Theo quy định của pháp luật hiện nay, người bị buộc tội (trong đó có người bị tạm giữ, tạm giam) hoàn toàn có quyền thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với các cá nhân và các tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật. Dưới đây là quy định của pháp luật về vấn đề này.
Mục lục bài viết
1. Quy định về quyền tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam:
Căn cứ theo quy định tại Điều 9 của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 có quy định về quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, người bị tạm giam. Theo đó, người bị tạm giữ và người bị tạm giam sẽ có các quyền cơ bản như sau:
– Được bảo vệ an toàn về tính mạng, tài sản, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, được phổ biến đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của các cơ sở giam giữ;
– Được quyền thực hiện hoạt động bầu cử theo quy định của pháp luật về bầu cử, có quyền bỏ phiếu trưng cầu dân ý theo quy định của pháp luật về trưng cầu dân ý;
– Được đảm bảo chế độ ăn uống, sinh hoạt, nơi ở, đồ dùng cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, nhận thư, gửi thư, nhận quà, nhận sách báo và các loại tài liệu;
– Có quyền được gặp thân nhân, tiếp xúc với lãnh sự, được gặp người bào chữa;
– Được hướng dẫn, giải thích, đảm bảo thực hiện quyền tự bào chữa, được nho trợ giúp pháp lý hoặc người bào chữa;
– Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện các giao dịch dân sự;
– Được yêu cầu trả tự do khi hết thời hạn tạm giam, hết thời hạn tạm giữ;
– Được quyền thực hiện hoạt động khiếu nại, tố cáo đối với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong các cơ sở giam giữ;
– Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại nếu có thiệt hại xảy ra trên thực tế tại các cơ sở giam giữ;
– Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi pháp luật, ngoại trừ trường hợp quyền đó không thể thực hiện được do họ đang bị tạm giam/tạm giữ.
Bên cạnh đó, người bị tạm giam và người bị tạm giữ cần phải tuân thủ các nghĩa vụ như sau:
– Chấp hành đầy đủ quyết định, hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền quản lý;
– Chấp hành đầy đủ nội quy của các cơ sở giam giữ, quy định của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Căn cứ theo quy định tại Điều 481 của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 có quy định, các cơ sở giam giữ khi nhận được đơn tố cáo của người bị tạm giam, người bị tạm giữ thì cần phải ngay lập tức ghi vào sổ theo dõi, trong khoảng thời hạn 24h được tính kể từ khi nhận được đơn tố cáo, các cơ sở giam giữ cần phải chuyển đơn tố cáo đến viện kiểm sát có thẩm quyền để giải quyết theo quy định của pháp luật. Viện kiểm sát có thẩm quyền sẽ phải có nghĩa vụ và có trách nhiệm thông báo về kết luận nội dung tố cáo cho người tố cáo theo yêu cầu của người đó.
Như vậy có thể nói, người bị tạm giam, tạm giữ hoàn toàn được thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo đối với các cá nhân và các tổ chức có hành vi vi phạm quy định của pháp luật tại các cơ sở giam giữ.
2. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam:
Căn cứ theo quy định tại Điều 23 của Luật tổ chức viện kiểm sát nhân dân năm 2014 có quy định về hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quá trình tạm giữ, tạm giam. Cụ thể như sau:
– Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có trách nhiệm giải quyết khiếu nại và tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam;
– Cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam sẽ phải có trách nhiệm chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân đơn khiếu nại, đơn tố cáo của người bị tạm giữ, người bị tạm giam trong khoảng thời gian 24.00 được tính kể từ khi nhận được yêu cầu khiếu nại, tố cáo;
– Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân cấp huyện, viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực, viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu sẽ có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với các quyết định hành chính, hành vi hành chính vi phạm quy định của pháp luật trong hoạt động tạm giữ, tạm giam của các cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm soát của mình;
– Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên là chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với việc giải quyết khiếu nại của Viện trưởng viện kiểm sát cấp dưới, quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên sẽ được xem là quyết định có hiệu lực pháp luật;
– Viện trưởng viện kiểm sát là chủ thể có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động tạm giữ, tạm giam của người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm soát của mình. Trong trường hợp hết thời hạn pháp luật quy định, tuy nhiên hoạt động tố cáo vẫn không được giải quyết, thì viện trưởng viện kiểm sát cấp trên sẽ có thẩm quyền giải quyết nội dung tố cáo đó, kết luận nội dung tố cáo của Viện trưởng viện kiểm sát cấp trên theo quy định của pháp luật sẽ được xem là kết luận cuối cùng.
3. Những hành vi nào bị cấm thực hiện đối với người bị tạm giữ, tạm giam?
Căn cứ theo quy định tại Điều 8 của Luật thi hành án tạm giữ, tạm giam năm 2015 có quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm đối với người bị tạm giữ, tạm giam. Cụ thể như sau:
– Nghiêm cấm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình dưới bất kỳ hình thức nào, nghiêm cấm các hình thức phân biệt đối xử, xử phạt tàn bạo, vô nhân tính, nghiêm cấm tất cả các hành vi hạ nhục nhân phẩm con người, hoặc bất cứ hình thức nào khác xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp cơ bản của người bị tạm giữ, người bị tạm giam;
– Không chấp hành hiệu lệnh, không chấp hành quyết định của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền về tạm giữ, tạm giam, trả tự do;
– Giam giữ người trái quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật và xâm phạm thân thể và sức khỏe của người khác, trả tự do trái pháp luật người bị tạm giữ, người bị tạm giam, có hành vi vi phạm quy định trong quá trình quản lý, canh gác hoặc áp giải người bị tạm giữ/người bị tạm giam;
– Có hành vi cản trở người bị tạm giữ, tạm cho người bị tạm giam thực hiện quyền thăm gặp thân nhân, thực hiện quyền bào chữa trái quy định của pháp luật, ngăn cản người bị tạm giữ và người bị tạm giam được thực hiện hoạt động trợ giúp pháp lý, tiếp xúc lãnh sự, thực hiện hoạt động khiếu nại và tố cáo, thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ khác của công dân theo quy định của pháp luật và theo quy định của hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tất cả các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan;
– Phá hủy các cơ sở giam giữ, hủy hoại hoặc có hành vi cố tình làm hư hỏng các loại tài sản của các cơ sở giam giữ, tổ chức trốn khỏi trại giam, có hành vi trốn khỏi nơi giam giữ, tổ chức trốn và trốn khỏi nơi giam giữ khi đang bị áp giải, có hành vi đánh người bị tạm giữ, đánh người bị tạm giam;
– Không chấp hành đầy đủ nội quy, không tuân thủ đầy đủ quy định của các cơ sở giam giữ, không tuân thủ chế độ quản lý giam giữ, quyết định hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, người có thẩm quyền quản lý và thi hành tạm giữ, tạm giam;
– Thực hiện, tổ chức, xúi giục, kích động, dụ dỗ, lôi kéo, có hành vi giúp sức hoặc ép buộc người khác dưới bất kỳ hình thức nào để người đó thực hiện hành vi vi phạm pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam. Có hành vi trả thù, xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm, xâm phạm đến tài sản của người khác trong quá trình thi hành tạm giữ và tạm giam.
Như vậy có thể nói, hành vi cản trở quyền tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam là một trong những hành vi bị nghiêm cấm thực hiện.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014;
– Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015;
– Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam 2015.