Mục lục bài viết
1. Tổ chức đấu giá tài sản và đấu giá viên:
Thực hiện chủ trương tiếp tục xã hội hoá, chuyên nghiệp hóa tổ chức đấu giá tài sản, Luật đấu giá tài sản 2016 xác định rõ các tổ chức đấu giá tài sản gồm có: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản. Các Trung tâm và doanh nghiệp đấu giá tài sản bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đấu giá các tài sản.
Luật đấu giá tài sản 2016 cũng quy định khá rõ ràng về điều kiện đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp đấu giá tài sản. Để hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản, “Doanh nghiệp đấu giá tư nhân có chủ doanh nghiệp là đấu giá viên, đồng thời là Giám đốc doanh nghiệp; Công ty đấu giá hợp danh có ít nhất một thành viên hợp danh là đấu giá viên, Tổng giám đốc hoặc Giám đốc của công ty đấu giá hợp danh là đấu giá viên”. Việc quy định người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đấu giá tài sản phải là đấu giá viên nhằm tạo sự bình đẳng giữa Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản, đồng thời nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động đấu giá tài sản.
Đấu giá viên là người được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá. Là chủ thể tham gia quan hệ đấu giá tài sản thi hành án dân sự thì đấu giá viên phải làm việc trong tổ chức hành nghề đấu giá chuyên nghiệp (Trung tâm đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản). Muốn trở thành đấu giá viên, điều kiện đầu tiên là người đó phải có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật hoặc kinh tế và đăng ký tham dự khóa đào tạo nghề đấu giá tại cơ sở đào tạo nghề đấu giá. Thời gian của khóa đào tạo nghề đấu giá là ba tháng. Trong 03 tháng đó, học viên được đào tạo kiến thức pháp luật, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng hành nghề đấu giá và thực tập tại tổ chức đấu giá chuyên nghiệp theo chương trình Bộ Tư pháp quy định. Người hoàn thành chương trình đào tạo nghề đấu giá được cơ sở đào tạo nghề đấu giá cấp Chứng chỉ đào tạo nghề đấu giá. Khi đăng ký tham gia một tổ chức đấu giá chuyên nghiệp, họ được Giám đốc Trung tâm, doanh nghiệp cấp thẻ đấu giá viên để sử dụng trong thời gian làm việc tại đó. Cán bộ, công chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì không được cấp chứng chỉ hành nghề đấu giá. Ngoài ra, khi đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá những người đó không hành nghề đấu giá tài sản trong thời hạn 02 năm kể từ ngày được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá, trừ trường hợp bất khả kháng hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính do Lợi dụng danh nghĩa đấu giá viên để trục lợi, thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản thì bị thu hồi Chứng chỉ đấu giá. Khi phát hiện trường hợp người thuộc diện bị thu hồi chứng chỉ hành nghề đấu giá, trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được thông tin về người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá thuộc trường hợp thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá, Sở Tư pháp có trách nhiệm tiến hành xem xét, xác minh; trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày có căn cứ khẳng định người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá thuộc trường hợp bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ Tư pháp thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá của người đó kèm theo giấy tờ có liên quan; trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp ra quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá. Quyết định thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá được gửi cho người bị thu hồi Chứng chỉ, tổ chức nơi người đó hành nghề, Sở Tư pháp đã có văn bản đề nghị. Trường hợp không đủ căn cứ thu hồi Chứng chỉ hành nghề đấu giá thì Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
2. Chấp hành viên:
Theo Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi năm 2014 thì: “Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định theo Luật Thi hành án dân sự”. Chấp hành viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm.
Trong đấu giá tài sản, Chấp hành viên đang thực thi nhiệm vụ kê biên, cưỡng chế được trở thành người đấu giá tài sản thi hành án vụ án mình đang thụ lý trong một số trường hợp cụ thể như động sản có giá trị từ 2.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng hoặc tổ chức đấu giá tại địa phương từ chối ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Có thể hiểu rằng, Chấp hành viên chỉ bán tài sản trong trường hợp tài sản giá trị nhỏ hoặc đấu giá trong trường hợp bất khả kháng (không còn tổ chức đấu giá chuyên nghiệp nào đứng ra thực hiện việc đấu giá tài sản). Pháp luật không yêu cầu đội ngũ Chấp hành viên phải đáp ứng điều kiện nào như tham gia học qua lớp đấu giá thì mới được thực hiện đấu giá tài sản thi hành án.
Khi tham gia đấu giá tài sản thi hành án dân sự, Chấp hành viên cần phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản (niêm yết công khai, trưng bày tài sản, địa điểm đấu giá, trình tự tiến hành đấu giá...) thì mới bảo đảm hiệu lực của việc đấu giá. Nếu vi phạm các quy định này, có thể việc đấu giá sẽ dẫn đến tranh chấp và bị Tòa án hủy kết quả đấu giá tài sản.
3. Người có tài sản đấu giá và người sở hữu tài sản đấu giá:
Người có tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự, khác với người có tài sản đấu giá thông thường. Người có tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự không phải là chủ sở hữu tài sản hoặc được chủ sở hữu ủy quyền bán tài sản.
Người có tài sản đấu giá là Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự. Chấp Thành viên là chức danh do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm. Chấp hành viên có ba ngạch là Chấp hành viên sơ cấp, Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp. Khi Chấp hành viên được giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực và quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế kê biên tài sản là vật thì họ trở thành người có tài sản đấu giá trong quan hệ đấu giá tài sản thi hành án dân sự và do vậy, họ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ giống như chủ sở hữu tài sản trong đấu giá tài sản thông thường.
Sau khi kê biên tài sản, Chấp hành viên có quyền ký hợp đồng thẩm định giá trị tài sản với tổ chức thẩm định giá nếu hai bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về giá trị tài sản và tổ chức định giá. Trên cơ sở giá trị tài sản đã được định giá, Chấp hành viên ký hợp đồng ủy quyền đấu giá tài sản với tổ chức đấu giá. Chấp hành viên có nghĩa vụ cung cấp đầy đủ thông tin về tài sản đấu giá, thỏa thuận về mức phí khấu trừ cho tổ chức đấu giá chuyên nghiệp trong trường hợp đấu giá thành và trong trường hợp đấu giá không thành thì thay mặt cơ quan thi hành án có trách nhiệm thanh toán chi phí đấu giá tài sản cho tổ chức đấu giá tài sản. Trường hợp đấu giá thành, Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự được nhận lại số tiền bán tài sản và dùng số tiền này để thi hành đúng theo bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án.
Người sở hữu tài sản đấu giá trong thi hành án dân sự tham gia với vai trò bị động trong quan hệ đấu giá tài sản (họ không muốn bán tài sản nhưng vẫn phải bán, quyền quyết định thuộc về Chấp hành viên của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định của pháp luật), người sở hữu tài sản tuy không phải là một bên trong hợp đồng đấu giá tài sản nhưng việc đấu giá ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của họ. Người sở hữu tài sản thường là người phải thi hành bản án, quyết định dân sự của Tòa án. Tuy nhiên, trong một số trường hợp họ chỉ là người có tài sản chung với người phải thi hành án mà tài sản đó đang bị dùng để cưỡng chế thi hành án dân sự.
Pháp luật dành cho họ quyền thỏa thuận với người được thi hành án trong việc quyết định tổ chức thẩm định giá, tổ chức đấu giá. Do có quyền lợi trực tiếp, liên quan nên người này được quyền biết tất cả những thông tin về cuộc đấu giá. Nếu có vấn đề phát sinh trong cuộc đấu giá ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, họ có quyền khởi kiện, yêu cầu Tòa án hủy kết quả đấu giá. Trước khi mở cuộc đấu giá 01 ngày làm việc, họ còn có quyền nhận lại tài sản nếu nộp đủ tiền thi hành án và thanh toán các chi phí thực tế, hợp lý đã phát sinh từ việc cưỡng chế thi hành án, tổ chức đấu giá. Họ có quyền nhận lại số tiền thừa từ việc đấu giá tài sản sau khi đã thanh toán các chi phí (chi phí thi hành án, chi phí đấu giá...) theo quy định của pháp luật.
Người sở hữu tài sản phải bàn giao tài sản cùng tất cả các giấy tờ có liên quan cho người mua được tài sản đấu giá nếu cuộc đấu giá thành công. Nếu không bàn giao thì họ bị áp dụng thủ tục cưỡng chế giao tài sản theo quy định tại các điều 114, 115, 116 và 117 của Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi năm 2014.
4. Người tham gia đấu giá tài sản:
Người tham gia đấu giá là cá nhân, tổ chức có nguyện vọng, nhu cầu tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, theo Luật đấu giá tài sản 2016, những người sau đây không được đăng ký tham gia đấu giá:
Người không có năng lực hành vi dân sự, người bị mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người tại thời điểm đăng ký tham gia đấu giá không nhận thức, làm chủ được hành vi của mình; Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản thực hiện cuộc đấu giá; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của đấu giá viên điều | hành cuộc đấu giá, người trực tiếp giám định, định giá tài sản; cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người trực tiếp giám định, định giá tài sản; Người được chủ sở hữu tài sản ủy quyền xử lý tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản, người ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản, người có quyền quyết định bán tài sản của người khác theo quy định của pháp luật; Cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột của người quy định tại điểm c khoản này;
Người không có quyền mua tài sản đấu giá theo quy định của pháp luật áp dụng đối với loại tài sản đó.
Đối với pháp nhân việc tham gia giao dịch đấu giá phải thông qua người đại diện hợp pháp hoặc người đại diện theo pháp luật và việc mua bán tài sản này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015.
Người tham gia đấu giá tài sản phải nộp phí tham gia đấu giá và khoản tiền đặt trước. Theo Luật đấu giá tài sản 2016, khoản tiền đặt trước do tổ chức đấu giá tài sản và người có tài sản đấu giá thỏa thuận quy định nhưng tối thiểu là 5% (năm phần trăm) và tối đa là 20% (hai mươi phần trăm) giá khởi điểm của tài sản đấu giá. Khoản tiền đặt trước được nộp cho tổ chức đấu giá tài sản. Trong trường hợp người tham gia đấu giá tài sản là người mua được tài sản đấu giá thì khoản tiền đặt trước được trừ vào giá mua; nếu không mua được tài sản, thì khoản tiền đặt trước được trả lại cho người tham gia đấu giá tài sản sau khi cuộc đấu giá kết thúc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Nếu người đăng ký tham gia đấu giá tài sản đã nộp khoản tiền đặt trước nhưng không tham gia cuộc đấu giá mà không thuộc trường hợp bất khả kháng thì khoản tiền đặt trước đó thuộc về tổ chức đấu giá tài sản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Người làm việc trong tổ chức đấu giá tài sản, nơi thực hiện việc đấu giá tài sản đó, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó, người trực tiếp giám định, định giá tài sản, cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó hoặc Chấp hành viên đang trực tiếp thực hiện vụ việc có tài sản được đấu giá cùng cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em ruột của người đó thì không được quyền tham gia mua tài sản đấu giá vì việc tham gia của họ không đảm bảo tính khách quan, trung thực, bình đẳng cho phiên đấu giá, cho lợi ích của chủ sở hữu tài sản và những người tham gia đấu giá khác.
Quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản đấu giá được pháp luật bảo vệ. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo đảm việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của người mua được tài sản đấu giá. Trong trường hợp có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sửa đổi một phần hoặc hủy bỏ toàn bộ bản án, quyết định liên quan đến tài sản đấu giá do có vi phạm pháp luật trước khi tài sản được đưa ra đấu giá nhưng trình tự, thủ tục đấu giá tài sản đó bảo đảm tuân theo đầy đủ quy định của pháp luật thì Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự chịu trách nhiệm bồi thường tất cả những thiệt hại đã xảy ra còn tài sản đó vẫn thuộc quyền sở hữu, quyền sử dụng của người mua được tài sản đấu giá.
5. Người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong đấu giá tài sản trong thi hành án dân sự:
Trong thi hành án dân sự, người được thi hành án cũng có quyền lợi liên quan đến việc đấu giá. Họ được quyền thỏa thuận với người sở hữu tài sản là người phải thi hành án trong việc quyết định tổ chức thẩm định giá, tổ chức đấu giá. Sau khi định giá tài sản, nếu thấy giá trị không phù hợp gây khó khăn đến việc đấu giá (định giá quá cao) hoặc ảnh hưởng đến quyền lợi của mình (giá trị quá thấp không đủ thi hành bản án), họ có quyền yêu cầu định giá lại giá trị tài sản. Họ được quyền nhận tiền đấu giá tài sản thành tương đương với bản án, quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án. Nếu giá trị tài sản bán được thấp hơn thì họ được nhận toàn bộ số tiền sau khi trừ đi chi phí đấu giá, chi phí thi hành án.