Quy trình thực hiện việc chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Nội dung thẩm định dự án, thời gian thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dự án bất động sản.
Quy trình thực hiện chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản
Chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản như đã phân tích không chỉ là một hoạt động đầu tư kinh doanh chịu sự chi phối bởi các nguyên tắc của pháp luật tư, mà chịu sự chi phối bởi nguyên tắc hành chính. Do vậy, để được chuyển nhượng dự án, bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải tuân theo trình tự, thủ tục hành chính do pháp luật quy định. Cụ thể, các bên giao dịch chuyển nhượng phải tuân theo trình tự, thủ tục được quy định tại Điều 51, Luật KDBĐS 2014 và Điều 11,12 và Điều 13, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ và Quyết định số 94/QĐ-BXD ngày 28/2/2022 của Bộ Trưởng Bộ Xây dựng, cụ thể:
Bước 1: Nộp hồ sơ đề nghị chuyển nhượng
Các bên trong giao dịch chuyển nhượng chuẩn bị hồ sơ, thành phần hồ sơ được nêu tại Hồ sơ chuyển nhượng dự án bất động sản gồm những gì? nộp đến UBND cấp tỉnh nơi có dự án hoặc cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh (nếu được UBND cấp tỉnh ủy quyền) bằng hình thức nộp trực tiếp hoặc gián tiếp qua bưu điện. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ của hồ sơ để quyết định việc tiếp nhận giải quyết theo thủ tục hoặc đề nghị các bên sửa đổi, bổ sung hồ sơ bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Để việc nộp hồ sơ được hiệu quả, các bên giao dịch chuyển nhượng cần chủ động tìm và nghiên cứu trước thủ tục hành chính về chuyển nhượng dự án bất động do Bộ Trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành để nắm được các quy định chi tiết về thủ tục cho phép chuyển nhượng dự án. Trường hợp cần thiết có thể liên hệ trực tiếp với cơ quan được UBND cấp tỉnh ủy quyền để được hướng dẫn rõ về hồ sơ đề nghị chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản.
Bước 2: Thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dự án
Sau khi tiếp nhận hồ sơ của các bên trong giao dịch chuyển nhượng, việc thẩm định hồ sơ được thực hiện như sau:
Cơ quan có trách nhiệm chủ trì và cơ quan có trách nhiệm phối hợp thẩm định hồ sơ chuyển nhượng:
Đối với dự án thuộc thẩm quyền cho phép chuyển nhượng của UBND cấp tỉnh thì UBND cấp tỉnh giao, quy định cơ quan chủ trì việc thẩm định. Đối với dự án thuộc thẩm quyền cho phép chuyển nhượng của Thủ tướng Chính phủ thì UBND cấp tỉnh nơi có dự án là cơ quan chủ trì tổ chức việc lấy ý kiến thẩm định hồ sơ dự án. Cơ quan chủ trì thẩm định hồ sơ dự án có trách nhiệm lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan (cơ quan có trách nhiệm phối hợp) để báo cáo đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép hoặc không cho phép chuyển nhượng dự án.
Cơ quan có trách nhiệm phối hợp thẩm định hồ sơ dự án là các cơ quan có liên quan đến dự án, phần dự án chuyển nhượng. Trong thực tiễn đối với dự án, phần dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh thì cơ quan có trách nhiệm phối hợp thẩm định là: Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp huyện nơi có dự án. Đối với dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ là: Bộ xây dựng, Bộ kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…Đối với các dự án chuyển nhượng tại khu vực xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển, hải đảo thì cơ quan chủ trì thẩm định còn phải lấy ý kiến của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và bộ Công an về việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.
– Nội dung thẩm định thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dự án:
Cơ quan chủ trì việc thẩm định và các cơ quan phối hợp việc thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dự án, căn cứ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật thực hiện thẩm định các nội dung được quy định tại Khoản 2, Điều 13 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ gồm:
Một là, việc tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh bất động sản, nguyên tắc chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản và các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 4, Điều 8 và Điều 48 của Luật KDBĐS 2014 và Điều 9 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ.
Hai là, các thành phần hồ sơ đề nghị chuyển nhượng được quy định tại Điều 10 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ.
Ba là, điều kiện của dự án hoặc phần dự án đầu tư kinh doanh bất động sản được chuyển nhượng theo quy định tại Khoản 1, Điều 49 Luật KDBĐS 2014. Trường hợp bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp nhà nước thì phải đáp ứng điều kiện theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Bốn là, điều kiện của bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng theo quy định tại Khoản 1, Điều 10, Luật KDBĐS 2014 được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 75, Luật ĐT 2020, Khoản 2,3 Điều 49 Luật KDBĐS 2014 và Điều 4 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ.
Năm là, quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng theo quy định tại Điều 52, Luật KDBĐS 2014 và quyền, lợi ích hợp pháp khác của các bên có liên quan.
Từ những quy định về nội dung thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản có thể thấy, việc thẩm định hồ sơ đề nghị chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư kinh doanh bất động sản có thể khái quát theo các tiêu chí sau: Nguyên tắc chung trong hoạt động kinh doanh bất động sản, nguyên tắc đặc thù trong chuyển nhượng dự án; điều kiện về bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng và dự án, phần dự án chuyển nhượng; thành phần hồ sơ chuyển nhượng dự án; ngoài ra, việc chuyển nhượng dự án phải bảo đảm quyền, nghĩa vụ của các bên chuyển nhượng, cũng quyền và lợi ích của các chủ thể có liên quan.
Đây là những tiêu chí để cơ quan, người có thẩm quyền thẩm định, đánh giá, cũng như quyết cho phép hoặc không cho phép các bên chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Vì vậy, để được cơ quan, người có thẩm quyền cho phép chuyển nhượng dự án, các bên trong giao dịch cần phải nghiên cứu, đánh giá theo các tiêu chí nêu trên để có sự chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ chuyển nhượng đúng, đủ theo quy định, bảo đảm được hiệu quả, tránh lãng phí về thời gian và những nguồn lực không cần thiết liên quan đến việc chuyển nhượng dự án.
– Về thời hạn thẩm định hồ sơ chuyển nhượng dự án
Theo quy định tại Khoản 2, Điều 11, Khoản 2, Điều 12, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ, thời hạn lấy ý kiến thẩm định, thực hiện việc thẩm định và quyết định cho phép hoặc không cho phép chuyển nhượng được quy định như sau: Đối với dự án thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, thời hạn là không quá 30 ngày; đối với dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng chính phủ, thời hạn là không quá 45 ngày kể từ này nhận hồ sơ hợp lệ.
Như vậy, theo thời hạn nêu trên, cơ quan, người có thẩm quyền sẽ quyết định cho phép chuyển nhượng hoặc không cho phép chuyển nhượng. Các bên trong giao dịch chuyển nhượng căn cứ vào thời hạn nêu trên để giám sát việc thực hiện pháp luật về thời hạn của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc quyết định cho phép hoặc không cho phép chuyển nhượng dự án.
Bước 3: Quyết định cho phép chuyển nhượng dự án
Trên cơ sở xem xét, đánh giá, thẩm định hồ sơ đề nghị chuyển nhượng của các bên trong giao dịch chuyển nhượng theo các tiêu chí do pháp luật quy định, cơ quan, người có thẩm quyền sẽ ra một trong các quyết định sau:
Trường hợp, sau khi thẩm định hồ sơ đề nghị chuyển nhượng mà các bên chuyển nhượng, dự án, phần dự án được chuyển nhượng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí do pháp luật quy định, cơ quan, người có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định cho phép các bên thực hiện chuyển nhượng dự án. Nội dung, hình thức của quyết định chuyển nhượng được thực hiện theo Mẫu số 13 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ. Quyết định cho phép chuyển nhượng là cơ sở pháp lý để các bên trong giao dịch chuyển nhượng thực hiện việc ký hợp đồng chuyển nhượng dự án.
Trường hợp, sau khi thẩm định hồ sơ chuyển nhượng mà các bên trong giao dịch chuyển nhượng, dự án, phần dự án đề nghị chuyển nhượng không đáp ứng đúng, đủ các tiêu chí do pháp luật quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền sẽ không cho phép các bên chuyển nhượng, nhưng phải thông báo cho các bên chuyển nhượng biết rõ lý do (Khoản 2, Điều 11 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP).
Bước 4: Ký hợp đồng chuyển nhượng dự án
Pháp luật hiện hành không quy định khái niệm hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, Khoản 3, Điều 3 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/22 của Chính phủ có quy định: Hợp đồng kinh doanh bất động sản, trong đó, bao hàm khái niệm hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Theo đó, một cách chung nhất có thể hiểu:
Hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã có đủ điều kiện kinh doanh bất động sản với nhau về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản.
Để hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản có hiệu lực, ngoài các điều kiện chung về hiệu lực đối với hợp đồng được quy định tại Điều 117, BLDS 2015, còn phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật KDBĐS 2014 và Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ, cụ thể là phải thỏa mãn các điều kiện như phân tích tại Mục 2.1.2 nêu trên mà kết quả là được biểu hiện bằng quyết định cho phép chuyển nhượng của cơ quan, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước.
Về nội dung của hợp đồng được quy định tại Điều 53, Luật KDBĐS 2014 và được hướng dẫn tại Mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ. Theo đó, hợp đồng gồm những nội dung chủ yêu sau: Tên, địa chỉ các bên chuyển nhượng; Thông tin cơ bản dự án đã được phê duyệt; Thông tin chi tiết về toàn bộ dự án hoặc phần dự án chuyển nhượng; Giá chuyển nhượng; Phương thức và thời hạn thanh toán; Thời hạn bàn giao toàn bộ hoặc một phần dự án và hồ sơ kèm theo; Quyền và nghĩa vụ của các bên; Trách nhiệm của các bên trong việc thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến quyền sử dụng đất; Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; Giải quyết tranh chấp; Các trường hợp chấm dứt thực hiện hợp đồng và các biện pháp xử lý; Thời điểm hiệu lực của hợp đồng.
Những quy định về nội dung của hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án đầu tư kinh doanh bất động sản là cơ sở để các bên soạn thảo, thương thảo nội dung của hợp đồng, là cơ sở để các bên thực hiện hợp đồng và là cơ sở để cơ quan, người có thẩm quyền xem xét đánh giá, giải quyết tranh chấp giữa các bên nếu có phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng. Vì vậy có thể nói, đây là nội dung quy định pháp luật rất quan trọng đòi hỏi các bên trong giao dịch cần có sự nghiên cứu, tìm hiểu một cách thấu đáo để việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo đảm đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trên cơ sở tự do ý chí, tự nguyện thỏa thuận, nhưng không vi phạm điều cấm của Luật, không trái với đạo đức xã hội.
Về hình thức của hợp đồng, hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản, việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, pháp luật không bắt buộc hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phải được công chứng, chứng thực (Khoản 2, Điều 17 Luật KDBĐS 2014).
Về thời hạn ký kết hợp đồng, việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng dự án phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cơ quan, người có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển nhượng dự án. Hợp đồng chuyển nhượng dự án đồng thời là hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của dự án, trừ trường hợp thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm (Khoản 3, Điều 11, Khoản 3, Điều 12, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ).
Về hiệu lực của hợp đồng, thời điểm có hiệu lực hợp đồng chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi nhận tại hợp đồng. Trường hợp, nếu hợp đồng được công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực. Trường hợp, các bên không có thỏa thuận, hợp đồng không được công chứng, chứng thực thì hợp đồng có hiệu lực tại thời điểm ký kết (Khoản 3, Điều 17 Luật KDBĐS 2014).
Bước 5: Thực hiện hợp đồng chuyển nhượng dự án
Hợp đồng chuyển nhượng dự án được giao kết và có hiệu lực pháp luật, các bên trong quan hệ hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đã cam kết, thỏa thuận trên tinh thần thiện chí, hợp tác và trung thực vì quyền và lợi ích của các bên, quyền và lợi ích ích của các bên có liên quan. Trong đó, pháp luật yêu cầu bắt buộc việc bàn giao hồ sơ dự án, phần dự án chuyển nhượng giữa các bên phải được lập thành văn bản có chữ ký của các bên và phải được thực hiện trong thời hạn 30 kể từ ngày cho phép chuyển nhượng dự án (Khoản 3, Khoản 4 Khoản 5 Điều 11, Khoản 3, Điều 12, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ). Đồng thời, pháp luật quy định ít nhất 15 ngày trước ngày làm thủ tục bàn giao dự án, phần dự án bất động sản thì phải thông báo cho khách hàng, các bên có liên quan và phải thực hiện thủ tục không khai về việc chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản. Trường hợp khách hàng hoặc các bên có liên quan có ý kiến về quyền lợi liên quan đến dự án, phần dự án chuyển nhượng thì bên chuyển nhượng phải giải quyết theo quy định của pháp luật trước khi bàn giao dự án.
Bước 6: Thực hiện nghĩa vụ khác phát sinh từ việc thực hiện hợp đồng chuyển nhượng dự án
Bên cạnh việc thực hiện nghĩa vụ của các bên theo cam kết thỏa thuận được thể hiện trong nội dung hợp đồng, các bên phải thực hiện nghĩa vụ khác phát sinh từ hợp đồng chuyển nhượng dự án, đó là việc thực hiện các thủ tục về đất đai và nghĩa vụ tài chính liên quan đến việc chuyển nhượng dự án (Khoản 4 và Khoản 6 Điều 11 Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ), cụ thể:
Đối với dự án đầu tư kinh doanh bất động sản có gắn liền với quyền sử dụng đất thì các bên phải thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai, cụ thể như sau:
Trường hợp quyền sử dụng đất gắn với dự án, phần dự án được chuyển nhượng được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc chủ đầu tư dự án xác lập quyền sử dụng đất thông quan nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất thì sau khi hoàn thành việc chuyển nhượng dự án, các bên thực hiện thủ tục đăng ký biến động đất đai theo quy định pháp
– Trường hợp chuyển nhượng dự án, phần dự án gắn với quyền sử dụng đất mà nhà đầu tư nhận chuyển nhượng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thì bên chuyển nhượng phải thực hiện thủ tục trả lại đất cho nhà nước, sau đó cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất cho bên nhận chuyển nhượng trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 3, Điều 51, Luật KDBĐS 2014.
– Trường hợp chuyển nhượng dự án, phần dự án gắn với quyền sử dụng đất được nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm, thì cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất của bên chuyển nhượng, sau đó ký hợp đồng cho thuê đất với bên nhận chuyển nhượng dự án theo quy định tại Khoản 5, Điều 79
Bên cạnh nghĩa vụ thực hiện các thủ tục về đất đai, các bên trong quan hệ chuyển nhượng phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật. Nghĩa vụ tài chính mà các bên phải thực hiện với nhà nước bao gồm: Thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế TNDN), thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) từ chuyển nhượng dự án. Theo đó, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản được quy định như sau:
Đối với việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế TNDN. Trường hợp việc chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản phát sinh thu nhập chịu thuế thì bên chuyển nhượng có nghĩa vụ nộp thuế TNDN theo quy định tại: Khoản 2, Điều 4,
Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế X Thuế suất thuế TNDN
Trong đó, Thu nhập tính thuế bằng (=) thu nhập chịu thuế trừ (-) các khoản lỗ của hoạt động chuyển nhượng bất động sản của các năm trước (nếu có). Thu nhập chịu thuế được xác định bằng doanh thu thu được từ hoạt động chuyển nhượng dự án trừ (-) giá vốn của bất động sản và các khoản chi phí được trừ liên quan đến hoạt động chuyển nhượng bất động sản. Việc xác định doanh thu, giá vốn của bất động sản và các chi phí được thực hiện theo quy định tại Điều 17 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính.
Về mức thuế xuất áp dụng đối với hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản hiện hành là 20%, không được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Riêng đối với dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội áp dụng mức thuế suất 10% (Điểm d, Khoản 3, Điều 19, Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Bộ Tài chính).
Đối với việc thực hiện nghĩa vụ thuế GTGT. Bên nhận chuyển nhượng có nghĩa vụ nộp thuế GTGT phát sinh từ hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Theo quy định tại Điều 6, Khoản 3, Điều 8, Luật Thuế GTGT 2008, Khoản 3, Điều 4
– Về số tiền thuế GTGT phải nộp bằng (=) Giá tính thuế nhân (x) thuế xuất (Điều 6, Luật Thuế GTGT 2008). Trong đó, giá tính thuế GTGT là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế GTGT. Việc xác định giá đất được trừ để tính thuế được xác định theo từng trường hợp cụ thể quy định tại Khoản 3, Điều 4
– Về thuế xuất thuế GTGT áp dụng đối với chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản là 10% (Khoản 3, Điều 8, Luật Thuế GTGT 2008; Điểm a, Khoản 1, Điều 1, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022).
Bước 7: Công khai việc chuyển nhượng dự án
Một trong những nguyên tắc trong hoạt động kinh doanh bất động sản là nguyên tắc công khai, minh bạch được ghi nhận tại Khoản 3, Điều 4 Luật KDBĐS 2014. Chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản là một trong những hoạt động kinh doanh bất động sản, cho nên việc công khai, minh bạch ngoài tuân thủ theo quy định chung, mặt khác còn phải công khai, minh bạch theo quy định đặc thù của hoạt động chuyển nhượng dự án.
Theo quy định tại Điều 6 Luật KDBĐS 2014, việc công khai trong hoạt động kinh doanh bất động sản nói chung được quy định như sau:
– Trách nhiệm công khai: Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản
– Hình thức công khai: Việc công khai được thực hiện bằng các hình thức sau: Đăng tin tại trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; niêm yết tại Trụ sở ban quản lý dự án đối với dự án đầu tư kinh doanh bất động sản; niêm yết tại sản giao dịch bất động sản đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản.
– Nội dung công khai gồm: Loại bất động sản; vị trí bất động sản; thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản; quy mô của bất động sản; đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của bất động sản; thông tin về từng loại mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư; thực trạng các công trình hạ tầng, dịch vụ liên quan đến bất động sản; hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản; hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai; các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản; giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.
Đối với hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư kinh doanh bất động sản, ngoài việc vận dụng các quy định chung về trách nhiệm, hình thức, nội dung công khai nêu trên, Khoản 5,7 Điều 11, Nghị định số 02/2022/NĐ-CP ngày 06/01/2022 của Chính phủ quy định:
Bên chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho khách hàng, các bên có liên quan và đăng tải ít nhất 03 lần liên tiếp trên một tờ báo phát hành tại địa phương hoặc đài truyền hình địa phương hoặc đài truyền hình trung ương về việc chuyển nhượng dự án kinh doanh bất động sản và công khai quyết định cho phép chuyển nhượng dự án, phần dự án trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
– UBND cấp tỉnh nơi có dự án có trách nhiệm công khai quyết định cho phép chuyển nhượng dự án, phần dự án kinh doanh bất động trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh, tại cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở nơi có dự án và gửi về Bộ Xây dựng để tổng hợp theo dõi.