Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo trong tố tụng hình sự là gì? Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo tiếng anh là gì? Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo trong tố tụng hình sự?
Để bảo đảm và cụ thể hóa quyền tố cáo của cá nhân theo
1. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo trong tố tụng hình sự là gì?
Tố cáo trong tố tụng hình sự là việc công dân theo trình tự, thủ tục do pháp luật tố tụng hình sự quy định báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và/hoặc người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động tố tụng nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Hành vi vi phạm pháp luật đó chưa có dấu hiệu của tội phạm.
Người bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo. Người bị tố cáo trong tố tụng hình sự là những người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, cụ thể: Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án. Ngoài ra, pháp luật còn quy định những người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra cũng là người bị tố cáo trong tố tụng hình sự.
Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo trong tố tụng hình sự là quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo như Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát, Kiểm sát viên; Chánh án, Phó Chánh án Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Tòa án, người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra,… giúp họ tự bảo vệ mình trước những thông tin có hại từ việc tố cáo không chính xác, cố tình bịa đặt, vu không, bôi nhọ.
2. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo tiếng anh là gì?
– Người bị tố cáo tiếng anh là: “Accused person”
– Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo tiếng anh là: “Rights and obligations of the accused”
3. Quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo trong tố tụng hình sự
Theo Khoản 5 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018, người bị tố cáo là cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi bị tố cáo quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo như sau:
– Người bị tố cáo có quyền: được thông báo về nội dung tố cáo, việc gia hạn giải quyết tố cáo, đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết tố cáo, tiếp tục giải quyết tố cáo; được giải trình, đưa ra chứng cứ để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật; người bị tố cáo được nhận kết luận nội dung tố cáo; được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp khi chưa có kết luận nội dung tố cáo của người giải quyết tố cáo; người bị tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật, người giải quyết tố cáo trái pháp luật; được phục hồi danh dự, khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được xin lỗi, cải chính công khai, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo, giải quyết tố cáo không đúng gây ra theo quy định của pháp luật; người bị tố cáo được quyền khiếu nại quyết định xử lý của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
– Người bị tố cáo có các nghĩa vụ sau đây: Thứ nhất, phải có mặt để làm việc theo yêu cầu của người giải quyết tố cáo. Thứ hai, giải trình về hành vi bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu; liên quan đến nghĩa vụ này, khi người giải quyết tố cáo, tổ xác minh có yêu cầu thì người bị tố cáo phải giải trình bằng văn bản về những nội dung bị tố cáo, cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng liên quan đến nội dung bị tố cáo, nội dung giải trình; trường hợp thông tin, tài liệu, bằng chứng mà người bị tố cáo cung cấp chưa đầy đủ hoặc giải trình của người bị tố cáo chưa rõ, người giải quyết tố cáo, tổ xác minh yêu cầu thì người bị tố cáo tiếp tục cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng, giải trình về các vấn đề còn chưa rõ. Thứ ba, người bị tố cáo phải chấp hành nghiêm chỉnh quyết định xử lý theo kết luận nội dung tố cáo của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền. Thứ tư, bồi thường thiệt hại, bồi hoàn do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
3.1. Quyền của người bị tố cáo trong tố tụng hình sự
Căn cứ pháp lý theo điều 480
“ 1. Người bị tố cáo có quyền:
a) Được thông báo về nội dung tố cáo;
b) Đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật;
c) Được nhận quyết định giải quyết tố cáo;
d) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra;
đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật.”
Người bị tố cáo vì đã có hành vi vi phạm pháp luật được thông báo về nội dung tố cáo. Những nội dung tố cáo này phải được cơ quan, cá nhân có thẩm quyền thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo.
Trong thông báo về nội dung tố cáo cần phải thể hiện một cách chi tiết, cụ thể
Ví dụ: bị tố cáo về hành vi nào, được thực hiện ở đâu, trong thời gian nào, đã gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại nào đối với lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Cho dù có bị tố cáo của một cá nhân, tập thể nhưng trước thời điểm có quyết định giải quyết tố cáo cuối cùng, người bị tố cáo vẫn chưa được coi là người vi phạm pháp luật. Vì vậy, người bị tố cáo sau khi nhận được thông báo về nội dung tố cáo cố quyền đưa ra bằng chứng để chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật hoặc không hoàn toàn đúng sự thật. Khi đưa ra băng chứng để biện hộ cho mình, người bị tố cáo có thể gửi đơn, thư hoặc trực tiếp trình bày với cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Trong trường hợp người bị tố cáo trình bày bằng miệng về những tài liệu, chứng cứ chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật hoặc không hoàn toàn đúng sự thật, cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo phải lập biên bản về nội dung trình bày, thời gian, địa điểm trình bày và có ký xác nhận của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo và bản thân người bị tố cáo.
Trong trường hợp quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâm phạm bởi nội dung tố cáo không đúng sự thật thì người này được phục hồi danh dự, được bồi thường thiệt hại theo trình tự do pháp luật quy định.
Thủ tục phục hồi danh dự, bồi thường thiệt hại do việc tố cáo không đúng gây ra cho người bị tố cáo cố thể được giải quyết bằng phương pháp hòa giải giữa người bị tố cáo và người tố cáo. Trong trường hợp hai bên không thỏa thuận được, người bị tố cáo có quyền kiện người tố cáo ra tòa dân sự. Khi bị hành vi tố cáo không đúng, người bị tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xử lý người tố cáo sai sự thật. Việc xử lý người tố cáo sai sự thật có thể thông qua các hình thức xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, xử lý bằng kênh Tòa án hoặc bằng biện pháp hình sự nếu việc tố cáo đã cấu thành tội vu khống.
3.2. Nghĩa vụ của người bị tố cáo trong tố tụng hình sự
Căn cứ pháp lý theo điều 480 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo, quy định về nghĩa vụ của người bị tố cáo như sau:
“2. Người bị tố cáo có nghĩa vụ:
a) Giải trình về hành vi bị tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi cơ quan, người có thẩm quyền yêu cảu;
b) Chấp hành quyết định giải quyết tố cáo;
c) Bồi thường thiệt hại, bồi hoàn, khắc phục hậu quả do hành vi tố tụng trái pháp luật của mình gây ra.”
Khi bị tố cáo, cùng với quyền đưa ra bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo là không đúng sự thật hoặc không hoàn toàn đúng sự thật, người bị tố cáo có nghĩa vụ giải trình về hành vi bị tố cáo.
Việc giải trình này cũng có thể được thực hiện trực tiếp (bằng miệng) hoặc bằng văn bản gửi đến cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo.
Khi cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo yêu cầu, người bị tố cáo có nghĩa vụ cung cấp các thông tin, tài liệu, văn bản liên quan tới nội dung tố cáo.
Khi có kết quả giải quyết tố cáo cuối cùng của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo, người bị tố cáo có nghĩa vụ chấp hành kết quả giải quyết tố cáo đó. Nếu trong quyết định giải quyết tố cáo cuối cùng cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo xác định người bị tố cáo đã vi phạm pháp luật, đã gây ra thiệt hại cho Nhà nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức thì người bị tố cáo có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra.
Trong trường hợp hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo có dấu hiệu của tội phạm thì người bị tố cáo có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng.