộc Công ty TNHH Prezioso phải bồi thường mà không bóc tách số diện tích sơn phải thi công ngoài hiện trường thuộc lỗi của bên A là không chính xác.
– Toà án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm chưa điều tra cụ thể để xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên trong quan hệ hợp đồng.