Để đảm bảo sự công bằng minh bạch trong quá trình quản lý, giải quyết vấn đề đất đai thì công dân hoàn toàn có quyền tiếp cận thông tin. Vậy, pháp luật quy định về quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Quy định về quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân:
1.1. Ghi nhận trong Hiến pháp:
Hiện nay, Hiến pháp năm 2013 vẫn đang trở thành đạo luật gốc quy định những vấn đề quan trọng nhất của quốc gia. Những nội dung này có thể được xây dựng kế thừa quy định của Hiến pháp trước đây. Riêng đối với quyền được tiếp cận thông tin thì có sự kế thừa Hiến pháp năm 1992 về quyền được thông tin của công dân và sửa đổi thành quyền tiếp cận thông tin của công dân. Các nguyên tắc thực hiện quyền con người, quyền công dân, trong đó có quyền tiếp cận thông tin; khẳng định trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân lần đầu tiên tại Hiến pháp năm 2013 quy định (Điều 3). Cũng trong nội dung ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Sau này, Quyền tiếp cận thông tin đã được nâng lên thành quyền hiến định đã được ghi nhận cụ thể tại Điều 25 Hiến pháp năm 2013 và Nhà nước bảo đảm thực hiện quyền này của công dân.
1.2. Luật Đất đai:
Theo pháp luật hiện hành thì tại Điều 28 Luật Đất đai 2013 vẫn chưa có điều khoản riêng để thể hiện rõ nội dung về quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân, chỉ có quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai như sau:
– Nhà nước tham gia vào hoạt động xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai;
– Có trách nhiệm trong việc công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật.
– Khi ban hành quyết định hành chính, hành vi hành chính tác động lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân thì cần thông báo cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp;
– Theo ghi nhận thì cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Cho đến ngày 18/01/2024, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Đất đai 2024 thay thế Luật Đất đai 2013, có hiệu lực từ ngày 01/01/2025 thì đã có những điều chỉnh, bổ sung nhất định về nội dung. Căn cứ Điều 18 Luật Đất đai 2024, trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai được quy định như sau:
– Nhà nước phải tạo điều kiện và bảo đảm quyền tiếp cận của người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác đối với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai theo quy định của pháp luật; phải có chế độ ưu tiên lựa chọn hình thức phù hợp với phong tục, tập quán và văn hóa truyền thống của từng dân tộc, từng vùng đối với hoạt động tiếp cận thông tin;
– Tiến hành việc công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai cho người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác, trừ những thông tin thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
– Thực hiện việc thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai đến người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp;
Bên cạnh đó, tại Điều 24 Luật Đất đai 2024 đã có những nội dung riêng quy định công dân được tiếp cận các thông tin đất đai, các nội dung được thể hiện như sau:
– Công dân có quyền được biết các nội dung thể hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch có liên quan đến sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt;
– Nếu có nhu cầu biết các vấn đề về thống kê, kiểm kê đất đai thì Cơ quan có thẩm quyền cũng phải đảm bảo quyền này của công dân;
– Tiến hành việc Giao đất, cho thuê đất;
– Được tiếp cận nội dung thể hiện bảng giá đất đã được công bố;
– Để đảm bảo được quyền lợi của mình trong trường hợp được bồi thường, tái định cư thì những phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng được tiếp cận tìm hiểu;
– Công dân được yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thông báo về kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp đất đai; kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai;
– Liên quan về các thủ tục hành chính về đất đai cũng sẽ được bảo đảm;
– Người dân hoàn toàn có thể tìm hiểu về các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai;
– Bên cạnh đó, tiếp cận các thông tin đất đai khác theo quy định của pháp luật cũng là quyền cơ bản của công dân.
Luật Đất đai 2024 đã quy định cụ thể về quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân khác với hiện hành tại Luật Đất đai 2013 chỉ quy định về trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai.
1.3. Luật Tiếp cận thông tin năm 2016:
Trong nội dung hướng dẫn của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 thì đã ghi nhận công dân được tiếp cận thông tin, và thông qua các cách thức sau: Cá nhân được trao quyền tự do tiếp cận thông tin được cơ quan nhà nước công khai; Có quyền trong việc yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp thông tin. Quyền tiếp cận thông tin cua công dân trong một số thông tin tiếp cận có điều kiện thì chủ thể tiếp cận phải có yêu cầu và thực hiện các nghĩa vụ cần thiết theo quy định, ví dụ như cần có phiếu yêu cầu thông tin tiếp cận, một số trường hợp cần phải trả phí tiếp cận thông tin…thì mới được chấp thuận yêu cầu;
Hiện nay, hình thức cung cấp thông tin theo yêu cầu được thực hiện vô cùng đa dạng, có thể thực hiện bằng một trong các hình thức như trực tiếp tại trụ sở cơ quan cung cấp thông tin hoặc qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax.
2. Một số kiến nghị để quyền tiếp cận thông tin đất đai của công dân được áp dụng toàn diện trên thực tế:
Thứ nhất, Quyền tiếp cận thông tin đất đai quy định được biết đến là một quyền cơ bản của công dân đối với đất đai, nên có sự ghi nhận quyền này vào nội dung quyền của công dân đối với đất đai, có như vậy thì mới chi tiết hóa nội dung quyền và bảo đảm tính logic trong một điều khoản khác;
Thứ hai, liên quan đến các nội dung về trách nhiệm của Nhà nước trong việc xây dựng, cung cấp thông tin đất đai đã được thể hiện tại Điều 28 Luật Đất đai năm 2013 thì cũng nên có sự điều chỉnh nhất định trong tư duy cải cách hành chính nhà nước, cần bảo đảm quyền tiếp cận của người sử dụng đất và tổ chức, cá nhân khác đối với Hệ thống thông tin quốc gia về đất đai;
Thứ ba, để mang tính chất răn đe với hành vi vi phạm thì cần ghi nhận rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong trường hợp xâm phạm đến quyền tiếp cận thông tin đất đai của người dân. Các cơ quan bảo vệ quyền tiếp cận thông tin đất đai cần được trú trọng đầu tư, phát triển về chuyên môn, đạo đức để tránh tình trạng lạm quyền, tiếp nhận và xử lý vi phạm không nghiêm minh;
Thứ tư, Có thể thấy thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là vấn đề nan giải, gây nhiều khó khăn cho người dân nên cần đẩy mạnh việc tổ chức tập huấn hướng dẫn đối với cán bộ phụ trách vấn đề này như Xác định các đối tượng được quyền yêu cầu cung cấp thông tin dữ liệu đất đai; các trường hợp được chuyển cơ quan đề nghị thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin dữ liệu đất đai, tích cực hỗ trợ người dân tránh trường hợp đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn, bắt bẻ người dân đi lại nhiều lần trong khi có thể hỗ trợ được…
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Hiến pháp năm 2013;
– Luật Đất đai năm 2024;
– Luật tiếp cận thông tin 2016.