Để người dân có thể tiếp nhận được nội dung trong các chương trình quảng cáo thì tiếng nói và chữ viết đóng vai trò vô cùng quan trọng. Dưới đây là quy định của pháp luật về tiếng nói và chữ viết trong quá trình quảng cáo.
Mục lục bài viết
1. Quy định về tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo:
Căn cứ theo quy định tại Điều 18 của Văn bản hợp nhất Luật quảng cáo năm 2018 có quy định về tiếng nói và chữ viết được sử dụng trong hoạt động quảng cáo. Theo đó, tiếng nói và chữ viết cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật trong lĩnh vực quảng cáo như sau:
– Trong các sản phẩm quảng cáo thì cần phải phản ánh đầy đủ nội dung thể hiện bằng tiếng Việt, ngoại trừ những trường hợp cơ bản sau đây:
+ Nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, các tên gọi riêng bằng tiếng nước ngoài, các từ ngữ đã được thực hiện thủ tục quốc tế hóa theo quy định của pháp luật tại cơ quan có thẩm quyền mà không thể thay thế bằng tiếng Việt Nam;
+ Sách báo, các trang thông tin điện tử, các trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền, các ấn phẩm đã được phép xuất bản bằng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam, các xuất bản được xuất bản bằng tiếng nước ngoài, các chương trình phát thanh truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam hoặc bằng tiếng nước ngoài.
– Trong trường hợp hoạt động quảng cáo sử dụng cả chữ bằng tiếng Việt, sử dụng cả tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo, thì theo quy định của pháp luật hiện nay, khổ chữ nước ngoài sẽ không được vượt quá ba phần tư (3/4) đối với khổ chữ tiếng Việt Nam, đồng thời bên cạnh đó thì các chủ thể tổ chức quảng cáo cần phải đặt tiếng nước ngoài bên dưới chữ tiếng Việt Nam, khi phát hành trên đài phát thanh truyền hình và trên các phương tiện nghe nhìn, phải đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài.
Theo đó thì có thể nói, sản phẩm quảng cáo cần phải có nội dung bằng tiếng Việt và tuân thủ hình thức chữ viết theo như phân tích nêu trên. Ngoại trừ một số nội dung được thể hiện bằng tiếng nước ngoài theo quy định của pháp luật. Quy định này là phù hợp thì sẽ đảm bảo mức độ nghe hiểu và nhìn nhận của người dân.
2. Mức xử phạt vi phạm quy định về tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo:
Cần phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về tiếng nói và chữ viết trong hoạt động quảng cáo theo như phân tích nêu trên. Hành vi vi phạm quy định về tiếng nói và chữ viết trong hoạt động quảng cáo sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Căn cứ theo quy định tại Điều 35 của Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo. Cụ thể như sau:
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các đối tượng thực hiện một trong những hành vi vi phạm quy định của pháp luật như sau:
+ Tiến hành hoạt động quảng cáo sản phẩm, tiến hành hoạt động quảng cáo dịch vụ, tuy nhiên không được tái hiện bằng tiếng Việt Nam theo quy định của pháp luật về quảng cáo, ngoại trừ những trường hợp nhãn hiệu hàng hóa, khẩu hiệu, thương hiệu, tên gọi riêng được viết bằng tiếng nước ngoài không thể thay thế bằng tiếng Việt Nam, các từ ngữ đã được quốc tế hóa không thể thay thế bằng tiếng Việt Nam, sách báo, các trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các trang thông tin phục vụ cho dân tộc thiểu số, các ấn phẩm đó được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam phải tiếng nước ngoài, các chương trình phát thanh truyền hình được phát thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số Việt Nam và tiếng nước ngoài;
+ Tiến hành hoạt động quảng cáo sản phẩm, tiến hành quảng cáo các loại hàng hóa và dịch vụ thể hiện khổ chữ nước ngoài vượt quá quy định của pháp luật, tức là phần diện tích đối với khổ chữ nước ngoài vượt quá ba phần tư (3/4) khổ chữ tiếng Việt, không thực hiện quy định đặt tiếng nước ngoài dưới tiếng Việt Nam trong trường hợp hai loại tiếng đó cũng được thể hiện trên cùng một sản phẩm quảng cáo, tức là sản phẩm có sử dụng cả tiếng nước ngoài và tiếng Việt Nam;
+ Quảng cáo sản phẩm, quảng cáo hàng hóa và dịch vụ mà không đọc tiếng Việt trước tiếng nước ngoài trong trường hợp trên cùng một sản phẩm quảng cáo đó có sử dụng cả tiếng nước ngoài và tiếng Việt Nam, trong quá trình phát thanh trên đài truyền hình và các phương tiện nghe nhìn.
– Biện pháp khắc phục hậu quả có thể được áp dụng trong trường hợp này đó là bắt buộc phải tháo gỡ, xóa bỏ hoặc thu hồi các sản phẩm báo chí, tạp chí in quảng cáo khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Như vậy có thể nói, các cơ quan và tổ chức về báo chí cần phải lưu ý các quy định của pháp luật về tiếng nói và chữ viết trong hoạt động quảng cáo, hành vi vi phạm quy định về tiếng nói và chữ viết trong quảng cáo có thể bị phạt tiền đến 10.000.000 đồng.
3. Quy định của pháp luật về điều kiện tiến hành hoạt động quảng cáo:
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Văn bản hợp nhất Luật quảng cáo năm 2018 có quy định về các điều kiện tiến hành hoạt động quảng cáo. Cụ thể như sau:
– Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thì cần phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
– Tiến hành hoạt động quảng cáo cho các loại sản phẩm và hàng hóa dịch vụ phải có các loại tài liệu chứng từ kèm theo đáp ứng đầy đủ điều kiện về hợp quy, hợp chuẩn của các loại sản phẩm và hàng hóa dịch vụ đó theo quy định của pháp luật;
– Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó cần phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng, thì cần phải có các loại giấy tờ đó;
– Quảng cáo cho các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thì cần phải đáp ứng được các điều kiện như sau:
+ Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế, phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
+ Quảng cáo mỹ phẩm thì cần phải có phiếu công bố các loại sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;
+ Quảng cáo hóa chất, quảng cáo các loại chế phẩm diệt côn trùng, quảng cáo các loại sản phẩm diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do cơ quan có thẩm quyền là Bộ y tế cấp;
+ Quảng cáo thực phẩm, quảng cáo các loại phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
+ Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, quảng cáo dịch vụ chữa bệnh, thì cần phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do cơ quan có thẩm quyền trong ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
+ Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;
+ Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do cơ quan có thẩm quyền là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;
+ Quảng cáo thuốc thú y, quảng cáo đối với vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;
+ Quảng cáo phân bón, quảng cáo các loại chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, quảng cáo các loại thức ăn chăn nuôi, quảng cáo các loại chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Văn bản hợp nhất 47/VBHN-VPQH 2018 Luật Quảng cáo;
– Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo;
– Nghị định 128/2022/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 129/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo.