Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tiềm năng của quá trình phát triển bởi đất là tư liệu sản xuất đặc biệt và việc sử dụng đất luôn gắn chặt với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội. Vậy quy hoạch sử dụng đất là gì? Đặc điểm, ý nghĩa và mục đích của việc quy hoạch sử dụng đất?
Mục lục bài viết
1. Quy hoạch sử dụng đất là gì?
Có rất nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm quy hoạch sử dụng đất. Hiểu theo cách đơn thuần thì quy hoạch sử dụng đất là sử dụng các biện pháp kỹ thuật để thực hiện việc đo đạc, vẽ bản đồ đất đai, phân chia diện tích đất,… Cũng có quan điểm khác lại cho rằng quy hoạch sử dụng đất được xây dựng trên các quy phạm của Nhà nước nhằm thể hiện tính pháp chế của quy hoạch sử dụng đất đai.
Tuy nhiên, hai cách hiểu trên chưa thể hiện đúng và đầy đủ bản chất của quy hoạch sử dụng đất bởi quy hoạch sử dụng đất không nằm trong kỹ thuật đo đạc và cũng không thuộc về hình thức pháp lý mà nó là một hoạt động vừa mang tính kỹ thuật, tính kinh tế và tính pháp lý.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 3
Như vậy, quy hoạch sử dụng đất là một hệ thống các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và pháp chế của nhà nước về tổ chức và sử dụng đất, về sự phân bố địa lý của các điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội để tổ chức lại việc sử dụng đất theo pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất xã hội, tạo điều kiện bảo vệ đất và bảo vệ môi trường. Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.
2. Đặc điểm quy hoạch sử dụng đất:
2.1. Tính lịch sử – xã hội:
Trong quy hoạch sử dụng đất luôn nảy sinh quan hệ giữa người với đất đai bởi các công việc của con người như điều tra, đo đạc, khoanh định, thiết kế… đều liên quan chặt chẽ với đất đai. Còn có cả quan hệ giữa người với người được xác nhận bằng văn bản về sở hữu và quyền sử dụng đất giữa những người chủ đất. Các quan hệ này thể hiện sự thúc đẩy phát triển của lực lượng sản xuất và của các mối quan hệ sản xuất. Ở nước ta, quy hoạch sử dụng đất đai phục vụ nhu cầu sử dụng đất và quyền lợi của toàn xã hội. Đó là lý do mà theo luật đất đai thì đất đai nước ta thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý và nhà nước giao đất cho các hộ gia đình và tổ chức sử dụng. Như vậy, quy hoạch sử dụng đất luôn là một bộ phận của phương thức sản xuất xã hội và lịch sử phát triển của xã hội. Nói cách khác quy hoạch sử dụng đất có tính lịch sử xã hội.
2.2. Tính tổng hợp:
Quy hoạch sử dụng đất đai mang tính tổng hợp rất cao được đề cập trong nhiều lĩnh vực như khoa học tự nhiên, khoa học xã hội dân số và đất đai,… Nó tác động đến việc sử dụng đất của ba nhóm đất chính là nhóm đất nông nghiệp, nhóm đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng. Tính tổng hợp được thể hiện chủ yếu ở hai mặt: đối tượng của quy hoạch là khai thác, sử dụng, cải tạo, bảo vệ… toàn bộ tài nguyên đất đai; quy hoạch sử dụng đất đề cập đến nhiều lĩnh vực về khoa học, kinh tế và xã hội như: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, dân số và đất đai, sản xuất nông, công nghiệp, môi trường sinh thái… Với đặc điểm này quy hoạch sử dụng đất là tổng hợp toàn bộ nhu cầu sử dụng đất, nó phân bố, bố trí và điều chỉnh các nhu cầu đất đai, điều hòa các vấn đề về đất đai của các ngành, lĩnh vực và đảm bảo cho nền kinh tế luôn phát triển.
2.3. Tính dài hạn:
Tính dài hạn của quy hoạch sử dụng đất thể hiện ở thời hạn của quy hoạch là 10 năm hoặc lâu hơn. Và phụ thuộc vào những biến động như sự thay đổi nhân khẩu, tiến bộ kỹ thuật, công nghiệp hoá hiện đại hóa,… để xác định quy hoạch trung và dài hạn về sử dụng đất, đề ra các phương hướng, chính sách cho việc xây dựng kế hoạch sử dụng đất. Quy hoạch dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu đất để phát triển lâu dài kinh tế xã hội. Cơ cấu và phương thức sử dụng đất được điều chỉnh từng bước trong thời gian dài cho đến khi đạt được mục tiêu dự kiến. Nó tạo cơ sở vững chắc, niềm tin cho các chủ đầu tư, tạo ra môi trường pháp lý ổn định.
2.4. Tính chiến lược và chỉ đạo vĩ mô:
Quy hoạch sử dụng đất chỉ dự kiến trước được các xu thế thay đổi mang tính đại thể chứ không dự kiến được chi tiết của sự thay đổi, vì vậy nó mang tính chiến lược, các chỉ tiêu của quy hoạch mang tính chỉ đạo vĩ mô, phương hướng và khái lược về sử dụng đất của các ngành. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất đai là quy hoạch mang tính chiến lược, tính chỉ đạo vĩ mô, tính phương hướng và khái lược về sử dụng đất của các ngành. Do khoảng thời gian dự báo tương đối dài và nhiều vấn đề khó xác định, nên quy hoạch càng khái lược hoá, quy hoạch sẽ càng ổn định. Quy hoạch thường có giá trị trong thời gian nhất định, tạo nền tảng và định hướng cho các ngành khác sử dụng đất đai theo phương hướng đã vạch ra.
2.5. Tính chính sách:
Quy hoạch sử dụng đất thể hiện rất mạnh đặc tính chính trị và chính sách xã hội. Bởi phải quán triệt các chính sách và quy định có liên quan đến đất đai của Đảng và Nhà nước, đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển ổn định kinh tế – xã hội; tuân thủ các quy định, các chỉ tiêu về dân số, đất đai và môi trường sinh thái. Trong một số trường hợp ta có thể hiểu quy hoạch là luật và đề ra phương hướng kế hoạch bắt buộc mọi người phải tuân thủ. Nó là chính sách cũng là cái khung cho mọi hoạt động diễn ra trong đó. Vì vậy, quy hoạch sử dụng đất đai thể hiện tính chính sách rất cao nhưng không phải thế mà nó vĩnh viễn, nó sẽ được thay đổi theo từng thời kỳ để phù hợp thực tiễn.
2.6. Tính khả biến:
Quy hoạch sử dụng đất chỉ là một trong những giải pháp thay đổi hiện trạng sử dụng đất cho phù hợp với việc phát triển kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Với xu hướng đi lên của xã hội, mọi sự vật hiện tượng luôn thay đổi thì các dự kiến của quy hoạch sử dụng đất không còn phù hợp. Do đó, việc chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch và điều chỉnh các biện pháp thực hiện là cần thiết. Điều này thể hiện tính khả biến của quy hoạch. Quy hoạch sử dụng đất đai có một quá trình lặp lại là quy hoạch rồi thực hiện rồi lại quy hoạch hoặc chỉnh lý và tiếp tục thực hiện… để có được chất lượng hoàn thiện và tính phù hợp cao.
3. Ý nghĩa của quy hoạch sử dụng đất:
Thứ nhất, quy hoạch sử dụng đất là một trong những công cụ để Nhà nước quản lý các loại đất đai thống nhất, phát huy tính tự chủ và nâng cao hiệu quả sử dụng đất của những tổ chức, cá nhân được giao quyền sử dụng đất. Quy hoạch đất đai sau khi được quyết định, xét duyệt nó mang tính pháp lý. Mọi hoạt động liên quan đến đất đai như giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đều phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất. Người sử dụng đất phải tuân thủ, không được trái với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Thứ hai, quy hoạch sử dụng đất đảm bảo cho đất đai được sử dụng hợp lý, tiết kiệm. Việc sử dụng đất của Nhà nước được ghi nhận và thực hiện thông qua các biện pháp quy hoạch đất. Nhà nước sẽ có thể tính toán đến các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, đến nhu cầu sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển của đất nước, tính toán đến quỹ đất của cả nước và từng địa phương để tìm ra phương án sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm.
Thứ ba, đây là công cụ hữu hiệu giúp cho Nhà nước nắm chắc quỹ đất đai và xây dựng chính sách sử dụng đất đai đồng bộ, có hiệu quả cao, hạn chế sự mâu thuẫn trong quản lý đất đai, ngăn chặn các hiện tượng chuyển mục đích sử dụng đất tuỳ tiện hay các hiện tượng tiêu cực tranh chấp, lấn chiếm, huỷ hoại đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái.
4. Mục đích của quy hoạch sử dụng đất:
Thực tế là các quy hoạch sử dụng đất ở nước ta thường bị điều chỉnh nhiều lần. Do sự thay đổi của các điều kiện kinh tế xã hội trong từng thời kỳ khác nhau, sự biến động về chính sách phát triển, sự yếu kém trong công tác quy hoạch dẫn đến việc thực hiện không hiệu quả và phải điều chỉnh. Chính vì vậy, mục đích của việc xây dựng quy hoạch sử dụng đất là nhằm lựa chọn được phương án sử dụng đất đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm đất được sử dụng tiết kiệm và đảm bảo cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Hiệu quả sử dụng đất cao mà Nhà nước hưởng đến không chỉ là hiệu quả về mặt kinh tế mà là hiệu quả về nhiều mặt như kinh tế – xã hội, môi trường – sinh thái hay an ninh – quốc phòng. Việc quy hoạch sử dụng đất tránh được các trường hợp diện tích đất chưa được sử dụng, phân khu chức năng giải quyết các vấn đề giao thông và thực hiện các chính sách đầu tư, xây dựng sản xuất theo ý đồ của Nhà nước.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết: Luật đất đai năm 2013