Hội nhập trong quan hệ quốc tế với các quốc gia trên thế giới là xu hướng phát triển kinh tế-xã hội tất yếu của mỗi quốc gia. Để bảo đảm việc hội nhập được thực hiện hiệu quả và theo một khuôn khổ nhất định, Việt Nam đã ký kết điều ước quốc tế. Vậy ký kết điều ước quốc tế là gì? Quy trình các bước ký điều ước như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Điều ước quốc tế là gì?
Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên là điều ước quốc tế đang có hiệu lực đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Khi tham gia ký kết điều ước quốc tế phải tuân thủ theo những nguyên tắc nhất định: Không trái với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và những nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật quốc tế; Bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc, phù hợp với đường lối đối ngoại của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Tuân thủ điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Ký kết Điều ước quốc tế là gì?
Luật Điều ước quốc tế năm 2016 quy định quy trình ký kết điều ước quốc tế như sau:
Ký là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện, bao gồm ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt và ký điều ước quốc tế phải phê chuẩn hoặc phê duyệt.
Ký kết là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện, bao gồm đàm phán, ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế hoặc trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế.
Ký kết điều ước quốc tế là cả một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn khác nhau như đàm phán, soạn thảo, thông qua, ký, phê chuẩn hoặc phê duyệt hoặc gia nhập điều ước quốc tế. Mỗi giai đoạn này có sự liên hệ chặt chẽ với nhau hết sức logic và hợp lý.
3. Quy trình ký kết điều ước quốc tế:
Nhìn chung, quá trình ký kết điều ước quốc tế được tiến hành qua 2 giai đoạn chính:
a. Giai đoạn 1: Giai đoạn hình thành các văn bản điều ước:
Ở giai đoạn này, các bên sẽ thực hiện các hành vi như: chuẩn bị đàm phán, đàm phán, soạn thảo và thông qua văn bản điều ước. Thực hiện xong các hành vi này, điều ước quốc tế vẫn chưa phát sinh hiệu lực, tuy nhiên nếu thiếu các hành vi này thì một điều ước quốc tế không thể được hình thành.
– Đàm phán: Đây là sự thương lượng, đấu tranh về lợi ích giữa các chủ thể tham gia ký kết điều ước quốc tế nhằm đi đến một thỏa thuận chung nhất. Do đó, sự thành công hay thất bại của đàm phán phụ thuộc rất nhiều vào thiện chí và sự hợp tác của các bên. Có nhiều cách thức đàm phán khác nhau, như: đàm phán trên cơ sở của dự thảo văn bản đã chuẩn bị trước của mỗi bên hay một bên hoặc cùng đàm phán để trực tiếp xây dựng văn bản điều ước.
Hồ sơ trình về việc đàm phán điều ước quốc tế bao gồm:
+
+ Ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và cơ quan, tổ chức có liên quan; báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của cơ quan, tổ chức và kiến nghị biện pháp xử lý.
– Soạn thảo: Sau khi đàm phán thành công, văn bản điều ước sẽ được soạn thảo chính thức để các bên thông qua. Với điều ước quốc tế song phương, các bên thường cử đại diện tham gia soạn thảo, còn đối với điều ước quốc tế đa phương thì việc soạn thảo sẽ được giao cho một cơ quan do các bên thống nhất lập ra.
– Thông qua văn bản điều ước: Thông qua văn bản điều ước chính là giai đoạn then chốt để các bên biểu hiện sự nhất trí của mình đối với văn bản điều ước đã được soạn thảo. Văn bản được các bên nhất trí thông qua là văn bản cuối cùng, các bên không được phép đơn phương sửa đổi, chỉnh lý hoặc thay đổi bất kỳ quy định nào trong văn bản.
b. Giai đoạn 2:
Đây là giai đoạn thực hiện các hành vi nhằm thể hiện sự ràng buộc của quốc gia với điều ước quốc tế và có giá trị tạo ra hiệu lực thi hành của điều ước đó. Chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế là hành vi pháp lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện nhằm thể hiện cam kết chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đối với điều ước quốc tế, bao gồm ký điều ước quốc tế không phải phê chuẩn hoặc phê duyệt, phê chuẩn điều ước quốc tế, phê duyệt điều ước quốc tế, trao đổi văn kiện tạo thành điều ước quốc tế, gia nhập điều ước quốc tế hoặc hành vi khác theo thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài.
Giai đoạn này có 4 hành vi được thực hiện đó là: hành vi ký, phê chuẩn, phê duyệt, gia nhập điều ước quốc tế.
3.1. Ký điều ước quốc tế:
Ký là một bước không thể thiếu trong trình tự ký kết điều ước quốc tế. Có 3 hình thức ký điều ước quốc tế, đó là:
– Ký tắt: Ký tắt là hành vi pháp lý do người có thẩm quyền hoặc người được ủy quyền thực hiện để xác nhận văn bản điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam dự định ký là văn bản cuối cùng đã được thỏa thuận với bên ký kết nước ngoài. Ký tắt là chữ ký của các vị đại diện quốc gia tham gia đàm phán nhằm xác nhận văn bản dự thảo điều ước quốc tế. Ký tắt chưa làm phát sinh hiệu lực của điều ước
– Ký Ad Referendum: Là chữ ký của các vị đại diện với điều kiện có sự đồng ý tiếp sau đó của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật quốc gia. Về nguyên tắc, hành vi ký ad cũng không làm phát sinh hiệu lực của điều ước, tuy nhiên hình thức ký này cũng có thể làm phát sinh hiệu lực cho điều ước nếu cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tỏ rõ sự chấp thuận chữ ký này.
– Ký đầy đủ (ký chính thức): Là chữ ký của các vị đại diện vào văn bản dự thảo điều ước. Về nguyên tắc, hình thức ký đầy đủ luôn làm phát sinh hiệu lực của điều ước. Trừ trường hợp điều ước này quy định các bên phải tiến hành phê chuẩn, phê duyệt thì sau hành vi phê chuẩn, phê duyệt này điều ước mới có hiệu lực thi hành.
Thẩm quyền ký điều ước quốc tế theo điều 13 Luật điều ước quốc tế năm 2016 thì: Căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu hợp tác quốc tế, cơ quan quy định tại Điều 8 của Luật này đề xuất để Chính phủ trình Chủ tịch nước quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước hoặc để Chính phủ quyết định ký điều ước quốc tế nhân danh Chính phủ. Trước khi đề xuất ký điều ước quốc tế, cơ quan đề xuất phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan, ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao và ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp.
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức có liên quan đã có ý kiến về việc đàm phán điều ước quốc tế mà dự thảo điều ước quốc tế đề xuất ký có nội dung không thay đổi so với nội dung đàm phán đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì cơ quan đề xuất lấy ý kiến kiểm tra của Bộ Ngoại giao, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp; không nhất thiết phải lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức có liên quan khác.
3.2. Phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế:
Phê chuẩn là hành vi pháp lý do Quốc hội hoặc Chủ tịch nước thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phê duyệt là hành vi pháp lý do Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế đã ký đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc áp dụng thủ tục phê chuẩn hay phê duyệt đối với một điều ước quốc tế thường do các bên thỏa thuận và được ghi rõ ngay trong nội dung của văn bản điều ước. Cả pháp luật quốc gia và pháp luật quốc tế đều ghi nhận giá trị pháp lý ngang nhau của hành vi phê chuẩn và phê duyệt điều ước quốc tế. Phê chuẩn, phê duyệt điều ước quốc tế là những hành vi do quốc gia và các chủ thể khác của luật quốc tế tiến hành nhằm xác nhận sự đồng ý ràng buộc với một điều ước quốc tế nhất định. Sự khác nhau căn bản giữa hai hành vi này là ở thẩm quyền tiến hành hai hành vi trên và nội dung của điều ước quốc tế đề cập.
3.3. Gia nhập điều ước quốc tế:
Gia nhập là hành vi pháp lý do Quốc hội, Chủ tịch nước hoặc Chính phủ thực hiện để chấp nhận sự ràng buộc của điều ước quốc tế nhiều bên đối với nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ký điều ước quốc tế đó, không phụ thuộc vào việc điều ước quốc tế này đã có hiệu lực hay chưa có hiệu lực.
Việc gia nhập thường được đặt đối với quốc gia khi thời hạn ký kết điều ước đã chấm dứt hoặc điều ước đã có hiệu lức mà quốc gia đó chưa phải là thành viên. Gia nhập điều ước quốc tế là hành động của một chủ thể luật quốc tế đồng ý chấp nhận sự ràng buộc của một điều ước quốc tế đa phương đối với chủ thể đó. Về thủ tục gia nhập điều ước quốc tế, những điều ước quốc tế nào được gia nhập hoặc không được gia nhập phụ thuộc vào quy định cụ thể của điều ước đó hoặc phụ thuộc vào các thành viên của điều ước. Thông thường thủ tục gia nhập được tiến hành theo các cách sau: gửi công hàm xin gia nhập hoặc ký trực tiếp vào văn bản điều ước.
*Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật Điều ước quốc tế năm 2016