Đánh giá tác động môi trường là một trong những quy trình, thủ tục bắt buộc đối với doanh nghiệp có nhu cầu cải tạo, mở rộng, nâng cao công suất của cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Dưới đây là quy định của pháp luật về vấn đề tham vấn trong đánh giá tác động môi trường có thể tham khảo.
Mục lục bài viết
1. Quy định về tham vấn trong đánh giá tác động môi trường:
Tham vấn trong đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, đối tượng tham vấn trong đánh giá tác động môi trường được quy định như sau:
-
Cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp bởi tác động môi trường do hoạt động của các dự án gây ra, trong đó bao gồm: Cộng đồng dân cư, cá nhân sinh sống, kinh doanh, sản xuất tại khu vực có đất, mặt nước, đất có mặt nước, khu vực biển bị chiếm dụng để phục vụ cho hoạt động đầu tư dự án; cộng đồng dân cư, cá nhân nằm trong phạm vi tác động trực tiếp của khí thải, nước thải, tiếng ồn, khói bụi, chất thải rắn, chất thải nguy hại do dự án đầu tư công trình xây dựng gây ra; cộng đồng dân cư, cá nhân bị ảnh hưởng trực tiếp do các hiện tượng sụt lún, sạt lở, bồi lắng sông ngòi, bồi lắng bờ biển gây ra bởi dự án đầu tư công trình xây dựng; cộng đồng dân cư, cá nhân bị tác động khác, được xác định thông qua quá trình đánh giá tác động môi trường của các lực lượng chức năng. Đồng thời, việc tham vấn cộng đồng dân cư, cá nhân chịu tác động trực tiếp sẽ được thực hiện thông qua hình thức tổ chức cuộc họp lấy ý kiến;
-
Cơ quan và tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư xây dựng công trình, trong đó bao gồm: Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam cấp xã, phường nơi thực hiện dự án đầu tư công trình xây dựng; ban quản lý xây dựng, chủ đầu tư công trình xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, công nghiệp, cụm công nghiệp nơi dự án đầu tư xây dựng nằm trong ranh giới thuộc phạm vi quản lý của mình; cơ quan quản lý nhà nước đối với công trình thuỷ lợi, các dự án có xả nước thải vào công trình thuỷ lợi, có chiếm dụng công trình thuỷ lợi; cơ quan quản lý nhà nước được giao chức năng, nhiệm vụ quản lý trong khu vực có yếu tố nhạy cảm về môi trường; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Chỉ huy quân sự cấp tỉnh, Công an cấp tỉnh đối với các dự án đầu công trình xây dựng có liên quan trực tiếp đến yếu tố an ninh – quốc phòng. Đồng thời, quá trình tham vấn các cơ quan, tổ chức có liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư công trình xây dựng sẽ được thực hiện bằng hình thức tham vấn văn bản;
-
Nội dung tham vấn khác được thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật Bảo vệ môi trường năm 2022, trong đó bao gồm: Phương án cải tạo, phương án phục hồi môi trường đối với các dự án đầu tư công trình xây dựng khai thác khoáng sản hoặc dự án chôn lấp chất thải, phương án bồi hoàn đa dạng sinh học đối với các loại hình dự án đầu tư có phương án bồi hoàn đa dạng sinh học theo quy định của pháp luật.
2. Hình thức tham vấn trong đánh giá tác động môi trường:
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, có quy định về hình thức tham vấn trong đánh giá tác động môi trường. Theo đó:
(1) Tham vấn thông qua hình thức đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử. Trước khi trình lên cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư công trình xây dựng gửi nội dung tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường căn cứ theo quy định tại Điều 33 của Luật bảo vệ môi trường đến cơ quan, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, để tiến hành thủ tục tham vấn các đối tượng có liên quan (theo khoản 1 Điều 26 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ), ngoại trừ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Trong khoảng thời gian 05 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày nhận được đề nghị đăng tải của chủ dự án đầu tư công trình xây dựng, đơn vị quản lý trang thông tin điện tử của cơ quan thẩm định cần phải có trách nhiệm và nghĩa vụ đăng tải công khai nội dung tham vấn. Việc tham vấn sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 15 ngày, khi hết thời hạn tham vấn thì đơn vị quản lý trang thông tin điện tử có trách nhiệm và nghĩa vụ gửi kết quả tham vấn cho chủ dự án đầu tư xây dựng.
(2) Tham vấn bằng hình thức tổ chức cuộc họp lấy ý kiến. Theo đó, chủ đầu tư dự án sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan có thẩm quyền đó là Ủy ban nhân dân cấp xã, phường nơi thực hiện dự án niêm yết công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường tại trụ sở của Ủy ban nhân dân cấp xã, thông báo về thời gian tổ chức cuộc họp, địa điểm tổ chức hoặc tham vấn lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan trước thời điểm họp ít nhất là 05 ngày. Ủy ban nhân dân cấp xã, phường có trách nhiệm và nghĩa vụ niêm yết công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường được tính kể từ khi nhận được báo cáo đánh giá tác động môi trường kéo dài cho đến khi kết thúc cuộc họp lấy ý kiến của các bên có liên quan. Chủ dự án đầu tư công trình xây dựng có trách nhiệm, nghĩa vụ trình bày nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường tại cuộc họp tham vấn lấy ý kiến. Ý kiến của các đại biểu tham gia cuộc họp và các phản hồi, cam kết của chủ dự án đầu tư cần phải được thể hiện đầy đủ, trung thực, khách quan, vô tư trong biên bản cuộc họp tham vấn hội đồng theo mẫu do Bộ Tài nguyên và môi trường quy định.
(3) Tham vấn bằng văn bản. Theo đó, chủ đầu tư dự án gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đến các đối tượng có liên quan kèm theo văn bản tham vấn (mẫu tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ). Các đối tượng được tham vấn bằng văn bản có trách nhiệm và nghĩa vụ phản hồi bằng văn bản theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ trong khoảng thời gian không vượt quá 15 ngày được tính bắt đầu kể từ ngày nhận được văn bản thẩm vấn. Trong trường hợp không có ý kiến phản hồi trong thời gian nêu trên thì sẽ được coi là thống nhất với nội dung tham vấn.
3. Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư trong việc thực hiện tham vấn đánh giá tác động môi trường:
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 26 của Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, có quy định về trách nhiệm của chủ dự án đầu tư trong việc thực hiện tham vấn đánh giá tác động môi trường. Bao gồm một số trách nhiệm sau:
-
Thực hiện các hình thức tham vấn theo quy định tại khoản 4 Điều 33 của Luật Bảo vệ môi trường, tham vấn ý kiến của các bên có liên quan;
-
Đối với các dự án đầu tư có hoạt động nhấn chìm vật/chất ở biển; dự án đầu tư có tổng lưu lượng nước thải từ 10.000 m3/ngày trở lên, lưu lượng nước thải đó xả trực tiếp ra sông liên tỉnh, sông giáp ranh giữa các tỉnh/thành phố hoặc xả trực tiếp nước thải ra bờ biển, chủ dự án đầu tư công trình xây dựng cần phải thực hiện thủ tục tham vấn ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liền kề có sông liên tỉnh, công tác danh hoặc có bờ biển để phối hợp giải quyết, đưa ra phương án thực hiện sao cho phù hợp liên quan đến những vấn đề môi trường trong khu vực;
-
Đối với các dự án được quy định cụ thể tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ, có lưu lượng nước xả thải trực tiếp ra môi trường từ 10.000 m3/ngày trở lên hoặc có lưu lượng nước thải từ 200.000 m3/giờ trở lên thì chủ dự án đầu tư công trình xây dựng cần phải tham vấn ít nhất năm chuyên gia, nhà khoa học liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của dự án và các chuyên gia môi trường khác. Đối với các dự án còn lại thì chủ đầu tư cần phải thực hiện thủ tục tham vấn ít nhất ba chuyên gia, nhà khoa học liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động của dự án đầu tư và các chuyên gia môi trường khác;
-
Đối với các loại hình dự án đầu tư có nguy cơ bồi lắng, có nguy cơ xói mòn, sạt lở, xâm nhập mặn do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; dự án có hoạt động nhấn chìm các vật/chất nạo vét xuống biển với tổng khối lượng từ 5.000.000 mét khối trở lên; các dự án đầu tư có lưu lượng nước thải công nghiệp từ 10.000 m3/ngày trở lên, hoặc dự án có lưu lượng khí thải từ 200.000 m3/giờ trở lên thì chủ dự án đầu tư công trình xây dựng cần phải lấy ý kiến của các tổ chức chuyên môn liên quan đến kết quả tính toán của mô hình áp dụng trên thực tế;
-
Đối với các dự án đầu tư công trình xây dựng có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất của vùng lõi khu vực dự trữ sinh quyển với số lượng từ 01 hecta trở lên, thì chủ dự án cần phải lấy ý kiến của các tổ chức chuyên môn về vấn đề đánh giá tác động thực hiện dự án tới sự đa dạng sinh học;
-
Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hạ tầng viễn thông và tuyến đường dây tải điện liên tỉnh/thành phố, liên huyện, thì chủ dự án đầu tư chỉ cần thực hiện thủ tục tham vấn bằng văn bản đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (trong trường hợp dự án đó nằm trên địa bàn 02 tỉnh/thành phố trở lên) hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp dự án đó nằm trên địa bàn từ 02 quận, huyện trở lên;
-
Đối với các dự án đầu tư nằm trên vùng biển, dự án đầu tư nằm tại vùng thêm lục địa của Việt Nam chưa xác định được trách nhiệm quản lý hành chính của Ủy ban nhân dân cấp xã, thì chủ dự án đầu tư chỉ cần tham vấn bằng văn bản đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố nơi tiếp nhận chất thải vào bờ;
-
Đối với các loại hình dự án đầu tư nằm trong khu sản xuất, khu kinh doanh, kinh doanh dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, chủ dự án chỉ cần thực hiện thủ tục tham vấn Ban quản lý, chủ dự án đầu tư và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, khu dịch vụ tập trung và cụm công nghiệp đó;
-
Chủ dự án đầu tư có trách nhiệm, nghĩa vụ tổng hợp trung thực, khách quan, vô tư, thể hiện đầy đủ các ý kiến liên quan, kiến nghị của đối tượng được tham vấn; chủ đầu tư cần phải tiếp thu, giải trình kết quả tham vấn, hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi trình lên cơ quan có thẩm quyền thẩm định; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả tham vấn trong quá trình báo cáo đánh giá tác động môi trường.
THAM KHẢO THÊM: