Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng. Vậy, quyền và nghĩa vụ của liên đoàn thể thao quốc gia là gì?
Mục lục bài viết
1.Quyền và nghĩa vụ của liên đoàn thể thao quốc gia là gì?
1.1. Khái niệm Liên đoàn thể thao quốc gia:
Liên đoàn thể thao quốc gia là một khái niệm không còn xa lạ đối với mọi người trong những năm gần đây khi mà thể thao nước nhà đã có những bước phát triển vượt bậc so với những năm trước.
Khái niệm liên đoàn thể thao quốc gia được quy định khá cụ thể tại khoản 1 Điều 70 Luật Thể dục, Thể thao 2006. Theo quy định này ta có thể xác định được rằng Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội – nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng.
Để hiểu rõ hơn về khái niệm này thì ta có thể tìm hiểu tại Mục 1 Chương I Thông tư liên tịch 01/1998/TTLT-TCCP-TDTT. Theo đó thì Liên đoàn Thể thao Quốc gia là tổ chức xã hội về một môn thể thao, được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và chịu sự quản lý Nhà nước của Uỷ ban thể dục thể thao.
Theo quy định của pháp luật thì Liên đoàn Thể thao Quốc gia quy tụ các hội viên và tổ chức thành viên trong cả nước; tổ chức và hoạt động theo Điều lệ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận và dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản; tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình.
Bên cạnh đó thì Liên đoàn Thể dục Quốc gia có tư cách pháp nhân, là đại diện duy nhất của môn thể thao trong cả nước và trong Tổ chức Thể thao Quốc tế và khu vực tương ứng.
Pháp luật cũng quy định rõ ràng rằng việc thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuẩn y điều lệ tổ chức và hoạt động của liên đoàn thể thao quốc gia được thực hiện theo quy định của pháp luật về hội, phù hợp với quy định của liên đoàn thể thao quốc tế.
Tóm lại, liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội – nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng, tự chịu trách nhiệm về mọi hoạt động của mình và có tư cách pháp nhân, là đại diện duy nhất của môn thể thao trong cả nước và trong Tổ chức Thể thao Quốc tế và khu vực tương ứng.
1.2. Quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của liên đoàn thể thao quốc gia:
Căn cứ theo quy định tại Điều 71 Luật Thể dục, Thể thao 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của liên đoàn thể thao quốc gia thì có thể xác định được liên đoàn thể thao quốc gia sẽ bao gồm các quyền và nghĩa vụ như là:
Một là, liên đoàn thể thao quốc gia được huy động mọi nguồn lực phát triển môn thể thao; tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ hoạt động thể thao theo quy định của pháp luật.
Hai là, , liên đoàn thể thao quốc gia có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức xã hội – nghề nghiệp về thể thao ở ngành, địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ.
Ba là, liên đoàn thể thao quốc gia sẽ được nhận tài trợ, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài và quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, ủng hộ này theo quy định của pháp luật.
Bốn là, liên đoàn thể thao quốc gia có quyền được tập hợp, đoàn kết, động viên các thành viên tham gia phát triển môn thể thao trong nước.
Năm là, liên đoàn thể thao quốc gia sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các nhiệm vụ do Nhà nước giao theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Sáu là, liên đoàn thể thao quốc gia được xây dựng kế hoạch, chương trình phát triển thể thao chuyên nghiệp của môn thể thao và tổ chức triển khai, quản lý, điều hành sau khi được Uỷ ban Thể dục thể thao phê duyệt.
Bảy là, liên đoàn thể thao quốc gia được tổ chức, quản lý các giải thể thao quốc gia và giải thể thao quốc tế tại Việt Nam theo thẩm quyền.
Tám là, liên đoàn thể thao quốc gia thực hiện việc quản lý vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài môn thể thao; cử vận động viên, đội tuyển thể thao tham gia thi đấu quốc tế.
Chín là, liên đoàn thể thao quốc gia được kiến nghị, đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về cơ chế, chính sách phát triển môn thể thao.
Mười là, liên đoàn thể thao quốc gia phải tuyên truyền lợi ích, tác dụng của môn thể thao.
Mười một, liên đoàn thể thao quốc gia phải công nhận thành tích thi đấu thể thao, đẳng cấp vận động viên, huấn luyện viên, trọng tài thể thao.
Mười hai, liên đoàn thể thao quốc gia phải công nhận cơ sở vật chất, trang thiết bị đủ tiêu chuẩn tổ chức giải thể thao thành tích cao.
2. Việc thành lập liên đoàn thể thao quốc gia được quy định như thế nào?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì ta có thể xác định được việc thành lập một liên đoàn thể thao quốc gia được thực hiện như sau:
Bước 1: Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ xét nhu cầu phát triển của từng môn thể thao sau đó sẽ ra quyết định thành lập Ban vận động thành lập Liên đoàn Thể thao Quốc gia
Bước 2: sau khi ra quyết định thành lập Ban vận động thành lập Liên đoàn Thể thao Quốc gia thì Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ hướng dẫn Ban vận động xây dựng các dự thảo: tờ trình Thủ tướng Chính phủ, Điều lệ, chương trình hoạt động và các văn bản khác theo quy định hiện hành của Nhà nước để Ban vận động hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ.
Bước 3: Uỷ ban Thể dục thể thao sẽ phát biểu ý kiến với Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thành lập Liên đoàn.
Bước 4: chỉ đạo hướng dẫn Liên đoàn tiến hành Đại hội theo nguyên tắc dân chủ tự nguyện, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng và sự tuân thủ pháp luật của Nhà nước sau khi có quyết định cho phép thành lập Liên đoàn Thể thao Quốc gia của Thủ tướng Chính phủ,
Tại Việt Nam hiện nay có các Liên đoàn thể thao quốc gia như là: Liên đoàn Cử tạ, Thể hình Việt Nam; Liên đoàn Đua thuyền Việt Nam; Liên đoàn Cầu mây Việt Nam; Liên đoàn Vovinam Việt Nam; Liên đoàn Taekwondo Việt Nam; Liên đoàn; Quần vợt Việt Nam; Liên đoàn Cầu lông Việt Nam; Liên đoàn JUDO Việt Nam; Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam; Liên đoàn Xe đạp-Mô tô thể thao Việt Nam; Liên đoàn Thể dục Việt Nam; Liên đoàn Cờ Việt Nam; Liên đoàn Bắn súng Việt Nam; Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam; Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam; Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam; Liên đoàn Bóng đá Việt Nam; Liên đoàn Điền kinh Việt Nam
3. Khi nào được giải thể Liên đoàn thể thao quốc gia?
Việc giải thể Liên đoàn thể thao quốc gia được quy định như sau:
Thứ nhất, đối với trường hợp tự giải thể liên đoàn quốc gia tức là khi một Liên đoàn xin phép giải thể thì Uỷ ban Thể dục thể thao xem xét các văn bản: Biên bản họp Ban chấp hành, báo cáo tổng kết hoạt động, báo cáo quyết toán tài chính trên cơ sở đó kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ cho giải thể Liên đoàn.
Thứ hai, đối với trường hợp buộc giải thể liên đoàn thể thao quốc gia thì trong trường hợp Liên đoàn Thể thao Quốc gia hoạt động không có hiệu quả kéo dài hoặc có những vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng ủy ban thể dục thể thao phải kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ buộc giải thể + Khi được phép giải thể, Uỷ ban Thể dục thể thao hướng dẫn, kiểm tra giám sát việc thực hiện tự giải thể, hoặc buộc giải thể.
4. Liên đoàn thể thao quốc gia có được hợp tác quốc tế về thể thao không?
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có thể thấy rằng cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam ta đã mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế về thể thao trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, bình đẳng, các bên cùng có lợi, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Việc mở rộng hợp tác quốc thế về thể thao đã góp phần tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Theo đó, khi hợp tác quốc tế về thể thao thì cần phải đảm bảo được các nội dung như là:
Một là, giao lưu, giới thiệu các môn thể thao dân tộc.
Hai là, tổ chức, tham gia tổ chức các sự kiện thể thao quốc tế tại Việt Nam.
Ba là, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất về thể thao.
Bốn là, tham gia thi đấu và biểu diễn thể thao.
Năm là, chống tiêu cực trong các hoạt động thể thao.
Sáu là, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực thể thao.
Bảy là, trao đổi thông tin, kinh nghiệm trong thể thao.
Tám là, xây dựng và thực hiện chương trình, dự án hợp tác về thể thao.
Chín là, khi hợp tác quốc tế về thể thao thì phải tham gia các tổ chức thể thao quốc tế, ký kết, gia nhập, phê duyệt các điều ước quốc tế về thể thao.
Mười là, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, trao đổi chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài thể thao.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thể dục, Thể thao 2006, sửa đổi 2018