Khởi tố vụ án hình sự được xem là một giai đoạn tố tụng hình sự rất quan trọng, đây là tiền đề cho các giai đoạn tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Vậy theo quy định hiện nay thì quy trình khởi tố vụ án hình sự được thực hiện như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy trình khởi tố vụ án hình sự thực hiện như thế nào?
Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về thủ tục tố tụng trong giai đoạn khởi tố vụ án hình sự. Theo đó, quy trình khởi tố vụ án hình sự bao gồm các hoạt động như sau: Hoạt động tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và hoạt động giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Bước 1: Tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Căn cứ theo quy định tại Điều 143 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về căn cứ để xác định dấu hiệu tội phạm. Bao gồm:
-
Tố giác của cá nhân;
-
Tin báo của cơ quan, tổ chức và cá nhân;
-
Người phạm tội tự thú;
-
Tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng;
-
Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
-
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện ra dấu hiệu của tội phạm trên thực tế.
Theo đó, mọi tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố bắt buộc phải được tiếp nhận một cách đầy đủ và giải quyết kịp thời theo quy định của pháp luật. Cơ quan và tổ chức có trách nhiệm, nghĩa vụ tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cơ quan điều tra, viện kiểm sát và tòa án được xác định là các cơ quan nhà nước có trách nhiệm, nghĩa vụ tiếp nhận mọi tin tức về tội phạm xảy ra trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong trường hợp nhận thấy tổ giác có thể không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan mình thì sẽ không được từ chối, vẫn tiếp tục tiếp nhận rồi chuyển đến cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bước 02: Kiểm tra và xác minh các tin tức về tội phạm. Điều 143 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định, chỉ được phép thực hiện thủ tục khởi tố vụ án hình sự khi đã xác nhận có dấu hiệu của tội phạm. Vì vậy, sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về tội phạm, cơ quan có thẩm quyền cần phải tiến hành nhận định xem có dấu hiệu hay không có dấu hiệu của tội phạm. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố được xác định như sau:
-
Cơ quan điều tra là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
-
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
-
Viện kiểm sát là cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện ra cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ một số hoạt động điều tra thực hiện hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động điều tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố hoặc trong trường hợp nhận thấy có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mặc dù viện kiểm sát đã yêu cầu khắc phục bằng văn bản tuy nhiên không được giải quyết.
Về thời hạn giải quyết được thực hiện theo quy định tại Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Điều 11 của Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC. Theo đó, trong khoảng thời hạn 20 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày nhận được tố giác học tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cần phải thực hiện thủ tục kiểm tra, xác minh xem có dấu hiệu của tội phạm xảy ra trên thực tế hay không.
Bước 03: Ra quyết định khởi tố vụ án. Sau khi đã tiến hành thủ tục kiểm tra xác minh thông tin liên quan đến tội phạm và nhận thấy hoàn toàn có dấu hiệu tội phạm xảy ra trên thực tế, cơ quan có thẩm quyền khởi tố trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình cần phải ra quyết định khởi tố đối với vụ án hình sự đó. Trong quyết định khởi tố vụ án hình sự bắt buộc phải ghi đầy đủ căn cứ pháp lý để quyết định khởi tố vụ án hình sự, viện dẫn các văn bản, giấy tờ, tài liệu cho thấy căn cứ khởi tố vụ án, ghi nhận rõ tội danh, điều khoản của pháp luật hình sự được áp dụng để làm cơ sở cho hoạt động tố tụng (ví dụ các nội dung: số quyết định, ngày, tháng, năm và địa điểm ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự; căn cứ ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự; nội dung trong văn bản tố tụng; họ và tên, chức vụ và chữ ký của người ban hành văn bản tố tụng, đóng dấu …).
2. Thời hạn khởi tố vụ án hình sự là bao lâu?
Căn cứ theo quy định tại Điều 147 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có quy định, khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố, cơ quan nhà nước có thẩm quyền bắt buộc phải tổ chức hoạt động kiểm tra, xác minh trong khoảng thời hạn 20 ngày. Trong trường hợp có nhiều tình tiết phức tạp hoặc bắt buộc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm khác nhau thì thời gian có thể kéo dài tuy nhiên không được phép vượt quá 60 ngày.
Đồng thời, khi hết thời hạn nêu trên tuy nhiên chưa thể ra văn bản kết thúc quá trình điều tra, xác minh tin báo thì viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể ra văn bản để gia hạn một lần, tuy nhiên thời gian gia hạn không được phép vượt quá 60 ngày. Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra xác minh, cơ quan điều tra hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bắt buộc phải có văn bản đề nghị đến viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền về việc gia hạn thời hạn kiểm tra và xác minh đó.
3. Khởi tố vụ án hình sự dựa trên những căn cứ nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 153 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định về thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự. Cụ thể như sau:
Thứ nhất, cơ quan điều tra là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với tất cả các vụ án hình sự có dấu hiệu của tội phạm, ngoại trừ những vụ việc do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, do viện kiểm sát hoặc hội đồng xét xử đang trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án.
Thứ hai, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với những vụ án thuộc một trong những trường hợp được quy định tại Điều 164 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Thứ ba, viện kiểm sát là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự khi thuộc một trong những trường hợp như sau:
-
Viện kiểm sát hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự của cơ quan điều tra hoặc của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
-
Viện kiểm sát trực tiếp giải quyết thủ tục tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;
-
Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện ra dấu hiệu của tội phạm trên thực tế hoặc theo yêu cầu khởi tố của hội đồng xét xử.
Thứ tư, hội đồng xét xử là cơ quan có thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự hoặc có quyền yêu cầu viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp thông qua quá trình xét xử tại phiên tòa, nhận thấy có dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm.
THAM KHẢO THÊM: