Thông tin đất đai là dữ liệu rất quan trọng và được nhiều người dân quan tâm. Do đó nhà nước luôn có cơ chế quy định chặt chẽ về xây dựng, khai thác hệ thống thông tin đất đai.
Mục lục bài viết
1. Hệ thống thông tin đất đai là gì?
Hệ thống thông tin đất đai là một phần của hệ thống thông tin tài nguyên và môi trường. Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai sẽ được thực hiện theo một nguyên tắc, cụ thể là:
– Việc xây dựng sẽ theo một thiết kế thống nhất và đồng bộ trong phạm vi cả nước.
– Mục đích xây dựng để nhằm cung cấp dữ liệu đất đai cho nhiều đối tượng sử dụng và phục vụ cho nhiều mục đích sử dụng.
– Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai cũng cần phải bảo đảm sự an toàn, bảo mật và hoạt động thường xuyên.
– Việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai bảo đảm tính mở, cho phép chia sẻ với hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu của các ngành, các cấp có liên quan.
Việc quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai cũng dựa trên nguyên tắc như sau:
– Phục vụ một cách kịp thời công tác quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
– Bảo đảm tính cập nhật, đầy đủ và có hệ thống.
– Bảo đảm tính khoa học, thuận tiện cho khai thác và sử dụng.
– Sử dụng dữ liệu đúng mục đích.
– Tuân theo các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
– Khai thác và sử dụng dữ liệu phải thực hiện nghĩa vụ tài chính.
2. Quy định về xây dựng hệ thống thông tin đất đai:
Căn cứ Điều 6 Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BTNMT quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai như sau:
Hệ thống thông tin đất đai bao gồm:
– Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai.
– Hệ thống phần mềm hệ điều hành, phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia.
Trong đó:
– Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai phải đảm bảo được vận hành đúng theo mô hình quy định sau:
+ Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đất đai bao gồm hệ thống các máy chủ, hệ thống lưu trữ, thiết bị mạng, máy trạm, thiết bị ngoại vi và các thiết bị hỗ trợ khác.
+ Hạ tầng mạng kết nối sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, mạng diện rộng ngành tài nguyên và môi trường hoặc mạng truyền số liệu do các nhà dịch vụ cung cấp; có sự ưu tiên sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước.
– Hệ thống phần mềm phải đảm bảo theo tổng thể hệ thống thông tin đất đai được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, đồng thời tuân thủ các quy định như sau:
+ Bảo đảm yêu cầu bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu trong việc cập nhật, chỉnh lý dữ liệu đất đai.
+ Bảo đảm việc phân cấp chặt chẽ đối với quyền truy cập thông tin trong cơ sở dữ liệu.
+ Bảo đảm nhập liệu, quản lý, cập nhật được thuận tiện đối với toàn bộ dữ liệu đất đai.
+ Thể hiện đất đai theo hiện trạng cũng như lưu giữ được thông tin biến động về sử dụng đất trong lịch sử.
+ Nhanh chóng, thuận tiện và chính xác trong việc khai thác các thông tin đất đai.
– Đối với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia: bảo đảm theo thiết kế tổng thể của hệ thống thông tin đất đai và chuẩn dữ liệu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
+ Với cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia tại Trung ương: được xây dựng từ các nguồn dữ liệu về đất đai được lưu trữ tại Trung ương.
+ Với cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương: được xây dựng từ kết quả đo đạc, lập bản đồ địa chính hay từ việc đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chỉnh; quy hoạch, kế hoạch về đất đai.
3. Quy định về khai thác hệ thống thông tin đất đai:
Căn cứ quy định tại Điều 9 Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BTNMT, khai thác thông tin đất đai sẽ thực hiện qua các hình thức sau:
Thứ nhất, thông qua mạng internet, cổng thông tin đất đai, dịch vụ tin nhắn SMS:
– Muốn được khai thác thông tin đất đai qua mạng internet, cổng thông tin đất đai thì cá nhân, tổ chức phải thực hiện đăng ký tài khoản, sau đó được cho phép truy cập, khai thác dữ liệu từ hệ thống thông tin đất đai.
– Khi được cấp quyền truy cập, cá nhân, tổ chức phải có nghĩa vụ sau:
+ Theo thông tin đã được cấp, phải truy cập đúng địa chỉ, mã khóa.
+ Tuyệt đối không được làm lộ địa chỉ, mã khóa truy cập đã được cấp.
+ Chỉ được phép khai thác dữ liệu trong phạm vi được cấp.
+ Sử dụng dữ liệu đúng mục đích.
+ Không được phép xâm nhập trái phép và cơ sở dữ liệu đất đai.
+ Quản lý nội dung các dữ liệu đã khai thác, tuyệt đối không cung cấp các nội dung đó cho tổ chức, cá nhân khác, ngoại trừ trường hợp có sự thỏa thuận, cho phép của cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai bằng văn bản.
+ Đối với các phần dữ liệu về đất đai, không được phép thay đổi, xóa, hủy, sao chép, tiết lộ, hiển thị, di chuyển trái phép một phần hoặc toàn bộ dữ liệu.
+ Không được có hành vi phá hoại hệ thống thông tin đất đai như tạo ra hay phát tán các chương trình phần mềm làm rối loạn, thay đổi hệ thống.
+ Với những sai sót của dữ liệu đã cung cấp thì phải thông báo kịp thời cho cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai.
– Trách nhiệm của cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai:
+ Đối với khuôn dạng dữ liệu phải đảm bảo theo đúng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để nhằm mục đích dễ dàng tải xuống, hiển thị nhanh chóng và in ấn bằng các phương tiện điện tử phổ biến.
+ Bảo đảm cho cá nhân, tổ chức được truy cập một cách thuận tiện.
+ Bảo đảm có công cụ tìm kiếm dữ liệu dễ sử dụng và cho kết quả đúng nội dung cần tìm kiếm.
+ Hỗ trợ cho các cá nhân, tổ chức truy cập hệ thống thông tin đất đai.
+ Đối với dữ liệu trong hệ thống thông tin đất đai thì phải bảo đảm chính xác, thống nhất về nội dung cũng như cập
Thứ hai, thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản tại cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu đất đai.
Hình thức khai thác dữ liệu đất đai này được quy định tại Điều 11 Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BTNMT, cụ thể:
– Cá nhân, tổ chức có nhu cầu khai thác dữ liệu đất đai sẽ thực hiện nộp phiếu yêu cầu hoặc gửi văn bản yêu cầu cho các cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai (mẫu số 01/PYC).
– Cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai sau khi tiếp nhận phiếu yêu cầu hợp lệ sẽ tiến hành cung cấp dữ liệu cho tổ chức, cá nhân có yêu cầu khai thác dữ liệu.
Thứ ba, khai thác dữ liệu đất đai thông qua hình thức hợp đồng:
Thực tế, khai thác dữ liệu đất đai thông qua hình thức hợp đồng đối với những trường hợp khai thác dữ liệu đất đai cần phải được tổng hợp, xử lý trước.
Khi đó, giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác dữ liệu lập hợp đồng theo quy định của Bộ luật dân sự.
Mẫu hợp đồng cung cấp, khai thác dữ liệu đất đai có mẫu được quy định tại Văn bản hợp nhất số 06/VBHN-BTNMT (mẫu số 02).
4. Quy trình thực hiện cung cấp dữ liệu đất đai:
Bước 1: Nộp hồ sơ:
Cá nhân, tổ chức có nhu cầu sẽ thực hiện nộp hồ sơ tại cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai theo các hình thức sau:
– Nộp trực tiếp.
– Gửi qua đường công văn, fax, bưu điện.
– Gửi qua thư điện tử hoặc qua cổng thông tin đất đai.
Bước 2: Tiếp nhận và giải quyết:
Sau khi nhận được phiếu yêu cầu của cá nhân, tổ chức, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiếp nhận, xử lý.
Đồng thời phải thực hiện thông báo nghĩa vụ tài chính cho các cá nhân, tổ chức.
Nếu như cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai từ chối cung cấp dữ liệu thì sẽ phải nêu rõ và trả lời cho tổ chức, cá nhân biết.
Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính:
Cá nhân, tổ chức thực hiện nghĩa vụ tài chính. Sau khi thực hiện xong, cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai tiến hành cung cấp dữ liệu đất đai theo yêu cầu.
5. Thời hạn và chi phí cung cấp dữ liệu đất đai:
– Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai quy định như sau:
+ Phải cung cấp ngay trong ngày nếu như nhận được yêu cầu trước 15 giờ.
+ Cung cấp dữ liệu đất đai được thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo nếu như nhận được yêu cầu sau 15 giờ.
+ Thời hạn cung cấp dữ liệu đất đai được xác định theo thỏa thuận giữa cơ quan cung cấp dữ liệu đất đai và người có yêu cầu trong hợp đồng nếu như cung cấp dữ liệu đất đai dưới hình thức tổng hợp thông tin.
– Chi phí trả cho việc cung cấp dữ liệu đất đai:
Theo quy định, các khoản chi phí phải trả bao gồm:
+ Chi phí in ấn, sao chụp hồ sơ, tài liệu.
+ Phí khai thác và sử dụng tài liệu đất đai.
+ Các khoản chi phí khác.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Văn bản hợp nhất 06/VBHN-BTNMT Thông tư quy định về xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin đất đai.