Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất có các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, bao gồm những quyền, nghĩa vụ chung của người sử dụng đất và quyền nghĩa vụ mà pháp luật quy định riêng cho chủ thể sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình.
Mục lục bài viết
1. Quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là gì:
Cá nhân sử dụng đất là chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai, được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất. Ngoại trừ trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm, còn lại quyền sử dụng đất của cá nhân đều là tài sản của cá nhân đó. Trong quan hệ pháp luật đất đai, cá nhân sử dụng đất là chủ thể được Nhà nước trực tiếp cho phép sử dụng đất thông qua những hình thức nhất định như giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất từ người khác theo quy định pháp luật. Do vậy, cá nhân sử dụng đất nhân danh mình thực hiện mọi quy định pháp luật và gánh chịu những hậu quả pháp lý (nếu có) do hành vi của họ gây ra trong quá trình thực hiện các quyền và nghĩa vụ khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.
Xuất phát từ chính sách kinh tế của nhà nước ta xác định hộ gia đình là đơn vị kinh tế tự chủ nên pháp luật đất đai quy định hộ gia đình là một chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai. Hộ gia đình gồm những thành viên gắn bó với nhau do quan hệ huyết thống hoặc quan hệ hôn nhân, cùng có tên trong hộ khẩu, có hoạt động kinh tế chung và tài sản chung. Với tư cách là chủ thể trong quan hệ pháp luật đất đai, hộ gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất. Trong quan hệ pháp luật đất đai, hộ gia đình sử dụng đất thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai thông qua người đại diện hợp pháp của hộ gia đình gọi là chủ hộ. Trong hộ gia đình sử dụng đất, các thành viên trong hộ là đồng quyền sử dụng đối với tài sản chung là quyền sử dụng đất đó. Từng thành viên không trực tiếp thực hiện trách nhiệm của người sử dụng đất đối với Nhà nước hoặc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất mà phải thông qua người đại diện hợp pháp cho hộ gia đình gọi là chủ hộ.
Cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất có các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất, bao gồm những quyền, nghĩa vụ chung của người sử dụng đất và quyền nghĩa vụ mà pháp luật đất đai quy định riêng cho chủ thể sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình tương ứng với các hình thức Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất từ người khác một cách hợp pháp.
2. Khái niệm thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình:
Muốn đưa pháp luật vào cuộc sống và phát huy tính tích cực, ảnh hưởng của pháp luật trong xã hội thì phải thông qua việc thi hành pháp luật. Điều này có nghĩa là thi hành pháp luật là hoạt động của con người nhằm đưa pháp luật đi vào cuộc sống. Đây là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng, bởi lẽ, nếu thi hành pháp luật không hiệu quả thì cho dù có được xây dựng và hoàn thiện đến đâu đi chăng nữa, pháp luật cũng không phát huy được tính tích cực là điều chỉnh các quan hệ xã hội, không tác động sâu sắc đến đời sống xã hội. Khái niệm thi hành pháp luật được đề cập, làm rõ trong các sách, báo pháp lý ở nước ta.
Theo Từ điển Luật học do Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư pháp) biên soạn: Tổ chức thực hiện pháp luật là hành vi của chủ thể pháp luật hành động được tiến hành phù hợp với quy định, với yêu cầu của pháp luật, tức là không trái, không vượt quá khuôn khổ mà pháp luật đã quy định. Tổ chức thực hiện pháp luật có thể là một xử sự có tính chủ động, được tiến hành bằng một thao tác nhất định nhưng đó cũng có thể là một xử sự có tính thụ động, tức là không tiến hành vượt xử sự bị pháp luật cấm. Có bốn hình thức thực hiện pháp luật: (1) Tuân thủ pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật một cách thụ động, thể hiện ở sự kiềm chế của chủ thể để không vi phạm các quy định cấm đoán của pháp luật. Ví dụ: không sử dụng đất trái mục đích mà Nhà nước quy định, không hủy hoại đất đai, không nhận hối lộ, không sử dụng chất ma túy, không thực hiện hành vi lừa đảo, không lái xe trong tình trạng say rượu ...; (2) Thi hành pháp luật là hình thức thực hiện pháp luật một cách chủ động. Chủ thể pháp luật phải thực hiện một thao tác nhất định mới có thể thực hiện pháp luật được.Ví dụ: thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định pháp luật, nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ đóng thuế, nghĩa vụ lao động công ích, nghĩa vụ nuôi dạy con cái, chăm sóc ông bà, cha mẹ khi già yếu; (3) Sử dụng pháp luật là khả năng của các chủ thể pháp luật có thể sử dụng khai thác hay không sử dụng, khai thác, hưởng quyền mà luật đã dành cho mình. Nét đặc biệt của hình thức thực hiện pháp luật này so với tuân thủ pháp luật và thi hành pháp luật là chủ thể pháp luật có thể thực hiện hay không thực hiện quyền mà pháp luật cho phép còn ở hai hình thức trên, việc thực hiện mang tính bắt buộc. Ví dụ: cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất có quyền chuyển quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật. Vậy cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất có thể thực hiện quyền chuyển quyền hoặc không chuyển quyền theo quy định của pháp luật; công dân có quyền đi lại trong nước, ra nước ngoài và từ nước ngoài trở về nước theo quy định của pháp luật; (4) Áp dụng pháp luật là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dựa trên các quy định của pháp luật để giải quyết, xử lý những vấn đề cụ thể thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình. Ví dụ: cơ quản quản lý nhà nước về đất đai có thẩm quyền áp dụng pháp luật ra quyết định giao đất cho cá nhân, hộ gia đình sử dụng đất; ra quyết định xử phạt hành chính đối với cá nhân hoặc hộ gia đình có hành vi sử dụng đất sai mục đích, có hành vi hủy hoại đất đai ....
Theo Sổ tay Thuật ngữ Pháp lý thông dụng: Thi hành pháp luật là một hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể thực hiện nghĩa vụ của mình bằng hành động tích cực. Ví dụ: Pháp luật quy định người sử dụng đất nói chung và người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình nói riêng có nghĩa vụ sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Hộ gia đình Ai là người sử dụng đất sau khi được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Hộ gia đình A trong quá trình sử dụng đất đã sử dụng đúng mục đích là sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp mà không sử dụng vào các mục đích khác, sử dụng đúng ranh giới thửa thất, không lấn, chiếm sang diện tích đất thuộc quyền sử dụng của người khác, đất công và đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật như thuế sử dụng đất nông nghiệp ... tức là hộ gia đình A đó đã thi hành pháp luật đất đai.
Theo Bách khoa toàn thư mở: Thi hành pháp luật hay thực thi pháp luật là một hệ thống mà một số thành viên của xã hội hành động theo một phong cách có tổ chức để thực thi pháp luật bằng cách khám phá, ngăn chặn, phục hồi, hoặc trừng phạt những người vi phạm luật lệ và các quy tắc chi phối xã hội đó (New Law Journal – Volume 123, Part 1 – Page 358, 1974) v.v.
Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là một lĩnh vực cụ thể của thi hành pháp luật nói chung. Thuật ngữ này được sử dụng phổ biến trong các văn bản pháp luật ở nước ta. Tuy nhiên, nó lại chưa được giải thích chính thức trong các từ điển luật, sách báo pháp lý v.v. Dựa trên khái niệm chung về thi hành pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật có thể hiểu thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình như sau: Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là hình thức thực hiện pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Chủ thể thi hành pháp luật trong trường hợp cụ thể phải thực hiện một thao tác nhất định nhằm đưa pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình đi vào cuộc sống, phải kiềm chế không được thực hiện các hành vi mà pháp luật cấm đối với người sử dụng đất, có thể thực hiện hoặc không thực hiện các quyền mà pháp luật quy định cho người sử dụng đất; giải quyết các tranh chấp, vi phạm pháp luật về quyền của người sử dụng đất trên cơ sở các quy định của pháp luật đất đai và các quy định pháp luật khác có liên quan đến quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Qua đó đảm bảo phát huy tiềm năng của đất đai cho phát triển kinh tế– xã hội; đảm bảo trật tự, kỷ cương trong quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình, lợi ích Nhà nước, lợi ích chung của xã hội.
3. Đặc điểm của thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình:
Như phần trên đã nêu, thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là hình thức thực hiện pháp luật trong một lĩnh vực cụ thể. Đó là thực hiện pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Do vậy, bên cạnh các đặc điểm chung của thực hiện pháp luật; thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình còn có một số đặc điểm riêng cơ bản sau đây:
Một là, thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình phải dựa trên cơ sở, phù hợp với pháp luật đất đai, pháp luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan đến quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình nước ta.
Thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình chính là thực hiện các quy định của Luật Đất đai năm 2013, BLDS năm 2015 và các quy định pháp luật khác có liên quan ... . Hay nói cách khác, thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là một phương thức góp phần thực hiện pháp luật đất đai, pháp luật dân sự và các quy định pháp luật khác có liên quan đến quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình. Bởi trên thực tế, thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình đòi hỏi các cá nhân, hộ gia đình là người sử dụng đất phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trên cơ sở phù hợp với các quy định của Luật Đất đai năm 2013, các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và các quy định pháp luật khác có liên quan đến quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, các luật về thuế .... Các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong quản lý nhà nước về đất đai, các cơ quan tố tụng trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện về đất đai cũng phải thực hiện trên cơ sở các quy định của Luật Đất đai năm 2013 về thẩm quyền, căn cứ giao đất, cho thuê đất, thời hạn sử dụng đất, cấp GCNQSDĐ, quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất là cá nhân, hộ gia đình ..; tuân thủ các quy định về trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự của BLTTDS năm 2015; của Luật Tố tụng Hành chính ... tuân thủ các quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự, vụ án hành chính; quyền và nghĩa vụ của Thẩm phán ... theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2012,
Hai là, chủ thể thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình rất đa dạng, bao gồm: cá nhân, hộ gia đình được Nhà nước trao quyền sử dụng đất dưới các hình thức như giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác một cách hợp pháp; các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quản lý nhà nước về đất đai; các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, các chủ thể khác có chức năng chỉ đạo, giám sát hoạt động thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình như cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên ... thậm chí là mọi cá nhân, tổ chức có liên quan đến thi hành quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình.
Ở nước ta, do tính đặc thù của chế độ chính trị, Đảng lãnh đạo toàn bộ đời sống xã hội thông qua một trong những phương thức là đề ra đường lối, chủ trương, quan điểm về phát triển đất nước nói chung trong đó có lĩnh vực đất đai, cụ thể là quyền sử dụng đất của người sử dụng đất. Nhà nước thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng thành các quy phạm pháp luật, thực hiện quản lý nhà nước về đất đai. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên như Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam ... có chức năng giám sát xã hội đối với hoạt động của các cơ quan Nhà nước và đối với các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ba là, thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình là một trong những vấn đề khó khăn, phức tạp nhất trong thực thi pháp luật ở nước ta.
Pháp luật đất đai là lĩnh vực pháp luật bao gồm nhiều văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan có thẩm quyền ở trung ương và địa phương ban hành. Lĩnh vực này lại thường xuyên được sửa đổi, bổ sung. Mặt khác, chính sách, pháp luật đất đai lại thay đổi qua từng thời kỳ. Trong một thời gian dài công tác quản lý nhà nước về đất đai bị buông lỏng và còn bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém. Hơn nữa, không phải bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng am hiểu sâu sắc, nắm bắt kịp thời các quy định sửa đổi, bổ sung của pháp luật đất đai. Trong nền kinh tế thị trường khi đất đại ngày càng có giá trị, “tấc đất, tấc vàng” thì thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình ngày càng khó khăn, phức tạp. Trong những năm gần đây, các tranh chấp đất đai giữa các cá nhân, hộ gia đình với nhau; giữa các cá nhân, hộ gia đình với các chủ thể khác diễn ra có chiều hướng ngày càng gia tăng, rất gay gắt, phức tạp; các bên đương sự tìm mọi cách để “chiến thắng” trong các vụ kiện tranh chấp đất đai không chỉ vì danh dự, tính sĩ diện mà còn vì giá trị của mảnh đất quyền sử dụng đất tranh chấp là rất lớn. Có những vụ việc giá trị tranh chấp lên đến hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, việc thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình chịu nhiều áp lực, tác động từ nhiều bên, nhiều phía. Nếu các chủ thể trong quan hệ thi hành pháp luật về quyền sử dụng đất của cá nhân, hộ gia đình không hiểu biết pháp luật, nhất là pháp luật đất đai, không tuân thủ pháp luật thì rất dễ phát sinh những vụ việc tranh chấp nghiêm trọng, phức tạp. Để giải quyết được các vụ việc này thường mất rất nhiều thời gian, tiền bạc và công sức của các bên và của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, ít nhiều ảnh hưởng đến trật tự của các quan hệ pháp luật đất đai, trật tự an toàn xã hội nói chung.