Phân vùng khai thác thủy sản? Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn? Các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác có thời hạn?
Hiện nay, trên thực tế, ngành Thuỷ sản Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế đất nước. Quy mô của Ngành Thuỷ sản cũng đang ngày càng mở rộng và vai trò của Ngành Thuỷ sản cũng ngày càng tăng lên không ngừng trong nền kinh tế quốc dân. Với những vai trò quan trọng như thế thì pháp luật nước ta cũng đã ban hành những quy định cụ thể về vùng khai thác thủy sản. Việc ban hành các quy định này nhằm mục đích bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại đất nước ta. Bài viết dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu quy định vùng khai thác thủy sản? Vùng cấm khai thác thủy sản?
Mục lục bài viết
1. Phân vùng khai thác thủy sản:
Trong giai đoạn hiện nay, ngành Thuỷ sản được biết đến là một trong những ngành để nhằm có thể tạo ra nguồn lương thực, thực phẩm, qua đó sẽ cung cấp các sản phẩm tiêu dùng một cách trực tiếp cho con người. Ngành Thuỷ sản ra đời cũng đã góp phần đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm, đáp ứng được yêu cầu cụ thể là tăng nhiều đạm và vitamin cho thức ăn. Chúng ta có thể nói Ngành Thuỷ sản đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho người dân, không những thế nó còn là một ngành kinh tế có ý nghĩa to lớn góp phần tạo cơ hội công ăn việc làm cho nhiều cộng đồng nhân dân, đặc biệt ở những vùng như là các vùng nông thôn và vùng ven biển.
Bên cạnh đó, ngành Thuỷ sản phát triển thì nhiều cá nhân, tổ chức cũng đã lập nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo bằng việc phát triển các mô hình nuôi trồng thuỷ sản đến cả vùng sâu, vùng xa, không những cung cấp nguồn dinh dưỡng, đảm bảo an ninh thực phẩm mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo. Với những vai trò to lớn như thế thì việc bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản có những ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chính vì thế mà nước ta cần có quy định cụ thể về việc phân vùng khai thác thủy sản.
Điều 48 Luật Thủy sản quy định về phân vùng khai thác thủy sản có nội dung cụ thể như sau:
– Vùng biển Việt Nam được phân thành ba vùng khai thác thủy sản như sau:
+ Vùng ven bờ được giới hạn bởi mép nước biển dọc theo bờ biển và tuyến bờ. Đối với các đảo, vùng ven bờ là vùng biển được giới hạn bởi ngấn nước thủy triều trung bình nhiều năm quanh bờ biển của đảo đến 06 hải lý.
+ Vùng lộng được giới hạn bởi tuyến bờ và tuyến lộng.
+ Vùng khơi được giới hạn bởi tuyến lộng và ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế của vùng biển Việt Nam.
– Ủy ban nhân dân hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển tiếp giáp nhau căn cứ vào đặc điểm cụ thể về địa lý của vùng biển ven bờ để hiệp thương xác định và công bố ranh giới vùng khai thác thủy sản ven bờ giữa hai tỉnh.
Bên cạnh đó thì việc quản lý hoạt động của tàu cá trên các vùng biển Việt Nam quy định tại Điều 43, Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính Phủ với nội dung như sau:
– Đối với tàu đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
+ Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng khơi, không được hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng.
+ Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi và vùng ven bờ.
+ Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi; tàu đăng ký tại tỉnh nào thì chỉ được hoạt động tại vùng ven bờ của tỉnh đó; trừ trường hợp có thỏa thuận về hoạt động tàu cá ở vùng ven bờ của Ủy ban nhân dân hai tỉnh.
– Đối với tàu hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản:
+ Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên hoạt động tại vùng ven bờ, vùng lộng và vùng khơi.
+ Tàu có chiều dài lớn nhất từ 12 mét đến dưới 15 mét hoạt động tại vùng ven bờ và vùng lộng, không được hoạt động tại vùng khơi.
+ Tàu có chiều dài lớn nhất dưới 12 mét hoạt động tại vùng ven bờ không được hoạt động tại vùng lộng và vùng khơi.
– Quy định về việc treo cờ:
+ Tàu cá Việt Nam phải treo quốc kỳ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây viết tắt là Quốc kỳ) ở đỉnh cột phía lái; đối với tàu không có cột phía lái thì Quốc kỳ được treo ở đỉnh cột chính.
+ Trong trường hợp tổ chức, cá nhân Việt Nam thuê tàu cá của nước ngoài phải thực hiện treo cờ của Việt Nam theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 43, Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính Phủ.
Ta nhận thấy rằng, hiện nay, khi đang đứng trước tình trạng nguồn lợi thủy sản ngày càng suy giảm, môi trường sống của các loài thủy sinh đang bị hủy hoại nhanh chóng do cường độ khai thác cao, cơ cấu các ngành nghề chưa phù hợp, hình thức khai thác thủy sản không theo đúng quy định, ý thức bảo vệ môi trường biển của người dân chưa cao, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành các văn bản pháp luật có những hướng dẫn về việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Để nhằm mục đích có thể thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ động phối hợp với các sở, ngành, địa phương tích cực triển khai đồng bộ các biện pháp tăng cường quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
2. Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn:
Theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 về khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn có nội dung cụ thể như sau:
– Tiêu chí xác định khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn như sau:
Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được xác định bởi một trong các tiêu chí sau đây:
+ Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được xác định bởi tiêu chí khu vực tập trung sinh sản của loài thủy sản, khu vực có mật độ phân bố trứng của các loài thủy sản cao hơn so với vùng lân cận.
+ Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được xác định bởi tiêu chí khu vực tập trung sinh sống của thủy sản chưa thành thục sinh sản, khu vực có mật độ phân bố cá con, tôm con và ấu trùng các loài thủy sản cao so với vùng lân cận.
+ Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được xác định bởi tiêu chí khu vực di cư sinh sản của loài thủy sản.
+ Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được xác định bởi tiêu chí khu vực cấm khai thác thủy sản của các tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải là thành viên nhưng có hợp tác.
– Danh mục khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 15/11/2018.
Khu vực cấm khai thác thủy sản có thời hạn được biết đến là một quy định quan trọng được lập ra nhằm mục đích chính là có thể bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác có thời hạn. Việc ban hành quy định này có ý nghĩa và vai trò to lớn trong thực tiễn đời sống đối với các chủ thể có liên quan.
3. Các biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác có thời hạn:
Để nhằm mục đích có thể tăng cường công tác quản lý và thực hiện khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác có thời hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực chỉ đạo Chi cục Thủy sản in sao tài liệu, pa-nô, áp phích, tờ rơi, bản cam kết… cấp phát cho các chủ thể là những người dân hiện đang sinh sống tại các xã ven biển, chủ tàu, thuyền và các chủ thể là những người lao động trên tàu, thuyền nhằm mục đích từ đó sẽ có thể nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh, huyện về công tác quản lý khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác có thời hạn theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Một vấn đề nữa đó là cần phải phối hợp với các cơ quan chức năng để nhằm có thể tăng cường tuyên truyền về công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các phương thức và phương tiện mà pháp luật quy định được phép hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản; cơ quan chức năng cũng cần chỉ đạo các đơn vị trong ngành thuỷ sản phải phối hợp với các cơ quan và chính quyền địa phương thực hiện việc tổ chức thả giống nhằm mục đích có thể tái tạo nguồn lợi thủy sản; cơ quan nhà nước cũng cần tăng cường các hoạt động giám sát trong quá trình thực hiện nuôi trồng thủy sản, thực hiện quan trắc và cảnh báo môi trường để nhằm mục đích có thể đảm bảo an toàn cho các khu nuôi trồng thủy sản tập trung.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố sẽ có trách nhiệm thực hiện chỉ đạo các đồn Biên phòng trên biển và vùng cửa sông, kịp thời phát hiện và phải nhanh chóng có biện pháp xử lý đối với các hành vi vi phạm; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, thành phố cũng cần phối hợp với Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở đợt cao điểm kiểm tra việc chấp hành đối với các quy định của pháp luật trong hoạt động thủy sản tại địa phương mình; bên cạnh đó thì cũng cần phải tổ chức tuyên truyền, giáo dục, vận động những chủ thể là người dân tham gia thả giống phóng sinh đối với các loài thủy sản tại địa phương có giá trị kinh tế, không được thực hiện phóng sinh các loại thủy sản ngoại lai xâm hại đến môi trường tự nhiên.
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động bố trí phương tiện, lực lượng, phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị trong các ngành, các địa phương thực hiện công tác tuần tra, kiểm tra phát hiện ngăn chặn và phải có các biện pháp xử lý nghiêm các hành vi vi phạm xâm hại nguồn lợi thủy sản tại vùng cấm khai thác có thời hạn.
Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản cũng sẽ cần phải tăng cường thực hiện việc tuyên truyền, kiểm tra, giám sát các hoạt động nuôi trồng thủy sản đảm bảo bền vững, thân thiện với môi trường, góp phần bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Trong nhiều năm liền, Ngành Thuỷ sản nước ta vẫn luôn giữ vị trí cao trong bảng danh sách các ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất đất nước. Không những thế, ta cũng nhận thấy, ngành Thuỷ sản luôn giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ an ninh, chủ quyền trên biển, ổn định xã hội và phát triển kinh tế các vùng ven biển, hải đảo, từ đó cũng góp phần quan trọng thực hiện chiến lược quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân.