Khái quát về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia? Quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia?
Quy hoạch sử dụng đất là hiện tượng kinh tế xã hội, là hoạt động vừa mang tính khoa học, vừa mang tính pháp lý nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng đất hiện tại và tương lai của xã hội một cách tiết kiệm khoa học và có hiệu quả cao nhất. Ở nước ta, công tác quy hoạch sử dụng đất được tiến hành theo lãnh thổ và theo mục đích sử dụng đất (theo ngành), mà theo quy định của pháp luật là hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Giữa các cấp quy hoạch có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó, quy hoạch sử dụng đất đai cấp quốc gia là chỗ dựa của quy hoạch sử dụng đất đai cấp tỉnh và quy hoạch sử dụng đất ở các cấp khác. Để hiểu rõ hơn về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ phân tích các quy định của pháp luật hiện hành về nội dung này.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Luật Đất đai năm 2013
Luật Quy hoạch năm 2017
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
Mục lục bài viết
1. Khái quát về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia?
Quy hoạch sử dụng đất đai được thừa nhận trên thế giới cũng như ở Việt Nam là khâu nghiên cứu về đất đai nhằm đưa đất vào sử dụng một cách có hiệu quả. Quy hoạch sử dụng đất đai được tiến hành nghiên cứu theo ngành sử dụng đất đai và theo các cấp vùng lãnh thổ rộng lớn tới những nông trường, trang trại xí nghiệp …thậm chí tới từng lô đất, thửa đất.
Khái niệm về quy hoạch sử dụng đất được giải thích theo Luật Đất đai, tại Khoản 2, Điều 3 là “việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.”
Bên cạnh việc giải thích về quy hoạch sử dụng đất, văn bản này cũng không loại trừ quy định về kế hoạch sử dụng đất, theo đó, tại Khoản 3, Điều 3 cũng nêu rõ: “Kế hoạch sử dụng đất là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất.”
Qua quá trình tìm hiểu quy định của pháp luật cũng như các tài liệu khoa học về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì cụm từ “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia” được xuất hiện khá nhiều và được xem như là một nội dung trọng tâm. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia là có thể được hiểu là một cấp trong hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, là quy hoạch cấp quốc gia, cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia về phân bổ và khoanh vùng đất đai cho các ngành, lĩnh vực và các địa phương trên cơ sở tiềm năng đất đai (Khoản 4, Điều 3, Luật Quy hoạch).
Quy hoạch sử dụng đất ở cấp quốc gia không phải là nội dung mới, nó được thực hiện bởi nhiều quốc gia trên thế giới và có thể được coi là quan điểm chung khi Tổ chức Lương thực và nông nghiệp thế giới cũng xem đây là một cấp quy hoạch sử dụng đất, quan điểm của tổ chức này như sau:
Ở cấp độ quốc gia thì quy hoạch liên quan đến mục tiêu phát triển của quốc gia đó và cũng liên quan đến khả năng phân chia nguồn tài nguyên. Trong nhiều trường hợp, quy hoạch sử dụng đất đai không bao gồm sự phân chia thật sự đất đai cho các sử dụng khác nhau, nhưng lại đặt thành dạng ưu tiên cho những đề án cấp tỉnh. Quy hoạch sử dụng đất đai cấp quốc gia bao gồm:
– Chính sách sử dụng đất đai: cân bằng giữa những sự canh tranh trong nhu cầu về đất đai từ các ngành khác nhau của kinh tế – sản lượng lương thực, cây trồng xuất khẩu, du lịch, bảo vệ thiên nhiên, nhà cửa, phương tiện công cộng, đường xá, kỹ nghệ;
– Kế hoạch phát triển quốc gia và ngân sách: xác định đề án và phân chia nguồn tài nguyên cho phát triển;
– Điều phối các ngành khác nhau trong việc sử dụng đất đai;
– Xây dựng luật cho từng chuyên ngành như: quyền sử dụng đất đai, khai thác rừng, và quyền sử dụng nguồn nước.
Những mục tiêu của quốc gia thì phức tạp trong việc quyết định chính sách, luật lệ và tính toán tài chính ảnh hưởng đến dân chúng và trong vùng rộng lớn. Chính quyền không thể là những nhà chuyên môn để đối phó với tất cả các vấn đề trong sử dụng đất đai. Do đó, trách nhiệm của nhà quy hoạch là trình bày những thông tin cần thiết có liên quan để chính quyền có thể hiểu rõ và có tác động trong việc tiến hành thực hiện các quy hoạch.
2. Quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia?
Quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia trước đây được thể hiện chủ yếu trong Luật đất đại 2013, tuy nhiên trải qua quá trình dài áp dụng và bộc lộ những hạn chế, đồng thời trước những đòi hỏi phải thay đổi trong chính sách đất đai nên các quy định này đã được sửa đổi, bổ sung và hiện được áp dụng theo Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch.
Khoản 1, Điều 6, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch quy định các nội dung về quy hoạch, sử dụng đất cấp quốc gia, cụ thể như sau:
Thứ nhất, căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia:
Căn cứ lập quy hoạch phải dựa trên căn cứ chung về quy hoạch bao gồm: Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển; quy hoạch cao hơn; quy hoạch thời kỳ trước. Đồng thời phải căn cứ vào: điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội; hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ trước; nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và của cấp tỉnh. Đây là mối quan hệ trong quy định giữa luật chung và luật chuyên ngành, giữa sự tổng thể và sự cụ thể hóa sao cho phù hợp với cấp độ quy hoạch.
Thứ hai, nội dung quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Về khía cạnh này, văn bản sửa đổi, bổ sung
Nội dung tổng quát: quy hoạch sử dụng đất quốc gia xác định việc phân bổ và tổ chức không gian sử dụng đất cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực mang tính liên vùng, liên tỉnh.
Nội dung chi tiết, chủ yếu:
– Phân tích, đánh giá về các yếu tố, điều kiện tự nhiên, nguồn lực, bối cảnh trực tiếp tác động và thực trạng sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực;
– Dự báo xu thế biến động của việc sử dụng đất;
– Xác định các quan điểm và mục tiêu sử dụng đất trong thời kỳ mới;
– Định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng;
– Định hướng phân bổ không gian và chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp;
– Xác định không gian đất chưa sử dụng;
– Giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch.
Nội dung chi tiết còn được Chính phủ cụ thể hơn nữa bởi Điều 22 Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch.
Thứ ba, căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Kế hoạch sử dụng đất là việc hiện thực ý đồ quy hoạch thông qua các biện pháp dự liệu, căn cứ lập kế hoạch trước hết là quy hoạch sử dụng đất quốc gia; kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm và hàng năm của cả nước; nhu cầu sử dụng đất 05 năm của các ngành, lĩnh vực, của cấp tỉnh; kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ trước; khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
Thứ tư, nội dung kế hoạch sử dụng đất quốc gia
– Phân tích, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ trước;
– Xác định diện tích các loại đất trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia theo từng thời kỳ kế hoạch sử dụng đất 05 năm;
– Kế hoạch sử dụng đất 05 năm cho từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính cấp tỉnh;
– Giải pháp thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
Các nội dung này là bắt buộc trong kế hoạch sử dụng đất quốc gia, là cơ sở quan trọng để thực hiện quy hoạch một cách hiệu quả, chính xác, hợp lí trong một khoảng thời gian, tránh phải điều chỉnh gây ảnh hưởng tới người sử dụng đất.
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia có thể bị điều chỉnh bởi các nguyên nhân như:
Do có chủ trương phát triển kinh tế xã hội mới: trong những trường hợp nhất định, do yêu cầu phát triển cảu nền kinh tế xã hội hoặc do những lí do đặc biệt khác như thiên tai tác động… sẽ có nhiều chủ trương kinh tế, chính sách… thay đổi dẫn đến yêu cầu phải tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại ruộng đất, do đó quy hoạch sử dụng đất phải điều chỉnh, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế khách quan và yêu cầu chủ quan của nền kinh tế.
– Do có những tài liệu điều tra cơ bản mới: điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội là những yếu tố luôn luôn thay đổi, quá trình thu thập thông tin để làm quy hoạch thông thường chỉ trong một thời điểm nhất định dẫn đến nhiều khi quy hoạch làm xong đã lạc hậu với tình hình. Vì những điều đó, phải luôn khảo sát, thu thập để bổ sung cho tình hình cơ bản và từ đó bổ sung cho quy hoạch….