Nhãn hiệu được xem là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa và dịch vụ của các chủ thể này với chủ thể khác. Vậy chủ sở hữu nhãn hiệu có các quyền và nghĩa vụ như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu như thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 123 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 quy định quyền của chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp, theo đó chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu có các quyền cơ bản sau:
Thứ nhất, quyền sử dụng nhãn hiệu. Theo quy định tại Khoản 5 Điều 124 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022, quyền sử dụng nhẫn hiệu là việc thực hiện các hành vi như sau: Gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh, hoạt động lưu thông, chào bán, quảng cáo để bán, hoặc có hành vi tàng trữ để bán hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ; nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang tên nhãn hiệu được bảo hộ. Chủ sở hữu nhãn hiệu có quyền dùng nhãn hiệu theo cách thức mà họ muốn để mang lại những lợi ích nhất định. Có thể nói, sử dụng nhãn hiệu được xem là quyền năng quan trọng nhất của chủ sở hữu nhãn hiệu. Chủ sở hữu khai thác công dung của nhãn hiệu thông qua việc gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch trong hoạt động kinh doanh. Trên thực tế, hình thức này được thực hiện rất phổ biến. Nhãn hiệu đã được bảo hộ được các doanh nghiệp gắn lên hàng hóa để giúp khách hàng, người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận biết và lựa chọn sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó. Thông qua việc thực hiện các quyền này, chủ sở hữu nhãn hiệu có thể phân biệt hàng hóa, dịch vụ của mình với hàng hóa, dịch vụ cùng loại của doanh nghiệp khác. Như vậy, trong thời hạn bảo hộ, chủ sở hữu có độc quyền sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình để hưởng các lợi ích từ nó mang lại. Mọi người trong xã hội đều có nghĩa vụ phải tôn trọng, không được có các hành vi cản trở hoặc xâm phạm khi chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện quyền sử dụng của mình
Thứ hai, quyền ngăn cấm người khác sử dụng nhãn hiệu. Khoản 1 Điều 125 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 quy định về quyền ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung và đối với nhãn hiệu nói riêng, đồng thời khoản 2 Điều 125 Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022 quy định những ngoại lệ trong việc chủ sở hữu nhãn hiệu ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp của minh. Theo đó, việc lưu thông, nhập khẩu, khai thác công dụng của sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp, trừ sản phẩm không phải do chính chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu đưa ra thị trường nước ngoài. Sản phẩm được đưa ra thị trường, kể cả thị trường nước ngoài một cách hợp pháp được hiểu là sản phẩm do chính chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử dụng – kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền sử dụng trước nhẫn hiệu đã đưa ra thị trường trong nước hoặc nước ngoài. Một khi người chủ sở hữu nhãn hiệu đã đưa hàng hóa ra thị trường, họ sẽ không có quyền ngăn cản việc lưu thông hàng hóa trong quá trình thương mại.
Thứ ba, quyền định đoạt nhãn hiệu. Chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện quyền định đoạt đối với nhãn hiệu của minh thông qua việc chuyển nhượng hoặc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu theo quy định tại Chương X của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022. Theo quy định của Văn bản hợp nhất Luật sở hữu trí tuệ năm 2022, chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác, còn chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tương sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc pham vi quyền sử dụng của mình. Thủ tục đăng ký hợp đồng chuyển giao các đối tượng đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục sở hữu trí tuệ).
2. Nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu như thế nào?
Có thể kể đến một số nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu như sau:
– Căn cứ theo quy định tại Điều 136 của Văn bản hợp nhất luật sở hữu trí tuệ năm 2022 thì chủ sở hữu nhãn hiệu trước hết cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó, quá trình sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu cũng sẽ được coi là hành vi sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục trong khoảng thời gian từ 05 năm trở lên thì giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đó sẽ bị chấm dứt hiệu lực theo quy định của pháp luật;
– Tuân thủ đầy đủ nghĩa vụ trong quá trình sử dụng nhãn hiệu, gắn nhãn hiệu được bảo hộ lên các hàng hóa và bao bì của hàng hóa, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, các giấy tờ trong quá trình giao dịch liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
– Chào bán, quảng cáo, lưu thông để bán, hoặc tàng trữ để bán các loại hàng hóa mang nhãn hiệu được bảo hộ;
– Nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đã thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ;
– Sử dụng nhãn hiệu bởi bên nhận chuyển quyền theo hợp đồng sử dụng nhãn hiệu.
3. Giới hạn quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của chủ sở hữu:
Chủ sở hữu nhãn hiệu được độc quyền sử dụng và định đoạt đối nhẫn hiệu của mình. Tuy nhiên, cũng có những giới hạn nhất định đối với sự độc quyển này. Luật SHTT đã quy định cụ thể các yếu tố giới hạn quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu nhãn hiệu. Theo đó, quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu nhãn hiệu có những giới hạn như sau:
– Giới hạn về không gian (lãnh thổ): Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mang tính lãnh thổ tuyệt đối. Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu chỉ có hiệu lực trong phạm vi lãnh thổ quốc gia mà trên cơ sở pháp luật nước đó, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu phát sinh. Ngoài ra, quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu có thể được bảo hộ ở một quốc gia khác nếu chủ sở hữu nhãn hiệu nộp đơn yêu cầu bảo hộ tại quốc gia đó hoặc nộp đơn đăng ký quốc tế chỉ định quốc gia đó trong trường hợp quốc gia đó là thành viên của điều ước quốc tế liên quan đến bảo hộ sở hữu công nghiệp. Theo đó, một nhãn hiệu đã được bảo hộ ở nước này nhưng chưa chắc đã được bảo hộ ở nước khác bởi những quy định pháp luật khác nhau của các nước;
– Giới hạn về thời gian: Khoảng thời gian nhất định để bảo hộ là khoảng thời gian hợp lý để chủ sở hữu các quyền sở hữu công nghiệp khai thác các đối tượng sở hữu công nghiệp của mình để bù đắp những chi phí vật chất và tinh thần khi tạo ra đối tượng đó. Quy định về việc sử dung nhãn hiệu tại Điều 136 Luật sở hữu trí tuệ đưa ra giới hạn về thời gian đối với quyền sở hữu công nghiệp của chủ sở hữu. Theo đó, chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu đó liên tục, trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên thì quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu đó sẽ bị chấm dứt hiệu lực. Việc quy định giới hạn về thời gian như trên sẽ giúp cân bằng, hài hòa lợi ích của chữ sở hữu tài sản sở hữu trí tuệ và lợi ích xã hội.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất số 11/VBHN-VPQH Luật Sở hữu trí tuệ;
– Nghị định 17/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;
– Nghị định 65/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ.