Hoạt động đầu tư xây dựng phải được thực hiện phù hợp theo đúng quy định của pháp luật để đạt hiệu quả tốt nhất. Việc thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động xây dựng. Vậy quy định về thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Thẩm định, phê duyệt sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng:
Tổng mức đầu tư xây dựng theo quy định tại Khoản 1 Điều 134
Căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 10/2021/NĐ-CP tổng mức đầu tư xây dựng được xác định, thẩm định, phê duyệt cụ thể như sau:
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng có ước tính sơ bộ tổng mức đầu tư gồm các chi phí đầu tư xây dựng của dự án. Nội dung của báo cáo sơ bộ bao gồm các chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư (nếu có), chi phí tư vấn đầu tư xây dựng; chi phí thiết bị; chi phí xây dựng; chi phí quản lý dự án; chi phí khác và chi phí dự phòng.
Tổng mức đầu tư được tính sơ bộ dựa trên cơ sở quy mô, công suất hoặc năng lực phục vụ theo phương án thiết kế sơ bộ của dự án và suất vốn đầu tư xây dựng hoặc dữ liệu chi phí các dự án tương tự về loại, quy mô, công suất, cấp công trình hoặc tính chất dự án, năng lực phục vụ của dự án đã thực hiện, có sự đánh giá, phân tích để điều chỉnh quy đổi về mặt bằng thị trường phù hợp với địa điểm xây dựng, bổ sung thêm các khoản chi phí cần thiết khác của dự án.
Quy trình để tiến hành việc thẩm định, phê duyệt sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng thực hiện đồng thời với việc thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công, quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có liên quan khác.
2. Quy định về thẩm duyệt tổng mức đầu tư xây dựng:
Việc phê duyệt tổng mức đầu tư xây dựng là một nội dung của quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của Điều 8 Nghị định 10/2021/NĐ-CP. Đối với việc quyết định đầu tư xây dựng thì người có thẩm quyền ra quyết định được quy định tại Điều 60 Luật Xây dựng được sửa đổi, bổ sung tại khoản 17 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, cụ thể như sau:
– Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công.
– Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan đối với dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước.
– Thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với dự án PPP.
– Chủ sở hữu hoặc đại diện chủ sở hữu quyết định đầu tư xây dựng hoặc thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, trừ dự án đầu tư xây dựng của doanh nghiệp có sử dụng vốn đầu tư của nhà nước và đối với dự án sử dụng vốn khác.
Chi phí tối đa để thực hiện dự án đầu tư xây dựng là tổng mức đầu tư xây dựng được phê duyệt.
3. Khi nào thì phải điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng?
3.1. Các trường hợp phải điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng:
Việc điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng đã phê duyệt của dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định tại Điều 9 Nghị định 10/2021/NĐ-CP, khoản 5 Điều 134 Luật Xây dựng và điểm đ khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, cụ thể các trường hợp sau:
– Do ảnh hưởng của sự cố môi trường, thiên tai, hỏa hoạn, địch họa và các yếu tố bất khả kháng khác;
– Sự xuất hiện của yếu tố mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án khi đã được chủ đầu tư chứng minh về hiệu quả kinh tế -xã hội, hiệu quả về kinh tế do việc điều chỉnh dự án mang lại.
– Dự án xây dựng bị ảnh hưởng trực tiếp khi quy hoạch xây dựng thay đổi.
Đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác, việc điều chỉnh tổng mức đầu tư do người quyết định đầu tư quyết định.
3.2. Nội dung của việc điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng:
Điều chỉnh tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh bao gồm phần tổng mức đầu tư không điều chỉnh và phần tổng mức đầu tư điều chỉnh. Tổng mức đầu tư xây dựng điều chỉnh phải được thẩm định với những nội dung liên quan như sau:
– Nội dung chi tiết thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng như sau:
+ Các căn cứ pháp lý để xác định tổng mức đầu tư xây dựng; sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng;
+ Phương pháp xác định tổng mức đầu tư xây dựng; sự phù hợp của tổng mức đầu tư xây dựng với sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng đã được phê duyệt;
+ Yêu cầu của dự án và sự phù hợp các chi phí liên quan đến nội dung tổng mức đầu tư xây dựng;
+ Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về áp dụng, giá xây dựng công trình, các công cụ cần thiết, tham khảo hệ thống định mức xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, công bố và việc tham khảo, vận dụng dữ liệu về chi phí của các công trình, dự án tương tự để xác định tổng mức đầu tư xây dựng.
– Nội dung chi tiết thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng của cơ quan hoặc tổ chức, cá nhân được người quyết định đầu tư giao chủ trì thẩm định như sau:
+ Kiểm tra kết quả thẩm tra tổng mức đầu tư xây dựng của tổ chức tư vấn sự đầy đủ, tính hợp lệ của hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng (nếu có);
+ Kết quả hoàn thiện, bổ sung hồ sơ trình thẩm định tổng mức đầu tư xây dựng theo các ý kiến giải trình và các kiến nghị của cơ quan chuyên môn về xây dựng;
+ Việc xác định khối lượng hoặc công suất, quy mô, năng lực phục vụ tính toán phù hợp và đầy đủ trong tổng mức đầu tư xây dựng so với thiết kế cơ sở của dự án;
+ Xác định giá trị tổng mức đầu tư xây dựng đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định, phù hợp với các điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường và kế hoạch thực hiện dự án phù hợp với yêu cầu thiết kế;
+ Đánh giá việc bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án theo giá trị tổng mức đầu tư xây dựng xác định sau thẩm định khi phân tích nguyên nhân tăng, giảm chi phí đầu tư xây dựng.
4. Quy định về thẩm định, phê duyệt chi phí chuẩn bị dự án:
Căn cứ theo quy định tại Điều 10 của Nghị định 10/2021/NĐ-CP thì chi phí chuẩn bị thực hiện dự án xây dựng được thẩm định phê duyệt cụ thể như sau:
– Chi phí để thực hiện các công việc nhằm chuẩn bị dự án gồm: khảo sát xây dựng; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có).
– Việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị dự án do Cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án hoặc chủ đầu tư (trong trường hợp đã xác định được chủ đầu tư) tổ chức thực hiện, trừ các trường hợp quy định đối với dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công và dự án mà có thuê tư vấn nước ngoài thực hiện công việc.
– Việc lập, thẩm định và phê duyệt dự toán chi phí chuẩn bị dự án đối với dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
– Thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự toán thực hiện đối với dự toán chi phí thuê tư vấn nước ngoài thực hiện công việc chuẩn bị dự án do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư thẩm định trình người quyết định đầu tư phê duyệt. Trường hợp dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư, giao cơ quan quản lý cấp trên của chủ đầu tư tổ chức thẩm định, phê duyệt.
– Đối với các dự toán chi phí để thực hiện công việc nhằm chuẩn bị dự án sau khi được phê duyệt được cập nhật vào tổng mức đầu tư xây dựng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Nghị định 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.