Quyền của cổ đông phổ thông công ty cổ phần? Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông công ty cổ phần?
Trong công ty cổ phần vốn điều lệ được chia thành các cổ phần, người sở hữu cổ phần sẽ là cổ đông. Mỗi cổ đông sẽ có quyền và nghĩa vụ khác nhau tùy thuộc vào loại cổ phần và tỉ lệ cổ phần mà họ nắm giữ. Trong công ty cổ phần có hai loại cổ phần chính là cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi. Dưới đây là bài viết về quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông trong công ty cổ phần. Hãy theo dõi bài viết dưới đây của chúng tôi để biết thêm thông tin chi tiết.
Cơ sở pháp lý:
Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 được Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 17/06/2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp.
Mục lục bài viết
1. Quyền của cổ đông phổ thông công ty cổ phần
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 điều 115. Quyền của cổ đông phổ thông
1. Cổ đông phổ thông có quyền sau đây:
a) Tham dự, phát biểu trong cuộc họp Đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua người đại diện theo ủy quyền hoặc hình thức khác do Điều lệ công ty, pháp luật quy định. Mỗi cổ phần phổ thông có một phiếu biểu quyết;
b) Nhận cổ tức với mức theo quyết định của Đại hội đồng cổ đông;
c) Ưu tiên mua cổ phần mới tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần phổ thông của từng cổ đông trong công ty;
d) Tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho người khác, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 120, khoản 1 Điều 127 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Xem xét, tra cứu và trích lục thông tin về tên và địa chỉ liên lạc trong danh sách cổ đông có quyền biểu quyết; yêu cầu sửa đổi thông tin không chính xác của mình;
e) Xem xét, tra cứu, trích lục hoặc sao chụp Điều lệ công ty, biên bản họp Đại hội đồng cổ đông và nghị quyết Đại hội đồng cổ đông;
g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được nhận một phần tài sản còn lại tương ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Công ty cổ phần là loại hình công ty có thể khi cần thiết sẽ dễ dàng huy đồng vốn nhất trong tất cả các loại hình công ty. Bằng cách phát hành cổ phần và chào bán thì công ty cổ phần có thể tăng vốn điều lệ để phục vụ mục đích kinh doanh mới của công ty. Trong các loại cổ phần có thể phát hành thì cổ phần phổ thông thường sẽ được công ty lựa chọn nếu chỉ vì mục đích huy động vốn mà vẫn đảm bảo quyền quyết định, điều hành công ty không bị thay đổi quá nhiều. Do người mua cổ phần phổ thông trở thành cổ đông phổ đông tuy có quyền biểu quyết trong Đại hội cổ đông nhưng không thể tham gia quá nhiều vào quyết định các vấn đề quan trọng của công ty. Mà quyền này thường nằm ở các cổ đông sáng lập có cổ phần ưu đãi biểu quyết và có cả cổ phần phổ thông dẫn đến số phiếu biểu quyết của cổ đông sáng lập sẽ nhiều hơn cổ đông phổ thông. Trừ trường hợp cổ phần phổ thông của cổ đông phổ đông sở hữu với tỷ lệ quy định trong pháp luật hoặc trong Điều lệ công ty thì mới có thể tăng thêm quyền quyết định.
Bên cạnh đó theo quy định của pháp luật thì cổ đông phổ thông được quyền ưu tiên mua cổ phần mới chào bán tương ứng với tỷ lệ cổ phần phổ thông của từng cổ đông công ty. Khi công ty giải thể, phá sản, thì được nhận một phần tài sản còn lại ứng với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại công ty.
Như vậy trong Điều 114
+ Cổ đông phổ thông sẽ có tối thiểu các quyền như trong Khoản 1.
+ Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty có các quyền như trong Khoản 2.
+ Cổ đông hoặc nhóm cổ đông có thêm quyền yêu cầu triệu tập họp Đại hội đồng cổ đông trong các trường hợp quy định ở Khoản 3 và quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thực hiện theo quy định ở Khoản 4.
2. Nghĩa vụ của cổ đông phổ thông công ty cổ phần
Theo quy định tại điều 119. Nghĩa vụ của cổ đông luật doanh nghiệp 2020 quy định:
1. Thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua.
2. Không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định tại khoản này thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra.
3. Tuân thủ Điều lệ công ty và quy chế quản lý nội bộ của công ty.
4. Chấp hành nghị quyết, quyết định của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị.
5. Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.
6. Nghĩa vụ khác theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty.
Căn cứ như trên thì nghĩa vụ đầu tiên đó là nghĩa vụ về thanh toán đủ và đúng thời hạn số cổ phần cam kết mua có thể hiểu đây là nghĩa vụ của các cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Điều lệ công ty hoặc hợp đồng đăng ký mua cổ phần quy định một thời hạn khác ngắn hơn và trường hợp mà sau thời gian trên, Cổ đông chưa thanh toán số cổ phần đã đăng ký mua sẽ đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác. Cổ đông chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua sẽ có quyền biểu quyết, nhận lợi tức và các quyền khác tương ứng với số cổ phần đã thanh toán.
Nghĩa vụ thứ hai quy định tại khoản 2 như trên đó là cổ dông phổ thông thì không được rút vốn có thể hiểu vấn đề không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức. Trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Trường hợp có cổ đông rút một phần hoặc toàn bộ vốn cổ phần đã góp trái với quy định. Thì cổ đông đó và người có lợi ích liên quan trong công ty phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị cổ phần đã bị rút và các thiệt hại xảy ra. Ngoài ra, cổ đông phải tuân thủ Điều lệ công ty, tuân thủ các quy định nội bộ của công ty. Chấp hành các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng thành viên.
Như vậy đối với cổ đông phổ thông thì pháp luật doanh nghiệp quy định một chủ thể phải sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty cổ phần thì mới được gọi là cổ đông. Chính vì thế nên cổ đông có thể tham gia góp vốn trực tiếp theo mệnh giá cổ phần hoặc mua cổ phần phổ thông qua thị trường chứng khoán thì đều có cơ hội trở thành cổ đông của công ty cổ phần. Tuy nhiên trên thực tế, ít có chủ thể nào mà chỉ sở hữu 1 cổ phần của công ty cổ phần bởi mệnh giá cổ phần thường không cao đến mức không thể mua.
Tư cách cổ đông trong công ty cổ phần chủ yếu được hình thành bằng hành vi góp vốn, ngoài ra, tư cách cổ đông còn được hình thành bằng việc mua lại cổ phần của cổ đông thông qua việc chuyển nhượng vốn góp như đã trình bày ở trên. Tư cách cổ đông trong công ty cổ phần có thể được hình thành bằng việc thừa kế tài sản theo quy định của pháp luật. cổ dông trong công ty cổ phần cũng có thể hình thành từ việc được tặng cho cổ phần, về mặt pháp lý, công ty cổ phần phải có sổ đăng ký cổ đông, sổ đăng ký cổ đông được lập, lưu giữ theo quy định của pháp luật và được coi là một trong những nội dung không thể thiếu trong lý lịch công ty. Là công ty đối vốn, công ty cổ phần chỉ quan tâm đến vốn góp theo quy định và có thể chấm dứt tư cách cổ đông thông qua ý chí của cổ đông là việc cổ đông chuyển nhượng toàn bộ vốn góp cho người khác; cổ đông tặng cho toàn bộ cổ phần của mình cho người khác; cổ đông yêu cầu công ty mua lại vốn góp của minh hay có sự kiện cổ đông chết. Tư cách cổ đông cũng có thể chấm dứt do ý chí của công ty đó là trường hợp cổ đông vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty, bị công ty khai trừ ra khỏi công ty.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung ” Quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông công ty cổ phần” và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy định của pháp luật hiện hành.