Quyền của người yêu cầu giám định tư pháp? Nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp?
Giám định tư pháp là hoạt động có chuyên môn được tiến hành trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hình sự, hành chính. Vì là hoạt động có ý nghĩa quan trọng, đồng thời việc thực hiện phải đáp ứng các điều kiện luật định, do đó, giám định tư pháp chỉ được thực hiện khi có trưng cầu giám định của chủ thể có thẩm quyền hoặc yêu cầu giám định của cá nhân được pháp luật trao quyền. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ tập trung vào chủ thể là người yêu cầu giám định, trong đó, trọng tâm là quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Trước khi đi vào phân tích về quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp, tác giả cung cấp khái niệm về người yêu cầu giám định tư pháp theo quy định tại Khoản 3, Điều 2, Luật Giám định tư pháp, cụ thể: “Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.”
Mục lục bài viết
1. Quyền của người yêu cầu giám định tư pháp?
Quyền của người yêu cầu giám định tư pháp được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 22 Luật Giám định tư pháp. Ngay trong khái niệm về người yêu cầu giám định tư pháp đã khẳng định rằng: người yêu cầu chỉ tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Vì vậy, trước khi tự mình yêu cầu giám định thì cá nhân phải yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định (hình thức yêu cầu là bằng văn bản) và ngay tại Khoản 1, Điều 22 đã ghi nhận quyền này và cho đây là quyền nền tảng để phát sinh các các quyền còn lại.
Quyền tự mình yêu cầu giám định tư pháp của cá nhân chỉ phát sinh khi cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng từ chối trừng cầu giám định. Do đó, khi nhận được văn bản yêu cầu của cá nhân, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo bằng văn bản về việc đồng ý hay từ chối trưng cầu giám định trong thời hạn 07 ngày. Hết thời hạn 07 ngày mà cơ quan, người có thẩm quyền không thông báo, hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
Thực tế, quyền này có ý nghĩa quan trọng, để tránh tình trạng yêu cầu giám định tràn lan, không có đánh giá sơ bộ, thông thường trưng cầu giám định là hoạt động sự đánh giá, thẩm định về của cơ quan, chủ thể có thẩm quyền và họ cho rằng chỉ có việc giám định mới làm sáng tỏ được các tình tiết trong vụ án. Vì vậy, việc yêu cầu đối với người, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng nhằm đảm bảo việc xem xét kỹ lưỡng trước khi yêu cầu chuyên gia giám định thực hiện hoạt động chuyên môn của họ, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền tố tụng trước vụ án mà mình tiếp nhận, cũng đảm bảo quyền được nắm bắt hết tất cả các thông tin cần thiết để giải quyết vụ án.
Tại Khoản 2, Điều 22 còn quy định 04 quyền cụ thể, khi đã được cơ quan giám định tiếp nhận yêu cầu:
Thứ nhất, quyền được yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu.
Quyền này là hoàn toàn hợp lý, bởi việc trả kết quả kết luận giám định đúng thời hạn còn có ý nghĩa trong công tác giải quyết các vụ án, phù hợp với với tiến trình, thời hạn giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng. Đồng thời, việc trả kết luận theo định theo đúng nội dung đã yêu cầu vừa đảm bảo được tính chính xác, tính cần thiết để làm sáng tỏ các vướng mắc trong việc giải quyết vụ án, cũng là sự thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp.
Thứ hai, quyền được yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định.
Quyền được giải thích là quyền cơ bản, đây là quyền của cá nhân, tổ chức khi đặt trước một văn bản có giá trị tác động đến mình, điều này có nghĩa là, việc người yêu cầu giám định được giải thích kết luận giám định là cần thiết, giúp họ hiểu rõ hơn, nắm bắt kỹ hơn về nội dung kết luận giám định để tự bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình.
Thứ ba, quyền được đề nghị Tòa án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định.
Đây là quyền được quan trọng, mặc dù đã có kết luận giám định, tuy nhiên, sự hiện diện của người giám định tư pháp tại phiên tòa thực sự sẽ làm cho kết luận này được rõ ràng hơn, cụ thể hơn và công khai hơn. Quyền đề nghị này có được bảo đảm hay không phụ thuộc vào quyết định của Tòa án dựa trên những nội dung đã phản ánh trong kết luận giám định.
Thứ tư, quyền được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.
Việc giám định lại, giám định bổ sung được diễn ra khi nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Quyền yêu cầu này được ghi nhận và thực hiện giống như quyền yêu cầu đã được tác giả phân tích trước đó.
Một điểm quan trọng cần lưu ý là thời điểm yêu cầu giám định tư pháp: Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. (Khoản 4, Điều 22, Luật Giám định tư pháp). Điều này cũng hoàn toàn hợp lý nhằm đảm bảo được tính chặt chẽ, thống nhất và chắc chắn đối với kết quả giám định, hơn nữa, việc Tòa án đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm là quá trình gần như đi đến giai đoạn cuối cùng của quá trình giải quyết một vụ án trong tố tụng.
2. Nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp?
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 22, Luật Giám định tư pháp, người yêu cầu giám định tư pháp có 02 nghĩa vụ cơ bản:
Thứ nhất, nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp.
Đối tượng giám định là đối tượng được người giám định tư pháp tác động trực tiếp và tìm kiếm kết luận cuối cùng về đối tượng đó. Vì vậy , nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu là cơ sở quan trọng để người giam định tư pháp có thể thực hiện công việc của mình dễ dàng hơn, có căn cứ hơn, nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn. Việc cung cấp các thông tin, tài liệu sai lệch có thể làm dẫn tới sai lệch kết quả giám định, ảnh hưởng tới quyền, lợi ích của chính người giám định hoặc của cá nhân, tổ chức khác hay lợi ích nhà nước.
Nghĩa vụ này đòi hỏi người yêu cầu giám định phải thực hiện một cách nghiêm túc, kịp thời, chính xác theo đúng yêu cầu của người giám định.
Thứ hai, nghĩa vụ nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.
Theo giải thích tại Khoản 2, Điều 3, Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, phiên dịch trong tố tụng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành : “Tiền tạm ứng chi phí giám định là số tiền do tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tạm tính để thực hiện giám định theo trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng.“. Tuy nhiên, chỉ có thể hiểu theo khái niệm về tạm ứng chi phí giám định tư pháp đói với người yêu cầu giám định dưới góc độ kinh tế và dựa vào khái niệm trên thì đó là một số tiền mà tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định được tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tạm tính cho họ. Việc nộp tạm ứng chi phí nhằm đảm bảo chắc chắn rằng người yêu cầu giám định muốn thực sự thực hiện hoạt động giám định và để cá nhân, tổ chức thực hiện giám định có chi phí tạm thời để thực hiện một số các hoạt động cần thiết.
Sau khi nhận kết luận giám định, người yêu cầu giám định phải thanh toán số tiền còn lại để hoàn thành đầy đủ chi phí giám định đã được xác định từ đầu.