Giáo dục nghề nghiệp là một bậc học của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác cho người lao động, đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Vậy Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp:
Điều 10 Văn bản hợp nhất 959/VBHN-BLĐTBXH của năm 2022 quy chế đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp có quy định về Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, căn cứ vào Điều này thì Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được thực hiện như sau:
Bước 1: Tự đánh giá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp thực hiện tự đánh giá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo quy định ở tại Mục 2 Chương II Thông tư số 28/2017/TT-BLĐTBXH và tại Thông tư số 15/2017/TT-BLĐTBXH. Cụ thể về tự đánh giá chất lượng giáo dục nghề nghiệp như sau:
- Quy định về nội dung và chu kỳ tự đánh giá chất lượng:
+ Tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện bắt buộc đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và định kỳ mỗi năm 01 lần.
+ Tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ giáo dục nghề nghiệp được thực hiện định kỳ mỗi năm là 01 lần đối với chương trình đào tạo nghề trọng điểm quốc gia, khu vực, quốc tế; các chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
- Quy định về yêu cầu tự đánh giá chất lượng:
+ Đảm bảo đánh giá toàn bộ hoạt động của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chương trình đào tạo ở tại tất cả phân hiệu, chi nhánh.
+ Có sự tham gia của tất cả những đơn vị, cá nhân có liên quan của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
+ Đánh giá theo hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp hiện hành và những hướng dẫn có liên quan.
+ Đảm bảo trung thực, khách quan, đầy đủ minh chứng hợp lệ để chứng minh cho nhận định ở trong tự đánh giá chất lượng.
+ Kết quả tự đánh giá chất lượng phải được công khai trong nội bộ cơ sở giáo dục nghề nghiệp, được cập nhật vào trong cơ sở dữ liệu của hệ thống thông tin quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phải được lưu trữ cùng toàn bộ minh chứng, tài liệu liên quan.
- Quy định về quy trình tự đánh giá chất lượng:
+ Thực hiện thành lập Hội đồng tự đánh giá chất lượng.
+ Thực hiện về việc tự đánh giá chất lượng.
+ Thông qua và phê duyệt về báo cáo tự đánh giá chất lượng.
+ Công bố báo cáo tự đánh giá chất lượng và gửi cho cơ quan có thẩm quyền.
- Quy định thành lập Hội đồng tự đánh giá chất lượng:
+ Hội đồng tự đánh giá chất lượng có chức năng giúp cho người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện việc tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các chương trình đào tạo các cấp trình độ. Hội đồng tự đánh giá chất lượng do người đứng đầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp quyết định thành lập, số lượng thành viên Hội đồng tự đánh giá chất lượng là số lẻ, phải có ít nhất 11 thành viên đối với trường cao đẳng, trường trung cấp và có ít nhất 07 thành viên đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp.
+ Đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp khi mà tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, người đứng đầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể thành lập Hội đồng tự đánh giá chất lượng riêng cho mỗi chương trình đào tạo; số lượng thành viên Hội đồng tự đánh giá chất lượng là số lẻ; phải có ít nhất 07 thành viên thực hiện nhiệm vụ
+ Thành phần Hội đồng tự đánh giá chất lượng, bao gồm có: Chủ tịch, Phó Chủ tịch (nếu có), Thư ký và các thành viên khác
++ Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá chất lượng là người đứng đầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
++ Phó Chủ tịch Hội đồng tự đánh giá chất lượng là cấp phó của người đứng đầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phụ trách về công tác kiểm định chất lượng, bảo đảm chất lượng. Đối với Hội đồng tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (nếu như có) thì Phó Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu đơn vị phụ trách triển khai chương trình đào tạo;
++ Thư ký Hội đồng tự đánh giá chất lượng là người đứng đầu của đơn vị phụ trách đối với các trường cao đẳng, trường trung cấp; trưởng phòng đào tạo đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Đối với Hội đồng tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo (nếu như có) thì Thư ký là đại diện của đơn vị phụ trách triển khai chương trình đào tạo;
++ Các thành viên khác của Hội đồng tự đánh giá chất lượng là đại diện lãnh đạo những đơn vị, cán bộ, nhà giáo có uy tín, đại diện các tổ chức đoàn thể của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, chuyên gia phải có kinh nghiệm, uy tín và có ít nhất là 02 đại diện doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động có tiếp nhận học sinh, sinh viên đến thực tập, thực hành, làm việc.
+ Hội đồng tự đánh giá chất lượng có những nhiệm vụ sau:
++ Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện về kế hoạch tự đánh giá chất lượng;
++ Thông qua báo cáo tự đánh giá chất lượng và những biện pháp cải tiến, nâng cao chất lượng;
++ Phối hợp, hỗ trợ đoàn đánh giá ngoài thực hiện kiểm định chất lượng ở tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp (nếu có).
- Thực hiện việc tự đánh giá chất lượng:
+ Phân công cho đơn vị chủ trì thực hiện tự đánh giá chất lượng:
++ Tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp: Đối với trường cao đẳng, trường trung cấp, các đơn vị chủ trì là đơn vị phụ trách. Đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp chính là phòng có chức năng quản lý đào tạo;
++ Tự đánh giá chất lượng chương trình đào tạo: đơn vị phụ trách triển khai chương trình đào tạo hoặc là đơn vị chủ trì tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
+ Các nội dung tự đánh giá chất lượng, bao gồm có:
++ Lập kế hoạch tự đánh giá chất lượng trình người đứng đầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt;
++ Thu thập, phân tích và xử lý thông tin, minh chứng, đánh giá mức độ đạt được theo quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp và những hướng dẫn có liên quan của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp;
++ Tổng hợp và viết báo cáo về tự đánh giá chất lượng
++ Lấy ý kiến các đơn vị liên quan thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổng hợp và hoàn thiện báo cáo gửi cho Hội đồng tự đánh giá chất lượng.
- Thông qua và phê duyệt về báo cáo tự đánh giá chất lượng:
+ Hội đồng tự đánh giá chất lượng tiến hành nghiên cứu, họp thông qua báo cáo tự đánh giá chất lượng. Nội dung của báo cáo tự đánh giá chất lượng phải được ít nhất là 2/3 thành viên Hội đồng tự đánh giá chất lượng nhất trí thông qua.
+ Trên cơ sở kết quả thông qua của Hội đồng tự đánh giá chất lượng, người đứng đầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp phê duyệt báo cáo tự đánh giá chất lượng.
- Công bố báo cáo tự đánh giá chất lượng và gửi cho cơ quan có thẩm quyền
+ Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi báo cáo tự đánh giá chất lượng được phê duyệt, người đứng đầu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp triệu tập cuộc họp công bố báo cáo tự đánh giá chất lượng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thành phần dự họp gồm có: các thành viên Hội đồng tự đánh giá chất lượng, người đứng đầu của các đơn vị, đại diện người học và đại diện các tổ chức Đảng, đoàn thể của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
+ Trước ngày 25 tháng 12 hàng năm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp báo cáo kết quả thực hiện việc tự đánh giá chất lượng cho cơ quan quản lý trực tiếp (nếu như có), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Cục Kiểm định về chất lượng giáo dục nghề nghiệp), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi mà cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặt trụ sở và cập nhật vào trong cơ sở dữ liệu hệ thống thông tin quản lý của cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp.
Bước 2: Thực hiện đánh giá ngoài của tổ chức kiểm định.
Bước 3: Công nhận kết quả đánh giá ngoài và thực hiện cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
2. Chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp:
Căn cứ Điều 11 Văn bản hợp nhất 959/VBHN-BLĐTBXH của năm 2022 quy chế đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp được quy định như sau:
- Chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp với thời gian là 05 năm đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
- Trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp có ngành, nghề trọng điểm; chương trình đào tạo ngành, nghề trọng điểm; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và chương trình đào tạo các ngành, nghề phục vụ yêu cầu công tác về quản lý nhà nước phải thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp theo đúng với quy định tại điểm d khoản 3 Điều 65 của Luật Giáo dục nghề nghiệp số
74/2014/QH13 nhưng lại không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp thì trong thời hạn 03 năm phải thực hiện kiểm định lại.
3. Điều kiện đánh giá ngoài đối với kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp:
Điều kiện đánh giá ngoài đối với kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm có:
- Hoàn thành việc tự đánh giá chất lượng và có báo cáo tự đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
- 100% ngành, nghề đào tạo đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp hoặc là được cơ quan, cấp có thẩm quyền cho phép đào tạo theo quy định;
- Tối thiểu 50% chương trình đào tạo trình độ sơ cấp đang tổ chức đào tạo đã có ít nhất 1 (một) khóa học sinh tốt nghiệp khi mà kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trung tâm giáo dục nghề nghiệp;
- Tối thiểu 50% chương trình đào tạo trình độ trung cấp đang tổ chức đào tạo có ít nhất là 1 (một) khóa học sinh, sinh viên tốt nghiệp khi kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường trung cấp;
- Tối thiểu 50% chương trình đào tạo trình độ trung cấp, 50% chương trình đào tạo trình độ cao đẳng mà đang tổ chức đào tạo có ít nhất 1 (một) khóa học sinh, sinh viên tốt nghiệp khi mà kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đối với trường cao đẳng.
Những văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
- Văn bản hợp nhất 959/VBHN-BLĐTBXH 2022 quy chế đánh giá cấp thẻ kiểm định viên chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
THAM KHẢO THÊM: