Hiện nay, có nhiều quy định của pháp luật được đề ra nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông và xử lý dứt điểm lối đi tự mở qua đường sắt. Vậy quy định xử lý các lối đi tự mở ngang qua đường sắt được quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định xử lý các lối đi tự mở ngang qua đường sắt:
Hiện nay, theo thống kê lối đi tự mở ngang qua đường sắt chiếm tỉ lệ khá lớn, gây ra tình trạng mất an toàn giao thông, nhiều trường hợp gây ra tai nạn giao thông. Việc mở lối đi tự mở ngang qua đường sắt là hành vi vi phạm pháp luật hành chính và sẽ phải chịu xử phạt.
Căn cứ Điều 51 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT 2002 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì hành vi tự ý mở lối đi tự mở ngang qua đường sắt sẽ chịu mức xử phạt như sau:
Cá nhân, tổ chức tự mở lối đi qua đường sắt thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức.
Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả đó là buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
2. Quy định xử phạt các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình đường sắt khác:
Căn cứ Điều 51 Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT 2002 thì mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình đường sắt đó là:
– Hành vi đổ, để rác thải sinh hoạt lên đường sắt hoặc xả rác thải sinh hoạt từ trên tàu xuống đường sắt thì bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng biệ pháp khắc phục hậu quả là: buộc phải đưa rác thải sinh hoạt; đất, đá, chất độc hại, chất phế thải và các vật liệu khác ra khỏi đường sắt.
– Thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức.
+ Hành vi đổ, để chất độc hại, chất phế thải lên đường sắt hoặc xả chất thải không bảo đảm vệ sinh môi trường lên đường sắt.
+ Hành vi đổ trái phép đất, đá, vật liệu khác lên đường sắt hoặc để rơi đất, đá, vật liệu khác từ trên tàu xuống đường sắt trong quá trình vận chuyển.
Cá nhâ, tổ chức thực hiện hai hành vi nêu trên buộc phải đưa rác thải sinh hoạt; đất, đá, chất độc hại, chất phế thải và các vật liệu khác ra khỏi đường sắt.
+ Hành vi để chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải đưa chất dễ cháy, dễ nổ ra khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt.
+ Hành vi làm che lấp tín hiệu giao thông đường sắt. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải dỡ bỏ vật che khuất biển hiệu, mốc hiệu, tín hiệu của công trình đường sắt.
+ Hành vi làm hư hỏng hoặc làm mất tác dụng của hệ thống thoát nước công trình đường sắt. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu (của hệ thống thoát nước công trình đường sắt) đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
+ Hành vi đặt tấm đan bê tông, gỗ, sắt thép, các vật liệu khác trái phép trong lòng đường sắt hoặc trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải đưa tấm đan bê tông, gỗ, sắt thép, các vật liệu khác (đặt trái phép) ra khỏi phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
+ Hành vi bơm, xả nước hoặc các chất lỏng khác làm ngập nền đường sắt, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước của hệ thống thoát nước đường sắt hoặc ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình đường sắt. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
– Thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức:
+ Hành vi đào, lấy, san, lấp đất, đá hoặc các vật liệu khác trái phép trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt;
+ Hành vi làm hỏng, tháo dỡ trái phép tường rào, hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với khu vực xung quanh; làm sai lệch vị trí hoặc phá, dỡ trái phép mốc chỉ giới ga đường sắt, mốc giới đất dành cho đường sắt, hàng rào dùng để đóng lối đi tự mở, cọc dùng để thu hẹp lối đi tự mở;
+ Hành vi làm hỏng, thay đổi, chuyển dịch biển hiệu, mốc hiệu, tín hiệu của công trình đường sắt.
– Thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức:
+ Hành vi tự mở lối đi qua đường sắt
+ Hành vi khoan, đào, xẻ đường sắt trái phép
+ Hành vi tháo dỡ, làm xê dịch trái phép ray, tà vẹt, cấu kiện, phụ kiện, vật tư, trang thiết bị, hệ thống thông tin tín hiệu của đường sắt;
+ Hành vi kéo đường dây thông tin, đường dây tải điện, xây dựng cầu, cầu vượt, hầm, hầm chui, cống, cột điện, cột viễn thông, hệ thống dẫn, chuyển nước, đường ống cấp nước, thoát nước, viễn thông (bao gồm cả công trình phục vụ quốc phòng, an ninh) trái phép qua đường sắt hoặc trong phạm vi đất dành cho đường sắt. Biện pháp khắc phục hậu quả: buộc phải phá dỡ công trình xây dựng trái phép (không có giấy phép hoặc không đúng với giấy phép),
+ Ngoài ra tất cả các hành vi vi phạm này đều bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
– Hành vi sử dụng chất nổ; khai thác đất, đá, cát, sỏi, các vật liệu khác làm lún, nứt, sạt lở, rạn vỡ công trình đường sắt, cản trở giao thông đường sắt thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với tổ chức. buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;
3. Quy định của pháp luật về trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có thẩm quyền về quản lý lối đi tự mở đối với đường sắt:
Hiện nay, các lối đi tự mở được mở ra trái phép rất nhiều nhưng cơ quan chức năng xóa mãi vẫn không hết nguyên nhân là do ý thức của người còn hạn chế, chưa thấy được nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông của các lối đi tự mở ngang qua đường sắt này. Vậy nên rất cần sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền theo đó Căn cứ Điều 13 Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BGTVT 2022 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Đường sắt quy định về trách nhiệm quản lý lối đi tự mở như sau:
– Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đường sắt chịu trách nhiệm:
+ Tổ chức, quản lý việc lập hồ sơ, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở trên đường sắt trong phạm vi địa bàn của mình.
+ Theo dõi tình hình các lối đi tự mở an toàn giao thông đường sắt và kịp thời có biện pháp ngăn chặn các lối đi tự mở phát sinh.
– Cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành giao thông vận tải đường sắt chịu trách nhiệm:
+ Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, kiểm tra, đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt tại các lối đi tự mở trên đường sắt quốc gia; kiểm tra, chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia thực hiện các quy định.
– Chủ sở hữu đường sắt chuyên dùng chịu trách nhiệm:
+ Phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp lập hồ sơ quản lý, lộ trình thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn tại các lối đi tự mở, quản lý hồ sơ, kiểm tra, cập nhật các lối đi tự mở trên đường sắt kịp thời phát hiện, báo cáo và phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp có biện pháp ngăn chặn lối đi tự mở phát sinh.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất 04/VBHN-BGTVT 2022 hợp nhất Nghị định hướng dẫn Luật Đường sắt
Văn bản hợp nhất số 03/VBHN-BGTVT 2002 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt