Quỹ tích lũy trả nợ là một quỹ được Chính phủ thành lập để nhằm mục đích có thể tập trung các khoản thu hồi vốn cho vay lại từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các khoản thu phí bảo lãnh của Chính phủ. Dưới đây chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu quỹ tích lũy trả nợ về việc quản lý, sử dụng quỹ tích lũy trả nợ?
Quỹ tích lũy trả nợ (Debt payment accumulation fund) là gì?
1. Quỹ tích lũy trả nợ là gì?
Theo quy định tại Nghị định 92/2018/NĐ-CP có thể hiểu như sau: Quỹ tích lũy trả nợ thực chất chính là quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước, được Chính phủ thành lập và giao Bộ Tài chính quản lý nhằm bảo đảm khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước phát sinh từ các khoản bảo lãnh của Chính phủ.
Theo đó, các khoản thu của Quỹ Tích lũy trả nợ bao gồm các khoản sau đây: Thu hồi nợ cho vay lại; Thu dự phòng rủi ro đối với khoản cho vay lại; Thu phí quản lý cho vay lại (phần Bộ Tài chính được hưởng theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ); Phí bảo lãnh và lãi phạt chậm trả đối với khoản phí bảo lãnh (nếu có); Thu hồi các khoản ứng vốn từ Quỹ Tích lũy trả nợ; Thu từ nghiệp vụ cơ cấu lại nợ, danh mục nợ; Thu lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn và đầu tư của Quỹ và các khoản thu hợp pháp khác.
Các khoản chi của Quỹ gồm các khoản sau đây: Chi trả nợ nước ngoài (gốc, lãi), phí (nếu có) đối với khoản vay về cho vay lại. Trường hợp ngân sách nhà nước đã ứng nguồn chi trả nợ nước ngoài, Quỹ Tích lũy trả nợ có trách nhiệm hoàn trả ngân sách nhà nước phần đã ứng; ứng vốn để trả nợ nước ngoài đối với các khoản vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chi xử lý rủi ro theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chi nghiệp vụ quản lý nợ công từ nguồn thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh theo quy định của Thủ tướng Chính phủ theo nguyên tắc không trùng lắp với dự toán chi thường xuyên được ngân sách nhà nước đảm bảo.
2. Quỹ tích lũy trả nợ tiếng Anh là gì?
Quỹ tích lũy trả nợ tiếng Anh là: Debt payment accumulation fund.
3. Mục đích của Quỹ tích lũy trả nợ:
Luật Quản lý nợ công được ban hành cũng đã phân định quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý nợ công theo nguyên tắc nhà nước thống nhất quản lý về nợ công. Nợ công được đưa về một đầu mối quản lý thống nhất là Bộ Tài chính. Quỹ tích luỹ trả nợ được lập để đảm bảo nguồn ngoại tệ trả nợ.
Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật sẽ là đơn vị quản lý Quỹ tích lũy trả nợ, với quản lý thu, chi, sử dụng quỹ theo quy định Luật Quản lý nợ công; báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ. Cơ quan này cũng sẽ đề xuất phương án xử lý trong trường hợp quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro.
Trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ, Bộ Tài chính sẽ là đơn vị được quyết gia hạn thu hồi khoản vốn ứng này, cũng như chọn ngân hàng trong nước để gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác quản lý vốn của quỹ.
Cũng theo nghị định số 92/2018/NĐ-CP, các khoản thu như thu hồi nợ cho vay lại, thu phí quản lý cho vay lại, phí bảo lãnh và lãi phạt chậm trả với khoản phí bảo lãnh hoặc lãi tiền gửi, cho vay, ủy thác quản lý vốn, đầu tư quỹ… sẽ là khoản thu của Quỹ tích lũy.
Ngược lại, các khoản chi trả nợ nước ngoài (gốc, lãi) với khoản vay về cho vay lại, chi xử lý rủi ro, chi nghiệp vụ quản lý nợ công… là khoản chi của quỹ.
Sau khi đã cân đối sử dụng cho các khoản chi được nêu trên, quỹ sẽ được sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi cho ngân sách nhà nước vay, đầu tư vốn nhàn rỗi, mua trái phiếu Chính phủ theo quy định pháp luật.
4. Quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ:
Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ cụ thể như sau:
– Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; đảm bảo an toàn, thanh khoản và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn vốn của Quỹ.
– Nguyên tắc quản lý, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ phải gắn kết quản lý Quỹ với quản lý nợ công, đảm bảo khả năng thanh toán nghĩa vụ nợ của các khoản vay về cho vay lại và xử lý rủi ro phát sinh từ việc cho vay lại, bảo lãnh chính phủ.
– Mọi khoản chi từ Quỹ Tích lũy trả nợ được thực hiện căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, thỏa thuận vay nước ngoài, hợp đồng ký giữa Bộ Tài chính và bên nhận nguồn vốn từ Quỹ tùy theo tính chất và đặc điểm của từng khoản chi quy định tại Nghị định số 92/2018/NĐ-CP.
Chính phủ nước ta đã thành lập Quỹ Tích lũy trả nợ và giao Bộ Tài chính thực hiện quản lý theo quy định tại Điều 56 của Luật Quản lý nợ công.
Theo quy định pháp luật hiện hành, Thủ tướng Chính phủ sẽ có nhiệm vụ quyết định việc sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ để nhằm mục đích có thể xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ theo quy định tại khoản 4 Điều 14 của Luật Quản lý nợ công, bao gồm quyết định về bên nhận ứng vốn, trị giá ứng vốn, lãi suất ứng vốn, thời hạn hoàn trả ứng vốn; quyết định việc khoanh nợ khoản ứng vốn hoặc cơ cấu lại khoản ứng vốn; quyết định việc sử dụng nguồn Quỹ Tích lũy trả nợ nhằm mục đích để xử lý rủi ro phát sinh, bao gồm xóa nợ gốc, lãi, lãi phạt, thay đổi lãi suất ứng vốn khi bên nhận ứng vốn gặp khó khăn do nguyên nhân bất khả kháng; quyết định việc trích một phần phí bảo lãnh, phí cho vay lại và quy định việc quản lý sử dụng kinh phí được trích từ phí bảo lãnh, phí quản lý cho vay lại cho nghiệp vụ quản lý nợ công.
Bộ trưởng Bộ Tài chính theo quy định của pháp luật hiện hành cũng có nhiệm vụ tổ chức quản lý và thực hiện thu, chi, sử dụng Quỹ Tích lũy trả nợ theo quy định tại khoản 3, 4, 5 Điều 56 Luật Quản lý nợ công và quy định tại Nghị định số 92/2018/NĐ-CP; báo cáo Chính phủ để Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về tình hình thu, chi, nghĩa vụ trả nợ, nguyên nhân Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ, đề xuất phương án xử lý theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước trong trường hợp Quỹ không đủ nguồn để chi trả nợ sau khi đã áp dụng các biện pháp xử lý rủi ro theo quy định của Luật Quản lý nợ công.
Bên cạnh đó sẽ quyết định gia hạn thu hồi khoản vốn ứng trong trường hợp đối tượng được bảo lãnh gặp khó khăn trong trả nợ theo quy định tại Nghị định của Chính phủ về cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ và Nghị định của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài; quyết định việc lựa chọn các ngân hàng thương mại trong nước để gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác quản lý vốn của Quỹ…
Quỹ Tích lũy trả nợ lập kế hoạch thu, chi hàng năm, báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định để nhằm mục đích làm căn cứ triển khai thực hiện; Kế hoạch thu, chi của Quỹ được thực hiện theo nội dung lập kế hoạch thu, chi hàng năm của Quỹ.
Về Hoàn trả ngân sách Nhà nước thì hàng tháng, Quỹ hoàn trả ngân sách Nhà nước phần nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của các khoản vay về cho vay lại do ngân sách Nhà nước đã ứng trả cho chủ nợ nước ngoài theo Hiệp định vay (hoặc thỏa thuận vay); Thời điểm Quỹ hoàn trả cho ngân sách Nhà nước chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo, riêng đối với các khoản dự kiến hoàn trả của tháng 12 sẽ được hoàn trả ngân sách Nhà nước trước ngày 30/12. Số hoàn trả chính thức của tháng 12 sẽ được đối chiếu và chuyển trả phần còn thiếu (nếu có) trong tháng 01 của năm tiếp theo.
Nghị định số 92/2018/NĐ-CP được ban hành cũng nêu chi tiết cụ thể về việc Ứng trả nợ thay cho đối tượng được bảo lãnh; Cho ngân sách Nhà nước vay; Mua trái phiếu Chính phủ; Gửi tiền có kỳ hạn, ủy thác quản lý vốn tại các ngân hàng thương mại trong nước; Ứng vốn để thực hiện cơ cấu lại khoản nợ, danh mục nợ Chính phủ; Chi nghiệp vụ quản lý nợ công; Quản lý rủi ro hoạt động của Quỹ; Chi xử lý rủi ro đối với cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và bảo lãnh Chính phủ; Kiểm toán Quỹ.
Quỹ Tích lũy trả nợ sẽ phải chịu sự kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong quá trình kiểm toán ngân sách Nhà nước hoặc kiểm toán chuyên đề nợ công theo quy định tại Điều 18 của Luật Quản lý nợ công.