Quy trình đấu thầu theo hình thức tự thực hiện? Điều kiện áp dụng hình thức tự thực hiện ? Một số hình thức đấu thầu khác?
Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho gói thầu thì bên mời thầu có thể sử dụng hình thức tự thực hiện theo hướng dẫn của Luật đấu thầu 2013. Tự thực hiện được hiểu là một trong những hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư của bên mời thầu. Bên cạnh các hình thức đấu thầu có hình thức mà việc lựa chọn nhà thầu phải trải qua nhiều giai đoạn, phức tạp thì hình thức tự thực hiện được coi là một trong những hình thức nhanh gọn nhưng vẫn bảo đảm tính công khai, minh bạch trong đấu đầu và đảm bảo hiệu quả kinh tế của gói thầu. Trong bài viết dưới đây, chúng tôi xin chia sẻ tới bạn đọc quy trình đấu thầu theo hình thức tự thực hiện theo quy địnhc ủa pháp luật hiện hành.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
– Luật Đấu thầu 2013
1. Quy trình đấu thầu theo hình thức tự thực hiện
Căn cứ theo Điều 25 Luật Đấu thầu 2013 quy định thì hình thức tự thực hiện được áp dụng đối với các gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp tổ chức, bên mời thầu trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu có năng lực về kỹ thuật, tài chính và có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu. Quy trình tự thực hiện trong đấu thầu được thực hiện theo quy định tại Điều 62
– Bước 1. Chuẩn bị phương án tự thực hiện và dự thảo hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc
Công việc đầu tiên đối với quy trình tự thực hiện của nhà mời thầu đó là việc chuẩn bị phương án tự thực hiện.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hồ sơ về phương án tự thực hiện được lập phải bao gồm yêu cầu về phạm vi, nội dung công việc, yeu cầu về giá trị, thời gian thực hiện công việc, chất lượng công việc cần thực hiện và dự thảo hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc.
Trường hợp gói thầu tự thực hiện do đơn vị hạch toán phụ thuộc thực hiện thì trong phương án thực hiện công việc phải bao gồm dự thảo hợp đồng.
Trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu nhưng không có đơn vị hạch toán phụ thuộc thì trong phương án thực hiện gói thầu phải bao gồm dự thảo về thỏa thuận giao việc cho một đơn vị thuộc mình thực hiện.
– Bước 2. Hoàn thiện phương án tự thực hiện và thương thảo, hoàn thiện hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc
Sau khi đã đặt ra được những nội dung cơ bản của phương án tự thực hiện thì bên mời thầu xem xét để hoàn thiện phương án tự thực hiện.
Các bên tiến hành thương thảo về những nội dung trong quá trình tự thực hiện đấu thầu chưa đủ chi tiết, chưa rõ ràng hoặc chưa phù hợp, thống nhất trong phương án tự thực hiện gói thầu, dự thảo hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc và các nội dung cần thiết khác.
– Bước 3. Ký kết hợp đồng hoặc thỏa thuận giao việc
Tổ chức trực tiếp quản lý gói thầu, trực tiếp sử dụng gói thầu tiến hành ký kết hợp đồng với đơn vị phụ thuộc hoặc ký thỏa thuận giao việc với đơn vị được giao để tự thực hiện gói thầu.
Lưu ý:
– Trường hợp pháp luật đấu thầu hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định về các nội dung công việc thuộc gói thầu thì phải được giám sát khi thực hiện, tổ chức trực tiếp quản lý gói thầu, sử dụng gói thầu lựa chọn theo quy định của Luật Đấu thầu, có một nhà thầu tư vấn giám sát độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với mình để giám sát quá trình tự thực hiện gói thầu.
– Trường hợp pháp luật đấu thầu hoặc pháp luật chuyên ngành không có quy định hoặc không có tư vấn giám sát độc lập quan tâm hoặc không lựa chọn được tư vấn giám sát độc lập trong quá trình tự thực hiện gói thầu do gói thầu được thực hiện tại các vùng sâu, vùng xa, gói thầu có giá trị dưới 01 tỷ đồng thì tổ chức trực tiếp quản lý gói thầu, sử dụng gói thầu phải tự tổ chức thực hiện giám sát.
2. Điều kiện áp dụng hình thức tự thực hiện
Tại Điều 25 Luật Đấu thầu quy định tự thực hiện gói thầu được áp dụng đối với các gói thầu thuộc dự án, dự toán mua sắm trong trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý gói thầu, trực tiếp sử dụng gói thầu có năng lực kỹ thuật, tài chính và có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu của gói thầu.
Theo quy định tại Điều 61 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, việc áp dụng hình thức tự thực hiện gói thầu phải được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Tổ chức trực tiếp quản lý gói thầu, trực tiếp sử dụng gói thầu có chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực hoạt động và ngành nghề kinh doanh phù hợp với yêu cầu của gói thầu;
– Phải chứng minh và thể hiện trong phương án tự thực hiện gói thầu về khả năng huy động nhân sự, máy móc, thiết bị đáp ứng được các yêu cầu về tiến độ thực hiện gói thầu;
– Đơn vị được giao thực hiện gói thầu không được thực hiện việc chuyển nhượng khối lượng công việc với tổng số tiền từ 10% giá gói thầu trở lên hoặc chuyển nhượng khối lượng công việc với tổng số tiền dưới 10% giá gói thầu nhưng trên 50 tỷ đồng.
Trường hợp gói thầu tự thực hiện do đơn vị hạch toán phụ thuộc thực hiện thì trong phương án thực hiện gói thầu phải bao gồm dự thảo hợp đồng. Trường hợp tổ chức trực tiếp quản lý, sử dụng gói thầu không có đơn vị hạch toán phụ thuộc riêng biệt thì trong phương án tự thực hiện gói thầu phải bao gồm dự thảo về thỏa thuận giao việc cho một đơn vị thuộc mình thực hiện, tuy nhiên không được giao cho đơn vị trực thuộc về tổ chức nhưng hạch toán độc lập với chủ đầu tư thực hiện.
Như vậy, đối với khối lượng công việc không thể tự thực hiện của gói thầu thì cần tách thành gói thầu riêng và phải áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu khác theo quy định của pháp luật về đấu thầu cho phù hợp.
3. Một số hình thức đấu thầu khác
3.1. Đấu thầu rộng rãi
Đấu thầu rộng rãi được hiểu là hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cho gói thầu trong đó không hạn chế số lượng nhà thầu, nhà đầu tư tham dự. Hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước theo quy định của luật đấu thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
– Lĩnh vực đầu tư mà pháp luật Việt Nam có quy định hoặc điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên tham gia có quy định hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia thực hiện;
– Trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không tham dự sơ tuyển quốc tế hoặc nahf đầu tư nước ngoài không trúng sơ tuyển quốc tế;
– Đối với dự án PPP nhóm C theo quy định pháp luật về đầu tư công. Trường hợp cần áp dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, cần sử dụng kinh nghiệm quản lý quốc tế thì nhà đầu tư trong nước được quyền liên danh với nhà đầu tư nước ngoài hoặc sử dụng nhà thầu nước ngoài để tham gia dự thầu và thực hiện dự án;
– Dự án đầu tư có sử dụng đất mà sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án dưới 120 tỷ đồng (sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án không bao gồm chi phí bồi thường và chi phí giải phóng mặt bằng)
3.2. Đấu thầu hạn chế
Đấu thầu hạn chế là hình thức đấu thầu được áp dụng trong trường hợp gói thầu có yêu cầu cao về kỹ thuật hoặc kỹ thuật có tính đặc thù mà chỉ có một số nhà thầu có thể đáp ứng được yêu cầu của gói thầu.
3.3. Chỉ định thầu
a) Điều kiện đối với gói thầu để được thực hiện chỉ định thầu:
– Gói thầu phải có quyết định đầu tư đã được phê duyệt, trừ gói thầu tư vấn chuẩn bị dự án;
– Có kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã được phê duyệt;
– Gói thầu đã được bố trí vốn theo yêu cầu của tiến độ thực hiện gói thầu;
– Gói thầu có dự toán đã được phê duyệt theo quy định của luật đấu thầu, trừ trường hợp đối với gói thầu EP, EC, EPC và gói thầu chìa khóa trao tay;
– Gói thầu có thời gian thực hiện chỉ định thầu không quá 45 ngày kể từ ngày phê duyệt hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng; trường hợp gói thầu có quy mô lớn, phức tạp thì thời gian thực hiện chỉ định không quá 90 ngày;
– Nhà thầu được đề nghị chỉ định thực hiện gói thầu phải có tên trong cơ sở dữ liệu về nhà thầu của cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu.
b) Các gói thầu được áp dụng chỉ định thầu đối với nhà thầu:
– Gói thầu cần thực hiện để khắc phục ngay hoặc để xử lý kịp thời hậu quả gây ra do sự cố bất khả kháng; gói thầu cần được triển khai ngay để tránh gây nguy hại trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của cộng đồng dân cư trên địa bàn hoặc cần được thực hiện ngay để không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình liền kề; gói thầu cần thực hiện ngay để bảo đảm bí mật nhà nước; gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách;
– Gói thầu cấp bách cần triển khai ngay nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo;
– Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ mua sắm hàng hóa phải mua từ nhà thầu đã thực hiện trước đó do phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ, tính tương thích về bản quyền mà không thể mua được từ nhà thầu khác; gói thầu có tính chất nghiên cứu, thử nghiệm; gói thầu mua bản quyền sở hữu trí tuệ;
– Gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế xây dựng được chỉ định cho tác giả của thiết kế kiến trúc công trình trúng tuyển hoặc được tuyển chọn khi tác giả thiết kế có đủ điều kiện năng lực theo quy định; gói thầu thi công xây dựng tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng, xây dựng tác phẩm nghệ thuật gắn với quyền tác giả từ khâu sáng tác đến thi công công trình;
– Gói thầu di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật do một đơn vị chuyên ngành trực tiếp quản lý nhằm mục đích phục vụ công tác giải phóng mặt bằng; gói thầu rà phá bom mìn, vật nổ nhằm mục đích chuẩn bị mặt bằng thi công xây dựng công trình;
– Gói thầu cung cấp sản phẩm hàng hóa, dịch vụ công, và có giá gói thầu trong hạn mức được áp dụng chỉ định thầu như sau:
+ Giá không quá 500 triệu đồng đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, cung cấp dịch vụ công; không quá 01 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, vật liệu, gói thầu xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế và sản phẩm công;
+ Giá không quá 100 triệu đồng đối với gói thầu thuộc dự toán mua sắm thường xuyên.
c) Chỉ định thầu đối với nhà đầu tư được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
– Gói thầu chỉ có một nhà đầu tư đăng ký thực hiện;
– Chỉ có một nhà đầu tư có khả năng thực hiện gói thầu do liên quan đến sở hữu trí tuệ, bí mật thương mại và liên quan đến công nghệ hoặc thu xếp vốn;
– Nhà đầu tư đề xuất dự án thực hiện đáp ứng được các yêu cầu thực hiện dự án một cách khả thi và có hiệu quả cao nhất theo quy định của Chính phủ.