Quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo pháp luật Việt Nam
Tóm tắt sự việc:
Luật sư cho tôi hỏi, tôi là người Việt Nam nhưng đã định cư ở Mỹ 5 năm. Bây giờ tôi muốn mua nhà gắn liền với đất ở Việt Nam. Vậy liệu tôi có quyền được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất không và nghĩa vụ phải thực hiện đối với tôi là gì nếu tôi được sở hữu như vậy?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Tại Điều 7 Luật Nhà ở năm 2014 quy định: “Đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 159 của Luật này”.
Mà theo quy định tại khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai 2013 đã quy định như sau:“1. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các đối tượng có quyền sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam”.
Như vậy, nếu bạn là người Việt Nam định cư ở nước ngoài là đối tượng sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì bạn có quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Ngoài ra, tại khoản 2, Điều 186 Luật Đất đai 2013 đã ghi nhận cụ thể về quyền và nghĩa vụ mà bạn sẽ được hưởng và phải thực hiện như sau:
“2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Quyền và nghĩa vụ chung quy định tại Điều 166 và Điều 170 của Luật này;
b) Chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam để ở; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho nhà tình nghĩa theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 174 của Luật này. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở;
c) Thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam;
d) Cho thuê, ủy quyền quản lý nhà ở trong thời gian không sử dụng”.
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.