Khái quát chung về giao kết hợp đồng? Quy định về thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng?
Như chúng ta đã biết thì hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên với nhau về xác lập quyền và nghĩa vụ giữa các bên với nhau và ràng buộc thực hiện nghĩa vụ giữa các bên. Giao kết hợp đồng là một hình thức khá phổ biến đối với xã hội ngày nay, có thể căn cứ dựa trên hợp đồng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên tham gia giao dịch dân sự. Khi các bên giao dịch với hình thức nào cũng cần thông báo cho bên kia biết về ý chí của các bên về xác lập hay không xác lập giao kết hợp đồng đó. Vậy pháp luật quy định về thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng như thế nào? Dưới đây là thông tin chi tiết về nội dung này.
Cơ sở pháp lý:
Bộ Luật Dan Sự 2015
1. Khái quát chung về giao kết hợp đồng
1.1. Giao kết hợp đồng là gì?
Giao kết hợp đồng được hiểu là việc giao kết hợp đồng được thưc hiện phổ biến và có mặt ở khắp các lĩnh vực đời sống xã hội. Giao kết hợp đồng là việc các bên bày tỏ với nhau ý chí về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt các quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng trên cơ sở tuân theo nguyên tắc do pháp luật quy định. Pháp luật Việt Nam vẫn chưa có định nghĩa cụ thể về việc giao kết hợp đồng. Khái niệm trên đây chúng tôi đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo khi dựa trên thực tiễn giao dịch giữa các cá nhân, tổ chức trong xã hội.
1.2. Nguyên tắc giao kết hợp đồng
Căn cứ dựa trên quy định của pháp luật về hợp đồng thì có thể thấy hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự nên khi giao kết hợp đồng, các bên phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự được quy định tại Điều 3
+ thực hiện việc giao kết hợp đồng cần phải được thực hiện trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.
+ Đối với thực hiện giao kết hợp đồng thì mọi cá nhân, pháp nhân đều bình đẳng trong việc giao kết hợp đồng.
+ Giao kết hợp đồng giữa các bên phải giao kết hợp đồng một cách thiện chí, trung thực.
+ Lưu ý khi thực hiện giao kết hợp đồng không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác .
Như vậy chúng ta có thể hiểu về nguyên tắc bình đẳng là một trong những nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp. Trong quan hệ hợp đồng dân sự, sự bình đẳng luôn luôn được pháp luật dân sự của các quốc gia thừa nhận. Theo nội dung của nguyên tắc này, khi tham gia giao kết hợp đồng dân sự, các bên đều bình đẳng, không được lấy lý do khác biệt về dân tộc, giới tính, thành phần xã hội, hoàn cảnh kinh tế, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp để đối xử không bình đẳng với nhau. Trong một số trường hợp nhất định, nếu pháp luật có những quy định mang tính “cấm”, “buộc” hoặc dành quyền ưu tiên nhất định cho một chủ thể nào đó thì cũng không làm mất đi tính bình đẳng của các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng dân sự.
Nguyên tắc thứ hai chúng tôi đưa ra đó là nguyên tắc thiện chí, trung thực không chỉ là nguyên tắc được ghi nhận cho các chủ thể khi tham gia quan hệ hợp đồng mà còn là nguyên tắc cơ bản của luật dân sự (Điều 6, Bộ luật dân sự 2015) quy định. Khi các chủ thể tự nguyện giao kết hợp đồng dân sự thì phải thể hiện sự thiện chí trước các chủ thể khác. Ngoài việc thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ của mình thì cũng cần tạo điều kiện để bên kia thực hiện các quyền và nghĩa vụ của họ. Bản chất của giao kết hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận , trong đó, các bên thực hiện sự bày tỏ và thống nhất ý chí nhằm hướng tới những lợi ích nhất định.
Cuối cùng đó là khi giao kết hợp đồng cần các yếu tố quan trọng như sự trung thực, ngay thẳng trong việc giao kết hợp đồng dân sự cũng là yêu cầu mà pháp luật đặt ra đối với các chủ thể tham gia giao kết hợp đồng. Trong việc tham gia giao kết hợp đồng dân sự, một bên không được lừa dối bên kia, không được cố ý đưa ra các thông tin không đúng để bên kia giao kết hợp đồng với mình.
2. Quy định về thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng
Tại Điều 394. Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng Bộ Luật Dân Sự 2015 quy định:
1. Khi bên đề nghị có ấn định thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực khi được thực hiện trong thời hạn đó; nếu bên đề nghị giao kết hợp đồng nhận được trả lời khi đã hết thời hạn trả lời thì chấp nhận này được coi là đề nghị mới của bên chậm trả lời.
Khi bên đề nghị không nêu rõ thời hạn trả lời thì việc trả lời chấp nhận chỉ có hiệu lực nếu được thực hiện trong một thời hạn hợp lý.
2. Trường hợp thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng đến chậm vì lý do khách quan mà bên đề nghị biết hoặc phải biết về lý do khách quan này thì thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp bên đề nghị trả lời ngay không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị.
3. Khi các bên trực tiếp giao tiếp với nhau, kể cả trong trường hợp qua điện thoại hoặc qua phương tiện khác thì bên được đề nghị phải trả lời ngay có chấp nhận hoặc không chấp nhận, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận về thời hạn trả lời.
Thứ nhất, theo quy định chúng tôi đưa ra như trên thì có thể hiểu thời hạn chấp nhận giao kết hợp đồng được xác định là khoảng thời gian do bên đề nghị ấn định hoặc hai bên thỏa thuận để bên được đề nghị cân nhắc, trả lời trong thời gian đó. Việc xác định thời hạn trả lời có ý nghĩa quan trọng, vì trả lời chỉ có hiệu trong thời hạn nhất định, sau thời hạn đó việc trả lời chấp nhận không còn được xem là câu trả lời nữa, mà chuyển sang đề nghị mới, theo đó, bên đề nghị ban đầu sẽ trở thành bên được đề nghị, việc chấp nhận hay không phụ thuộc vào ý chí của bên đề nghị.
Thứ hai, tại trường hợp quy định tại khoản 2 điều 394 Bộ Luật dân sự 2015 quy định, xét trên thực tế khi thực hiện bất kỳ việc gì không phải lúc nào kết quả cũng tương xứng với hành vi đã thực hiện. Sự tác động của các lý do khách quan đã làm cho kết quả xảy ra không như mong muốn của chủ thể. Trong việc gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết có thể xảy ra trường hợp, bên được đề nghị đã gửi thông báo đúng thời hạn và dự liệu thông báo sẽ đến đúng thời hạn, nhưng vì lý do khách quan nên thông báo đã đến chậm. Lý do khách quan có thể xuất phát từ yếu tố tự nhiên, hoặc do lỗi của bên thứ ba, đó không phải ý chí chủ quan của bên được đề nghị, bản thân họ cũng không lường trước được sự việc có thể xảy ra.
Thứ ba, tại khoản 3 điều 394 Bộ Luật dân sự 2015 quy định như trên thì giao kết hợp đồng được thực hiện thông qua nhiều phương thức khác nhau. Khi bên đề nghị đưa ra lời đề nghị trực tiếp, hoặc qua điện thoại hoặc bất kỳ phương tiện nào khác, mà không ấn định thời hạn trả lời, thì việc bên được đề nghị trả lời chấp nhận trực tiếp hay gián tiếp sẽ ảnh hưởng đến hiệu lực của câu trả lời. Theo đó, bên được đề nghị phải trả lời ngay là có chấp nhận hay không. Đương nhiên, việc trả lời ngay chỉ xảy ra trong một số trường hợp nhất định mà bên đề nghị không ấn định thời hạn, cũng không thỏa thuận với bên được đề nghị về thời hạn trả lời.
Ví dụ như trường hợp bên được đề nghị gửi sự chấp nhận của mình trước thời hạn cuối cùng mà bên đề nghị quy định trong đề nghị giao kết hợp đồng và họ tin rằng, theo điều kiện thương mại thông thường, chấp nhận của họ sẽ đến tay người nhận trước thời hạn cuối cùng. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó đến thời hạn cuối cùng bên đề nghị không nhận được sự chấp nhận. Do đó, bởi vì tin rằng bên đề nghị đã nhận được sự chấp nhận của mình và cho rằng hợp đồng đã được ký kết, bên được đề nghị – là người mua, chuyển tiền vào tài khoản của người bán đồng thời thuê phương tiện vận chuyển đến kho của người bán (bên đề nghị) để nhận hàng. Sau đó người mua đến kho của người bán và biết rằng hàng hóa đã được người bán bán cho người khác vì không nhận được sự chấp nhận của người mua vào thời hạn cuối cùng. Rõ ràng trong trường hợp này người mua bị thiệt hại do những hành vi trung thực và thiện chí của họ.
Bên mua bị thiệt hại trong trường hợp này khi tại thời điểm bên đề nghị nhận được thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng (muộn, có lý do chính đáng), bên đề nghị từ chối ngay là không đồng ý với chấp nhận đó của bên được đề nghị, rõ ràng việc ghi nhận bên đề nghị nếu từ chối ngay cho dù thông báo chấp nhận đến muộn do có lý do chính đánh thì thông báo chấp nhận vẫn không có hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên mua bởi họ đã mất chi phí thuê phương tiện vận tải đến kho bãi của bên bán… Do vậy, để người mua không phải chịu thiệt hại thì pháp luật nên có quy định: tại thời điểm khi thời hạn được quy định kết thúc, nếu không nhận được sự trả lời, người bán (bên đề nghị) nên thông báo ngay cho người mua (bên được đề nghị) biết. Điều này cũng là để thể hiện và tuân thủ nguyên tắc trung thực, thiện chí của các bên trong việc ký kết và thực hiện hợp đồng theo quy định của pháp luật.
Trên đây là thông tin chúng tôi cung cấp về nội dung Thời điểm giao kết hợp đồng? Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự? và các thông tin pháp lý khác dựa trên quy dịnh của pháp luật hiện hành.