Khái quát về quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước? Quy định về quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước?
Kiểm toán nhà nước Việt Nam ra đời năm 1994, sau hơn 20 năm kể từ khi ra đời, Kiểm toán nhà nước đã ngày càng phát triển cả về quy mô và chất lượng hoạt động; qua kiểm toán góp phần vào việc đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công. Hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước để đảm bảo được tính hiệu quả, khách quan thì phải trải qua một quy trình nhất định được pháp luật quy định. Đây cũng là nội dung chính được Luật Dương Gia phản ánh trong bài viết dưới đây: Quy định về quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.
Tổng đài Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2019.
Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN về Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
1. Khái quát về quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước?
Kiểm toán nhà nước là cơ quan công quyền, do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Kiểm toán nhà nước không thuộc hệ thống các cơ quan hành pháp để đảm bảo tính độc lập và thực hiện “ngoại kiểm” đối với các cơ quan, tổ chức quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công.
Kiểm toán nhà nước ra đời trên cơ sở nhà nước pháp quyền và phục vụ cho nhà nước pháp quyền; do vậy, cũng như mọi tổ chức khác, tổ chức và hoạt động Kiểm toán nhà nước phải tuân thủ pháp luật; pháp luật là tiền đề cho sự ra đời và hoạt động của Kiểm toán nhà nước.
Theo Điều 1 Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN quy định: “Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (sau đây gọi là Quy trình kiểm toán) quy định trình tự, thủ tục tiến hành các công việc của cuộc kiểm toán do Kiểm toán nhà nước thực hiện. Quy trình kiểm toán được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Kiểm toán nhà nước, Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán nhà nước (CMKTNN) và thực tiễn hoạt động kiểm toán.” Như vậy, phân tích về quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước là quá trình phân tích các bước, các trình tự, thủ tục cụ thể trong các bước Kiểm toán nhà nước thực hiện hoạt động kiểm toán dựa trên quy định cua Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
2. Quy định về quy trình kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước?
Quy trình kiểm toán gồm 04 bước theo quy định tại Điều 44 Luật Kiểm toán nhà nước, cụ thể:
2.1. Chuẩn bị kiểm toán.
Chuẩn bị kiểm toán là giai đoạn đầu tiên và quyết định đến tính hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Đây là giai đoạn thực hiện các công việc cụ thể như:
– Khảo sát và thu thập thông tin: Hoạt động này do đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán tiến hành, dựa trên kế hoạch kiểm toán hằng năm danh mục đầu mối kiểm toán do Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành, chủ yếu là việc lập, phê duyệt và gửi Đề cương khảo sát (Đề cương khảo sát phải đảm bảo các nội dung luật định); dựa trên đề cương tiến hành khảo sát và thu thập thông tin (dựa trên các phương pháp đề đạt hiệu quả tối ưu).
– Đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập. Mục đích của hoạt động này nhằm để “xác định mục tiêu, nội dung, phạm vi kiểm toán và phương pháp kiểm toán thích hợp“. Nội dung đánh giá được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 8 Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN, theo đó: “Đánh giá tính đầy đủ, hiệu lực, hiệu quả, độ tin cậy, những hạn chế của hệ thống kiểm soát nội bộ và thông tin đã thu thập làm cơ sở đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán.”. Việc đánh giá là căn cứ để thực hiện hoạt động tiếp theo trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán.
– Lập kế hoạch kiểm toán. Ở hoạt động này, việc lập kế hoạch tổng quát được chia làm 03 giai đoạn: (1) Lập kế hoạch kiểm toán tổng quát; (2) Xét duyệt, hoàn thiện, phát hành kế hoạch kiểm toán tổng quát; (3) Lập và phế duyệt kế hoạch tổng quát chi tiết. Ở mỗi giai đoạn sẽ có những cách thức thực hiện, cũng như yêu cầu đối với mỗi kế hoạch kiểm toán là khác nhau, nhiệm vụ, quyền hạn của chủ thể có liên quan được thể hiện trong đó cũng có sự khác biệt.
– Sau khi kế hoạch kiểm toán tổng quát và chi tiết được phê duyệt và thông qua, thì hoạt động cuối cùng trong chuẩn bị kiểm toán là ban hành quyết định kiểm toán, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Đoàn kiểm toán theo quy định tại Điều 12, 13, 14 Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN.
2.2. Thực hiện kiểm toán.
Nguyên tắc chi phối ở bước thực hiện kiểm toán được quy định tại Khoản 1, Điều 46 Luật Kiểm toán nhà nước, theo đó: “Đoàn kiểm toán phải thực hiện kiểm toán đúng quyết định kiểm toán“. Thực hiện kiểm toán trải qua 03 giai đoạn chính:
– Công bố quyết định kiểm toán. Việc công bố là hợp thức hóa hoạt động kiểm toán của Đoàn kiểm toán trước đơn vị được kiểm toán.
– Tiến hành kiểm toán: Đây là giai đoạn trọng tâm trong bước thực hiện kiểm toán, ở giai đoạn này, kiểm toán viên nhà nước thực hiện việc thu thập, đánh giá bằng chứng kiểm toán; tiến hành kiểm toán, đối chiếu, xác minh, điều tra, kiểm định làm rõ vụ việc tham nhũng theo Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng của Kiểm toán nhà nước; kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động; Ghi chép tài liệu, hồ sơ kiểm toán; Tổ trưởng kiểm tra, soát xét các phần việc kiểm toán do Kiểm toán viên nhà nước thực hiện; Kiểm toán viên nhà nước ký biên bản xác nhận số liệu và tình hình kiểm toán.
– Lập và thông qua biên bản kiểm toán của Tổ kiểm toán với đơn vị được kiểm toán. Đây là giai đoạn có ý nghĩa quan trọng chứng minh tính hợp pháp trong hoạt động của Tổ kiểm toán, chứng minh sự việc tiến hành kiểm toán là có cơ sở và đúng quy trình, đồng thời cũng đảm bảo quyền thông tin của đơn vị kiểm toán và có thể khắc phục những hạn chế, sai sót ngay sau khi tiếp nhận biên bản.
Có thể nói, thực hiện kiểm toán là bước quan trọng nhất và phức tạp nhất trong quy trình kiểm toán của kiểm toán nhà nước, chuẩn bị kiểm toán là bước tiền đề cho bước này và thực hiện kiểm toán là bước để phát sinh các bước còn lại, việc thực hiện kiểm toán hiệu quả, chính xác là căn cứ để lập và gửi báo cáo kiểm toán.
2.3. Lập và gửi báo cáo kiểm toán.
Báo cáo kiểm toán phải được Đoàn kiểm toán (Trường đoàn kiểm toán) lập dự thảo, dự thảo này được thực hiện dựa trên việc tập hợp các bằng chứng kiểm toán, kết quả kiểm toán; kiểm tra, phân loại, tổng hợp kết quả kiểm toán; lập dự thảo báo cáo kiểm toán và thảo luận, lấy ý kiến Thành viên đoàn kiểm toán. Dự thảo báo cáo phải được Kiểm toán trưởng xét duyệt trước khi trình Tổng Kiểm toán nhà nước dự thảo báo cáo kiểm toán đã được hoàn chỉnh. Sau đó, Tổng kiểm toán nhà nước lại một lần nước xét duyệt dự thảo báo cáo và yêu cầu Kiểm toán trưởng chỉ đạo Trưởng đoàn hoàn chỉnh dự thảo báo cáo kiểm toán theo ý kiến kết luận của Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc người được Tổng Kiểm toán nhà nước ủy quyền tại cuộc họp xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán. (Khoản 1, Điều 21, Quyết định 02/2020/QĐ-KTNN.).
Lập và gửi báo cáo kiểm toán là bước còn phải thực hiện hoạt động
2.4. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
Việc theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nhằm đảm bảo “thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.“. Giai đoạn này cho phép kiểm toán nhà nước thực hiện các biện pháp nhằm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch kiểm tra, quyết định kiểm tra, chuẩn bị triển khai kiểm tra tại đơn vị được kiểm tra; tổ chức thực hiện kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán tại đơn vị được kiểm tra; lập biên bản, báo cáo kiểm tra; thẩm định, phát hành báo cáo kiểm tra; lưu trữ hồ sơ kiểm tra.
Hình thức chủ yếu để thực hiện kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán là “Yêu cầu đơn vị được kiểm toán báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán“. Trên cơ sở tiếp nhận hoặc tổ chức thực hiện kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, kiểm toán nhà nước phải có báo cáo về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán và gửi báo cáo kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đến Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội chậm nhất là 16 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc, đồng thời gửi Chủ tịch nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. (Khoản 3, Điều 49 Luật Kiểm toán nhà nước).
Như vậy, qua quá trình phân tích cụ thể các quy định của pháp luật về quy trình kiểm toán nhà nước, tác giả nhận thấy rằng, các việc ban hành quy trình thực sự có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo sự thống nhất trong việc tổ chức, quản lý, thực hiện; tạo cơ sở pháp lý và khuôn khổ nghề nghiệp trong một cuộc kiểm toán nhất định, tạo tiền đề cho hoạt động kiểm toán được diễn ra hiệu quả và đúng mục tiêu mà hoạt động này đề ra.