Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp. Yêu cầu giám định tư pháp trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự.
Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp. Yêu cầu giám định tư pháp trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự.
Tóm tắt câu hỏi:
Cá nhân có thể yêu cầu giám định hình ảnh được không nếu được thì chi phí hết bao nhiêu ( có chứng cứ là một hình ảnh bị mờ không nhìn rõ mặt muốn yêu cầu nhận dạng cho rõ khuôn mặt )?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Căn cứ khoản 3, Điều 2, Luật giám định tư pháp năm 2012 thì :”Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”. Theo đó, Cá nhân anh hoàn toàn có thể yêu cầu giám định tư pháp sau khi đề nghị cơ quan tiến hành tổ tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Trinh tự thực hiện quyền yêu cầu giám định tư pháp được quy định tại Điều 22, Luật giám định tư pháp năm 2012 như sau:
“Điều 22. Quyền, nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp
1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 07 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
2. Người yêu cầu giám định có quyền:
a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;
b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;
c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;
d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.
3. Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ:
a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;
b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
4. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.”
Nếu sau cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì anh sẽ liên hệ yêu cầu giám định với cá nhân, tổ chức giám định tư pháp bao gồm giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ( Khoàn 4, Điều 2, Luật giám định tư pháp năm 2012) và các tổ chức, cá nhân đó không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 34, Luật giám định tư pháp năm 2012 như sau:
“Điều 34. Các trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp
1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:
a) Thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật về tố tụng quy định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi;
b) Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án, vụ việc mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:
a) Có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng;
b) Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định.”
Riêng đối với trường hợp đang trong quá trình giải quyết vụ án thì quyền yêu cầu giám định tư pháp được thực hiện theo quy định tại Điều 26, Luật giám định tư pháp năm 2012 như sau:
“Điều 26. Yêu cầu giám định tư pháp trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, vụ án hình sự
1. Người yêu cầu giám định phải gửi văn bản yêu cầu giám định kèm theo đối tượng giám định, các tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) và bản sao giấy tờ chứng minh mình là đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ đến cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
2. Văn bản yêu cầu giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây:
a) Tên tổ chức hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
b) Nội dung yêu cầu giám định;
c) Tên và đặc điểm của đối tượng giám định;
d) Tên tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
đ) Ngày, tháng, năm yêu cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định;
e) Chữ ký, họ, tên người yêu cầu giám định.”
Về chi phí giám định thì đối với việc giám định hình ảnh trong lĩnh vực kĩ thuật hình sự thì chi phívào khoảng từ 1.930.000 đến 3.440.000 đồng tùy vào yêu cầu theo quy định tại Mục 5, Biểu phí giám định tư pháp ban hành theo Thông tư
5 | Ảnh | Đơn vị tính | Mức thu(đồng) |
5.1 | Dựng ảnh chân dung đối tượng theo mô tả | 1 đối tượng | 2.420.000 |
5.2 | Ảnh người, ảnh vật | 1 mẫu giám định | 1.930.000 |
5.3 | Tình trạng ảnh, băng hình | 1 mẫu giám định | 3.440.000 |