Tội trộm cắp tài sản là tội phạm diễn ra hết sức phổ biến. Vậy người không thực hiện hành vi trộm cắp nhưng có hành vi giúp sức thì có bị xử phạt không. Quy định về xác định, xử lý đồng phạm tội trộm cắp tài sản như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Cấu thành tội trộm cắp tài sản:
Điều 138 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017 không mô tả những dấu hiệu của tội trộm cấp tài sản mà chỉ nêu tội danh. Qua thực tiễn xét xử có thể hiểu tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ và thuộc một trong các trường hợp sau:
– Tài sản trộm cắp có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên
– Gây hậu quả nghiêm trọng
– Đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản
– Đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản và chưa được xoá án tích.
Dấu hiệu của tội trộm cắp tài sản là dấu hiệu hành vi chiếm đoạt tài sản cùng với hai dấu hiệu khác thể hiện tính chất của hành vi chiếm đoạt (dấu hiệu lén lút) và tính chất của đối tượng bị chiếm đoạt (dấu hiệu tài sản đang có chủ).
Dấu hiệu chiếm đoạt trong CTTP tội trộm cắp tài sản được thực tiễn xét xử từ trước đến nay hiểu là chiếm đoạt được. Như vậy, tội trộm cắp tài sản chỉ coi là hoàn thành khi người phạm tội đã chiếm đoạt được tài sản. Để đánh giá người phạm tội đã chiếm đoạt được hay chưa, đã làm chủ được tài sản hay chưa phải dựa vào đặc điểm, vị trí tài sản bị chiếm đoạt. Thực tiễn xét xử có một số trường hợp sau:
– Nếu vật chiếm đoạt gọn nhỏ thì coi đã chiếm đoạt được khi người phạm tội đã giấu được tài sản trong người.
– Nếu vật chiếm đoạt không thuộc loại nói trên thì coi chiếm đoạt được khi đã mang được tài sản ra khỏi khu vực bảo quản.
– Nếu vật chiếm đoạt là tài sản để ở những nơi không hình thành khu vực bảo quản riêng thì coi là đã chiếm đoạt được khi đã dịch chuyển tài sản khỏi vị trí ban đầu.
Hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản có hai dấu hiệu phân biệt với hành vi chiếm đoạt của những tội khác, đó là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu tài sản đang có chủ. Hành vi chiếm đoạt tài sản có đặc điểm khách quan là lén lút và ý thức chủ quan của người thực hiện cũng là lén lút. Ý thức chủ quan của người phạm tội là lén lút nếu khi thực hiện hành vi chiếm đoạt người phạm tội có ý thức che giấu hành vi đang thực hiện của mình. Việc che giấu này chỉ đòi hỏi đối với chủ tài sản. Đối với những người khác ý thức chủ quan của người trộm cắp tài sản có thể vẫn là công khai. Nhưng trong thực tế, ý thức chủ quan của người phạm tội trong phần lớn các trường hợp cũng là lén lút che giấu đối với người khác. Ý thức lén lút che giấu này có thể là che giấu toàn bộ hành vi phạm tội như che giấu đối với chủ tài sản hoặc chỉ che giấu tính chất phi pháp của hành vi.
Tài sản là đối tượng của tội trộm cắp tài sản là tài sản đang có chủ. Hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản ở tội trộm cắp tài sản phải là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản đang có chủ. Tài sản được coi là đang có chủ là tài sản đang ở trong sự chiếm hữu của người khác, nghĩa là đang nằm trong sự chi phối về mặt thực tế của chủ tài sản hoặc người có trách nhiệm. Thông thưởng việc xác định tài sản còn nằm trong sự chiếm hữu của chủ tài sản hoặc của người có trách nhiệm hay không, không phức tạp trừ một số trường hợp tài sản là những vật nuôi có thể tự động di chuyển vị trí ngoài ý muốn của chủ nuôi như trâu bỏ ngựa v.v..
Xét về khách quan chỉ những tài sản thuộc hai loại nêu trên mới có thể là đối tượng của tội trộm cắp tài sản. Xét về chủ quan người phạm tội trộm cắp tài sản khi thực hiện hành vi phạm tội cũng biết tài sản chiếm đoạt có đặc điểm đang có chủ. Nếu người phạm tội thực sự có sự sai lầm cho rằng tài sản không có chủ thì hành vi không cấu thành tội trộm cắp tài sản. Để đánh giá sự sai lầm của người phạm tội là có căn cứ hay không cần xem xét trước hết đặc điểm của tài sản cũng như vị trí và cách để tài sản đó.
2. Quy định về xác định, xử lý đồng phạm tội trộm cắp tài sản:
Trong thực tiễn xét xử, đồng phạm là một thuật ngữ pháp lý xuất hiện khá phổ biến. Theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017 thì đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. Như vậy dấu hiệu để nhận biết đồng phạm đó là: Đồng phạm phải có từ hai người trở lên, đều phải có năng lực trách nhiệm hình sự và độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và cùng cố ý cùng thực hiện một tội phạm, tức mỗi người phạm tội với tư cách là đồng phạm đều có hành vi tham gia vào việc thực hiện tội phạm, hành vi của mỗi người được thực hiện có sự liên kết với nhau, hỗ trợ, bổ sung cho hành vi của nhau. Đồng thời, hành vi phạm tội của mỗi người đều nhằm mục đích chung là đạt được kết quả thực hiện tội phạm. Nếu nhiều người cùng thực hiện một tội phạm nhưng hành vi của từng người thực hiện một cách độc lập và không có sự bàn bạc, liên hệ, ràng buộc, hỗ trợ lẫn nhau thì sẽ không được coi là đồng phạm.
Như vậy, đồng phạm tội trộm cắp tài sản là có từ hai người trở lên cùng thực tội phạm trộm cắp tài sản, có thể vai trò giữa những người này là khác nhau nhưng có sự liên hệ, bàn bạc, hỗ trợ lẫn nhau khi tham gia thực hiện tội phạm.
Theo đó, người đồng phạm bao gồm 4 vai trò sau:
– Người tổ chức: Là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Lưu ý rằng, không phải mọi vụ án đồng phạm đều có người tổ chức. Thường các vụ án phạm tội có tổ chức sẽ xuất hiện loại đồng phạm này.
– Người thực hành: Là người trực tiếp thực hiện tội phạm, hành vi đó là nguyên nhân trực tiếp gây ra hậu quả, dù đồng phạm giản đơn hay phạm tội có tổ chức thì bao giờ cũng có người thực hành.
– Người xúi giục: Là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Hành vi xúi giục thực hiện trước khi người thực hành thực hiện hành vi phạm tội, hành vi xúi giục phải cụ thể nhằm vào tội phạm cụ thể và người phạm tội cụ thể. Nếu chỉ nói những lời có tính chất thông báo, gợi ý chung chung không cụ thể thì không thể coi là người xúi giục.
– Người giúp sức: Là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm, chứ người giúp sức không tham gia vào việc thực hiện tội phạm. Hành vi của người giúp sức được thể hiện như sau: Người giúp sức có thể giúp bằng lời khuyên, lời chỉ dẫn; cung cấp phương tiện tội phạm hoặc khắc phục những trở ngại cho việc thực hiện tội phạm; hứa che giấu người phạm tội, phương tiện, xoá dấu vết, hứa tiêu thụ tài sản do tội phạm mà có…Ngoài ra, hành vi tạo những điều kiện về tinh thần thường gặp như hứa ban phát cho người phạm tội một lợi ích tinh thần nào đó như: hứa đề bạt, thăng cấp, tăng lương cho người phạm tội,….Hành vi tạo điều kiện vật chất cho việc thực hiện tội phạm là hành vi cung cấp phương tiện tội phạm như: cung cấp dao, súng, côn gỗ, xe máy, xe ô tô… để người phạm tội thực hiện tội phạm.
Trong đó, một vụ án đồng phạm không phải lúc nào cũng có đủ 04 loại người đồng phạm nêu trên, một người có thể đóng nhiều vai trò đồng phạm. Như vậy, khi phạm tội trộm cắp tài sản, người đồng phạm có thể thực hiện một trong 4 vai trò nêu trên, có thể là người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức, việc xác định được vai trò đồng phạm tùy thuộc vào hành vi thực hiện, diễn biến, hoàn cảnh tội phạm. Ví dụ: A, B, C cùng thực hiện một vụ trộm cắp tài sản. Trong đó B, C là những người trực tiếp trộm cắp tài sản; A là người đứng ra lên kế hoạch và chỉ đạo B, C thực hiện. Theo đó đây là vụ án có đồng phạm, trong đó A là giữ vai trò là người tổ chức; B, C giữ vai trò là là người thực hành.
Những người đồng phạm có hành vi phạm tội đều cùng phải chịu trách nhiệm hình sự chung. Theo đó, những người đồng phạm đều bị truy tố, xét xử về một tội phạm mà họ đã thực hiện và đều bị áp dụng hình phạt của cùng một tội mà họ thực hiện. Mọi đồng phạm đều bị áp dụng nguyên tắc chung về thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và nguyên tắc xác định hình phạt.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 4 Điều 17, Điều 58 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017 thì khi xử lý đồng phạm Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm là đồng phạm giản đơn hay phức tạp và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm, đồng phạm giữ vai trò như thế nào. Mỗi đồng phạm lại chịu trách nhiệm hình sự độc lập đối với hành vi phạm tội của mình, nghĩa là mức độ nguy hiểm của hành vi như thế nào thì người phạm tội chịu trách nhiệm tương ứng, các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó. Ngoài ra, người đồng phạm này không phải chịu trách nhiệm hình sự về sự vượt quá của người đồng phạm khác.
3. Hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản:
Điều 138 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017 quy định 4 khung hình phạt của tội trộm cắp tài sản như sau:
* Khung hình phạt cơ bản có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
* Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Khung này được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau:
– Có tổ chức
– Có tính chất chuyên nghiệp
– Tái phạm nguy hiểm
– Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểmThủ đoạn xảo quyệt là những thủ đoạn tinh vi hoặc gian dối cao giúp người phạm tội dễ dàng tiếp cận và dễ dàng chiếm đoạt được tài sản như dùng các phương tiện kĩ thuật tỉnh vì để thực hiện hành vi phạm tội….
– Thủ đoạn nguy hiểm là những thủ đoạn có tính chất huỷ hoại như tháo trộm các chi tiết quan trọng của thiết bị máy móc, dỡ mái kho vào lấy hàng trong mùa mưa bão…
– Hành hung để tẩu thoát
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
– Gây hậu quả nghiêm trọng
* Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Khung này được áp dụng cho trường hợp phạm tội
có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau:
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng
– Gây hậu quả rất nghiêm trọng
* Khung tăng nặng thứ ba có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thânKhung này được áp dụng cho trường hợp phạm tội có một trong những tình tiết định khung tăng nặng sau:
– Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên
– Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng
Hình phạt bổ sung được quy định cho tội này là hình phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.
Những văn bản sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự năm 2017