Chứng khoán hiện đã và đang là một ngành nghề được quan tâm phổ biến hơn cả. Vậy quy định về vốn điều lệ, vốn pháp định công ty chứng khoán như thế nào? Mời bạn đọc tham khảo bài viết dưới đây:
Mục lục bài viết
1. Công ty chứng khoán là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư 121/2020/TT-BTC, công ty chứng khoán là loại hình doanh nghiệp được Ủy ban chứng khoán Nhà nước có cấp phép cho thực hiện một số hoạt động nghiệp vụ của Luật chứng khoán, cụ thể như sau:
– Môi giới chứng khoán.
– Tự doanh chứng khoán.
– Bảo lãnh phát hành chứng khoán.
– Tư vấn đầu tư chứng khoán.
– Thực hiện nhận ủy thác quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư cá nhân hay thực hiện phân phối hoặc làm đại lý phân phối chứng khoán.
– Quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán.
– Cung ứng dịch vụ quản lý danh sách người sở hữu chứng khoán cho các doanh nghiệp khác.
– Cung cấp dịch vụ giao dịch chứng khoán trực tuyến.
– Cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán.
– Lưu ký chứng khoán.
– Cung cấp hoặc phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán.
– Bù trừ và thanh toán chứng khoán.
– Các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh.
– Cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ tự doanh chứng khoán được giao dịch chứng khoán trên tài khoản tự doanh chứng khoán.
– Cấp phép thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán chứng khoán; tư vấn tái cơ cấu, hợp nhất, sáp nhập, tổ chức lại, mua bán doanh nghiệp; tư vấn chào bán, niêm yết, đăng ký giao dịch chứng khoán; tư vấn cổ phần hóa doanh nghiệp.
– Công ty chứng khoán được cấp phép thực hiện nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán được ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
2. Quy định về vốn điều lệ của công ty chứng khoán:
Căn cứ theo quy định tại Điều 175 Nghị định 155/2020/NĐ-CP, vốn điều lệ tối thiểu của công ty chứng khoán được quy định như sau:
– Đối với các công ty chứng khoán tại Việt Nam:
+ Mức vốn tối thiểu là 25 tỷ đồng đối với nghiệp vụ kinh doanh môi giới chứng khoán.
+ Mức vốn tối thiểu là 50 tỷ đồng đối với nghiệp vụ tự doanh chứng khoán.
+ Mức vốn tối thiểu là 165 tỷ đồng đối với nghiệp vụ với nghiệp vụ bảo lãnh phát hành chứng khoán.
+ Mức vốn tối thiểu là 10 tỷ đồng đối với nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán.
– Đối với vốn tối thiểu cấp cho chi nhánh các công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam: 10 tỷ đồng.
– Đối với công ty quản lý quỹ, vốn tối thiểu cấp cho chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam: vốn điều lệ tối thiểu là 25 tỷ đồng.
– Đối với trường hợp tổ chức đề nghị cấp phép cho nhiều nghiệp vụ kinh doanh, vốn điều lệ tối thiểu sẽ tính là tổng số vốn tương ứng với từng nghiệp vụ đề nghị xin cấp phép.
3. Quy định về vốn pháp định của công ty chứng khoán:
Hiện nay,
Tùy theo ngành nghề, lĩnh vực mà mức vốn pháp định khi thành lập doanh nghiệp có thể khác nhau.
Vốn điều lệ áp dụng theo loại hình doanh nghiệp, trong khi đó, vốn pháp định chỉ áp dụng với một số ngành nghề, lĩnh vực (như ngân hàng, bảo hiểm,…).
Theo đó, với công ty chứng khoán, mức vốn pháp định áp dụng với các ngành nghề như sau:
– Môi giới chứng khoán: mức vốn là 25 tỷ đồng.
– Tự doanh chứng khoán: mức vốn là 50 tỷ đồng.
– Bảo lãnh phát hành chứng khoán: mức vốn là 165 tỷ đồng.
– Tư vấn đầu tư chứng khoán: mức vốn là 10 tỷ đồng.
– Chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam: mức vốn là 10 tỷ đồng.
– Công ty quản lý quỹ, vốn tối thiểu cấp cho chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam: mức vốn 25 tỷ đồng.
(theo quy định tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP).
– Hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán: mức vốn 800 tỷ đồng trở lên.
– Hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán: mức vốn 600 tỷ đồng trở lên.
– Hoạt động tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh của công ty chứng khoán: mức vốn 250 tỷ đồng trở lên.
– Công ty chứng khoán đăng ký kinh doanh cả hoạt động môi giới chứng khoán phái sinh, tự doanh chứng khoán phái sinh và tư vấn đầu tư chứng khoán phái sinh: mức vốn 800 tỷ đồng trở lên.
– Kinh doanh chứng khoán phái sinh đối với công ty quản lý quỹ: mức vốn 25 tỷ đồng trở lên.
(theo quy định tại Nghị định 158/2020/NĐ-CP).
– Thành lập quỹ thành viên: mức vốn 50 tỷ đồng trở lên (theo quy định tại Điều 113 Luật chứng khoán năm 2019).
– Công ty đầu tư chứng khoán: mức vốn 50 tỷ đồng trở lên (theo quy định tại Điều 115 Luật chứng khoán năm 2019).
4. Điều kiện thành lập công ty chứng khoán:
Luật Chứng khoán 2019 đã có hiệu lực từ 01/01/2019 với một số nội dung được sửa đổi để phù hợp với pháp luật doanh nghiệp và thực tế hoạt động của công ty chứng khoán. Căn cứ theo quy định tại Điều 74 Luật chứng khoán năm 2019, để thành lập được công ty chứng khoán phải đáp ứng các tiêu chí sau đây:
Một là, về trụ sở làm việc:
– Đảm bảo có trụ sở đạt đủ điều kiện để bảo đảm cho hoạt động kinh doanh chứng khoán.
– Cơ sở vật chất đảm bảo đầy đủ, kỹ thuật cũng như trang bị, thiết bị văn phòng, hệ thống công nghệ phù hợp với quy trình nghiệp vụ về hoạt động kinh doanh chứng khoán.
Hai là, điều kiện về mặt nhân sự làm việc:
– Phải có Tổng giám đốc hoặc Giám đốc, điều kiện đáp ứng bao gồm:
+ Không phải là đối tượng nằm trong diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành án phạt tù hoặc bị cấm hành nghề chứng khoán theo quy định của pháp luật.
+ Về kinh nghiệm làm việc: đáp ứng kinh nghiệm làm việc tại các bộ phận nghiệp vụ của các tổ chức trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm hoặc tại bộ phận tài chính, kế toán, đầu tư trong các doanh nghiệp khác tối thiểu là 02 năm kinh nghiệm.
+Có chứng chỉ hành nghề phân tích tài chính hoặc chứng chỉ hành nghề quản lý quỹ.
+ Trong thời hạn 06 tháng gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ không nằm trong diện bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Lưu ý: nếu như vị trí Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) phụ trách nghiệp vụ, ngoài những tiêu chí trên phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp với nghiệp vụ phụ trách.
– Đảm bảo số lượng nhân viên có chứng chỉ hành nghề chứng khoán phù hợp cho mỗi nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán đề nghị cấp phép là tối thiểu 03 nhân viên.
– Có nhân viên kiểm soát tuân thủ số lượng tối thiểu là 01 nhân viên.
Ba là, điều kiện về mặt cổ đông, thành viên góp vốn:
– Đối tượng cổ đông, thành viên góp vốn là cá nhân:
+ Không thuộc các trường hợp không được quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
– Đối tượng cổ đông, thành viên góp vốn là tổ chức:
+ Phải có tư cách pháp nhân.
+ Đang hoạt động hợp pháp.
+ Trong 02 năm liền trước năm đề nghị cấp giấy phép, hoạt động kinh doanh phải đảm bảo có lãi.
+ Báo cáo tài chính năm gần nhất phải được kiểm toán với ý kiến chấp nhận toàn phần.
– Cổ đông, thành viên góp vốn sở hữu từ 10% trở lên vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán.
Ngoài ra, người có liên quan của cổ đông, thành viên góp vốn đó (nếu có) không sở hữu trên 5% vốn điều lệ của 01 công ty chứng khoán khác.
– Cổ đông, thành viên góp vốn là nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tại Luật chứng khoán năm 2019.
Bốn là, điều kiện về cơ cấu cổ đông, thành viên góp vốn:
– Đảm bảo số lượng của cổ đông sáng lập, thành viên góp vốn là tổ chức tối thiểu là 02.
– Về tổng tỷ lệ vốn góp của các tổ chức tối thiểu là 65% vốn điều lệ; nếu như các tổ chức là doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại phải sở hữu tối thiểu là 30% vốn điều lệ.
Năm là, điều kiện về vốn:
– Góp vốn điều lệ vào công ty chứng khoán phải bằng Đồng Việt Nam.
– Vốn điều lệ tối thiểu đối với từng nghiệp vụ kinh doanh của công ty chứng khoán phải đảm bảo đúng quy định (theo như phân tích tại mục số 2 trong bài viết).
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Luật doanh nghiệp năm 2020.