Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là một trong những hình thức vận chuyển đặc biêtj. Vậy pháp luật quy định về vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không như thế nào?
Mục lục bài viết
- 1 1. Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là gì?
- 2 2. Quy định về vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không:
- 2.1 2.1. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không:
- 2.2 2.2. Vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa:
- 2.3 2.3. Nội dung của vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa:
- 2.4 2.4. Lập vận đơn hàng không:
- 2.5 2.5. Giấy tờ về tính chất của hàng hóa:
- 2.6 2.6. Vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa vận chuyển nhiều kiện hàng hóa:
- 2.7 2.7. Các trường hợp hàng hóa bị từ chối vận chuyển:
- 2.8 2.8. Trách nhiệm của người gửi hàng trong việc cung cấp thông tin:
- 2.9 2.9. Trả hàng hóa:
- 2.10 2.10. Quan hệ giữa người gửi hàng và người nhận hàng hoặc quan hệ với bên thứ ba:
- 2.11 2.11. Thanh lý hàng hóa:
- 3 3. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không:
1. Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là gì?
Tại Điều 109 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2014 có quy định vận chuyển hàng không là việc vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi bằng đường hàng không.
Như vậy, vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là một trong những hình thức của vận chuyển hàng không.
Tại Điều này cũng quy định vận chuyển hàng không bao gồm có vận chuyển hàng không thường lệ và vận chuyển hàng không không thường lệ. Theo quy định này, thì vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không bao gồm có vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thường lệ và vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không không thường lệ.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thường lệ là việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không bao gồm những chuyến bay được thực hiện đều đặn, theo lịch bay được công bố và được mở công khai cho toàn bộ công chúng sử dụng.
Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không không thường lệ là việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không không có đủ những yếu tố của vận chuyển hàng không thường lệ.
2. Quy định về vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không:
Vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không được quy định cụ thể như sau:
2.1. Hợp đồng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không:
Hợp đồng vận chuyển hàng hóa là sự thoả thuận giữa người vận chuyển và người thuê vận chuyển, theo đó người vận chuyển phải có nghĩa vụ vận chuyển hàng hóa đến đúng địa điểm đến và trả hàng hóa cho người có quyền nhận; người thuê vận chuyển phải có nghĩa vụ thanh toán giá dịch vụ vận chuyển. Người vận chuyển là tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển thương mại bằng đường hàng không.
Vận đơn hàng không, những thoả thuận khác bằng văn bản giữa hai bên, Điều lệ vận chuyển, bảng giá dịch vụ vận chuyển là các tài liệu của hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
2.2. Vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa:
Vận đơn hàng không là chứng từ vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không và là một bằng chứng của việc giao kết hợp đồng, việc đã tiếp nhận hàng hóa và các điều kiện của hợp đồng.
Vận đơn hàng không phải được sử dụng khi vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Trong trường hợp phương tiện lưu giữ các thông tin về vận chuyển hàng hóa được sử dụng thay thế cho việc xuất vận đơn hàng không thì theo đúng yêu cầu của người gửi hàng, người vận chuyển xuất biên lai hàng hóa cho người gửi hàng để nhận biết hàng hóa.
Người vận chuyển có trách nhiệm bồi thường cho người gửi hàng về những thiệt hại do lỗi của mình, nhân viên, đại lý của mình gây ra do việc nhập không chính xác, không đầy đủ hoặc là không đúng quy cách thông tin do người gửi hàng cung cấp vào các phương tiện lưu giữ thông tin.
Việc giao kết hợp đồng vận chuyển hàng hóa mà thiếu một hoặc một số nội dung quy định tại các điều 130, 131, 132 và 133 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại và giá trị pháp lý của hợp đồng.
2.3. Nội dung của vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa:
Vận đơn hàng hóa và biên lai hàng hóa bao gồm những nội dung sau:
– Địa điểm xuất phát và địa điểm đến;
– Địa điểm dừng thoả thuận ở trong trường hợp vận chuyển có địa điểm xuất phát, địa điểm đến ở lãnh thổ của cùng một quốc gia và có một hoặc là nhiều địa điểm dừng thoả thuận ở lãnh thổ của quốc gia khác;
– Trọng lượng hàng hóa, loại hàng hóa.
2.4. Lập vận đơn hàng không:
Vận đơn hàng không do người gửi hàng lập thành ba bản chính. Bản thứ nhất do người gửi hàng ký, được giao cho chính người vận chuyển. Bản thứ hai do người gửi hàng và người vận chuyển ký, được giao cho chính người nhận hàng. Bản thứ ba do người vận chuyển ký, được giao cho chính người gửi hàng sau khi nhận hàng.
Chữ ký của người vận chuyển và người gửi hàng có thể được in hoặc đóng dấu.
Người vận chuyển lập vận đơn hàng không theo yêu cầu của người gửi hàng được coi là hành động thay mặt cho người gửi hàng nếu không có sự chứng minh ngược lại.
2.5. Giấy tờ về tính chất của hàng hóa:
Trong trường hợp cần thiết, người gửi hàng phải xuất trình những giấy tờ chỉ rõ tính chất của hàng hóa theo yêu cầu của cơ quan hải quan, công an và các cơ quan khác có thẩm quyền. Quy định này sẽ không làm phát sinh thêm bất kỳ trách nhiệm hoặc nghĩa vụ nào của người vận chuyển.
2.6. Vận đơn hàng không và biên lai hàng hóa vận chuyển nhiều kiện hàng hóa:
Khi vận chuyển nhiều kiện hàng hóa, người vận chuyển có quyền yêu cầu người gửi hàng lập vận đơn riêng biệt cho mỗi kiện hàng hóa. Trong trường hợp phương tiện lưu giữ các thông tin về vận chuyển hàng hóa được sử dụng thay thế cho việc xuất vận đơn hàng không theo quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 thì người gửi hàng có quyền yêu cầu người vận chuyển xuất biên lai hàng hóa riêng biệt cho từng kiện hàng hóa.
2.7. Các trường hợp hàng hóa bị từ chối vận chuyển:
Các trường hợp hàng hóa bị từ chối vận chuyển bằng đường hàng không được quy định tại Điều 134 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, cụ thể những trường hợp sau:
– Hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không không đúng với loại hàng hóa đã thoả thuận;
– Người gửi hàng không tuân thủ điều kiện và hướng dẫn của người vận chuyển về bao bì, đóng gói, ký hiệu, mã hiệu hàng hóa.
2.8. Trách nhiệm của người gửi hàng trong việc cung cấp thông tin:
Chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin và tuyên bố liên quan đến các hàng hóa được ghi trong vận đơn hàng không hoặc được cung cấp để lưu giữ các thông tin trong phương tiện quy định tại khoản 2 Điều 129 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết theo yêu cầu của cơ quan hải quan, công an và các cơ quan khác có thẩm quyền trước khi hàng hóa được giao cho người nhận hàng. Người vận chuyển không phải có nghĩa vụ kiểm tra tính chính xác, đầy đủ của thông tin hoặc tài liệu mà người gửi hàng cung cấp.
Bồi thường thiệt hại gây ra cho người vận chuyển hoặc thiệt hại mà người vận chuyển phải chịu trách nhiệm do đã thực hiện cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ hoặc không đúng quy cách.
2.9. Trả hàng hóa:
Người vận chuyển phải thông báo cho người nhận hàng ngay sau khi hàng hóa được vận chuyển đến địa điểm đến, trừ những trường hợp có thỏa thuận khác.
Người nhận hàng có quyền yêu cầu người vận chuyển trả hàng hóa khi hàng hóa đến địa điểm đến sau khi đã thanh toán các chi phí phù hợp với điều kiện vận chuyển, trừ trường hợp quy định tại Điều 139 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006.
Người nhận hàng hoặc người gửi hàng thực hiện quyền khiếu nại, khởi kiện người vận chuyển theo đúng quy định tại Điều 170 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 này trong trường hợp người vận chuyển thừa nhận mất hàng hóa hoặc người nhận hàng không nhận được hàng hóa của mình sau bảy ngày, kể từ ngày hàng hóa đáng lẽ phải được vận chuyển đến địa điểm đến.
2.10. Quan hệ giữa người gửi hàng và người nhận hàng hoặc quan hệ với bên thứ ba:
Người gửi hàng và người nhận hàng có thể tự thực hiện tất cả các quyền của mình quy định tại Điều 139 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 không phụ thuộc vào việc hành động đó vì lợi ích của người gửi hàng hoặc của người nhận hàng, với điều kiện phải thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng vận chuyển hàng hóa.
Các quy định tại khoản 1 Điều 137, Điều 136 và Điều 139 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 không ảnh hưởng đến quan hệ giữa người gửi hàng và người nhận hàng, cũng như là quan hệ với bên thứ ba có các quyền phát sinh từ người gửi hàng hoặc từ người nhận hàng.
Các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 137, Điều 138 và Điều 139 của Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 có thể được các bên thoả thuận khác nhưng phải được ghi cụ thể trong vận đơn hàng không hoặc biên lai hàng hóa.
2.11. Thanh lý hàng hóa:
Hàng hóa được thanh lý trong trường hợp người nhận hàng từ chối nhận hàng hoặc hàng hóa không thể giao được cho người nhận hàng mà người gửi hàng từ chối nhận lại hàng hoặc không trả lời về việc nhận lại hàng trong thời hạn là sáu mươi ngày, kể từ ngày mà người vận chuyển thông báo cho người gửi hàng; hàng hóa mau hỏng có thể được thanh lý trước thời hạn này.
Số tiền thu được từ việc thanh lý hàng hóa sau khi đã trừ đi các chi phí liên quan đến việc vận chuyển, cất giữ và thanh lý hàng hóa phải được trả lại cho chính người có quyền nhận; nếu như hết thời hạn một trăm tám mươi ngày, kể từ ngày đã thanh lý hàng hóa, mà người có quyền nhận không đến nhận thì số tiền còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.
3. Điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không:
Tại khoản 2 Điều 109 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 có quy định kinh doanh vận chuyển hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện và phải do doanh nghiệp vận chuyển hàng không (sau đây gọi là hãng hàng không) thực hiện. Căn cứ quy định này thì kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không là ngành kinh doanh có điều kiện và do chính doanh nghiệp vận chuyển hàng không thực hiện. Một trong những điều kiện để doanh nghiệp vận chuyển hàng không kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không đó chính là phải có giấy phép kinh doanh do cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp phép.
Căn cứ Điều 110 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006 quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, theo quy định này thì để một doanh nghiệp vận chuyển hàng không kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không được cấp giấy phép kinh doanh thì phải đáp ứng được tất cả các điều kiện sau:
– Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh mà ngành kinh doanh chính là vận chuyển hàng không;
– Có phương án bảo đảm có tàu bay khai thác;
– Có tổ chức bộ máy, có nhân viên được cấp giấy phép, chứng chỉ phù hợp bảo đảm về khai thác tàu bay, kinh doanh vận chuyển hàng không;
– Đáp ứng điều kiện về vốn theo quy định của Chính phủ;
– Có phương án kinh doanh và chiến lược phát triển sản phẩm vận chuyển hàng không phù hợp với các nhu cầu của thị trường và quy hoạch, định hướng phát triển ngành hàng không;
– Có trụ sở chính và địa điểm kinh doanh chính tại Việt Nam.
Riêng đối với Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn phải tuân thủ thêm các điều kiện sau:
– Bên nước ngoài góp vốn với tỷ lệ theo quy định của Chính phủ;
– Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là công dân Việt Nam và không được quá một phần ba tổng số thành viên trong bộ máy điều hành là người nước ngoài.
Sau khi được cơ quan chức năng có thẩm quyền cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không (vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không) thì doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không có nghĩa vụ sau đây:
– Công bố nội dung Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không;
– Hoạt động đúng mục đích, nội dung, điều kiện ghi trong Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không;
– Duy trì điều kiện được cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Giấy chứng nhận người khai thác tàu bay theo quy định;
– Duy trì chất lượng của dịch vụ vận chuyển hàng không theo quy định của Bộ Giao thông vận tải;
– Tuân thủ quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và pháp luật khác có liên quan.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật hàng không dân dụng Việt Nam 2006 sửa đổi 2014.