Trong quá trình đánh giá và thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra, quy định và hướng dẫn chi tiết là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự công bằng và chính xác. Việc áp dụng thống kê chính xác và đánh giá đúng mức độ thiệt hại sẽ giúp tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi sau các thiên tai, đồng thời bảo vệ cộng đồng khỏi những tác động tiêu cực.
Mục lục bài viết
1. Thiên tai là gì?
Như chúng ta đều biết, thiên tai là một hiện tượng tự nhiên bất thường và chúng để lại vô vàn nhiều hậu quả đáng tiếc. Thiên tai bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất, do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác. Và hậu quả do chúng gây ra là các thiệt hại về con người, thiệt hại về thiên nhiên, thiệt hại về vật chất và các điều kiện về môi trường sống,…
Sau mỗi trận thiên tai xảy ra, việc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra là điều hết sức quan trọng và cần thiết. Việc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra nhằm mục đích khắc phục những hậu quả mà chúng để lại, từ đó đưa ra các giải pháp thiết thực nhằm cải thiện các thiệt hại đó.
2. Thực hiện thống kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra:
Căn cứ vào quy định về thực hiện thống kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, các công việc bao gồm như sau:
– Tiến hành điều tra và thu thập các hồ sơ, tài liệu, số liệu liên quan đến các chỉ tiêu thiệt hại được quy định trong Biểu mẫu hoặc số liệu thống kê thiệt hại do thiên tai gây ra;
– Kiểm tra và tổng hợp số liệu, sau đó lập các biểu thống kê thiệt hại ở các cấp theo quy định;
– Phân tích và đánh giá nguyên nhân, ước tính thiệt hại và đề xuất các giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả do thiên tai;
– Cuối cùng, lập báo cáo thống kê và đánh giá về thiệt hại.
3. Phương pháp thực hiện thống kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra:
Có 03 phương pháp thực hiện thống kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.
3.1. Thống kê và thu thập thông tin về thiệt hại:
– Quan sát và điều tra tại hiện trường xảy ra thiên tai để kiểm đếm và thống kê thiệt hại theo các chỉ tiêu quy định trong Biểu mẫu, sau đó ghi kết quả vào Biểu mẫu thống kê.
– Thu thập số liệu thông qua điều tra trong các khu dân cư và thông qua báo cáo từ chính quyền địa phương và các đoàn công tác tại hiện trường.
3.2. Tổng hợp và báo cáo:
Số liệu về thiệt hại do thiên tai phải được thống kê và báo cáo kịp thời, trước 24 giờ tính từ khi thiên tai xảy ra và tiếp tục báo cáo hàng ngày cho đến khi đợt thiên tai kết thúc.
– Trong thiên tai: Thống kê và đánh giá thiệt hại theo nguyên tắc cộng dồn, bổ sung hoặc điều chỉnh mức độ thiệt hại đến thời điểm báo cáo, ghi chép theo các biểu mẫu thống kê cho từng loại thiên tai quy định.
– Sau thiên tai: Báo cáo đầy đủ kết quả thống kê và đánh giá thiệt hại do thiên tai thông qua các biểu mẫu thống kê cho từng loại thiên tai, dựa trên có sở tổng hợp, bổ sung và điều chỉnh (nếu có) từ báo cáo nhanh hàng ngày.
3.3. Ước tính giá trị thiệt hại:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm ban hành đơn giá để xác định giá trị thiệt hại do thiên tai gây ra trên các địa bàn, phục vụ cho công tác thống kê và tổng hợp.
4. Quy định về thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra:
4.1. Nguyên tắc thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra:
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch
Một là, phải đáp ứng các yêu cầu về việc chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai sao cho phù hợp với tình hình thực tế. Việc lập báo cáo thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai xảy ra phải được thực hiện theo đúng thẩm quyền và trình tự như luật định.
Hai là, việc thống kê, đánh giá phải được thực hiện công khai, minh bạch, đảm bảo tính khách quan trong việc phản ánh mức độ thiệt hại do thiên tai gây ra.
Ba là, các cơ quan đơn vị phải phối hợp chặt chẽ với nhau trong suốt các hoạt động thống kê, đánh giá.
Bốn là, đáp ứng được các yêu cầu trong công tác thống kê, đánh giá thiệt hại.
– Trách nhiệm thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra:
Một là, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm báo cáo chính xác thiệt hại do thiên tai gây ra trong phạm vi kiểm soát của mình cho Ban chỉ đạo phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn khu vực và các cơ quan nhà nước.
Hai là, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp có trách nhiệm tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra, báo cáo Ủy ban nhân dân và Ban chỉ huy phòng chống thiên tai cùng cấp. Ban Chỉ đạo Nhà nước về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trực thuộc Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và thực hiện nhiệm vụ quản lý.
Ba là, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tổng hợp, thống kê, đánh giá thiệt hại. Kiểm tra kết quả giám định thiệt hại do thiên tai gây ra và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên. Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.
Bốn là, Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai cấp Bộ sẽ tổng hợp thiệt hại do thiên tai gây ra, báo cáo Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và hỗ trợ công tác chỉ đạo. Các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm tổng hợp, đánh giá và báo cáo số liệu thống kê lên Thủ tướng Chính phủ trong công tác quản lý thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp.
Năm là, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra trên phạm vi cả nước, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và công bố số liệu thiệt hại do thiên tai gây ra. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chủ trì thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra.
– Mức thiệt hại về vật chất được quy định như sau:
Thứ nhất là, thiệt hại hoàn toàn có nghĩa là những vật chất bị mất trắng hoặc bị phá hủy, hư hỏng trên 70% không thể khôi phục lại.
Thứ hai là, thiệt hại rất nặng có nghĩa là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 50-70%.
Thứ ba là, thiệt hại nặng có nghĩa là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị phá hủy, hư hỏng từ 30-50%.
Thứ tư là, thiệt hại một phần có nghĩa là những vật chất bị giảm năng suất hoặc bị hư hỏng dưới 30%.
4.2. Trình tự thực hiện thống kê đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra:
Quá trình chuẩn bị và thực hiện ứng phó thiên tai có các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị trước thiên tai
– Thu thập thông tin về tình hình dân sinh và kinh tế trong phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị.
– Sắp xếp và chuẩn bị các biểu mẫu thống kê theo quy định.
Bước 2: Thực hiện thống kê và đánh giá thiệt hại khi thiên tai xảy ra
– Trong quá trình thiên tai diễn ra:
+ Thu thập và tổng hợp số liệu thiệt hại của vùng bị ảnh hưởng.
+ Lập báo cáo nhanh về tình hình thiên tai và thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư liên tịch
* Tình hình thiên tai: loại hình thiên tai, thời gian xuất hiện, diễn biến, cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực bị cô lập, độ ngập sâu (nếu có), thời gian kết thúc (nếu đã kết thúc).
* Công tác chỉ huy ứng phó: nêu rõ việc chỉ huy, triển khai ứng phó với thiên tai và kết quả đạt được đến thời điểm báo cáo, bao gồm số dân được di dời, sơ tán, số tàu thuyền thông báo, đang di chuyển ra khỏi vùng nguy hiểm, đang neo đậu tại bến, hoạt động ở vùng biển khác (nếu có).
* Thống kê và đánh giá thiệt hại: tùy theo loại hình thiên tai, trình bày tình hình thiệt hại và ước giá trị thiệt hại theo các chỉ tiêu chính như về người, nhà ở, giáo dục, y tế, nông nghiệp, thủy lợi, giao thông và một số chỉ tiêu khác quy định tại các biểu mẫu từ 01 đến 06/TKTH – Phụ lục I (nếu có). Đối với thiệt hại về các công trình, cần mô tả cụ thể loại hư hỏng, vị trí, địa điểm, thời gian xuất hiện, quy mô, diễn biến sự cố đến thời điểm báo cáo.
* Biểu mẫu: Thống kê các chỉ tiêu thiệt hại theo biểu mẫu từ 01/TKTH đến 06/TKTH – Phụ lục I, ước giá trị thiệt hại (nếu có).
* Công tác khắc phục hậu quả: kết quả khắc phục hậu quả thiên tai bao gồm công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn về người, tài sản, khắc phục, sửa chữa công trình, hỗ trợ thiệt hại về người, nhà ở, các nhu yếu phẩm thiết yếu và các hỗ trợ khác (nếu có).
* Đề xuất, kiến nghị: nêu rõ các kiến nghị để ứng phó khắc phục hậu quả thiên tai trong trường hợp vượt quá khả năng của địa phương.
– Sau khi thiên tai kết thúc:
+ Tiếp tục thu thập, tổng hợp và phân tích các chỉ tiêu thống kê, đánh giá thiệt hại. Trong quá trình này, có thể bổ sung, điều chỉnh số liệu chi tiết các chỉ tiêu đã báo cáo hàng ngày để phù hợp với tình hình thực tế.
+ Lập báo cáo tổng hợp thiên tai.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Phòng chống thiên tai năm 2013;
– Thông tư liên tịch 43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.