Quy định về công trình hạ tầng đo đạc? Quy định về xây dựng, vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc? Quy định về hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc?
Ngày nay, trong quá trình phát triển đất nước, công tác đo đạc có vai trò quan trọng, phục vụ cho các ngành, các cấp trong phát triển kinh tế – xã hội, quản lý lãnh thổ, điều tra cơ bản, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Chính vì vậy mà pháp luật nước ta đã có những quy định cụ thể về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Quy định về công trình hạ tầng đo đạc:
Tại Luật Đo đạc và bản đồ 2018, các loại công trình hạ tầng đo đạc được quy định tại Điều 34 Luật Đo đạc và bản đồ 2018 với nội dung như sau:
– Công trình hạ tầng đo đạc bao gồm công trình hạ tầng đo đạc cơ bản và công trình hạ tầng đo đạc chuyên ngành.
– Công trình hạ tầng đo đạc cơ bản bao gồm:
+ Điểm gốc đo đạc quốc gia.
+ Mốc đo đạc quốc gia.
+ Trạm định vị vệ tinh quốc gia.
+ Trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia.
– Công trình hạ tầng đo đạc chuyên ngành bao gồm:
+ Mốc đo đạc cơ sở chuyên ngành.
+ Trạm định vị vệ tinh chuyên ngành.
+ Trạm thu dữ liệu viễn thám chuyên ngành.
Quy định xây dựng công trình hạ tầng đo đạc:
Theo quy định tại Điều 12 Nghị định 27/2019/NĐ-CP có nội dung sau đây:
Công trình hạ tầng đo đạc xây dựng bằng ngân sách nhà nước phải thực hiện theo đề án, dự án, nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Đo đạc và bản đồ, pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Khi xây dựng công trình hạ tầng đo đạc, chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục để được giao đất, cho thuê đất hoặc sử dụng công trình kiến trúc đã có để xây dựng công trình hạ tầng đo đạc, xác định hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Sau khi hoàn thành xây dựng mốc đo đạc, chủ đầu tư:
– Làm biên bản bàn giao hiện trạng mốc đo đạc, hành lang bảo vệ mốc đo đạc tại thực địa cho Ủy ban nhân dân cấp xã với sự có mặt của chủ sử dụng đất có liên quan theo Mẫu số 03 Phụ lục I.
– Kèm theo sơ đồ vị trí mốc đo đạc, hành lang bảo vệ mốc đo đạc theo Mẫu số 04 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 27/2019/NĐ-CP.
– Bàn giao danh sách kèm theo sơ đồ vị trí mốc đo đạc cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông qua cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Mẫu số 05 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 27/2019/NĐ-CP.
– Đồng thời, chủ đầu tư bàn giao hồ sơ, kết quả xây dựng mốc đo đạc theo quy định của đề án, dự án, nhiệm vụ đã được phê duyệt.
2. Quy định về xây dựng, vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc:
Có thể thấy, đo đạ là hoạt động điều tra cơ bản nhằm mục đích để có thể giúp bảo đảm thông tin, số liệu đo đạc mặt đất, cơ sở dữ liệu và bản đồ địa hình cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, quản lý tài nguyên thiên nhiên và môi trường, phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn. Hiện nay, việc xây dựng công trình hạ tầng đo đạc cũng là một trong những nội dung được Nhà nước chú trọng đầu tư bằng ngân sách nhà nước và phải được thực hiện theo kế hoạch, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 1 và khoản 2 Điều 36 Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018 quy định về xây dựng công trình hạ tầng đo đạc như sau:
“1. Việc xây dựng công trình hạ tầng đo đạc bằng ngân sách nhà nước phải thực hiện theo kế hoạch, nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy định của pháp luật.
2. Nhà nước giao đất, cho thuê đất để tổ chức, cá nhân xây dựng công trình hạ tầng đo đạc theo quy định của pháp luật về đất đai.”
Đo đạc là việc thu nhận, xử lý thông tin, dữ liệu để xác định vị trí, hình dạng, kích thước và thông tin thuộc tính của đối tượng địa lý.
Như vậy, công trình hạ tầng đo đạc là những cơ sở hạ tầng được dựng nên, tạo ra nhằm phục vụ công tác đo đạc, bản đồ. Công trình hạ tầng đo đạc gồm có công trình hạ tầng đo đạc cơ bản và công trình hạ tầng đo đạc chuyên ngành.
Theo đó, nguồn kinh phí cho xây dựng công trình hạ tầng đo đạc là ngân sách nhà nước và xây dựng trên đất mà Nhà nước đã giao hoặc cho thuê theo quy định của pháp luật.
Công trình hạ tầng đo đạc phải xây dựng quy trình vận hành bao gồm:
– Trạm định vị vệ tinh quốc gia;
– Trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia;
– Trạm định vị vệ tinh chuyên ngành;
– Trạm thu dữ liệu viễn thám chuyên ngành.
Theo đó, chủ đầu tư xây dựng công trình hạ tầng đo đạc phải lập quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước khi đưa vào khai thác, sử dụng. Đối với công trình hạ tầng đo đạc đang khai thác, sử dụng mà chưa có quy trình vận hành thì tổ chức được giao vận hành công trình hạ tầng đo đạc có trách nhiệm lập quy trình vận hành trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bảo trì công trình hạ tầng đo đạc có nội dung như sau:
Bảo trì công trình hạ tầng đo đạc được hiểu là tập hợp các công việc nhằm bảo đảm và duy trì sự hoạt động bình thường, an toàn của công trình theo quy định của thiết kế trong quá trình khai thác, sử dụng. Nội dung bảo trì công trình hạ tầng đo đạc bao gồm một hoặc một số hoặc toàn bộ các công việc gồm kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa công trình.
Mỗi loại công trình hạ tầng đo đạc phải có quy trình bảo trì quy định về trình tự, nội dung và chỉ dẫn thực hiện các công việc bảo trì; quy trình bảo trì đảm bảo phù hợp và được tích hợp với quy trình vận hành công trình hạ tầng đo đạc do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Ta nhận thấy, công trình hạ tầng đo đạc xây dựng bằng ngân sách nhà nước phải thực hiện theo đề án, dự án, nhiệm vụ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật Đo đạc và bản đồ, pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc thuộc phạm vi quản lý.
Tổ chức, cá nhân được giao vận hành, bảo trì các công trình hạ tầng đo đạc phải thực hiện đúng quy trình về vận hành, bảo trì đảm bảo công trình hạ tầng đo đạc luôn hoạt động bình thường theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật thiết kế khi xây dựng.
Việc vận hành, bảo trì trạm thu dữ liệu viễn thám quốc gia, trạm thu dữ liệu viễn thám chuyên ngành theo quy định của Nghị định về hoạt động viễn thám.
3. Quy định về hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc:
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 27/2019/NĐ-CP, Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc được hiểu chính là hành lang an toàn được xác lập để đảm bảo công trình hạ tầng đo đạc luôn ổn định, hoạt động theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy định kỹ thuật, thông số kỹ thuật khi xây dựng công trình hạ tầng đo đạc.
– Căn cứ vào từng loại công trình hạ tầng đo đạc, hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc được xác lập như sau:
+ Đối với mốc đo đạc trong mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới tọa độ cơ sở chuyên ngành, hành lang bảo vệ có bán kính là 50 mét tính từ tâm mốc;
+ Đối với mốc đo đạc trong mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới độ cao cơ sở chuyên ngành, hành lang bảo vệ có bán kính là 20 mét tính từ tâm mốc;
+ Đối với mốc đo đạc trong mạng lưới trọng lực quốc gia, mạng lưới trọng lực cơ sở chuyên ngành, hành lang bảo vệ có bán kính là 10 mét tính từ tâm mốc;
+ Đối với trạm định vị vệ tinh, hành lang bảo vệ có bán kính là 50 mét tính từ tâm ăng ten thu tín hiệu vệ tinh;
+ Đối với trạm thu dữ liệu viễn thám, hành lang bảo vệ theo quy định tại Nghị định về hoạt động viễn thám.
– Bảo vệ hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc:
+ Trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc khi xây dựng, sửa chữa, cải tạo công trình kiến trúc thì chủ sở hữu công trình kiến trúc, chủ sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai đối với hành lang bảo vệ an toàn công trình và pháp luật khác có liên quan;
+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân căn cứ quy định pháp luật xác định ranh giới và bảo vệ hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc thuộc phạm vi quản lý.
Hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc phải được xác lập trong quá trình xây dựng công trình hạ tầng đo đạc. Việc tiến hành cắm mốc giới để nhằm có thể xác định và công bố công khai ranh giới hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai, ranh giới hành lang bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc được xác định trên bản đồ địa chính có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.