Cấp tái định cư là một trong những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người sử dụng đất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng đất khi có đất bị thu hồi. Vậy quy định việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư diễn ra như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Phương án hỗ trợ thu hồi đất là phương án “thêm” để đảm bảo cho người dân được bảo vệ quyền lợi một cách tốt nhất khi Nhà nước thu hồi đất. Thực tế, phương án hỗ trợ là phương án đi kèm, nó không áp dụng cho mọi trường hợp; mà chỉ những trường hợp nào đảm bảo theo quy định của pháp luật về chính sách hỗ trợ thì mới được hỗ trợ. Cấp tái định cư là một trong những chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người sử dụng đất nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của người sử dụng đất khi có đất bị thu hồi.
– Theo quy định tại Khoản 1 Điều 83
+ Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất ngoài việc được bồi thường theo quy định của Luật đất đai 2013 (các phương án bồi thường đã được phân tích trên đề mục) còn được Nhà nước xem xét hỗ trợ.
+ Khi tiến hành hỗ trợ, cơ quan Nhà nước cần phải đảm bảo việc hỗ trợ phải bảo đảm khách quan, công bằng, kịp thời, công khai và đúng quy định của pháp luật.
Đây là những nguyên tắc áp dụng chung nhất mà cơ quan chức năng có thẩm quyền phải tiến hành thực hiện khi thu hồi đất.
– Ngoài ra, Khoản 2 Điều 83 Luật đất đai 2013 còn quy định về các khoản hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất bao gồm:
+ Nhà nước sẽ hỗ trợ người sử dụng đất ổn định đời sống và sản xuất;
+ Người sử dụng đất được cơ quan Nhà nước hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp; thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân mà phải di chuyển chỗ ở;
+ Đối với trường hợp thu hồi đất ở của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà phải di chuyển chỗ ở sẽ được Nhà nước hỗ trợ tái định cư;
+ Các khoản hỗ trợ khác theo từng trường hợp cụ thể.
Từ nội dung phân tích ở trên, có thể thấy, hỗ trợ tái định cư là một trong những phương án hỗ trợ thu hồi đất của cơ quan chức năng có thẩm quyền. Hỗ trợ tái định cư được diễn ra khi người sử dụng đất bị thu hồi đất ở, phải di chuyển ra chỗ ở khác, thì sẽ được cơ quan Nhà nước hỗ trợ tái định cư.
2. Quy định việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:
Điều 30
– Đối với việc trừ khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai vào số tiền được bồi thường quy định tại Khoản 4 Điều 93 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:
+ Khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước nhưng đến thời điểm thu hồi đất vẫn chưa nộp;
+ Số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính quy định về đất đai bao gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp cho Nhà nước nhưng đến thời điểm thu hồi đất vẫn chưa nộp được xác định theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.
+ Khoản tiền được bồi thường để trừ vào số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính gồm tiền được bồi thường về đất, tiền được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại (nếu có). Một điểm cần lưu ý rằng,khoản tiền được bồi thường để trừ vào số tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính gồm tiền được bồi thường về đất, tiền được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại không trừ các khoản tiền được bồi thường chi phí di chuyển, bồi thường thiệt hại về tài sản, bồi thường do ngừng sản xuất kinh doanh và các khoản tiền được hỗ trợ vào khoản tiền chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai.
– Đối với trường hợp bồi thường bằng việc giao đất mới hoặc giao đất ở, nhà ở tái định cư hoặc nhà ở tái định cư, nếu có chênh lệch về giá trị thì phần chênh lệch đó được thanh toán bằng tiền theo quy định sau:
+ Người được hưởng tái định cư được nhận phần chênh lệch trong trường hợp tiền bồi thường về đất lớn hơn tiền đất ở, nhà ở hoặc tiền nhà ở tại khu tái định cư.
+ Chủ thể được bố trí tái định cư phải nộp phần chênh lệch trong trường hợp tiền bồi thường về đất nhỏ hơn tiền đất ở, nhà ở hoặc tiền nhà ở tái định cư.
– Đối với trường hợp diện tích đất thu hồi đang có tranh chấp về quyền sử dụng đất mà chưa giải quyết xong thì tiền bồi thường, hỗ trợ đối với phần diện tích đất đang tranh chấp đó được chuyển vào Kho bạc Nhà nước. Khoản tiền này chờ sau khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết xong thì trả cho người có quyền sử dụng đất.
– Quy định của pháp luật về việc thực hiện ứng vốn để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như sau:
+ Quỹ đất sạch để giao đất, cho thuê đất thực hiện theo Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất được tạo do quỹ phát triển đất thực hiện ứng vốn cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.
+ Trong trường hợp người được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật về đất đai tự nguyện ứng trước kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo phương án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt thì được ngân sách nhà nước hoàn trả bằng hình thức trừ vào tiền sử dụng đất, tiền thuê đất phải nộp.
Có thể thấy, việc chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phụ thuộc vào rất nhiều thành tố liên quan khác nhau. Pháp luật quy định về những khoản chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong từng trường hợp cụ thể. Các khoản chi phí này mang tính áp dụng chung nhất, để cơ quan chức năng có thẩm quyền dựa vào, đưa ra kết luận hỗ trợ bồi thường.
Đồng thời, quy định trên của pháp luật nhằm đảm bảo hoạt động bồi thường, hỗ trợ tái định cư diễn ra một cách khách quan, minh bạch; tránh những hành vi mưu đòi chuộc lợi xảy ra. Đây chính là cơ sở duy trì trật tự quản lý trật tự an toàn xã hội về đất đai.
3. Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư hết bao nhiêu?
Cấp tái định cư là phương án bồi thường, hỗ trợ người dân trước quyết định thu hồi đất mà Nhà nước đưa ra. Để thực hiện hoạt động bồi thường, hỗ trợ này, Nhà nước cũng cần phải chi trả một nguồn chi phí nhất định.
Theo quy định Điều 32 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, khi thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nhà nước cần bỏ ra một nguồn kinh phí cụ thể như sau:
– Khi tiến hành bồi thường, hỗ trợ tái định cư, Nhà nước cần bỏ ra kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gồm các khoản sau: Tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với đất thu hồi để thực hiện dự án đầu tư, chi phí bảo đảm cho việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các khoản chi phí khác. Muốn xác định tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, Nhà nước phải căn cứ dựa theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án được quy định cụ thể sau đây:
+ Kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tính vào kinh phí thực hiện dự án đầu tư;
+ Bộ, ngành có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Đồng thời phải chấp thuận, quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ nhưng do Bộ, ngành thực hiện và các dự án do Bộ, ngành làm chủ đầu tư;
+ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bảo đảm kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
+ Đối với trường hợp chủ đầu tư tự nguyện ứng trước tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án không thuộc trường hợp quy định nêu trên.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật đất đai 2013;
Nghị định số 47/2014/NĐ-CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;
Luật nhà ở 2014.