Thanh tra và thanh tra lại là gì? Quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế? Thẩm quyền và căn cứ thanh tra lại thuế?
Thanh tra là một hoạt động không thể thiếu trong quản lý nhà nước. Bất kì lĩnh vực vào cũng cần phải tiến hành hoạt động thanh tra. Đặc biệt là trong lĩnh vực thuế, việc xảy ra những vi phạm pháp luật về thuế là điều luôn thường trực. Thanh tra thuế được tiến hành theo quy định của pháp luật quản lý thuế và pháp luật thanh tra. Tuy nhiên, thực tế đặt ra các trường hợp phải tiến hành thanh tra lại.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Thanh tra và thanh tra lại là gì?
Hoạt động thanh tra là chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, là một trong ba yếu tố cấu thành nên sự lãnh đạo, quản lý đó là: Ban hành quyết định; tổ chức thực hiện quyết định; và thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quyết định. Có thể nói rằng ở đâu có sự lãnh đạo, quản lý thì ở đó có hoạt động thanh tra, giám sát. Thực chất thanh tra là việc xem xét tình hình thực tế để đánh giá, nhận xét và kết luận nhằm phát huy nhân tố tích cực, phòng ngừa xử lý các vi phạm, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ, hoàn thiện cơ chế quản lý, tăng cường pháp chế Nhà nước, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và công dân, bảo vệ lợi ích của quốc gia. Thanh tra là một khái niệm bao trùm lên các mặt kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh tế – xã hội nhằm đưa các hoạt động đó theo định hướng và các quy trình, quy phạm đã được xác định trên các văn bản quản lý Nhà nước và nghiệp vụ quản lý kinh tế.
Thanh tra chuyên ngành là một loại hình thanh tra. Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó .
Thanh tra chuyên ngành được tổ chức ở các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Bộ, ngành ở Trung Ương và Sở, ngành ở các địa phương nhằm mục đích giúp cho Thủ trưởng các cơ quan đó kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy tắc, quy phạm kỹ thuật của ngành hoặc các chính sách, pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành đó. Chính vì vậy, cơ quan thanh tra chuyên ngành có chức năng thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy tắc, quy phạm và những quy tắc quản lý của ngành. Qua thanh tra, kiểm tra có những kiến nghị đối với thủ trưởng cơ quan mình về sửa đổi, bổ sung các quy định được ban hành cho phù hợp với thực tế và đồng thời áp dụng các hình thức xử phạt hành chính đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của ngành.
Với sự giải thích như trên, chúng ta có thể hiểu thanh tra thuế chính là thanh tra chuyên ngành. Thanh tra lại được hiểu là việc đã thực hiện thanh tra và kết thúc hoạt động thanh tra đó, tuy nhiên, phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc vì một lý do khác mà cần thiết phải tiến hành một lần nữa hoạt động thanh tra. Thanh tra lại đóng vai trò kiểm tra lại một lần nữa hoạt động thanh tra đã được tiến hành.
2. Quy định về thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế:
Thanh tra lại trong hoạt động thanh tra thuế được quy định cụ thể tại Điều 120 Luật Quản lý thuế năm 2019.
Về thẩm quyền thanh tra lại:
“1. Thẩm quyền quyết định thanh tra lại vụ việc đã được kết luận nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật được quy định như sau:
a) Chánh Thanh tra Bộ Tài chính quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Tổng cục trưởng kết luận thuộc phạm vi, thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Tài chính khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính giao;
b) Tổng cục trưởng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Cục trưởng thuộc Tổng cục kết luận;
c) Cục trưởng quyết định thanh tra lại vụ việc đã được Chi cục trưởng thuộc Cục kết luận;
d) Quyết định thanh tra lại bao gồm các nội dung được quy định tại Điều 114 của Luật này. Chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ký quyết định thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi quyết định thanh tra lại cho đối tượng thanh tra. Quyết định thanh tra lại phải được công bố chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày ký và phải được đoàn thanh tra lập biên bản công bố quyết định thanh tra lại.” (Khoản 1)
Theo quy định trên, chúng ta thấy rằng chỉ cấp trên của chủ thể đã ra kết luận về việc thanh tra trước đó mới có thẩm quyền quyết định thanh tra lại. Điều này thể hiện được quyền hạn theo cấp, cấp trên có quyền kiểm tra, giám sát hoạt động của cấp dưới, nếu sai sót sẽ phải thực hiện lại hoạt động thanh tra kịp thời. Việc tiến hành thanh tra lại phải được quyết định và thể hiện qua Quyết định thanh tra lại. Quyết định thanh tra lại này sẽ do các chủ thể có thẩm quyền quyết định thanh tra lại ban hành. Một quyết định thanh tra lại phải thể hiện được nội dung quy định theo luật. Được gửi đến đối tượng thanh tra, được công bố và được đoàn thanh tra lập biên bản công bố quyết định thanh tra lại trong thời hạn quy định.
Về căn cứ thực hiện thanh tra lại
Tại Khoản 2 của Điều 120 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:
“2. Việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra;
b) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra;
c) Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình thanh tra hoặc có dấu hiệu rủi ro cao theo tiêu chí đánh giá rủi ro qua phân tích đánh giá rủi ro;
d) Người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật;
đ) Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.”
Tiêu chí quan trọng trọng việc thực hiện thanh tra lại đó chính là có vi phạm. Việc vi phạm có thể xảy ra trong quá trình thực hiện các thủ tục thanh tra, việc áp dụng sai pháp luật, hay việc kết luận thanh tra không phù hợp với chứng cứ, hoặc cố ý làm sai lệch; hoặc việc thanh tra chưa phát hiện ra được dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng. Khi nhận thấy những dấu hiệu vi phạm đó qua quá trình kiểm tra hồ sơ thanh tra, kiểm tra thực tế, hoặc cũng có thể qua các tin báo,…. mà các chủ thể có thẩm quyền sẽ ban hành quyết định thanh tra lại trong thanh tranh thuế.
Về thời hiệu thanh tra lại, thời hạn thanh tra thì “Thời hiệu thanh tra lại là 02 năm kể từ ngày ký kết luận thanh tra; Thời hạn thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 115 của Luật này.” (Khoản 3) Như vậy có thể hiểu sau khi hoạt động thanh tra thuế kết thúc thì việc thanh tra lại có thể được tiến hành trong vòng 02 năm kể từ thời điểm đó, hết thời gian 02 năm thì sẽ không thể tiến hành hoạt động thanh tra lại. Còn về thời hạn thanh tra lại sẽ được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra.
“Khi tiến hành thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra, trưởng đoàn thanh tra, thành viên đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại Điều 116 và Điều 117 của Luật này.” (Khoản 4). Về bản chất việc thanh tra lại cũng thực hiện các hoạt động tương tự như hoạt động thanh tra lần đầu, do đó, các cá nhân liên quan đến hoạt động thanh tra lại phải tuân theo những quy định nhiệm vụ, quyền hạn, nghĩa vụ về thanh tra thuế.
“5. Kết luận thanh tra lại, công khai kết luận thanh tra lại được quy định như sau:
a) Kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 119 của Luật này. Nội dung kết luận thanh tra lại phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra và kiến nghị biện pháp xử lý.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra lại phải gửi kết luận thanh tra lại cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp, cơ quan thanh tra nhà nước cấp trên;
b) Việc công khai kết luận thanh tra lại được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.”
Kết luận thanh tra phải đảm bảo những nội dung, hình thức theo quy định. Và nội dung thanh tra phải thể hiện được các vấn đề liên quan đến vấn đề thanh tra lại như tính chất, mức độ vi phạm,…. Kết luận thanh tra lại phải được gửi cho thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cấp trên và cùng cấp và được công khai theo quy định.