Quy định về xuất khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi? Quy định về nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi?
Nhu cầu của con người về thực phẩm ngày càng nhiều và đa dạng thúc đẩy sự phát triển của xuất nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi ngày càng nhiều hơn, theo đó vấn đề xuất nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi cũng cần được đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Tổng đài Luật sư
Mục lục bài viết
1. Quy định về xuất khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi:
Căn cứ theo quy định tại điều 77. Xuất khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi
1. Tổ chức, cá nhân được phép xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi và vật nuôi không thuộc Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu.
2. Hồ sơ, chất lượng vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.
Theo quy định này pháp luật đã quy định cụ thể về xuất khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi. Hiện nay trên thực tế ta thấy với việc xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp lớn giàu nguồn lực tài chính và công nghệ, ngành chăn nuôi đã có những bước chuyển rõ nét. Nhiều chuỗi liên kết giá trị đã hình thành, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ một nước phải nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi, đến nay, thịt gà, trứng, sữa… của Việt Nam đã có mặt tại nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, để tận dụng các cơ hội, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam, còn rất nhiều việc phải làm.
Mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, nhưng sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu chưa tương xứng với tiềm năng của chăn nuôi Việt Nam do nhiều nguyên nhân, trong đó có lĩnh vực chế biến – chế biến sâu vừa thiếu, vừa yếu. Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, đến nay, cả nước mới có 104 nhà máy công nghiệp chế biến thịt, trứng và sữa xuất khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước, số còn lại đều có quy mô nhỏ lẻ.
Mặt khác, việc thiếu các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nói chung cũng như các nước nhập khẩu nói riêng dẫn đến không ít bất cập trong việc sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Để duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững, ngành chăn nuôi cần mở cửa thị trường xuất khẩu, hướng tới các thị trường tiềm năng…
Bên cạnh đó, Bộ sẽ đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại quốc tế, tăng cường giới thiệu quảng bá sản phẩm chăn nuôi, mở cửa thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin chính sách thị trường xuất khẩu. Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với Tham tán Thương mại, Tham tán Nông nghiệp hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường trọng điểm như: Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản…
Lưu ý theo quy định của pháp luật thì các loại hồ sơ, chất lượng vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu phải được thực hiện theo đúng quy định và trình tự thủ tục.
2. Quy định về nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi:
Căn cứ theo quy định tại điều 78. Nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi Luật chăn nuôi 2018 quy định cụ thể như sau:
“1. Vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải có hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật.
2. Trước khi vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại cửa khẩu theo quy định, vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải được kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.
3. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định kiểm tra về văn bản pháp luật, hệ thống tổ chức thực thi, điều kiện sản xuất, kinh doanh vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi tại nước xuất xứ theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trong trường hợp sau đây:
a) Đánh giá để thừa nhận lẫn nhau;
b) Vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu lần đầu từ nước xuất xứ;
c) Phát hiện nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng, môi trường, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh của sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vào Việt Nam;
d) Trường hợp sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu có nguy cơ cao về an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh phải tiến hành kiểm tra cơ sở sản xuất, cung cấp tại nước xuất xứ trước khi cho phép nhập khẩu.
4. Sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu vi phạm pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh phải được thu hồi, xử lý theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định chi tiết điểm d khoản 3 Điều này; việc nhập khẩu vật nuôi sống làm thực phẩm và cửa khẩu được phép tiếp nhận vật nuôi sống nhập khẩu vào Việt Nam.”
Theo quy định này chúng ta thấy pháp luật đã cụ thể hóa về các quy định nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi, theo đó vấn đề nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi cần được thực hiện đúng theo quy định đã đề ra như trên. Để bảo đảm nguồn cung cho thị trường, các doanh nghiệp trong nước đã đẩy mạnh việc nhập khẩu thịt gia súc, gia cầm về Việt Nam tiêu thụ. Tuy nhiên trên thực tế đã nhận được thông báo sản phẩm thịt của một vài quốc gia đang tiêu thụ trên thị trường Việt Nam có dấu hiệu mất an toàn thực phẩm. Do đó, việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu là hết sức cần thiết.
Trong đó, có nguyên nhân người chăn nuôi trong nước đang chịu áp lực cạnh tranh rất lớn từ sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu không ngừng tăng nhanh những năm gần đây. Trước những biến động, cạnh tranh ngày càng gay gắt, các quốc gia ngày càng nâng cao hàng rào kỹ thuật, kiểm dịch động vật, an toàn thực phẩm và chất lượng để hạn chế nhập khẩu. Trong khi đó, việc xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhập khẩu của Việt Nam còn khá chậm so với các nước.
Trước thực trạng trên, Hội Chăn nuôi Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nôn thôn phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm trước khi vào Việt Nam để bảo đảm an toàn thực phẩm.
Ở góc độ doanh nghiệp thì điều cần làm đối với các ngành chức năng cần kiểm soát tốt việc nhập khẩu thực phẩm tại các cửa khẩu sân bay, điểm thông quan, hoạt động kinh doanh thực phẩm nhập khẩu tạm nhập tái xuất; sản phẩm bày bán trên thị trường; kiên quyết dẹp bỏ các điểm, cơ sở tự phát kinh doanh thịt nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm.
Từ việc xuất hiện những lô hàng nhập khẩu thực phẩm chưa bảo đảm an toàn thực phẩm, các ngành chức năng cần kiểm soát chặt chẽ từ năng lực của doanh nghiệp, cũng như uy tín của các nhà xuất khẩu thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, bảo đảm cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Khó khăn, vướng mắc khiến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam thấp hơn nhiều so với nhập khẩu là Việt Nam phải mất nhiều năm đàm phán để xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi do các nước nhập khẩu có hàng rào kỹ thuật rất chặt chẽ, nhất là quy định động vật, sản phẩm động vật xuất khẩu phải có nguồn gốc từ quốc gia, vùng an toàn dịch bệnh; nhiều quy định khắt khe khác về kiểm dịch động vật cũng như về an toàn thực phẩm…
Chỉ ra những rủi ro cho ngành chăn nuôi trong nước khi chưa thật sự xây dựng được hàng rào kỹ thuật “cứng cáp” với sản phẩm động vật nhập khẩu thì từ 2 năm nay, hiệp hội đã có nhiều kiến nghị về việc cần tăng cường hàng rào kỹ thuật, nhất là trong kiểm dịch động vật, chống bán phá giá với sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Vừa qua, nhiều dịch bệnh xuất hiện trên vật nuôi ở Việt Nam có nguyên nhân do nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi từ các nước về. Những dịch bệnh khác trên vật nuôi cũng có nguy cơ tiếp tục xâm nhiễm vào Việt Nam, đặc biệt nguy hiểm là những dịch bệnh mới này có khả năng lây truyền giữa động vật qua người.
Ben cạnh đó chúng ta phải siết chặt hàng rào kỹ thuật trong nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi để bảo vệ chăn nuôi trong nước, hạn chế tối đa những sơ hở để dịch bệnh xâm nhập. Ngoài ra, sản phẩm nhập khẩu tràn lan ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước, nhất là hơn chục triệu hộ chăn nuôi cần được bảo hộ để có cơ hội phát triển, làm ăn hiệu quả.