Quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế là một trong những nguyên tắc cơ bản đặt nền tảng cho tất cả các quy định pháp lý trong lĩnh vực hợp đồng nói chung và hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng. Quyền tự do này được xây dựng dựa trên cơ sở tôn trọng ý chí và tôn trọng sự thỏa thuận của các bên.
Mục lục bài viết
1. Quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế:
Hợp đồng thương mại quốc tế là một vấn đề không mới, tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm hợp đồng thương mại quốc tế. Căn cứ theo quy định tại Điều 1 CISG về hợp đồng thương mại quốc tế gián tiếp định nghĩa về loại hợp đồng này như sau: Hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau. Tính chất quốc tế được CISG Xác định bởi một dấu hiệu duy nhất đó là các bên giao kết hợp đồng có trụ sở thương mại đặt tại các nước khác nhau. Tính chất này hoàn toàn giống như công ước Lahaye năm 1964 xác định tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thông qua yếu tố trụ sở thương mại. Tuy nhiên CISG không đề cập đến tiêu chí giao hàng hay địa điểm trao đổi, ý chí thiết lập hợp đồng để xác định tính chất quốc tế của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là sự cấu thành của yếu tố hợp đồng thương mại và yếu tố quốc tế.
Căn cứ theo quy định tại Bộ luật dân sự năm 2015 của Việt Nam thì hợp đồng là sự thoả thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng thương mại là hoạt động xác lập với mục đích sinh lợi nhuận. Đây là thuộc tính quan trọng nhất để phân biệt loại hợp đồng này với các loại hợp đồng dân sự thông thường khác. Dựa trên tinh thần của pháp luật dân sự Việt Nam hiện nay có thể đưa ra định nghĩa về hợp đồng thương mại quốc tế như sau: Hợp đồng thương mại quốc tế là hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài, trong đó yếu tố nước ngoài của hợp đồng được xác định khi thuộc một trong những trường hợp sau:
(i) có ít nhất một trong các bên chủ thể hợp đồng là cá nhân, pháp nhân nước ngoài;
(ii) các bên chủ thể hợp đồng đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam tuy nhiên việc xác lập, thực hiện hoặc thay đổi, chấm dứt hợp đồng xảy ra ở nước ngoài;
(iii) các bên chủ thể của hợp đồng đều là công dân Việt Nam, pháp nhân Việt Nam tuy nhiên đối tượng của hợp đồng ở nước ngoài.
Trong hợp đồng thương mại quốc tế, quyền tự do đã được pháp luật quy định cụ thể và đã trở thành nguyên tắc. Tự do hợp đồng được coi là nguyên tắc chung của hợp đồng thương mại quốc tế, nguyên tắc này được thừa nhận trong pháp luật quốc gia và pháp
Trước hết, căn cứ theo quy định tại Điều 1.1 của Bộ nguyên tắc về hợp đồng thương mại quốc tế năm 2016 có quy định, các bên trong quá trình tham gia hợp đồng sẽ có quyền tự do giao kết hợp đồng và có quyền tự do thỏa thuận về các nội dung trong hợp đồng thương mại đó. Điều này đồng nghĩa với việc, các bên trong quá trình giao kết hợp đồng có quyền tự do lựa chọn việc tham gia hoặc không tham gia hợp đồng, tự do lựa chọn đối tác, tự do thảo luận và thống nhất các nội dung trong hợp đồng, tự do thảo luận những điều khoản chung trong hợp đồng, tự do thỏa thuận các điều khoản đặc thù trong hợp đồng sao cho phù hợp với ý chí của mình.
Bên cạnh đó, việc áp dụng nguyên tắc tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế hiện nay cũng đang được quy định tại Điều 1:102 Bộ nguyên tắc của luật hợp đồng châu âu, theo đó các bên có quyền thỏa thuận với nhau để tự do giao kết hợp đồng, có quyền tự thỏa thuận để tự do quyết định nội dung trong hợp đồng, quá trình thực hiện sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào sự thiện chí và tính công bằng của các bên. Tuy nhiên trên thực tế, các bên có thể không áp dụng bất cứ quy định nào của Bộ nguyên tắc luật hợp đồng châu âu, hoặc làm giảm hoặc thay đổi hiệu lực của một số quy định trong Bộ nguyên tắc luật hợp đồng châu âu, trừ trường hợp văn bản này có quy định khác. Và yêu cầu thiện chí, Bộ nguyên tắc luật hợp đồng châu âu có quy định rằng trước khi tiến hành thủ tục bảo lưu trách nhiệm của bên đàm phán thiếu thiện chí thì bộ nguyên tắc này đã thừa nhận quyền tự do đàm phán của các bên mà không có ngoại lệ nào khác, ngoài việc thể hiện sự tự do hợp đồng ở giai đoạn trước khi tiến hành thủ tục ký kết hợp đồng thương mại quốc tế.
Ngoài ra, quá trình ghi nhận nguyên tắc tự do hợp đồng trong thương mại hiện nay còn được pháp điện hóa trong pháp luật của Việt Nam. Trong pháp luật của Việt Nam, nguyên tắc tự do hợp đồng nói chung và tự do hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng đang được thể hiện cụ thể tại Điều 11 của Luật thương mại. Theo đó, các bên hoàn toàn có quyền tự do thỏa thuận các nội dung trong hợp đồng sao cho không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không trái với các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để có thể tạo lập nên quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ thương mại, trong đó có thương mại quốc tế. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền luôn luôn tôn trọng và bảo hộ các quyền đó của người dân. Trong hoạt động thương mại nói chung và hoạt động thương mại quốc tế nói riêng, các bên có quyền và hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt hoặc cưỡng ép, đe dọa hoặc ngăn cản bên nào trái pháp luật. Mọi hành vi ngăn cản xâm phạm vào ý chí của bên còn lại sẽ bị coi là hành vi vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử lý trên thực tế.
2. Nội dung của quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế:
Quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế là một trong những vấn đề được pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia quy định. Đây được xem là nguyên tắc không thể thiếu trong quá trình giao kết hợp đồng thương mại quốc tế. Các bên có quyền tự do trong hoạt động giao kết hợp đồng tuy nhiên sự tự do đó phải được đặt trong khuôn khổ của pháp luật. Các điều khoản mà các bên thỏa thuận với nhau sẽ không được trái với quy định của pháp luật và không được trái với các điều ước quốc tế, không trái với đạo đức xã hội. Có thể kể đến một số nội dung của quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế như sau:
– Nguyên tắc tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế được thể hiện ở quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền tự nguyện khi các bên giao kết hợp đồng thương mại quốc tế, tức là đề cao sự tự do bình đẳng của các chủ thể tham gia hợp đồng thương mại quốc tế. Các chủ thể trong quá trình tham gia hợp đồng thương mại quốc tế sẽ được tự do về ý chí, không có bên nào được áp đặt ý chí để bắt buộc hoặc ngăn cản bên còn lại giao kết hợp đồng thương mại quốc tế. Quyền tự do giao kết hợp đồng thương mại quốc tế xuất phát từ bản chất của loại hợp đồng này. Về bản chất thì hợp đồng này cũng là một hình thức của hợp đồng dân sự. Hợp đồng được xem là sự thỏa thuận của các bên và ý chí để thống nhất quan điểm, từ đó thực hiện các nghĩa vụ của mình, sao cho không xâm phạm đến quyền lợi của bên còn lại. Sự thỏa thuận của các bên chỉ có thể trở thành hợp đồng khi ý chí của các chủ thể thể hiện trong hợp đồng đó thực sự phù hợp với nhau;
– Quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế được thể hiện ở phương diện lựa chọn đối tác giao kết hợp đồng thương mại quốc tế. Quyền tự do lựa chọn đối tác trong hợp đồng thương mại quốc tế có vai trò vô cùng quan trọng đối với các chủ thể, đặc biệt là chủ thể kinh doanh bởi lẽ họ sẽ lựa chọn các đối tượng nào phù hợp để có thể giao kết hợp đồng thương mại quốc tế. Quá trình lựa chọn đối tác để giao kết hợp đồng thương mại quốc tế hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như: văn hóa ứng xử của đối tác, kinh nghiệm của đối tác, khả năng của đối tác, quá trình kinh doanh của đối tác, uy tín của đối tác … và các lợi ích kinh tế khác. Một bên có quyền lựa chọn và có quyền quyết định ai sẽ trở thành đối tác của mình để giao kết hợp đồng thương mại quốc tế;
– Quyền tự do thỏa thuận hình thức và nội dung trong quá trình giao kết hợp đồng thương mại quốc tế. Hình thức của hợp đồng hiện nay đang được quy định tại Điều 11 của CISG, trong đó hợp đồng mua bán không cần phải được ký kết hoặc xác nhận bằng văn bản hay tuân thủ một yêu cầu khác về mặt hình thức của hợp đồng. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được chứng minh bằng mọi cách khác nhau, trong đó bao gồm cả lời khai của nhân chứng. Như vậy có thể nói, các bên có quyền tự do thể hiện hình thức của hợp đồng thương mại quốc tế;
– Quyền tự do thỏa thuận lựa chọn luật áp dụng trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại quốc tế. Trong hợp đồng thương mại quốc tế, các bên có quyền tự do lựa chọn giải quyết phương thức tranh chấp theo ý chí của bản thân, có thể lựa chọn bất kỳ một hệ thống pháp luật nào được thể hiện trong một điều khoản nhất định của hợp đồng thương mại quốc tế, để khi tranh chấp xảy ra thì sẽ thực hiện và giải quyết quan hệ hợp đồng theo điều luật đó. Luật áp dụng để giải quyết tranh chấp cho hợp đồng thương mại quốc tế mang tính chất đa dạng và phức tạp. Điều này đồng nghĩa với việc, hợp đồng thương mại quốc tế có thể chịu sự điều chỉnh không phải pháp luật quốc gia mà thậm chí còn có thể là pháp luật quốc tế, đó có thể là pháp luật của người bán hoặc pháp luật của người mua, hoặc pháp luật của bất kỳ một quốc gia thứ ba nào nếu như các bên có thỏa thuận, thậm chí nó còn chịu sự điều chỉnh của các tiểu quốc tế, tập quán thương mại quốc tế và các án lệ để điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế đó.
3. Hạn chế của quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế:
Có thể kể đến một số hạn chế trong quyền tự do hợp đồng thương mại quốc tế như sau:
– Quyền tự do bình đẳng trong hoạt động giao kết hợp đồng thương mại quốc tế sẽ không được thực hiện trong một số lĩnh vực nhất định, điển hình là các hợp đồng cung cấp các dịch vụ công từ các chủ thể là công ty của nhà nước độc quyền phân phối dịch vụ như điện, nước, điện thoại …;
– Tự do hợp đồng trong hợp đồng thương mại quốc tế có giới hạn về sự thỏa thuận như không trái với pháp luật, không trái với đạo đức xã hội … Vì vậy quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế vẫn phải được đặt trong khuôn khổ. Sở dĩ có giới hạn như vậy là nhằm mục đích cân bằng lợi ích giữa các cá nhân và xã hội, bảo vệ lợi ích của bé thiếu thiếu trong quá trình giao dịch, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, có sự định hướng cho quá trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước;
– Tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế tạo ra điều kiện thuận lợi cho các chủ thể, đặc biệt là các chủ thể kinh doanh có khả năng chủ động trong hoạt động thiết lập các giao dịch nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động của chính mình. Với quyền tự do trong hợp đồng thương mại quốc tế, các chủ thể kinh doanh hoàn toàn có quyền chủ động lựa chọn đối tác, quyết định các hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp cho quá trình sản xuất kinh doanh phát triển. Tuy nhiên, xuất phát từ lợi ích chung, cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn hoàn toàn có quyền can thiệp vào quan hệ hợp đồng thương mại quốc tế dưới các hình thức như kiểm soát hàng hóa, kiểm soát giá cả, kiểm soát độc quyền và chống cạnh tranh không lành mạnh.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 17/VBHN-VPQH 2019 Luật Thương mại;
– Bộ luật Dân sự năm 2015;
– Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG).