Khái quát về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể? Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể?
Tranh chấp lao động là một hiện tượng kinh tế- xã hội có thể phát sinh trong quá trình xác lập, duy trì, thay đổi và chấm dứt quan hệ lao động. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường tại Việt Nam, tranh chấp lao động đặc biệt là tranh chấp lao động tập thể có chiều hướng gia tăng về số lượng và phức tạp về tính chất. Từ đó, đặt ra yêu cầu chặt chẽ và hiệu quả hơn trong việc giải quyết tranh chấp lao động tập thể mà nội dung về thẩm quyền được xem là yếu tố hàng đầu, quyết định đến việc kết quả giải quyết tranh chấp có phát sinh hiệu lực hay không.
Tổng đài Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7: 1900.6568
Cơ sở pháp lý:
1. Khái quát về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể?
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới như Pháp, Bỉ, Thuỵ Sĩ, Đức,…chia tranh chấp lao đọng thành hai loại là tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể. Tuy nhiên, không phải nước nào cũng xây dựng khái niệm về mỗi loại tranh chấp lao động mà có thể quy định theo phương pháp loại trừ.
Khái niệm về tranh chấp lao động tập thể tại Việt Nam được ghi nhận tại điểm b, Khoản 1, Điều 179 Bộ luật lao động, theo đó tranh chấp lao động tập thể là tranh chấp về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
Tranh chấp lao động tập thể gồm 2 loại: Tranh chấp lao động tập thể về quyền và tranh chấp lao động tập thể về lợi ích. Đối với mỗi loại tranh chấp thì thẩm quyền giải quyết sẽ có sự khác nhau theo quy định của pháp luật.
Giải quyết tranh chấp lao động tập thể là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành các công việc được quy định theo trình tự, thủ tục luật định để xác định quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động, người sử dụng lao động đang có tranh chấp trên cơ sở đơn yêu cầu của họ.
Thuật ngữ “thẩm quyền” bắt nguồn tư tiếng Latinh là “compotenia” có hai nghĩa là:
(i) Phạm vi các quyền hạn của các cơ quan hoặc hoặc người có chức vụ nào đó; Theo nghĩa này, trong khoa học pháp lý và quản lý thường được biểu thị bằng thuật ngữ thẩm quyền pháp lý.
(2) phạm vi những kiến thức và kinh nghiệm mà ai đó có được. Ý nghĩa này là “thẩm quyền chuyên môn”
Thẩm quyền pháp lý và thẩm quyền chuyên môn đều quan trọng đối với quản lý nhà nước và có quan hệ chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, trong khoa học, pháp luật và thực tiễn thuật ngữ “thẩm quyền” thừng vẫn được hiểu với nghĩa là thẩm quyền pháp lý.
Từ sự phân tích nghĩa về thẩm quyền, có thể hiểu, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể là toàn bộ những quyền do pháp luật quy định để cá nhân, cơ quan, tổ chức tiến hành xem xét, giải quyết những yêu cầu, vụ việc tranh chấp lao động tập thể.
2. Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể?
Thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc lợi ích được quy định tại hai điều luật khác nhau trong Bộ luật lao động, theo đó:
Điều 191, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền bao gồm các cá nhân, cơ quan, tổ chức sau:
“a) Hòa giải viên lao động;
b) Hội đồng trọng tài lao động;
c) Tòa án nhân dân.“
Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể tại Điều 191 giống với thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân, được quy định tại Điều 187.
Theo quy định trên, chúng ta cũng nhận thấy Bộ luật lao động 2019 đã xoá bỏ quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về quyền (xảy ra ở đơn vị sử dụng lao động được đình công) của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện.
Điều 195, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích bao gồm các cá nhân, tổ chức sau:
“a) Hòa giải viên lao động;
b) Hội đồng trọng tài lao động.“
Nghiên cứu sâu hơn về các chủ thể:
Thứ nhất, hòa giải viên lao động.
– Hòa giải viên lao động là người do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm để hòa giải tranh chấp lao động, tranh chấp về hợp đồng đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển quan hệ lao động. (Khoản 1, Điều 184 Bộ luật lao động).
– Hòa giải viên lao động thực hiện chức năng hòa giải khi có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động. Tùy theo tính chất phức tạp của vụ việc, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có thể cử một hoặc một số hòa giải viên lao động cùng tham gia giải quyết.
Vai trò của hòa giải viên lao động được đề cao theo nguyên tắc: Tranh chấp lao động tập thể về quyền (lợi ích) phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu Hội đồng trọng tài lao động hoặc Tòa án giải quyết.
Thứ hai, hội đồng trọng tài lao động.
– Hội đồng trọng tài lao động là tổ chức do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và bổ nhiệm Chủ tịch, thư ký và các trọng tài viên lao động. Nhiệm kỳ của Hội đồng trọng tài lao động là 05 năm.
– Khi có yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động về quyền hoặc lợi ích, Hội đồng trọng tài lao động quyết định thành lập Ban trọng tài lao động để giải quyết tranh chấp như sau: (Khoản 4, Điều 185 Bộ luật lao động).
+ Đại diện mỗi bên tranh chấp chọn 01 trọng tài viên trong số danh sách trọng tài viên lao động;
+ Trọng tài viên lao động do các bên lựa chọn theo quy định tại điểm a khoản này thống nhất lựa chọn 01 trọng tài viên lao động khác làm Trưởng Ban trọng tài lao động;
+ Trường hợp các bên tranh chấp cùng lựa chọn một trọng tài viên để giải quyết tranh chấp lao động thì Ban trọng tài lao động chỉ gồm 01 trọng tài viên lao động đã được lựa chọn.
Quy định về ban trọng tài lao động của Bộ luật lao động năm 2019 đã khắc phục được những bất cập của
– Nếu như tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền, khi hết thời hạn mà Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc hết thời hạn mà Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Hay khi một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Thì đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích lại không như vậy, bởi Tòa án không có thẩm quyền trong giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.
Thứ ba, Tòa án nhân dân.
Thẩm quyền của Tòa án nhân dân không chỉ được ghi nhận trong Bộ luật lao động mà còn được ghi nhận trong Bộ luật tố tụng dân sự. Đây là cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc giải quyết tranh chấp theo thủ tục tố tụng dân sự, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên.
Thẩm quyền của Tòa án phát sinh dựa trên đơn yêu cầu của các bên trong tranh chấp, trong các trường hợp: (Điều 219 Bộ luật lao động).
Trường hợp 1: Tranh chấp lao động tập thể về quyền theo quy định của pháp luật về lao động đã qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà hòa giải không thành, hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải hoặc một trong các bên không thực hiện biên bản hòa giải thành thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Trường hợp 2: Tranh chấp lao động tập thể về quyền mà hai bên thỏa thuận lựa chọn Hội đồng trọng tài lao động giải quyết nhưng hết thời hạn theo quy định của pháp luật về lao động mà Ban trọng tài lao động không được thành lập, Ban trọng tài lao động không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định của Ban trọng tài lao động thì có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.
Mỗi cơ quan giải quyết tranh chấp đại diện cho các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau, do vậy nó sẽ chứa đựng những ưu điểm và hạn chế nhất định, chẳng hạn, đối với phương thức hòa giải thì nhanh chóng, thủ tục đơn giản, nhưng kết quả hòa giải được ghi nhận không có hiệu lực pháp lý ràng buộc đối với các bên.
Nhìn chung, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể trong Bộ luật lao động vừa mang tinh thần của Bộ luật lao động năm 2012, vừa có những thay đổi, bổ sung trong sự vận động và phát triển của các tranh chấp lao động ngày càng đa dạng và phức tạp.